Thứ Hai, 18 tháng 10, 2021

CÔNG TRÌNH KỂ BIẾT MẤY MƯƠI

 


CÔNG TRÌNH KỂ BIẾT MẤY MƯƠI

                 PGS.TS. Nhà văn Vũ Nho

         Đồng Thị Chúc là người gắn bó và chung thủy với thể thơ Lục bát của dân tộc. Chị  viết nhiều thơ lục bát.  Có thể coi hai câu sau là lời tự bạch:

Giữa Trời Đất rộng mênh mông
Cặp đôi Lục Bát tang bồng mà đi.

                         (Lục Bát)

Cố nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo đã viết về chị thật ấn tượng:  

Có thể bạn chưa biết thơ lục bát của Đồng Thị Chúc đã từng được Ban giám khảo chọn vào vòng chung kết cuộc thi thơ của báo Giáo dục & Thời đại 1996-1998. Ban giám khảo đã tinh tường chọn lục bát cho Đồng Thị Chúc, hay chính thơ lục bát đã chọn chị? Quả là không sai. Chị viết thơ lục bát như thể thơ này đã nằm sẵn trong ngòi bút của chị, trong trái tim đầy ắp hồn quê của chị. Chị thoải mái nối vần lục bát từ chuyện vui đến chuyện buồn, từ cảm xúc yêu đến cảm xúc đau, từ tiếng khóc đến tiếng cười, từ cây đa bến nước sân đình đến phố thị thênh thang. Nhưng dù nói chuyện gì thì thơ chị vẫn bền bỉ hồn quê

                  (Lời giới thiệu tập thơ “ Con gái thì thứ hai”)

Mà  nhà thơ Đồng Thị Chúc không chỉ yêu lục bát của riêng mình. Từ tình yêu đằm thắm, chung thủy đó , chị còn yêu  lan sang lục bát của người. Cái việc  tác giả tỉ mẩn, nâng niu,  gom chọn lục bát viết về Mẹ của cả trăm tác giả từ trăm vùng miền  để làm nên tập sách “Lục bát dâng tặng Mẹ ta” ( Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2015) được bạn đọc yêu thích cũng đã nói lên cái “nghiệp lục bát” của chị. Mà cái nghiệp đó vẫn còn tiếp tục  đeo đẳng, gắn bó dài lâu. Nhà thơ đã đọc các tập thơ, đã gửi cho người viết chị quen biết để xin bài, đã tìm trên mạng, gạn lọc, chắt chiu lục bát của mọi người. Và giờ đây lại có thêm một tập “Lục bát dâng tặng mẹ ta- 2020” với hàng trăm bài của tác giả thành danh và chưa thành danh khắp mọi miền đất nước, có cả tác giả định cư ở nước ngoài.

           Người mẹ bao giờ cũng để lại trong lòng những đứa con những ấn tượng sâu đậm nhất về tình cảm. Bởi trước khi có mặt trên đời, mỗi đứa con có thời gian  9 tháng mười ngày nằm trong lòng mẹ, được nuôi dưỡng  trực tiếp bằng  máu thịt của mẹ. Rồi khi  rời  cái tổ trong lòng mẹ, đứa con lại vẫn được tiếp tục được mẹ nuôi bằng sữa, ấp ủ qua thời gian biết lẫy, biết bò rồi lò dò chập chững biết đi. Rồi lớn lên.

                    Con dù lớn vẫn là con của mẹ

                   Đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con

                              (Chế Lan Viên – Con cò)

Chẳng phải ngẫu nhiên mà hình ảnh người mẹ được so sánh với hình ảnh con cò vất vả nắng mưa, lặn lội âm thầm lặng lẽ nuôi con.  Mẹ luôn luôn để lại trong lòng những đứa con nhiều tình cảm sâu đậm nhất. Bởi thế mà trong một bài viết tôi đã  khẳng định rằng  “ ngay từ thời văn học dân gian, những câu ca dao viết về mẹ bao giờ cũng nhiều hơn và xúc động hơn khi viết về cha. Xin cứ việc thống kê mười thế kỉ văn học viết của ta, hoặc thống kê riêng thơ Việt Nam hiện đại, số bài thơ viết về mẹ bao giờ cũng trội hơn về số lượng và chất lượng” ( Vũ Nho – Đi giữa miền thơ, tập 3, Nhà xuất bản Hội nhà văn,  2006, trang 241).

          Chưa có một tuyển thơ Lục bát nào về cha. Nhưng cả tập  “ Lục bát dâng tặng mẹ ta” lần trước và lần này, chúng ta cũng thấy số thơ lục bát viết về mẹ  nhiều, phong phú, đa dạng như thế nào.

          Lời ru ầu ơ  của mẹ bên võng, bên nôi có hình ảnh con cò con vạc. Kỉ niệm mẹ đánh con mà trào nước mắt  khi  con hư. Mẹ ăn đói dành con no lòng. Mẹ mặc quần áo rách vá  dành cho con quần áo mới. Mẹ lo lắng chăm sóc khi con ốm; mẹ vất vả lọm khọm đồng sâu cấy lúa, mẹ nhễ nhại mồ hôi thu hoạch mùa, …  Mẹ tiễn con đi ra trận rồi  “khóc thầm lặng lẽ”. Mẹ đau buồn bên di ảnh người chồng, người con hi sinh ngoài mặt trận. Mẹ lặng lẽ rời cõi tạm sau một đời vất vả nắng mưa. Căn nhà vẫn như xưa nhưng trống vắng buồn tênh vì không còn  bóng mẹ,…Mẹ được các con tưởng nhớ nhân ngày giỗ.

          Rồi  giàn trầu mẹ gây, cây bưởi, cây cau, cây chuối  mẹ trồng, đôi quang gánh với chiếc đòn gánh từng hằn trên vai mẹ,…Cả chiếc nón mê mẹ đội, đôi chân trần mẹ lội bùn non, khuôn mặt khi trẻ tươi tắn, khi già nhăn nheo. Rồi có người mẹ phải đi bước nữa, có người mẹ lẫn, nhớ nhớ quên quên. Dáng mẹ lưng còng, mẹ gầy guộc, “ mẹ gầy như một nén hương”,…

          Tất cả những  điều đó là nguồn cảm xúc bất tận về mẹ của những đứa con. Dù là trẻ trung hay khi con đã da mồi vóc hạc, đã sắp thành người về với thế giới của mẹ, thế giới người hiền.

          Cũng có cả những nỗi ăn năn không quan tâm đầy đủ đến nguyện vọng nhỏ nhoi đơn giản của mẹ là được sum vầy bên cháu con. Ăn năn về sự đùn đẩy “ Sống thì tị nạnh đẩy đưa/ Mặc mẹ lầm lũi sớm trưa một mình”,…

          Mỗi bài thơ là một  phiến lòng của người con, là một bông hoa, là một nén nhang kính cẩn dâng lên MẸ!

          Tuyển thơ này là một  rừng hoa muôn sắc, ngàn hương dâng lên các bà mẹ của mỗi tác giả,  cũng là người mẹ chung của mọi người – Người mẹ Việt Nam  gần gũi, thân thương, thiêng liêng, vĩ đại.

          Trân trọng cám ơn các tác giả đã có bài thơ được chọn.

          Đặc biệt cám ơn sự  cố gắng phi thường và  sự  bền bỉ của nhà thơ Đồng Thị Chúc đã sưu tập để chúng ta có được  tuyển tập thứ hai “ LỤC BÁT DÂNG TẶNG MẸ TA - 2020”.

                   Hân hạnh và trân trọng giới thiệu với mọi người!

                                    Hà Nội, mùa vãn Covid, tháng 10/2021

hoa-sen-phat

                         

BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị & vận hành Website: Nhà văn Cầm Sơn
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét