Thứ Tư, 13 tháng 10, 2021

THƠ “NGƯỜI MƠ MỘNG” ĐIỂM NĂM


 

THƠ “NGƯỜI MƠ MỘNG” ĐIỂM NĂM

                   Đọc 2 tập thơ  Chân trời tối sáng ” và “Cãi trời” của Đặng Quốc Việt, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2021

                                        Vũ Nho

                                                                     TÁC GIẢ ĐẶNG QUỐC VIỆT
 

       Nhà thơ Đặng Quốc Việt, Kĩ sư Đại học Bách Khoa,  Hội viên Hội nhà văn Hà Nội  là người bền bỉ với thơ. Tác giả đã in 5 tập thơ riêng :  Ban mai và trăng, Sắc hè, Phao cứu sinh, Chân trời tối sáng, Cãi trời  và một tập tiểu luận “Tri ân bằng hữu”. Không phải là  quá nhiều, nhưng  “chuyện tay trái” mà có thành tựu như thế  trên văn đàn cũng không thường gặp.

          Một điều hơi khó cho người làm phê bình là nhà thơ hoặc là cố ý, hoặc là vô tình, ít khi ghi ngày tháng và địa điểm thành thơ dưới mỗi bài. Thành ra đành phải căn cứ vào lời thơ, ý thơ mà suy đoán thời gian sáng tác. Đó là khi anh học sinh Đặng Quốc Việt làm Lớp trưởng ở trường cấp 3, còn vụng dại, ngây ngô, hay là khi chàng sinh viên Bách Khoa đang ở nơi sơ tán? Có bài thơ  ghi rõ được làm ở Cộng hòa Liên bang Đức, 2001. Nhưng nhiều bài không ghi địa điểm và tháng năm. Thêm nữa, tác giả là người chỉn chu, luôn  luôn “thôi xao” (cân nhắc, chọn lựa, sửa chữa cho hoàn chỉnh – một từ  ghép có điển tích về chuyện nhà thơ  Giả Đảo của Trung Hoa chọn chữ đẩy  (thôi) hay chữ (xao)  khi sáng tác, sau có nghĩa là kì công sửa chữa). Nếu có điều kiện đối chiếu bản đầu tiên, với bản sau “thôi xao” chắc cũng có nhiều chuyện thú vị.

          Nhưng bây giờ thì chuyện đó hãy gác lại. Tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu thi nhân Đặng Quốc Việt hiện hữu trong hai tập thơ vừa mới trình làng năm 2021 như một cặp song sinh.

 


 


 

          Người thơ phong vận như thơ…Hàn Mặc tử đã viết như vây. Và quả thực thơ của ai thì in dấu vết tâm hồn, dáng vóc  người đó là điều hiển nhiên. Thi nhân Đặng Quốc Việt từng được bạn gái chấm điểm cao nhất về sự mơ mộng thuở học trò :

          Điểm năm

            em chấm “ người mơ mộng”

          Điểm một tính lì và thói hơi kiêu

                   (Bài học cũ)

Khen cho con mắt tinh đời của người bạn gái. Mơ mộng đạt điểm tối đa chính là anh học trò nghèo “vai áo rách” nhưng tự tin, tự trọng “Lòng tự tin gói trong áo sờn vai” (Vàng Thau). Vì quá tự trọng thành ra mất tự tin,  cho nên thành ra cầu toàn, thành ra “nhút nhát”, “lơ ngơ”. Điều đó để lại sự nuối tiếc, ngẩn ngơ. Nhưng đã muộn:

          Thao thức

           Chập chờn

          Mộng mị…

          Rộn hồi chuông

          Giáo phận Phú Nhai

          Giận thuở ấy

          Chuông lòng im như thóc

                   (Đêm quê)

Tự tin trong lớp học hay trong những khi giải bài toán khó. Còn trước bạn tình thì  không phải luống cuống “tim đập chân run” nhưng cũng  lơ ngơ, vụng dại:

                   Đám sao trời hấp háy

                   Cười ta vụng dại nắm tay hoài

                             (Đêm quê)

                   Cầm tay rồi         

                      Sao chẳng níu được nhau

                          (Đã từng)

Con người tự tin nhưng nhút nhát ấy tự vẽ chân dung mình:

                   Ngượng ngùng, ren rén cạnh em ngồi

                   Loay hoay bối rối, mắt chạm mắt

                   Chết đắm hồ sâu mắt em cười

                             (Ánh mắt)

Có người bạn học thân thiết  mẹ muốn xin về làm dâu” đã để lại vết thương lòng ứa máu:

                   Anh mang tim vỡ

                   Khu rừng vỡ

                   Bốc cốt

                   Ba người

                   Chung mộ em

                             (Tim vỡ)

Một người bạn gái  khác thì đã “đu con tàu khác”, bỏ lại lời hẹn thề “sông cạn núi mòn” và khiến cho :

                   Từ đấy tim chàng

                   Hàng Cỏ không ga

                             ( Hàng Cỏ không ga)

Nhưng con người mơ mộng đó không gục ngã. Đã đứng lên. Và bươn chải Á Âu,  để rồi cũng cán đích:

                   Mấy mươi năm bể đông lúc cạn lúc đầy

                   Muối mặn gừng cay nay mật ngọt

                   Vượt suối sông biển cả, cũng đến bể bơi

                   Chẳng mơ ước chồng vua vợ hậu

                   Thỏa lòng, các con đều đã “lên ngôi”

                             (Vợ tôi, trong tập Cãi Trời)

Tôi thích những vần thơ mộc mạc, chân tình, không làm đẹp, làm duyên của chàng trai quê Nam Định. Những chữ, những cảnh chắc, khỏe, sinh động:

                   Thoáng, chân bèo cá quẫy

                   Nhoằng, rái cá khoắng chà

                   Khàn, gọi đăng quãng vắng

                   Nẫu, lời ru đêm xa

                             (Trời sao chở lúa)

 Cảnh chợ quê của làng thời mở cửa lạ lùng:

                   Nhập nhèm kẻ mắt sơn môi

                   Bánh đa vênh váo

                   Chào mời cớn cong

                             (Chợ quê)

 Thành Nam đổi mới, đẹp lên, nhưng vẫn còn những góc tối nhức nhối bất an trong  trái tim mẫn cảm:

                   Kính cẩn cúi đầu nơi Sông Lấp

                   Lắng hồn trong tiếng ếch bến đò […]

                   Ngắm những công viên rườm rà hoa lá

                   Thương kẻ không nhà, ghế đá nằm phơi

                                      (Thành Nam)

Những câu thơ viết về người thân cũng rất ấn tượng:

                   Nhôi nhai méo cả nụ cười

                   Mười con cứ lớn, mưa đời cứ tuôn

                             (Cô tôi)

Những câu thơ viết về cha mẹ ngày li hương bôn tẩu trời Âu là những câu thơ chân thành viết bằng  máu và nước mắt. Còn gì xót xa hơn khi nghĩ về Mẹ :

                   Mẹ coi con tựa cục vàng

                   Đền ơn : Nấm đất tuềnh toàng mé mương

                             (Gối đầu tay mẹ)

Nếu so sánh thì thấy những bài trong tập “ Chân trời tối sáng” đa thanh, đa dạng và thấm đẫm tình cảm. Có lẽ vì được viết khi tác giả còn trẻ, còn xông xáo. Còn những bài trong “ Cãi trời” là những bài thơ Namcau mới viết thời gian gần đây,  khi tác giả đã cao tuổi, có sự gò bó hơn, có vẻ nhiều triết lí, nhiều chiêm nghiệm hơn. Phải chăng vì thế mà cũng có vẻ “khô khan” hơn?  Dẫu sao trong thời gian không dài, khi tuổi đã cao mà có được 89 bài thơ Namcau cũng là một thành quả đáng ghi nhận.

        Vẫn là một Đặng Quốc Việt sắc sảo, chắc chắn, cần mẫn “thôi xao”, minh triết, ưa “triết luận”, thích hoàn thiện “ Nội soi tâm, hoàn thiện chính mình” ( Nửa – Trong tập  Cãi trời).

Có những câu thơ bám sát thời sự:

          Một chữ kí khống, bao gia đình không gạo

          Ma thuật dự án, hóa ma bao người

                   (Văn rủa)

Tôi tâm đắc với bài thơ viết về nhân vật Thị Mầu của tác giả. Thật tình không ít người ca ngợi Thị Mầu phồn thực, Thị Màu dám yêu, dám  dấn thân. Đặc biệt   hình ảnh Thị Mầu trên sân khấu với diễn xuất tài năng của các nghệ sĩ nổi tiếng như Diễm Lộc, Thu Huyền. Nhưng họ quên Thị Mầu là vai nữ lệch. Thị Mầu là tấm gương xấu mà người xưa tạo dựng để phê phán. Nhà thơ đã hiểu đúng về nhân vật này :

                   Táo chùa không rụng, về vặt khế nhà

                   Mặt mo mẹ đeo, tiền phạt bố móc

                   Sợ tiếng đời “mâm son đũa mốc”

                   Lìa tình mẫu tử, bỏ lửa tay người

                   Thần Tình yêu bật khóc

                                 (Thị Mầu)

Ai đó  cứ việc “phải lòng”, cứ việc “ca” Thị Mầu. Nhưng nhìn đúng bản chất Thị Mầu như Đặng Quốc Việt là  tinh  tường, thấu cảm với tấm lòng người xưa.

          Có thể nói Đặng Quốc Việt thích tìm tòi cái mới, không chịu để cũ mình. Những bài thơ trong tập “ Cãi Trời” là minh chứng. Tuy nhiên đọc hai tập liền thì tôi và người đọc dễ nghiêng về  “Chân trời tối sáng” hơn. Không rõ có phải đó như là một tập tinh tuyển “ kì công “thôi xao” rất nhiều lần”  hay không.

          Thái độ của người làm thơ nhiều khi còn quan trọng hơn khả năng nghệ thuật. Tôi thích thái độ thẳng thắn và xây dựng của tác giả:

           Không lờ điều dở

          Không bốc điều hay

          Dù chưa chắp

          Cũng đừng thêm bẻ gẫy

          Không nhiều lời

          Hãy nhiều mắt, nhiều tay!

                       ( Nhớ bạn)

Thật là vui, trong những ngày dịch dã, được đọc thơ của bạn bè gửi tình tri kỉ, tri âm!

                                                                Hà Nội, ngày 11/10/2021

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét