Thứ Năm, 4 tháng 11, 2021

CÂY CẦU BÀ NGỰ

 

CÂY CẦU BÀ NGỰ

               TRUYỆN NGẮN CỦA VŨ THIỆN KHÁI

 nh_v_thin_khi_1



Là con gái yêu của một nhà phú hộ làng Diễm, bà Ngự về làm dâu gia tộc Nguyễn Đoan làng Điềm từ thuở quan Ngự Sử Nguyễn Đoan Thiết chồng bà còn là anh học trò dài lưng tốn vải. Thương người con rể thông minh, hiền hậu hơn người, hiềm nỗi gia cảnh thanh bần vất vả, ông phú hộ cắt cho con gái năm mẫu tư điền làm của hồi môn. Công việc cấy lúa, trồng dâu nuôi tằm, kéo tơ dệt lụa, chị khoá đã thành thạo từ khi còn ở nhà cha mẹ đẻ. Nay về gánh vác giang san nhà chồng, một tay chị thay chồng đảm đang cắt đặt kẻ ăn người ở, từ việc nhà, đến việc đồng đều gọn gàng, tinh tươm đâu ra đấy chẳng sai sót một ly. Nhờ vậy, năm hai vụ chạy ào ào, lúa chất đầy bồ, tơ kén hết lứa này tiếp lứa khác cứ như hoa phơi ngồn ngộn đầy sân vàng óng. Sẵn mối giao thương bên nhà bố đẻ, tơ kén chị khoá thuê thợ dệt thành lụa rồi tự mình đem đi bán tận kinh kỳ. Tiền bạc đổ vào nhà như nước.  Anh khoá, quan Ngự Sử tương lai chỉ lo mỗi việc việc gắng công dùi mài văn chương, kinh sử để mỗi lần khảo thí lại thêm một lần tiến gần vị trí vịn lân bám phượng vươn tay giật lấy công danh.

Làng Điềm có hai cái cổng làng. Cổng hậu trông ra cánh đồng năm hai vụ lúa. Đi hết cánh đồng đã nghe óc ách tiếng sóng Nguồn. Cổng tiền mới là cổng chính. Ngày hai buổi dân làng lũ lượt đi qua cổng tiền rồi toả ra cánh đồng mầu chuyên trồng ngô, trồng đậu, trồng dâu. Ngặt nỗi lối ấy y như hòn đảo nhỏ nằm gọn trong vòng cung của một con sông nhỏ chảy sát những luỹ tre ven làng, chảy ngang qua cổng tiền, nên đi làm đồng, đi lên phủ, huyện hay xa tận kinh đô, từ quan đến dân đều phải mím môi nín thở lần dò qua cây cầu tre bắc tạm rất là bất tiện. Nhưng các nhà phong thủy lại nhìn ra vòng cung sông ấy chính là hai cánh tay cỗ ngai thờ. Một thế địa linh đẹp như mơ. Họ giải thích làng Điềm đời nào cũng sinh ra văn thần võ tướng là do vậy. Kể qua một chút để ta hình dung cái làng Điềm tuy nổi tiếng văn vật đã bao đời, nhưng nó hẻo lánh, nó cách trở thế nào.

Ngài Ngự lên Kinh kỳ nhậm chức được mấy năm, bổng lộc vua ban, chi tiêu nhật dụng cũng chẳng dư được bao lăm. Ở nhà, bà Ngự thu hoạch nông tang mùa màng may mắn gặp thời phong đăng hoà cốc, vốn liếng mỗi mùa mỗi thêm dôi dả. Nhân một lần quan ngài về thăm quê, bà Ngự bàn với đấng phu quân bỏ tiền bạc nhà mình xây một cây cầu đá bắc qua con sông con trước cổng tiền làng Điềm, gọi là cung tiến chút lòng thành tri ân Hoàng Thiên, Hậu Thổ, cũng như bỏ thêm một chút công đức giúp bà con làng xóm đi ra đi vào làm ăn đỡ vất vả. Tất nhiên ngài Ngự hoan hỉ vỗ cả hai tay. Vậy là ròng rã hơn nửa năm trời, một toán toàn những tay thợ tinh sảo xẻ đá núi Trường Yên chế tác thành những cây trụ cột, những cây xà ngang lực lưỡng và những tấm đá phiến dài để lát mặt cầu. Xong đâu đấy họ chở  vật liệu về làng trên nhiều chuyến bè xếp như đống núi. Lại mất vài tháng ròng rã kê kê kích kích lắp ráp mới nên cây cầu năm nhịp thanh thoát cong cong như lưng chiếc lược ngà. Điểm nổi bật là từ hai mố cho tới mấy nhịp cẩu toàn bằng một loại đá xanh ghép lại với nhau bởi những mộng, những ngàm khít rịt như vì kèo ngôi đình hàng tổng. Trừ những phiến đá lát mặt cầu được mài nhẵn thín, tất cả những tấm còn lại đều được bàn tay nghệ nhân tài hoa chạm trổ rất công phu những hình đầu lân cánh phượng sống động y như chúng đang múa, đang bay chờn vờn trên mặt nước.

Hiện thời, tôi ra thăm cổng tiền làng Điềm lại thấy hai cây cầu cùng bắc qua con sông ấy. Một cầu Bà Ngự óng ánh đá xanh, một cầu đúc xi măng cốt thép vững chãi đến mức có người quả quyết xe tăng chạy qua cũng chẳng hề hấn gì. Bây giờ, hằng ngày, bà con đi làm đồng, người đi làm ăn xa hay quan khách thăm viếng, ra vào làng đều chạy ô tô, xe máy vo vo qua cây cầu xi măng ấy. Cây cầu Bà Ngự cách đó vài chục mét gần như đứng đấy một mình làm cảnh. Nó còn sống được tới bây giờ là nhờ vào mấy cơ duyên may mắn. Năm ấy hợp tác xã làng Điềm hợp nhất với mấy hợp tác xã khác theo chủ trương tiến lên sản xuất lớn. Công việc đồng áng phải dùng đến máy móc cày bừa, gặt hái. Cây cầu đá bề ngang hẹp thế,  chiếc máy cày to đùng làm sao chạy qua được. Vậy là nghị quyết ban quản trị nhất trí phá bỏ. Buổi sáng làng huy động mấy chục thanh niên khỏe mạnh chuẩn bị quai búa thì may gặp đúng lúc ông trưởng ty văn hoá tỉnh có chuyến công cán qua làng. Ngắm cây cầu chế tác chẳng cần vôi vữa gắn kết, trên thân hình nó lại chạm chổ tài tình những linh vật đá sống động đến không ngờ, ông sững sờ nhận ra đây là một công trình văn hoá rất giá trị cần phải bảo tồn, liền đề nghị tạm dừng lại để về thỉnh thị cấp trên. Một tuần lễ sau, văn bản bảo tồn di tích đã chạy về trụ sở uỷ ban xã cùng với bản phê duyệt kinh phí đúc cây cầu mới. Nhờ vậy cây cầu Bà Ngự còn tồn tại đến bây giờ. Cho tới bây giờ, nhìn thấy hình ảnh cây cầu Bà Ngự được in rất đẹp trên bìa nhiều tạp chí lớn trong và ngoài nước, các cư dân làng Điềm mới chợt nhận ra, nếu không còn cây cầu Bà Ngự thì làng mình sẽ thiêu thiếu cái gì đó rất khó gọi nên lời, hình như nó là một phần hồn làng, như con người ta không có linh hồn thì chỉ là cái xác không hơn.   

Xem gia phả gia tộc Nguyễn Đoan thì cây cầu Bà Ngự đã có tuổi đời hơn hai trăm năm có lẻ. Từ bấy đến nay, sinh mệnh nó cũng lận đận chả khác gì sinh mệnh con người gặp thời ly loạn. Bà tôi kể: Cái năm làng Điềm thực hành lệnh tiêu thổ kháng chiến thời chín năm kháng Pháp, đêm đêm trai tráng rần rần vác cuốc, vác mai đi xẻ ngang từng khúc những con đường lớn. Cây cầu Bà Ngự cũng nằm trong phương án phải phá bỏ để cản bước tiến quân thù. Một đơn vị Vệ quốc đoàn đã được lệnh đặt mìn phá sập. Sắp thực hiện thì gặp một cơ duyên may mắn. Vị chỉ huy toán công binh ấy vốn xuất thân sinh viên trường Mỹ Thuật Đông Dương, mê mẩn kiểu dáng kiến trúc cây cầu, khâm phục những phù điêu, những chế tác đầu rồng, đầu lân tinh xảo, ông đã nghĩ cách cứu nó bằng cách cho công binh làm dàn giáo rồi cẩn thận tháo dỡ từng tấm đá hai nhịp giữa thả xuống lòng sông. Kết quả, kế hoạch tiêu thổ vẫn hoàn thành mà tất cả những chi tiết cây cầu đá vẫn bảo tồn được tới ngày nay.

Năm 1954, kháng chiến chống Pháp kết thúc thắng lợi. Cây cầu Bà Ngự dường như bị bỏ quên. Mấy năm liền sau đấy, hai nhịp giữa cầu vẫn trống huơ như hàm trên bị gẫy hai răng cửa. Người qua kẻ lại phải bò trên thân cây cọ bắc tạm. Dân hỏi thì được trả lời: Di tích Phong kiến thực dân, chưa phá hết là may, còn đòi phục hồi. Anh Đơm con ông Hiếng thọt nghe vậy liền nghĩ ngay đến cái bến ao nhà mình mà được kê một phiến đá mặt cầu thì mát mẻ kém gì bến ao nhà quan huyện. Được cái tiện nhà anh kề mé sông con, anh ta liền lấy dây chão cột một phiến đá rồi cho trâu kéo lê giữa lòng sông về nhà. Từ buổi ấy, mỗi lần tắm táp hay trưa nắng nằm duỗi dài trên mặt phiến đá mát lạnh, anh ta đều phởn chí hét lớn: Đời thằng Đơm giờ sướng như quan Ngự. Anh ta thì sung sướng vậy, nhưng vợ anh mỗi ngày một héo hắt xanh xao. Hỏi, chị kể: Đêm đến, hễ nhắm mắt là bị một bóng người, lạnh toát và nhớt nhát như hòn đá ngâm lâu năm dưới nước đè lên nặng chịch. Chẳng thày bà nào tìm ra bệnh, chị chịu đựng được một năm thì người chỉ còn da bọc xương, tưởng chết mười mươi. Một đêm cửa phủ Bà Nàng mở hội, giữa giá đồng, Bà Đồng chỉ mặt chị mắng: Lấy của bá tính làm của nhà biết tội chưa? Nghĩ đến phiên đá mặt cầu Bà Ngự chồng chị lấy trộm, chị sợ xanh mặt tạ lễ rồi về bắt chồng trả về chỗ cũ. Vậy mà sau đó chị khỏi bệnh, tươi tắn mỡ màng như thì con gái. Chả sợ trời, đất ma quỉ như anh Đơm từ đấy hễ nhắc đến cây cầu là len lét như rắn mồng năm.

Câu chuyện phiến đá cầu Bà Ngự linh thiêng có hồn ma ám khiến cả làng vừa sợ sệt, vừa nghi hoặc. Mỗi người nghĩ ra mỗi cách giải thích. Nghe ra thì cụ giáo Đản nói có lý hơn. Cụ bảo: Năm xưa, trong buổi xuất quân lên chiếm lại phủ thành N…, ba người con trai cụ Thiên Hộ tập hợp hai trăm nghĩa binh làm lễ tế cờ tại đầu cầu Bà Ngự. Cây cờ Soái được dựng lên cạnh tấm bia Hạ mã. Cuộc trẩy binh ấy, một nửa số họ vong thân vị quốc. Ba vị chủ tướng cũng bị Pháp xử bắn ở chân núi Cánh Diều. Từ đấy cây cầu Bà Ngự trở thành nơi trú ngụ của anh linh các Nghĩa binh, vạn vật hữu linh ở đấy chứ đâu. Ai không tin xin thử tơ hào một mẩu đá thôi, sẽ thấy.

Tôi hỏi chú tôi: Thế sau này cơ duyên nào cây cầu Bà Ngự lại được phục dựng như nguyên bản vậy? Ờ ờ… Còn gian nan lắm cháu ạ. Nó còn bị tuyên án tử một lần nữa đấy. Chuyện là thế này, lúc sắp sửa xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, làng Điềm muốn làm mấy gian văn phòng. Lúc bấy giờ cái gì cũng thiếu, gạch thì còn tự đóng từ đất ven sông rồi đắp lò nung được. Nhưng vôi kiếm đâu ra, các lò vôi tư nhân buộc đóng cửa cả rồi. Có người hiến kế: Thì lấy đá từ cây cầu Bà Ngự nung vôi được không? Vậy là họp bàn, thôn trưởng quyết: Đập cầu nung vôi. Cụ giáo Đản can: Cây cầu là linh vật có lịch sử lâu năm phá đi sao đành. Trưởng thôn phản bác: Nó là biểu tượng phong kiến đế quốc, phải phá bỏ không thương tiếc. Ông Tài Dị chủ lò vôi cũ can: Đá ấy không phải đá vôi. Trưởng thôn từng là thợ đốt lò của ông Tài nói với dân làng: Cái lão chủ lò chuyên bóc lột dân làm mướn ấy tuyên truyền phản động. Vậy là định ngày huy động thanh niên tập trung phá cầu. Đến hẹn, chả có anh nào nào có mặt, bởi họ đều bị ông bà cha mẹ cấm không được tham gia. Tức mình, ông trưởng thôn xăm xăm cầm búa nhắm một đầu rồng đập mạnh. Mới choang một nhát đã bị một dăm đá bắn vào giữa con ngươi, máu chảy đầy mặt. Từ đấy ông chỉ còn một mắt và cây cầu Bà Ngự cứ nằm đấy với vết thương giữa thân trống hoác và một cái đầu rồng bị mẻ một miếng.

Rồi sau đó? Tôi hỏi. Ờ ờ thì cũng lại do một cơ duyên. Năm chú học lên cấp ba, mấy huyện vùng đưới mình chung một trường cách xa cả chục cây số. Hồi ấy học sinh cấp ba ít lắm, cả trường gom được ba lớp đầu cấp. Riêng mỗi làng ta đã chiếm hơn nửa lớp rồi. Ngày ngày đi bộ tới trường, hơn hai chục nhất quỉ nhì ma ấy leo qua thân cây cọ làm cầu, đứa sang bờ bên kia trước, nghịch ngợm rút đoạn gỗ chèn, cây cọ lắc lư, đứa đi sau chỉ ngồi khóc. Trong đó có ba bốn đứa con gái mới rầy rà. Chả lẽ cởi truồng lội sông. Chuyện đến tai ông trưởng ty giáo dục tỉnh. Chả là ông người làng Điềm mình, lại có đứa con gái học cùng lớp với chú. Công tác trên tỉnh nhưng cả nhà ông vẫn ở làng. Chủ nhật nào ông cũng lọc cọc đạp xe về nhà. Cán bộ ngày xưa giản dị gần dân vậy đấy. Nghĩ ra số đá hai nhịp giữa cây cầu Bà Ngự vẫn còn đầy đủ nằm giữa lòng sông, ông bàn với chính quyền vận động dân trục lên lắp vào như cũ. Chủ trương hợp lòng dân, dân ủng hộ liền. Nhờ ông trưởng ty, lần này có một đội cầu về giúp đỡ, công việc chạy tăm tắp chỉ mấy ngày là cây cầu cũ lại mỹ miều soi chiếc bóng mềm mại xanh biếc xuống dòng sông cứ như là nó chưa hề thoi thóp chết đi sống lại.

Dẫn tôi đến giữa cầu, chú kéo tôi ngồi xuống, rồi đưa cả hai bàn tay miết miết lên mặt đá nhẵn thín. Đoạn nhắm nghiền đôi mắt lẩm bẩm: Chẳng biết ngày xưa người con trai bé bỏng của ông Ba nhà mình đêm ấy đã nằm trên tấm đá nào? Tôi biết ông nội tôi là anh cả, em kế ông sinh ra chú tôi đang ngồi đây, ông Ba là em út. Ngày xưa ông Ba dạy trường tiểu học Nho Lâm đóng bên làng Diễm. Cơ ngơi giầu có nhà ông tổng Cơ nằm đối diện với cổng trường. Tổng Cơ có người con gái út đẹp vào loại chim sa cá lặn khiến ông ba mê mẩn. Lúc ấy cụ nội tôi mất rồi. Ông nội tôi quyền huynh thế phụ đã can: Nhà mình coi trọng nghĩa nhân, coi trọng chữ nghĩa. Nhà người ta coi trọng tiền tài, coi trọng quyền hành ăn trên ngồi trốc, không hợp nhau đâu. Ông Ba không nghe lời, cứ lấy cô ta về làm vợ.

Trường Nho Lâm là một trong mấy địa chỉ sớm giác ngộ cách mạng lúc bấy giờ. Khi tổ chức Việt Minh của trường bị lộ, ông đốc Bằng và và ông Ba có nguy cơ bị địch bắt . Tổ chức quyết định rút hai ông bí mật thoát ly. Đêm ông Ba về nhà từ biệt gia đình, bà Ba không muốn chồng sa vào chốn hiểm nguy, liền nghĩ ra chiêu bế theo thằng con mới vừa ba tháng tuổi tiễn chồng tới chân cầu Bà Ngự. Phút chia tay bà nói: Anh bế con một chút cho nó nhớ hơi người sinh ra nó rồi hãy đi. Đợi ông Ba ôm con vào lòng, bà Ba quay ngoắt về làng. Chí đã quyết, vả ông Ba biết chả người mẹ nào đang tâm bỏ con thơ nằm một mình giữa cầu đêm hôm lạnh buốt gió sương, nên ông đặt con xuống mặt cầu rồi cúi đầu đi thẳng. Sau hoà bình 1954 ông từ mặt trận Điện Biên về làng thì mẹ con bà Ba đã cùng gia đình ông tổng Cơ xuống tầu di cư vào nam rồi. Những năm chiến tranh chống Mỹ, ông Ba lại được điều động tham gia chiến đấu trên chiến trường miền Đông Nam bộ, ròng rã tới năm 1972 ông được ra Bắc vì lý do sức khoẻ. Trên đường ra bắc, ông bị trúng bom B52 hy sinh. Năm ấy tuổi ông gần sáu chục, giấy báo tử về xã ghi: Đại tá chính uỷ sư đoàn XX.

Năm 1976, bố tôi tìm được người con trai ông Ba đêm xưa bị đặt nằm giữa cầu Bà Ngự ấy trong một trại cải tạo sĩ quan chế độ cũ. Nhờ có cha là cán bộ cao cấp và bố tôi trực tiếp bảo lãnh, chú ấy được đặc cách tự do trước thời hạn. Bây giờ chú ấy định cư bên Mỹ. Từ bấy đến nay, chưa một lần chú về làng Điềm. Tôi mong chỉ một lần thôi, chú về thăm quê, đặt lưng lên tấm đá năm xưa chú còn là đứa bé con ba tháng tuổi từng nằm trong một đêm khuya lạnh lẽo, cái đêm cha chú suốt đời mang theo trong lòng như một cục than cháy bỏng. Tôi nghĩ linh khí đá, linh khí cố hương sẽ thấm vào hồn chú, chắc chắn chú sẽ là con người khác, chắc chắn tận sâu lòng chú sẽ có cuộc trở về hoà hợp với cội nguồn.

                                                                       

20/3/2016 

 

 product2531506759683

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét