Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2022

MẤY SUY NGHĨ VỀ HAIKU VIỆT

 MẤY SUY NGHĨ VỀ HAIKU VIỆT

                PGS.TS. NHÀ VĂN VŨ NHO

v_nho_nguyn_kh

            Chúng ta đều biết Haiku là một loại thơ Nhật Bản có 17  âm tiết  chia làm 3 dòng. Trong số đó có một  âm tiết chỉ mùa ( quý ngữ - Xuân , Hạ, Thu, Đông). Bây giờ yêu cầu quý ngữ không bắt buộc. Nhưng ba dòng với 17 âm tiết thì vẫn duy trì. Nhờ những cố gắng của các vị Nhật Chiêu, Lê Đăng Hoan, Đinh Nhật Hạnh, Lê Văn Truyền, Nguyễn Mai Liên, Cao Ngọc Thắng,… Câu lạc bộ HaiKu Việt đã được thành lập, quy tụ các nhà thơ ham thích thể loại thơ đặc biệt ngắn gọn và giàu liên tưởng này. Câu lạc bộ đã sinh hoạt khá đều đặn. Ra các ấn phẩm  rất đẹp. Trong đó không chỉ có thơ, mà còn có những bài viết giới thiệu thể thơ Hai Ku, giới thiệu các bậc thầy HaiKu của Nhật Bản. Đáng chú ý nhất là vợ chồng vị Chủ tịch Hiệp hội Haiku Nhật đã từng thăm và giao lưu với CLB.  Tôi có dự buổi làm việc đó và có ấn tượng sâu sắc.

            Hai Ku của Nhật ngày nay phổ biến khắp thế giới. Các nước Á, Phi, Âu, Mỹ, Châu Đại Dương đều có người viết haiku. Vì là thơ ngắn nên việc dịch và quảng bá ra các thứ tiếng không quá khó khăn. Nước Nhật có tạp chí giới thiệu các bài thơ HaiKu hay của các nước (World Haiku) . Điều lí thú là một số bài hay của chúng ta do các tác giả Đinh Nhật Hanh,  Lý Viễn Giao, Nguyễn Thánh Ngã, Lê Văn  Truyền,… đã được đăng tải trên tạp chí danh giá đó.

            Năm 2017 câu lạc bộ đã lập trang Website  haikuviet.com nên có thuận lợi cho việc quảng bá và đăng tải. Tôi vào đã thấy có hơn 800.000 lượt truy cập.

            Một điều thuận lợi và may mắn là chương trình Văn và Sách Giáo khoa trước năm 2018 đã đưa HaiKu vào giới thiệu ở lớp 10 THPT.   Các tác giả biên soạn dịch và viết  thành Hai –cư. Có 3 bài của Ba sô do Lưu Đức Trung và Phan Nhật Chiêu dịch. Có 3 bài của Bu son do Lưu Đức Trung dịch. Ngoài ra còn có mục Tri thức đọc hiểu  trích từ Thơ ca Nhật Bản của  Nhật Chiêu. Tôi đã dự giờ, chấm  thi giáo viên giỏi của Thái Nguyên. Kinh ngạc là tuy khi ấy bài rất mới, nhưng người dạy đã dạy rất hay, cuốn hút các em học sinh. Chúng tôi ( 2 giám khảo) đã cho bài đoạt loại giỏi.

            Bản thân tôi cũng tham dự một số sinh hoạt của câu lạc bộ. Tôi ủng hộ việc nhập thể thơ Nhật Bản để làm phong phú thêm các thể loại thơ ca ở Việt Nam. Như trươc đây chúng ta làm thơ Đường luật, nay làm Haiku Việt. Khi đăng bài trên Blog cá nhân, tôi đã giới thiệu các bài viết, bài dịch của Bác sĩ Đinh Nhật Hạnh. Khi làm Tổng biên tập trang Website Tác phẩm và Bạn đọc của Câu lạc bộ Văn Chương thuộc Hội Nhà Văn Việt Nam, tên miền là  clbvanchuong.com  tôi tiếp tục giới thiệu Hai Ku, đặc biệt là có TS Nguyễn Văn Hoa, anh cung cấp các bản dịch thơ đương đại Đức, thơ của Goethe (Gớt), trong đó có một số thơ HAKU  viết bằng tiếng Đức. Các bài viết, bài dịch của Phương Anh, Đinh Nhật Hạnh tôi  đều giới thiệu lên trang. Bài mới nhất là tôi vào trang mạng  thơ haiku chép về bài  “Cẩm nang sáng tác HaiKu” do bác  sĩ Đinh Nhật Hạnh sưu tầm.

            Thể hiện niềm yêu mến HaiKu, tôi cũng đăng  các bài của nhà thơ Trần Trung. Tự tôi cũng thử nghiệm làm hơn 20 bài có đăng ở Blog cá nhân và trang Website.

            Tôi thấy có một số câu thơ, khổ thơ hay trong thơ Việt, chúng ta có thể “chuyển thể” thành HaiKu.  Nghĩa là chúng ta lược bớt những từ miêu tả, những tính từ, lược bớt các từ “đệm” thì sẽ có một bài HaiKu mới, anh em với khổ thơ kia, nhưng không phải là nó nữa. Tôi nhớ đã viết một bài ngắn về chuyện này. Và cũng đã thử nghiệm để cho thấy đây không phải là một đề nghị viển vông.

            Ví dụ đoạn thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông:

            Thuyền ta chầm chậm vào Ba Bể

            Trên cả mây trời, trên núi xanh

Có thể chuyển thành Hai Ku:

            Thuyền  đi chậm mặt hồ

            Trên núi xanh

            Trên mây trắng

Một khổ thơ khác của VN

Anh rất sợ một mình nơi biển cả

Nhưng lại ước một mình trong mắt em

Chuyển thành HAIKU:

 

Anh con thuyền nhỏ

Ước một mình

Trong biển lớn mắt em.

 

            Bây giờ tôi thấy trên trang thơ Haiku chúng ta có cặp Haiku và lục bát. Không hiểu là làm Lục bát trước rồi chuyển thành Hai Ku hay làm HaiKu trước rồi chuyển qua Lục bát. Nhưng rõ ràng cặp song hành sẽ để lại ấn tượng đẹp trong lòng người đọc. Mấy ví dụ của nhà thơ Nhật Chiêu:

Tôi thường rơi

như chiếc lá nào đó

vào hoang vắng tôi

*

Ta là tặng vật ta ơi

mà ai gởi tặng về nơi vô hình

 

  • Bồ công anh

tan mình trong gió

     sao mà long lanh

*

  • Gió ngày sẽ chạm vào mơ

thổi muôn tia nắng trong bồ công anh

 

Có nhiều tác phẩm dự thi cặp đôi HAIKU và Lục bát. Điều đó làm cho cả hai thể thơ này thêm sức sống. Đặc biệt là chúng ta khi tiếp thu thể thơ nước ngoài, vẫn không quên thơ truyền thống dân tộc.

            Rất vui mừng là những người viết haiku đã có những tập thơ riêng, đã có bài đăng trên tạp chí  quốc tế ở Nhật Bản; trên tạp chí Tác Phẩm mới.  Chúng ta đã có trang mạng riêng, nhiều người truy cập.

            Mong rằng chúng ta có thêm nhiều bài hay, nhiều bài đăng trên tạp chí quốc tế, nhiều tập thơ HaiKu Việt. Và trong tương lại không xa, có HaiKu Việt trong  các Sách Giáo Khoa!

                                      Hà Nội, tháng 10 năm 2022

anh_chuan_5

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét