Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG với LỜI BÌNH

 NGUYỄN QUANG THIỀU

 

 3

                     Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều

TRONG CHIỀU NGHĨA TRANG

 

Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi

Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng Ai gọi đò bơ phờ bến vắng

Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương

 

Mẹ run run thắp những nén hương

Cắm trước từng bia mộ

Kìa khói lên, khói lên lặng lẽ

Những con đường cát trắng của làng quê

 

Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa

Nhìn thấy khói mà về với mẹ

Chim khách góc vườn mười mấy năm nói dối

Cau mười mấy năm trời vô ý trổ buồng đôi


Các anh về với mẹ một đêm thôi

Cho đèn khuya đỡ giật mình phụt tắt

Cho nồi cơm thêm một lần đầy đặn

Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm

 

Các anh về không hoá được thành người

Thì xin hoá ngọn lửa cười trong bếp

Hoá chú cá con dưới ao nhà đợi mẹ

Hoá thạch sùng thưa lời mẹ trong mơ

 

Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn

Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ

Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ

Cùng dâng hương lặng lẽ đến bên người.

 

1984


LỜI BÌNH CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN


“MẸ ƠI MẸ VỀ ĐI, CHIỀU PHỦ KÍN HẾT RỒI”


        Không gian yên tĩnh trong nghĩa trang tưởng như nghe được hơi thở của mẹ run run ngắt quãng. Nhưng mẹ vẫn mải miết "... thắp những nén hương / Cắm trước từng bia mộ / Kia khói lên, khói lên lặng lẽ...". Con của mẹ không chỉ một bia mộ mà là con vô hạn.

Hình tượng bà mẹ ở bài thơ “Trong chiều nghĩa trang” của Nguyễn Quang Thiều gợi cho người đọc thật nhiều xúc động. Chiều ở đây là thời điểm cuối ngày, người ta có nhu cầu về nhà nghỉ ngơi. Lúc này, "gió lạnh, cỏ đầy sương" giăng phủ khắp nơi, vậy mà người mẹ già cứ lặng lẽ thắp nhang lên từng bia mộ trong nghĩa trang rộng lớn. Tiếng gọi "Mẹ ơi" mở đầu bài thơ đầy xót xa. Câu thơ như có nước mắt song chủ thể trữ tình cố nén lại:“Mẹ ơi mẹ về đi, chiều phủ kín hết rồi / Sông ngửa mặt lên trời thở từng hơi trắng / Ai gọi đò bơ phờ bến vắng / Mẹ về đi, gió lạnh, cỏ đầy sương”. Nghệ thuật nhân hóa khiến thiên nhiên như những sinh thể biết thấu hiểu và đồng cảm với nỗi lòng của mẹ. Không gian phủ dần bóng tối, sông thở từng hơi trắng mệt nhọc, bến đò cũng vắng lạnh "bơ phờ". Cảnh buồn ảm đạm, tương đồng với tâm trạng người mẹ đơn côi thương nhớ hàng trăm, hàng ngàn bia mộ, bàn tay mẹ đang gắng sức chở che. Không biết đã bao nhiêu buổi chiều muộn mẹ thắp hương như thế? Mẹ dùng hơi ấm và hương thơm nhang khói thay lời vỗ về an ủi các con liệt sĩ nằm đây. Tác giả nhắn gọi rất thiết tha: "Hồn những chàng trai giờ ở đâu xa/ Nhìn thấy khói mà về với mẹ". Nhưng lời ấy vẫn chỉ là mong mỏi mà thôi. Mấy câu thơ tiếp lời thơ nhẹ nhàng mà ý tứ tiềm ẩn sâu xa: “Chim khách góc vườn / Mười mấy năm nói dối / Cau mười mấy năm trời / Vô ý trổ buồng đôi”. Hình ảnh thơ dân dã mà hàm chứa tư tưởng nhân văn sâu đậm. Mẹ mong chờ biết mấy một tiếng chim khách kêu: người về. Mẹ mong chờ biết mấy cái ngày cau “trổ buồng đôi”, để mẹ được đón cô dâu hiền về thêm ấm cửa nhà. Câu thơ cho thấy ước mơ sâu sắc và mãnh liệt nhất của tấm  lòng người mẹ. Thế mà mười mấy năm trời chim khách “nói dối”; buồng cau “vô ý” khoe với đất  trời sự viên mãn sinh sôi. Mẹ không trách ai, chỉ mơ thầm những điều sâu kín trong cõi lòng. Và  hơn ai hết, nhà thơ thấu hiểu rõ nỗi lòng ấy nên đã viết thành lời thay mẹ. Lời thơ tiếp đó, tác giả như năn nỉ các hương linh dưới mộ: “Các anh về với mẹ một đêm thôi/ Cho ngọn đèn dầu đỡ giật mình vụt tắt/ Cho nồi cơm lại một lần đầy đặn/ Cho đũa trong nhà một bữa được so thêm...” Ai đọc được những câu thơ này chắc cũng đều rưng rưng thương mẹ. Một lần nữa, những vật dụng thân quen trong nhà được nhân hoá: ngọn đèn, nồi cơm, đôi đũa, tất cả đều mong mỏi tha thiết người xa trở về. Điều kỳ diệu là khoảnh khắc giao cảm tâm linh dường như có thật. Mẹ là mẹ của hàng trăm đứa con. Phút giây này, hàng trăm “mắt hương”, hàng trăm đứa con yêu đang quây quần bên mẹ. Trong bài, nhà thơ sử dụng hợp lý các từ láy bơ phờ, run run, đầy đặn, hoàng hôn, lặng lẽ và các điệp ngữ (đều lặp 2 lần): "chiều phủ kín hết rồi", "mẹ về đi", gió lạnh" khiến cho cảnh ấy mang đầy tâm trạng và cảm xúc thơ càng thêm lắng đọng. Khổ thơ cuối là sự vỡ oà cảm xú"Chiều phủ kín hết rồi, gió lạnh đổ từng cơn / Trăm mắt hương trăm mắt người hoe đỏ / Trong hoàng hôn hàng trăm bia mộ/ Cùng dâng hương lặng lẽ / đến quanh người…”. Hình ảnh đối ngẫu tương đồng  "Những mắt hương mắt người hoe đỏ" càng khơi gợi trong lòng người rung cảm mãnh liệt, sâu sắc về tấm lòng yêu thương bao dung  ở người mẹ đối với các con  liệt sĩ. “Những mắt hương mắt người hoe đỏ” cũng chính là nỗi lòng xúc động khôn cùng của tác giả trước sự cao cả của tình mẹ, của bao người mẹ Việt khác nữa. Đúng như Bùi Minh Quốc đã viết: "Đất quê ta mênh mông / Lòng mẹ rộng vô cùng". Bài thơ khép lại rồi nhưng tấm  lòng  yêu  thương  rộng  lớn và cao đẹp của người mẹ còn đọng lại  sâu  thẳm trong tâm trí người đọc.

vixuyen3-08295915


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét