Thứ Ba, 14 tháng 1, 2025

ĐIỀU KHÁC CỦA ĐOÀN HỮU NAM TRONG “KHÁC BIỆT”

 ĐIỀU KHÁC CỦA ĐOÀN HỮU NAM TRONG “KHÁC BIỆT”

          Đọc “ Khác biệt” của Đoàn Hữu Nam, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2024

                                  Vũ Nho

v_nho_nguyn_kh

NHÀ VĂN VŨ NHO - Ảnh Phạm Văn Sơn

           Nhà văn Đoàn Hữu Nam được biết đến như là một tác giả văn xuôi với nhiều tiểu thuyết, nhiều tập truyện ngắn được giải thưởng cao của cơ quan, tổ chức văn nghệ. Cũng như nhiều người viết khác, Tác giả  làm thơ rồi mới viết văn xuôi. Anh đã có các tập : Kiếm tìm (1992),  Đêm không em ( 1995), Dấu nối thênh thang ( 2006), nhiều trường ca, và tập thơ thứ tư có tên “Khác biệt” năm 2024.

Tiếc là chúng tôi không có các tập thơ trước của tác giả để so sánh sự khác của tập thơ này. Nhưng có thể thấy rằng tập “Khác biệt” của tác giả có ít nhiều điểm khác so với những người làm thơ  cùng thời hiện nay.

          Khác ở chỗ tác giả đã nghỉ hưu, đã gần tròn thất thập, cái tuổi “cổ lai hi” mới in tập thơ này. Nghĩa là người viết đã từng nếm trải đủ mùi đời, đã có đủ chiêm nghiệm về được mất của cõi người. Đã có đủ những thành công và thất bại trên con đường sáng tạo nhọc nhằn. Đã có thể bình thản, an nhiên nhìn lại mình. Không phải ai cũng có thể viết những câu thơ như lời khuyên bạn, nhủ mình:

          Mặc trời sáng tối

hể hả cho nhẹ dạ

nâng chén cho buồn tuột trôi

                   (Gặp lại anh…)

Không phải người sống lâu, nặng nghĩa ân tình với rừng, với núi, với suối, không thể có cái nhìn minh triết giản dị:

Suối gặp sông suối chết

Người gặp người nở hoa

          (Gặp bạn)

Cái khác của tập thơ này so với những người làm thơ là nó rất đậm chất miền núi. Người Kinh nhưng ở núi lâu, thành ra người núi. Từ cách sử dụng hình ảnh  ví von:

          Em lấy  lá ngải thả vào từng dấu chân

 hương ngải không tan vào giời

 không tan vào đất

anh như con trâu măng bị bỏ đói  ba ngày mũi rà rà sát đất 

nụ hôn nào cũng vương vấn ngải ơi!

                   (Ngải ơi)

Người con gái miền núi nói với mẹ:

                   Mười bốn tuổi con đã là thiếu phụ 

ngồi tẽ ngô, tẽ tơi tả đời mình

mười lăm tuổi cõng con về thăm mẹ 

như trâu be đeo ách giữa nương cằn

                  (Thưa mẹ)

Nỗi đau bị dứt tình  thật đau:

                   Em nhận trầu cau lên mảng nứa 

mặc anh ngơ ngẩn phía bờ lau 

nỗi đau nghiến nỗi đau tròn méo

sấm nổ cuối trời nước cuốn dưới chân

           (Đau)

Những so sánh đậm hình ảnh miền núi : Kí ức  bám ta như mõ bám cổ trâu ( Có thể nào quên);  Ta  như con lợn rừng chui giữa bụi gai / gai cào rách thịt rách  da không cào nổi buồng tim lá gan ( Em đi). Và  nói thì nói theo lí của người vùng cao:

                   Tốt với nhau ăn quả trứng không hết

không tốt mổ trâu cũng không đủ 

nhìn mặt trời xuống núi đỏ như miếng tiết

biết mặt trời trối trăng sẽ mưa đá sấm rền

          (Lí người vùng cao)

 Kể cũng lạ là không biết vì phải  rẽ  cây mà đi, đạp  cỏ mở lối, xuyên rừng lội suối quen đến nỗi người viết thích dùng từ CHUI. Có lúc  đến bốn từ này trong một bài thơ. Cả chui thật lẫn chui ảo:

          -Hồn vía chui vào ruột cỏ vây người

          -Đêm đêm anh háo hức chui vào dàn ca dế

chui vào bát ngát trời xanh

-Hồn vía chui vào cây khèn

cây khèn rưng rưng phát lộc

                  (Ngải ơi)

Ta bồi hồi trước rừng chè tuyết shan

Cổ tích chui giữa lòng cổ thụ ( Một ngày Tam Đảo)

Qua tay em

xanh từ ngàn năm nuôi giữ

chín từ khoe đất khoe người

chui ra từ những cuộc thiên di

từ núi cao, rừng sâu, vực thẳm ( Những đường thêu)

Kẻ - chui qua lũ ống ( Gặp bạn);  Gió nhè nhẹ chui qua khe cửa ( Một đêm đáng nhớ);  những chú chuột… chui vào căn buồng kín trên bền dưới kiên nhẫn mài răng (Tháng mười); Con đường quê đầy tiếng chân nặng nhọc/  Tiếng thở dài chui vào vào mông lung ( Có thể nào quên); bao giờ vồng Tây mống Đông/ ta chui bão giật, mưa giông ta cười (Ước!...); Một mình chui giữa phong ba/trồi lên trụt xuống không qua nổi mình (Nhuộm tóc). Theo chúng tôi, đây cũng là một nét làm nên “Khác biệt”!

 Tác giả còn viết nhiều về EM,  viết về  sự Hẫng hụt, về Lỗi nhịpvề Nụ cười cô gái Mông, về Chiều bản Vược, về Mưa ở Lũng Phình,…Người đọc sẽ ấn tượng mạnh bởi những câu thơ viết về người lính trở về từ cuộc chiến tranh không thôi ám ảnh:

          Đom đóm lập lòe ma trơi

thót lòng ngỡ hồn bạn gọi

lộp độp mưa gõ trên mái 

giật mình thảng thốt bom rơi

                  (Dư âm nghiệt ngã)

Một người lính khác “ không trầy da song vạn vết thương lòng”:

                   Soi mình vào chén rượu

miệng chén bỗng giống hố bom

những váng rượu hệt váng dầu trôi nổi

và:                 

                   Đêm chị sinh

gió rin rít như bom ngoài chiến địa

cả nhà kinh hoàng quặn thắt 

đứa bé sinh ra không thể thành người

anh gào lên !

cả nhà gào lên!

                  (Anh!...)

Có thể nói rằng 87 bài thơ là 87 viên gạch “ mỗi viên nặng một nỗi niềm” để nhà thơ xây nên ngôi nhà thơ “ Khác biệt”. Hình như  người viết có chút nghi ngờ, có chút hoang mang, cái nghi ngờ hoang mang của người từng trải.

                   Ta chợt nhận ra ngưỡng cửa trời kiêu hãnh

có lối ngây ngô cho nhà thơ ngập ngừng

                   (Một ngày Tam Đảo)

                   Chiếc xe cút kít tự tay đẽo

chở mấy vạn ngày ra tay không        

                   ( Tự sự)

Bốn bức tường ngôi nhà tôi đang xây 

loay hoay mãi vẫn chỉ cao ngang mặt

đứng trong tường nhìn dòng đời tuôn chảy 

tôi bâng khuâng nghĩ công sức dã tràng

                   (Tự vấn)

Vâng! Có chút  hoang mang, có chút nghi ngờ, nhưng đấy là chút thoáng qua của con người từng trải, từng làm nhiều việc, từng biết “ khóc cho những cái hoa tay”, biết mình đã “yên phận chui vào lâu đài chừng mực, ngủ ngon trong thuận mắt, thuận lòng”( Khóc cho những cái hoa tay).

          Tôi đọc “ Khác biệt” và thấy rằng, như một câu thơ tác giả viết khi đứng trước dòng sông,  thấy mình như dòng sông:

                   Dìm buốt giá trong lòng để hát khúc phì nhiêu

                                                 (Trước dòng sông)

Khúc phì nhiêu của “Khác biệt” sẽ tiếp tục ngân vang trên núi rừng Hoàng Liên Sơn và trên thi đàn nước Việt!

                                              Hà Nội, 13/11/2024

anh_cua_trung_nguyen_11

         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét