Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2025

TRỘM TÌNH

 


“TRỘM TÌNH”

                         

                                   HỒ BÁ THƯỢC

 

Đại đội trưởng Khổng Minh Lý, gọi đội viên Phan Thị Thêm lên Chỉ huy sở đại đội, căn dặn:

  • Theo thông báo của trên, lễ Nôen năm nay, Mỹ tuyên bố ngừng ném bom trên toàn lãnh thổ miền Bắc, chị cho em về thăm nhà. Đêm 24 là đêm vọng Giáng sinh, bọn giặc lái đang chuẩn bị đón lễ, nên chúng nghỉ đánh đấm. Nhân cơ hội này, em đi từ chập tối là an toàn nhất. Tối ngày 25, em phải về đơn vị ngay, vì hôm sau chúng sẽ đánh mạnh, cho dù đang mùa Giáng sinh. Cho chị gửi lời thăm mạ nhé.
  • Vâng, em cám ơn chị. Đây là lần đầu tiên, em được về thăm nhà, kể từ ngày gia nhập TNXP vào đường Trường Sơn. Lúc nghe tin cả nhà bị dính bom, em không thể về được. Lần này, chắc mạ em mừng lắm.

Thấy chị Lý lau mắt, sợ cả hai cùng oà khóc, Thêm nhẹ nhàng rút lui. Thật cũng tội chị lắm, người yêu đi ứng cứu giao thông ở phà Ròon bị hi sinh, chị cũng không về được. Trách nhiệm hàng chục đội viên trên vai, bom đạn, thương vong xẩy ra bất cứ lúc nào, chị không thể bỏ mặc, không dám rời vị trí người chỉ huy. Bốn năm nay, chị chưa về nhà lần nào…

 Đi qua nhà hầm y tế, anh Ôn gọi:

  • Thêm à, vào đây lấy ít bông băng, đi đường cho an toàn.

Nghe thấy tiếng anh y tá gọi, Thêm rùng mình, vội vàng từ chối:

   - Em đã có đủ rồi - Thêm đi về nhà hầm nữ.

Ngày 24/12, suốt từ sáng cho đến chiều tối, máy bay đánh dữ dội ngoài trọng điểm Ba Thang, khác hẳn với ngày thường. Thêm ngồi trong lán trại, cách xa mặt đường hàng cây số, vẫn thấy mặt đất rung chuyển, cột kèo nhà hầm kêu răng rắc. Có lẽ bọn giặc lái, chẳng cần lựa chọn mục tiêu, trút bom đạn cho nhanh, rồi còn về.

 Càng gần tối, Thêm càng rối lòng. Đêm nay, và ngày mai, giặc không đánh phá. Cả đại đội lại lao ra mặt đường, san lấp hố bom, trong khi mình lại về quê. Hay xin chị Lý ở lại, ra mặt đường với chị em? Dịp này không về, chưa biết đến bao giờ. Âu cũng là cơ hội có một, không hai. Cha, em trai mất bị bom đánh vào làng, cô không về được, đành chịu tội bất hiếu. Còn lần này, được về thắp nén nhang cho cha và đứa em tội nghiệp, cũng là việc nên làm. Nghĩ tới cảnh gia đình mất mát quá lớn, mẹ già sống lay lắt, Thêm tủi thân, oà khóc.

 Nghe tiếng bom nổ đã vãn, Thêm khoác ba lô trèo lên được dốc Ba Thang, ra đến mặt đường bắt đầu chạy. Cũng may trong ba lô, chỉ có một bộ quần áo TNXP lành lặn, khi cần mới mặc, còn có một cân đường để dành từ lâu. Buổi chiều, chị Lý đi qua, cho thêm bốn bánh lương khô. Cô bạn thân kịp đeo vào ba lô bi đông nước. Dưới nhà ăn, chị cấp dưỡng, dúi cho một túm ni lông, ước chừng được 5 ki lô gạo và một cục cơm nắm. Ba lô vẻn vẹn có vậy, nhẹ tênh.

 Cứ chạy gần được một cây số, lại đi bộ hơn trăm mét rồi chạy tiếp. Dần dà cũng ra được cửa rừng, qua Phong Nha, Hà Lời, Cổ Giang đến ngầm Bùng. Lội qua ngầm, nước mát lạnh, người tỉnh táo đến lạ.

 Về tới đầu làng, trời bắt đầu sáng rõ. Thêm hoắng mắt, không tin vào mắt mình nữa. Đây, làng Khương Hà, quê mình sao? Đường vào thôn, hàng cây nhãn xù xì biến mất, cây gục đổ ngổn ngang, gốc bật rễ, khô khốc. Thay cho đường đi ngày xưa, là con hào chính, để mọi người lưu thông an toàn, cỏ đã mọc lúp xúp trên mép hào. Ngoài hào giao thông chính, vô số các ngách hào nhỏ, toả khắp thôn. Đặc biệt không còn ngôi nhà nào trên mặt đất. Hình như nhà cửa bị địch đánh phá hết, chỉ còn lúp xúp mấy ngôi nhà, nửa nổi, nửa chìm. Trước đây, gần như nhà nào cũng có cây lựu, hoa đỏ lập loè một góc sân. Hàng cau bao quanh vườn, thanh tao, ngay thẳng in đậm trên nền trời xanh ngắt, là niềm tự hào cho sự ngay thẳng của người Khương Hà. Nay chỉ còn lại thân cây cụt, giống như mũi dùi chĩa lên trời, đầy thách thức.

Các hố bom trong làng và ngoài cánh đồng nơi nào cũng có. Thêm ngỡ ngàng không nhận ra nhà mình, trong bàn cờ giao thông hào chằng chịt. Cũng may, dân làng được tin địch ngừng ném bom, nhà nhà, người người vui mừng chui lên khỏi hầm, phơi chăn màn quần áo, hưởng chút không khí hoà bình giả tạo.

   Không biết con cái nhà ai, một cậu chừng 12 - 13 tuổi, tình nguyện dẫn Thêm qua nhiều đoạn hào, mới đến được hầm của nhà mình. Thấy mạ ngồi trước cửa hầm, Thêm ào đến ôm lấy mạ:

  • Mạ, mạ ơi, con Thêm về với mạ đây.

 Hai mẹ con ôm nhau khóc, như nhà có tang. Không,  hôm nay mới là ngày hai mẹ con làm tang cho cha và em. Nhớ ra, mạ vội chạy vào trong hầm, lôi ra một chiếc khăn tang trắng, dính đầy bụi đất. Đây là chiếc khăn tang, mạ dành cho Thêm suốt ba năm chờ đợi. Đội khăn tang lên đầu, Thêm vào cuối ngách hầm bật lửa châm nhang. Cô giật mình nhận ra bàn thờ là một mẩu ván cửa, đặt trên mô đất. Một bát sắt tráng men sứt sẹo đựng cát để cắm hương, hai cái chén và một chai nước cúng.

Thêm vật vã khóc thảm thiết, thương xót cảnh điêu tàn của người chết lẫn người sống. Nghĩ tới cảnh ngày đêm, mẹ vò võ một mình, sống đói khổ, bom đạn rình rập, lòng dạ cô xót xa, rối bời. Vì nhiệm vụ bảo đảm giao thông đường 20, phục vụ cho các đơn vị xe đưa hàng sang tuyến 559, cô đành nhẫn tâm phải xa cách người thân yêu của mình.

  Mạ dẫn Thêm sang hầm nhà Công, người yêu của con gái mình. Trên đường đi, mạ nói hầm hào của nhà ta, do Công làm. Hắn bảo cũng thương con, nhưng không thể lấy con. Tình cảnh như hiện nay, phải giải thoát cho cả hai. Không nói ra, mạ cũng hiểu Công không muốn con phải cực khổ, khi lấy một người chồng tàn tật. Tương lai phía trước không biết thế nào? Mạ bảo:

  • Số hắn cũng đen, cùng tham gia đi ứng cứu ngoài ngầm Bùng. Mọi người không sao, chỉ vài người bị thương nhẹ. Riêng hắn, mảnh bom phạt mất một chân và một tay cùng bên phải. Sau này, không biết nhà nước có giải quyết chính sách hay không, còn bây giờ được cấp 10 kg gạo một tháng cho hai mẹ con để sống. Bây giờ con định liệu thế nào?
  • Con cũng không biết tính sao, bây giờ đang đi làm nhiệm vụ. Còn việc riêng, do anh ấy quyết định. Ý anh ấy thế nào, con cũng nghe theo.

Thêm ngập ngừng đứng trong hào giao thông, nhìn thấy Công đang ngồi chặt củi. Một chân lành và một chân cụt, đang đè lên cành củi cong queo. Tay trái còn lại lành lặn đang hì hục chặt, mồ hôi vã ra trên trán. Thêm định chạy đến. Đột nhiên Công nhìn thấy hai người. Hắn giơ dao về phía hai mẹ con, nói to:

  • Đứng lại, không được đến gần, tôi chém.

Thêm ngỡ ngàng ngồi thụp xuống, khóc :

  • Anh tha lỗi cho em. Nghe tin cha, em trai mất, anh bị thương, em không về được, cũng vì đang làm nhiệm vụ. Bom đạn trên tuyến đường giao thông, mỗi ngày một ác liệt. Nỗi đau này chứa chất trong lòng, không biết chia sẻ với ai. Anh đừng hắt hủi thế, em đau lòng lắm.
  • Em về thắp hương cho cha và em trai. Hôm nay có dịp, anh nói rõ cho em biết, chúng ta chia tay nhau. Anh suy nghĩ kỹ rồi, không trách mắng, giận hờn em đâu, chỉ vì hoàn cảnh chiến tranh. Chúng ta chấm dứt tình cảm từ đây. Mạ và em cũng đừng trách, không suy nghĩ nhiều về việc này. Chúng ta vẫn quí trọng nhau như xưa, nhưng hôn nhân là không thể. Mạ và em quay về nhà đi.

 Nói xong, như người trốn chạy, Công quay mặt, lết nhanh về phía cửa hầm. Có lẽ, Công đang dấu nước mắt trước sự buông bỏ, tàn nhẫn của mình. Hai mẹ con ôm nhau khóc, thẫn thờ trước quyết định đầy bất ngờ của chàng trai thương tật.

Sau bữa cơm chiều đạm bạc, mẹ dẫn Thêm về cuối ngách hào, chỉ vào con lợn:

  • Cách đây ba tháng, mẹ có đàn lợn năm con. Không biết làm sao, chúng lên được miệng hào, dẫn đàn con đi lang thang, bị bom bi vướng nổ, chết hết. Chỉ còn con lợn cái bị cụt hai chân sau, nhưng vẫn còn sống. Nhờ cô y tá của của bộ đội pháo phòng không băng bó, thuốc thang, nó mới sống được. Thức ăn ít, nên chậm lớn. Mạ thương nó côi cút không dám thịt, con mang về đơn vị nuôi.

 Lại một đêm mò mẫm. Sáng hôm sau, Thêm về  đơn vị an toàn. Mấy chị em ngắm con lợn cụt cả hai chân, mà vẫn kiên cường sống được, thấy xót xa quá. Mỗi lần đến máng ăn phải bò lết, trông thật tội nghiệp. Con Út lớn tồng ngồng thấy thế oà khóc, nó bảo chiến tranh tàn khốc quá, không miễn trừ ai, kể cả con vật đáng thương này.

Làm xong chuồng lợn, Thêm lăn đùng ra ốm. Cô hết sốt nóng, lại đến sốt rét, lảm nhảm trong cơn mê. Nhiều lúc thiếp đi, lay gọi cũng không tỉnh. Chị Lý ngồi canh chừng suốt buổi chiều, lo lắng vì mấy đêm liền, Thêm không hề chớp mắt. Hơn nữa, đi đứng vất vả, gia đình mất mát, người yêu từ chối, nẫu ruột sinh bệnh. Nếu tối nay bệnh tình không giảm, sáng mai chị cho người cáng Thêm đi trạm xá. Đại đội trưởng dặn dò y tá Ôn, ở lán trại chăm sóc Thêm, còn toàn bộ chị em ra mặt đường.

 Gần sáng, Thêm tỉnh lại mà chị em đi làm đêm chưa về, xung quanh im ắng quá. Cô thấy vướng víu ở khuy áo, mới biết hàng cúc áo xô lệch. Có ai đó cẩu thả, cài cúc áo cho mình? Nhói đau bụng dưới, sờ thấy ướt nhẹp, có cái gì đó lầy nhầy. Thêm cảm thấy, đã xẩy ra chuyện gì rất nghiêm trọng với mình. Kẻ nào đã “trộm” khi cô đang bất tỉnh? Cô gào lên trong đau khổ tột cùng.

  Thấy y tá Ôn bưng bát cháo vào, cô bật dậy:

  • Anh làm chuyện này phải không? Ở đơn vị toàn phụ nữ, chỉ có mình anh là đàn ông. Anh đã làm một việc xấu xa với tôi, đồ khốn nạn. Hàng ngày, tôi coi trọng vì người cùng làng. Dẫu đôi lần anh cợt nhả, tôi đã bỏ qua. Vậy mà anh lợi dụng, lúc tôi mê man bất tỉnh, giữa sống và chết, anh đang tâm triệt hại, phá hoại sự trinh tiết của tôi. Anh là loài cầm thú, chứ không phải con người nữa. Việc này tôi sẽ báo cáo với cấp uỷ, và chỉ huy đại đội.
  • Cho anh xin lỗi, nghìn lần xin lỗi, cũng vì anh không làm chủ được mình. Hơn nữa hàng ngày anh rất quí mến em, không chỉ em xinh đẹp, còn hiền lành tốt bụng nữa. Nói thật, anh không cưỡng lại được. Xin em tha thứ cho anh. Việc này lộ ra, vợ con sẽ từ bỏ anh. Mọi người trong thôn của ta biết chuyện, cả anh và em, sẽ không còn đường về. Anh cắn rơm, cắn cỏ xin em tha tội lần này.
  • Từ bây giờ, anh cút khỏi mắt tôi. Nhìn thấy anh, tôi tởm lợm lắm. Nếu còn lại gần, có thể tôi sẽ giết anh. Tôi căm thù anh!

Thấy ồn ào lẫn tiếng khóc, chị cấp dưỡng từ dưới bếp chạy lên, hỏi:

  • Có chuyện gì trên này ồn ào thế, chú Ôn?
  • Không có chuyện gì đâu chị Lĩnh ạ. Nhờ chị nấu cho Thêm nồi nước lá cây để tắm, người đang yếu, phải tắm nước nóng mới mau khỏi được.

Thêm xin Đại đội trưởng Lý, không đi trạm xá nữa, vì cơn bạo bệnh đã qua, tĩnh dưỡng vài ba hôm là khoẻ ngay. Nói là vài ba hôm, nhưng hôm sau Thêm bật dậy, tất tả chăm sóc cô lợn “thương binh”, dành tình cảm cho con vật đáng thương. Cô thấy con lợn thân mật, gần gũi với cô hơn. Được chăm sóc tử tế, chả mấy lúc, cả hai quấn quýt. Âu cũng là cách quên đi nỗi đau buồn, mất mát. Cô đã cười được, cười ngặt nghẽo khi thấy con lợn ngộ nghĩnh, ngồi xổm trên hai chân cụt, hai chân trước bám vào vách chuồng, ngóng đợi bữa ăn.

Cô phát hiện, phân lợn thải ra vẫn còn nguyên hạt bo bo (mì hạt), có thể lợn không tiêu hoá được. Cô liền huy động chị em, lấy mũ sắt pháo binh hỏng ngoài trận địa đem về làm cối, lấy đá suối làm chày, giã hạt bo bo thành bột. Từ đó có cháo cho lợn, bánh hấp, bánh rán cho các thành viên đại đội ăn. Một dãy dài các cô ngồi, dẻo tay giã bột, hò Giã gạo:

Hò ơ, hớ hơ… Khoan ơi khoan là khoan… Hò hơ hớ hơ… Hôm nay vui hội bạn bè, hờ ơ hớ hơ…

Cứ vậy, Thêm và chúng bạn vui đùa, chẳng bao lâu cô được “tái sinh”, vui vẻ hồn nhiên như chưa từng trải qua nỗi đau ô nhục. Tuổi trẻ dễ xoa lấp vết thương?

        Sắp đến ngày kỷ niệm bốn năm ngày thành lập đại đội TNXP của đơn vị, mọi người lo lắng xây dựng các tiết mục văn nghệ, chuẩn bị một bữa ăn đầy đủ. Có ý kiến đề xuất, thịt con lợn đang nuôi để khao quân. Mọi người ào ào tán thành. Nhà bếp còn hăng hái, tuyên bố sẽ thết mọi người một bữa tiết canh lòng lợn Trường Sơn. Giết mổ con lợn, Thêm rất buồn, nhưng không dám phản bác.

Sáng hôm sau, mọi người đổ xô ra chuồng lợn, ngạc nhiên thấy lúc nhúc một đàn lợn con đang rúc vào vú mẹ. Thật không thể tưởng tượng được. Tất thảy, vừa sợ hãi, vừa kinh hoàng, cùng thốt lên:

- Ôi! Lợn con. Tại sao lại có đàn lợn con ở đây?

    - Năm sáu tháng trước, con lợn chỉ được mấy cân, gày còm, làm sao chửa được? Hay là có kẻ nào vào đây “trộm”? Chắc chắn là như vậy vì lợn què chân làm sao xổng chuồng đi “tơ” được?

  • Hay là có chú lợn đực, lang thang đâu đó từ xa đánh hơi thấy “mùi mái”, lần mò đến “trộm tình” lợn của ta, mà không ai biết? Các đơn vị xung quanh, không có đơn vị nào nuôi, làm sao xẩy ra chuyện này được. Vậy kẻ kẻ “trộm tình” đó, không lẽ là lợn rừng?
  • Đấy, nhu cầu “làm mẹ” mãnh liệt biết nhường nào, dù cho thiệt thòi về thể hình, nhưng việc sinh tồn là không trái được với tự nhiên. Thật tội cho cô lợn nhà mình, què cụt như thế, vẫn phải nuôi đàn con.

         Tự nhiên, các cô gái không bàn luận gì thêm. Chị Lý nghe tin cũng chạy ra xem, mừng quá tuyên bố luôn:

  • Ta nhân đàn lợn để nuôi. Thành công, sẽ biếu cho các đơn vị bạn làm con giống. Thôi, dẹp chuyện ăn uống lại. Đại đội ta được đàn lợn thế này là có quà mừng rồi.

Bỗng, bên nhà hầm, có tiếng khóc thét. Mọi người hoảng hốt chạy sang, thấy cô Út đầu tóc rũ rượi, vật vã trên giường. Cạnh bên là một vũng máu lầy nhầy. Mọi người sợ hãi, có ai đó hỏi gắt:

  • Út, thế này là thế nào?
  • Em cũng không biết nữa. Đêm qua, anh Ôn đưa cho em một vốc thuốc kí ninh, bảo em uống ngay. Được một lúc thấy đau bụng dữ dội, rồi xẩy ra thế này.
  • Thế mày uống mấy viên?
  • Em không để ý, anh ấy đưa bao nhiêu, em uống hết.
  • Thôi chết, em bị truỵ thai rồi - Mày có thai với ai, nói mau?

Út ngập ngừng không nói, lại tiếp tục khóc. Chị Lý từ nãy theo dõi câu chuyện đội viên, liền ra mệnh lệnh:

  • Các em đi gọi y tá Ôn lên đây, mọi người về lán nghỉ ngơi. Một tiếng sau, đại đội họp khẩn cấp.
  • Thưa toàn thể các đồng chí Đội viên, chúng tôi đã hội ý Chi uỷ, và Ban chỉ huy đại đội. Sự việc đau lòng này, chúng tôi đã xét hỏi, lấy lời khai ban đầu của y tá Ôn và sự xác nhận của cô Út. Việc xẩy ra cách đây gần hai tháng, lúc đó cô Út bị ốm, anh Ôn ở nhà chăm sóc. Do bị dồn ép, cô út chống cự, nhưng sức yếu đã bị anh Ôn hãm hại.

Sự việc này, anh ta đã thú nhận không chỉ với cô Út, mà xẩy ra nhiều lần với nhiều người, chủ yếu ở nhà hầm “y tế”. Một khi có đồng đội nữ bị đau yếu, không ra mặt đường được. Thậm chí lợi dụng lúc hai người cùng đi lấy thuốc y tế ở Ban chỉ huy Đội về, lấy lương thực ở kho, hoặc đi lấy măng rừng nơi heo hút… đều bị xâm hại. Chỉ vài trường hợp, chị em khao khát quá mức, không giữ được mình. Đối với Út, thấy có triệu chúng mang thai, ba lần cho uống ký ninh liều cao, xẩy thai là có chủ đích. Gần như các trường hợp khác, mỗi lần thoả mãn xong, anh ta đều cho uống kí ninh để ngừa thai.

Phụ nữ chúng ta, ai cũng có phẩm giá của mình. Cố gắng giữ gìn, sau khi hết hạn nghĩa vụ TNXP, trở về địa phương, xây dựng hạnh phúc gia đình. Nhưng có một người nhân danh thầy thuốc, đã cướp đi hạnh phúc đó. Nguy hiểm hơn, cho uống kí ninh, nhằm triệt hạ, ngừa thai nhi. Đây thực sự là một tội ác, không thể dung thứ được. Tôi kêu gọi chị em, ai đã từng bị anh Ôn hãm hại với nhiều hình thức, hãy dũng cảm đứng lên tố cáo. Không vì cá nhân, tố cáo oan cho anh ấy, chị em phải trung thực với lời khai của mình.

Không khí trong lán hầm, rất ngột ngạt. Nhiều người thì thào, thậm chí có tiếng khóc nức nở. Đại đội trưởng khích lệ:

  • Hãy dũng cảm giơ tay lên, đừng ngần ngại, không việc gì xấu hổ, ngoài chúng ta là phụ nữ, ở đây không còn ai khác…

Đại đội trưởng thoáng thấy các cánh tay giơ lên, khoảng một phần ba đội viên nữ của mình. Có người thẳng thắng giơ tay, có người ngập ngừng giơ lên rồi hạ xuống. Chị kinh hãi, nước mắt tràn mi, nhưng không dám khóc. Nếu yếu mềm vào lúc này, sẽ là một thảm hoạ. Lấy lại phong cách lãnh đạo thường ngày, chị cứng cỏi:

  • Tôi là người quản lý, đã không sâu sát tâm tư tình cảm với chị em, tin cậy mù quáng vào một con người sa đoạ về đạo đức. Để xẩy ra nông nỗi này, đây là lỗi rất nặng của tôi. Với anh Ôn, chúng tôi đã thống nhất làm báo cáo, đề nghị cấp trên xử lí kỉ luật. Ít nhất khai trừ ra khỏi đội ngũ TNXP, đuổi về địa phương.

Thêm định giơ tay, ngập ngừng mãi, nhưng rồi cô quyết định giữ kín chuyện của mình. Thêm một gáo nước vào con thuyền đang chìm, chẳng còn ý nghĩa gì. Cô hiểu rằng anh ta không chỉ “trộm tình” của mình, còn nhiều bạn khác, kể cả cô bạn thân nhất, cùng chăn chiếu bấy lâu nay.

Cô bí mật chuyện cay đắng này với mọi người. Sau này, chỉ thú nhận riêng với Công - Người yêu của cô. Nếu anh ấy chấp nhận sự thật, đó là hạnh phúc vô cùng lớn lao đối với cô. Cho dù anh ấy thương tật, mất mát quá lớn, cô sẽ sinh cho anh ấy, những đứa con xinh đẹp, lành lặn để bù đắp những thiệt thòi, anh đã chịu đựng.

Cô thầm nhủ rằng, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng không buông bỏ người thương binh cạn kiệt sức khoẻ, lẫn tình yêu đang chờ đợi ngày cô trở về…

 

                  Hà Nội, ngày không còn giãn cách

                                 15-10-2021

 

 

                              hoa_sung_1

 

 

 

 

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét