Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2025

Tiểu luận Hoàng Kim Ngọc MAI VĂN PHẤN

 


Tiểu luận Hoàng Kim Ngọc: Nhận diện vẻ đẹp của thơ cách tân qua tiểu luận, phê bình của Mai Văn Phấn

Vanvn– Hai cuốn sách phê bình, tiểu luận Không gian khác (2016) và Nhịp điệu vẽ lối đi (2024) của Mai Văn Phấn giúp độc giả nhận diện vẻ đẹp của thơ cách tân trong “không gian thơ” mới mẻ, khác lạ của một số tác giả xuất hiện từ năm 1986. Bằng lối phê bình tài hoa, có dấu ấn phong cách riêng, ông đã vẽ nên diện mạo, những tương đồng và khác biệt của một số nhà thơ cách tân hiện nay.

Mai Văn Phấn là nhà thơ Việt Nam đương đại có thơ được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và đạt nhiều giải thưởng thơ trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, ông không chỉ sáng tác thơ mà còn viết hai tập phê bình, tiểu luận: Không gian khác (Nxb. Hội Nhà văn, 2016) với 424 trang và Nhịp điệu vẽ lối đi (Nxb. Hội Nhà văn, 2024) với 376 trang. Ngoài ra, ông còn “lấn sân” sang cả lĩnh vực dịch thuật[1].

Nhà thơ Mai Văn Phấn 

Việc các nhà thơ chuyển sang viết văn xuôi, phê bình và ngược lại không còn được coi là “hiện tượng” mà đã trở nên khá phổ biến. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được thành tựu trong những địa hạt khác nhau đó.

Hai cuốn sách phê bình của Mai Văn Phấn giúp bạn đọc tìm lời giải đáp cho nhiều câu hỏi quan trọng: Liệu Mai Văn Phấn có thể đồng thời là một nhà phê bình văn học? Ông từng quan tâm và cổ xúy cho những vấn đề nào của thơ ca? Dưới góc nhìn của một nhà thơ cách tân, vẻ đẹp của thơ cách tân là gì? Phê bình của ông khác biệt ra sao so với giới phê bình chuyên nghiệp? Và, liệu ông có chủ động trau dồi, vươn tới tính chuyên nghiệp trong nghiên cứu và phê bình? Để tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này, chúng ta cần khám phá và giải mã sâu sắc hai cuốn sách phê bình, tiểu luận của ông.

1. Đuổi bắt “ánh sáng ” trong “không gian thơ”

Nếu như ai đó còn hoài nghi “Có hay không một khuynh hướng cách tân thơ sau 1986 ở Việt Nam?”, thì câu hỏi này đã được Mai Văn Phấn trả lời một cách tự tin qua 69 bài viết, rằng: khuynh hướng này đã xuất hiện và đang được khẳng định ở Việt Nam. Hai tập phê bình, tiểu luận của ông luôn hướng tới sự kiếm tìm những tác giả có “không gian thơ” mới mẻ; truy vết vẻ đẹp nguyên khởi nơi “dòng ban mai”, “dòng thác ánh sáng” trong thơ của họ. Do đó “ánh sáng” và “không gian khác” chính là những từ khóa trong các sách phê bình của ông.

Vậy, quan niệm về “không gian thơ” của Mai Văn Phấn là gì? Đó chính là không gian lập phương, đa chiều, đa điểm nhìn… Từ khóa “không gian thơ” được ông dùng trong nhiều kết hợp: không gian trong suốt và tĩnh lặng;  không gian khác/ khác biệt; không gian mở; không gian sâu với nhiều tầng bậc, không gian đan cài; không gian ba chiều/ đa chiều; không gian văn hóa Việt; không gian hiện đại; không gian riêng; đường hầm siêu không gian; thủ pháp tạo không gian; không gian phi biên giới; sắp đặt/ thiết lập/ thiết kế/ kiến tạo không gian, không gian bất ngờ chuyển động…

Bìa cuốn sách phê bình, tiểu luận “Không gian khác” (2016) của Mai Văn Phấn

“Ánh sáng” chính là nhãn tự mà Mai Văn Phấn đã sử dụng để bước vào khám phá lâu đài thơ, hay còn gọi “không gian thơ” của các tác giả Việt Nam sáng tác sau 1986 và một số tác giả đương đại nước ngoài tiêu biểu. Vì thế, từ “ánh sáng” đã xuất hiện trong nhiều kết hợp như: chiếc lồng ánh sáng; nguồn sáng, dõi tìm ánh sáng; người khai hoang ánh sáng; năng lượng ánh sáng; ánh sáng đan lồng vào ánh sáng; ánh sáng mở ra; ánh sáng của lương tâm; ánh sáng của cõi lạ; ánh sáng tinh khôi; đuổi bắt ánh sáng; ánh sáng lộng lẫy/ lung linh/ trong suốt… Thậm chí, “luồng sáng” ấy có mặt ngay trong nhan đề của nhiều bài viết: “Nơi tụ hội ánh sáng”, “Ánh sáng Cây từ bi”, “Dòng thác ánh sáng trong thơ Ko Hyung-Ryul”, “Ánh sáng song trùng trong thơ Halmosi Sándor”, “Ánh sáng của quá nhiều bóng đen”,“Cơn mưa ánh sáng trong thơ Lê Ngân Hằng”, “Nguyễn Đức Tùng: Người đi tìm ánh sáng của thơ”…

“Ánh sáng” chính là vẻ đẹp trong “không gian thơ” của các nhà thơ cách tân mà Mai Văn Phấn quan tâm, nghiên cứu; nó cho bạn đọc thấy được bản sắc và diện mạo riêng biệt của mỗi nhà thơ. Mai Văn Phấn chắc hẳn đã biết đến những băn khoăn nghi ngờ của nhiều người về nó. Trong bài viết: “Khuynh hướng cách tân của thơ trẻ đương đại”, tác giả Huyền Vũ có nhận xét: “nhân danh cách tân nhiều người đã cho ra đời một thứ chẳng biết gọi là gì: văn nói, ghi chép, nhật ký,… chỉ biết rằng nó giống như món óc sống khiến công chúng không thể nào tiêu hóa nổi”. Băn khoăn của Huyền Vũ cũng là băn khoăn của nhiều độc giả. Thế nhưng, bằng hai cuốn phê bình và tiểu luận, Mai Văn Phấn đã giúp người đọc nhận diện được thế nào là thơ cách tân đích thực; ông đưa cho độc giả mật khẩu để có thể tự giải mã thơ cách tân, giúp họ biết cách cảm thụ và thấy được cái mới, cái hay của dòng thơ này. Bởi thời đại thay đổi, hệ hình thẩm mĩ cũng cần thay đổi.

Vậy quan niệm về cái đẹp trong thơ cách tân của Mai Văn Phấn là gì? Khi nào văn xuôi, nhật kí sẽ thành thơ? Câu trả lời là, khi trong mỗi cái riêng tư, nhỏ nhất, sâu kín nhất của con người có được những vấn đề chung của dân tộc hay của thời đại. Bạn đọc sẽ thấy rõ điều đó khi đọc những trang Mai Văn Phấn viết về tập thơ “Nhật kí người xem đồng hồ” của Nguyễn Quang Thiều, hoặc về những trang nhật kí tình yêu của Khosiyat Rustam, trong đó đã “hé mở cho người đọc thấy được những biểu tượng tình yêu thời hiện đại cùng vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Uzbekistan”[2]…

Vậy khi nào thơ cách tân không bị lẫn với văn xuôi? Câu trả lời của Mai Văn Phấn là: ngay cả khi các bài thơ ấy có nhân vật, có tích truyện, rất giống thể loại truyện cực ngắn nhưng nó phải được viết bằng ngôn ngữ thi ca. Và ông đã chứng minh điều này qua các bài viết về thơ Nguyễn Bình Phương[3], Nguyễn Đức Tùng…

Bìa cuốn sách phê bình, tiểu luận “Nhịp điệu vẽ lối đi” (2024) của Mai Văn Phấn

Khi nào những câu “văn nói”, ngôn ngữ đời thường trở thành thơ? Đó là khi chúng viết ra tưởng như “tự nhiên như hơi thở”[4] nhưng có độ dư vang của chữ và khi những “hình ảnh giản dị, đáng yêu trong cuộc sống đời thường luôn là nguồn mạch nuôi dưỡng cảm xúc sáng tạo của thi sĩ”[5]. Mai Văn Phấn đề cao ngôn ngữ thơ tối giản vì đó là “một trong những xu hướng của nghệ thuật đương đại”[6] ; ông cổ xúy cho những câu thơ hạn chế tính từ, thán từ, sử dụng nhiều động từ vì điều đó sẽ: “đẩy các chuyển động của thi ảnh đi nhanh hơn”[7] …

Mai Văn Phấn còn đề cao “Tính chân thực và Sự thể hiện khách quan” (Sincerity and Objectification) trong thơ theo quan điểm của Louis Zukofsky và khẳng định rằng sau năm 1986, tính khách quan là một trong những thi pháp nổi bật được sử dụng trong thơ đương đại của nhiều nhà thơ, đặc biệt nổi bật ở Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Nguyễn Thị Hải….

Mai Văn Phấn coi vẻ đẹp, ánh sáng xuất hiện trong thơ thông qua sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa hiện đại và căn tính văn hóa dân tộc. Theo ông, điểm sáng trong thơ Inrasara chính là tình yêu quê hương, bản sắc văn hoá độc đáo và riêng biệt của dân tộc Chăm; trong thơ của Nguyễn Bình Phương là “sự pha trộn nhuần nhuyễn và có phần ma mị giữa không gian thuần Việt với cách nhìn hài hước, diễu nhại hiện đại”[8]; trong thơ Khosiyat Rustam mang cho người đọc ấn tượng trực khởi về vẻ đẹp của những hình ảnh thiên nhiên quen thuộc hào phóng của đất nước Uzbekistan…

Mai Văn Phấn quan niệm thơ hiện đại, có kết cấu đa tầng, chuyển động đa phương chiều, nhưng phải bám rễ vào truyền thống mang căn tính Việt, “có cấu tứ giản dị mang cảm thức thơ truyền thống trong không gian đa tầng, hiện đại”; là “những câu thơ có cách kết nối đa tuyến tính trong nguồn mạch cảm xúc truyền thống”[9] mang âm hưởng đồng dao, khẩu ngữ dân gian, hoặc gợi nhớ đến cách kể có dấu ấn như truyện cổ tích trong thơ của Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Bình Phương, Giáng Vân, Nguyễn Đức Tùng, Lê Vĩnh Tài, Nguyễn Thị Hải…

Ông không cực đoan cho rằng, cách tân thơ là phải thoát khỏi các thể thơ truyền thống cũ kĩ mà ngược lại, ông trân trọng bình thơ của các tác giả viết nhiều về lục bát như Đồng Đức Bốn, Đỗ Trọng Khơi, Trần Xuân Trường, Nguyễn Thị Thùy Linh, Nguyễn Thị Thúy Ngoan… Ông cho rằng “dòng ánh sáng trong thơ”, cái mới của những nhà thơ này là đã “làm phục sinh nét đẹp cổ xưa của thôn làng Việt vùng châu thổ sông Hồng, để chúng trở nên huyền hoặc hơn xưa, mới lạ hơn xưa”[10] …; là đã biết biến những hình ảnh quen thuộc trong đời sống hiện thực thành những hình ảnh thơ lung linh, “đã tài tình kết hợp ý thức với vô thức, thực tại với ảo huyền, luôn làm chủ ý tưởng và cảm xúc khi bị dẫn dụ bởi vần điệu và cả những lối mòn “chết người” của thể thơ này” [11] 

Mai Văn Phấn cho rằng, ánh sáng được nhà thơ tạo dựng trong không gian nghệ thuật đã thị hiện vẻ đẹp và sức quyến rũ của thơ. Những vẻ đẹp ấy được Mai Văn Phấn minh chứng trong thơ Pháp Hoan, thơ Ko Hyung-Ryul… Ông chỉ ra thủ pháp gây đột biến để tạo ra những cái kết bất ngờ trong tác phẩm của những nhà thơ trên. Ông nêu bật những hình ảnh  thơ “vừa hợp lí, vừa phi lí. Chúng thường nằm chênh vênh giữa thực và ảo, sáng và tối, thức tỉnh và mộng mị”[12] ; “không gian mộng mị và trong suốt, nửa hư nửa thực”[13] trong thơ Nguyễn Đức Tùng hoặc thích “tính đồng hiện được áp dụng để cấu trúc không gian toàn bộ bài thơ và mở ra những liên tưởng khác lạ sau văn bản” [14] trong thơ Đỗ Doãn Phương; ông “giải mã” sự dịu dàng “thủ thỉ mà quyến dụ, khiêm nhường nhưng mạnh mẽ” trong thơ Giáng Vân và trong thơ của nữ thi sĩ Valentina Novković người Serbia; đánh giá xác đáng “mĩ học tính dục” viết về bản năng tự nhiên nhưng không dung tục vì được khởi nguyên từ thiên tính nữ trong thơ Lê Ngân Hằng… Ông tán thưởng những câu thơ trong trẻo “ngập tràn ánh sáng, với nhiều ý tưởng bất ngờ, tinh khôi và tươi ròng cảm xúc đến nghẹn thở” những “ban mai vừa lộng lẫy tái sinh, những đồng cỏ đầm sương chợt hiển hiện như trong cổ tích” trong thơ Dương Kiều Minh…

PGS-TS Hoàng Kim Ngọc – tác giả bài viết

Cách viết phê bình của Mai Văn Phấn khá đa dạng, phong phú. Bên cạnh những bài viết bàn sâu về thi pháp, ông còn hướng tới những tác phẩm, tác giả có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, trách nhiệm với hành tinh – ngôi nhà chung của tất cả chúng ta. Chúng ta đều biết rằng: “Im lặng trước cái ác cũng là đồng lõa với cái ác”. Thế nên, Mai Văn Phấn đã không im lặng, ông đánh giá cao những tác giả có trách nhiệm công dân. Chẳng hạn, thơ Thi Hoàng đã phản ánh “những mạch ngầm, cả những góc khuất của đời sống thời hậu chiến”[15]; thơ Gjekë Marinaj “gióng lên tiếng chuông báo động về cái ác, sự bất công, mất nhân tính trong xã hội loài người, về bọn ăn thịt người mọc vuốt và biến hình thành dã thú”[16]; thơ của Lê Vĩnh Tài nói được “những biến động tiêu cực khôn lường của đời sống đương thời” và “phơi bày đến tận cùng cái lõi của sự xấu xa, giả trá, ác độc… trước ánh sáng của lương tâm, của công luận”[17] …

Đặc biệt, Mai Văn Phấn cổ xúy cho thứ thơ hướng tới vẻ đẹp của sự tĩnh lặng, mang tinh thần thiền và Phật tính cùng triết lí “tình thương” khiến tâm hồn chúng ta trở nên an lạc, hòa ái. Chỉ riêng tập Nhịp điệu vẽ lối đi đã cho thấy điều này: Ông nhận xét nguồn sáng trong tập thơ “Cây từ bi nở hoa” của Giáng Vân là “đã phát sáng và lan tỏa, cho chúng ta tin rằng sự từ bi sẽ cứu vớt thế giới này”[18]; của thơ Do Jong-hwan (Hàn Quốc) là: “đã nói về sức mạnh và quyền lực của tình yêu: Khi đã yêu thì tất cả đều là Phật”[19]  Ông cho rằng thơ Minh Anh có “vẻ đẹp của sự cô đơn” mà “trong Đạo Phật cũng như trong cuộc sống, cô đơn chính là trạng thái giúp con người mở rộng suy tưởng về những điều cần buông bỏ để cuộc sống được an nhiên, nhẹ nhàng hơn”[20]…

2. Phong cách phê bình của nhà thơ

Mai Văn Phấn nhận thức rằng: “Đi tìm một bài thơ hay toàn diện, hay trong mọi thời đại, hay với mọi người là chuyện mò kim đáy biển”. Điều quan trọng của phê bình là lí giải phân tích được cái hay cái dở đó để ngay cả những người có ý kiến trái chiều với mình cũng bị thuyết phục.

Có thể thấy, Mai Văn Phấn không chỉ quan tâm đến các nhà thơ trong nước mà ông còn dành nhiều thời gian nghiên cứu, phân tích các khuynh hướng thơ của nước ngoài. Công việc ấy của ông, trước hết, nhằm lý giải những thành công, cũng như những khó khăn trong việc cách tân, làm mới thơ của họ, sau đó ông minh chứng sự đa dạng trong quan niệm về thơ đương đại. Những bài viết này của ông giúp cho bạn đọc trong nước thấy được một số khuynh hướng cách tân thơ hiện nay trên thế giới. Đó là những gợi ý cần thiết dành cho các nhà thơ, nhất là cho các tác giả trẻ hiện nay. Ông mạnh dạn khẳng định sự thành công rất đáng trân trọng của những nhà thơ trẻ thuộc thế hệ 9x, thậm chí cả 10x như Pháp Hoan, Nguyễn Thị Thùy Linh, Minh Anh… đơn giản vì họ có khả năng ngoại ngữ – cánh cửa để mở rộng “không gian phi biên giới” cho thơ.

Cách phê bình của Mai Văn Phấn khá gần với “Thuyết Proton” (“Protonism Theory” của nhà thơ, tiến sĩ triết học Hoa Kì Gjekë Marinaj), chú trọng việc thực hành phê bình văn học theo hướng kiếm tìm những gì thuộc về giá trị, trí tuệ và đạo đức trong tác phẩm; tức là tìm kiếm những điểm tích cực trong sáng tạo. Ông không chú tâm đi tìm những hạn chế để đưa ra những luận điểm chỉ trích, phủ định tác phẩm… Trước khi phê, ông thường đọc kĩ, đặt mình vào vị trí của người đó và không hồ đồ áp đặt quan điểm của mình. Chẳng hạn khi nhận xét về thơ Đinh Thị Như Thúy, ông viết: “Đây cũng là những khiếm khuyết khó tránh khỏi trong tác phẩm đầu tay của một tác giả trẻ. Sự vụng dại ấy cũng từng xuất hiện trong một số bài thơ của chính tôi thời gian mới bén duyên thơ. Nhưng khi đọc kỹ những tác phẩm của nhà thơ, tôi thực sự bị quyến rũ và ám ảnh bởi một cảnh giới khác hiện hữu trong đó…”[21]. Với thơ Nguyễn Đức Tùng, ông khen ở vế câu thứ nhất: “Những cái kết bất ngờ đã tạo nên sự độc đáo…” rồi mới đưa ra quan điểm cá nhân ở vế sau: “nhưng đôi lúc cũng biểu lộ những hạn chế, nếu đặt những bài thơ viết cùng một giai đoạn bên cạnh nhau, bởi chúng có dáng dấp quen thuộc trong cách về đích. Những bài như vậy không nhiều, nên chắc nhà thơ Nguyễn Đức Tùng sẽ lưu tâm chọn bài khi in tập sau này”[22]. Hoặc ông nhận xét: “Con mắt thứ ba đã phát năng lượng ánh sáng xuyên suốt tập thơ Tuyệt ca của Đỗ Doãn Phương. (…) Tuy cũng có lúc, nó phát quang chập chờn, lu mờ…, làm cho quá trình “phân thân” của nhà thơ chưa hoàn thiện để thành một kẻ khác”.  Còn với thơ Trần Hùng, ông viết: “Đôi lúc tác giả cũng cố ý như đánh đố người đọc về cái đích mà ông muốn hướng tới”[23]. Cũng nhận xét đó, người khác có thể viết: “Bài thơ này, Trần Hùng muốn đánh đố độc giả” hoặc: “Bài thơ này, Trần Hùng quả là đã thách thức sự liên tưởng của người đọc”. Thế mới biết, cái cụm từ “cũng cố ý” trong câu văn của Mai Văn Phấn đã dẫn ở trên thật tinh tế, vẫn nói được điều cần góp ý đầy thiện ý theo quan điểm của mình.

Cùng viết về tập thơ “Nhật kí người xem đồng hồ” của Nguyễn Quang Thiều, người viết bài này đã nhận xét: “Ở tập thơ này không còn những câu dài loằng ngoằng, rườm lời bởi quá nhiều định ngữ nghệ thuật, cảm xúc nhiều khi chưa được tiết chế làm tổn hại đến những bí mật cần giấu kín để kích thích sự khêu gợi sâu xa… nữa. Mà thay vào đó là những câu thơ, bài thơ ngắn gọn (thậm chí có bài chỉ có một câu) nhưng lại khiến người đọc ngẫm nghĩ suy tư, khơi gợi liên tưởng, giàu tính triết lí”; còn Mai Văn Phấn lại viết: “So sánh thơ Nguyễn Quang Thiều bây giờ với những tập đã in trước đây, ta thấy, ở những bài thơ có liên tưởng mở và vang vọng cảm xúc, thơ của ông ngày càng tinh lọc, nén chặt, và cũng quyến rũ hơn”[24]  rồi sau đó ông mới dẫn ra hai đoạn thơ của Nguyễn Quang Thiều ở hai thời kì để người đọc tự so sánh. Qua hai cách phê bình, quả là cách viết của Mai Văn Phấn mềm mại, uyển chuyển, sâu kín hơn.

Phê bình của Mai Văn Phấn là lối “phê bình nghệ sĩ”, “phê bình trực cảm”,  nhưng được soi sáng bởi lí thuyết cập nhật. Ông đặc biệt thích dùng cách so sánh hình tượng (khi diễn giải, phân tích hay đưa ra một nhận định) trong tất cả các bài phê bình. Hầu như bài nào ông cũng sử dụng thủ pháp này. Đây là điều độc đáo rất khác với lối phê bình hàn lâm. Những từ so sánh thường được dùng là: tựa, tựa như, như, giống như, tưởng như, chính là…. Có thể dẫn ra một số ví dụ:

– “Trái tim nhạy cảm như cỏ tơ, như mầm hạt đã rung lên mãnh liệt khi chạm vào thế giới này”[25]

– Quầng sáng ấy như cánh cửa bất ngờ mở ra trước mắt bạn đọc, tựa lối vào một cảnh giới tuyệt lành, thanh tịnh, an lạc…”[26]

– Một số bài thơ của chị mang âm hưởng của đồng dao với những câu chữ giàu nhạc điệu, rượt đuổi nhau liên tu như gió bay, nước chảy” [27].

– Nhà thơ đã lấy những hình ảnh, hiện tượng cụ thể làm biển chỉ đường như dẫn đoàn tàu vượt qua một “sân ga” để sang một hành trình mới”[28].

– “Những ý tứ mà nhà thơ sắp đặt trong bài thơ này tựa như nghệ thuật bắn cung. Những hình ảnh tiếp nối nhau gợi cho bạn đọc liên tưởng một cung thủ đang hít thở, kéo dây cung về phía sau..”[29]

Cách đặt nhan đề cho bài phê bình của Mai Văn Phấn cũng rất… thơ. Ông thường lấy một từ khóa của tập thơ làm tiêu đề bài viết. Chẳng hạn khi viết về tập thơ “Miền hương thức” thì nhan đề bài viết của ông là “Thức với miền hương” hoặc với tập thơ “Giấc mơ của bàn tay” thì tên bài viết của ông là: “Bàn tay đính đầy trăng” còn với tập thơ “Màu tự nhiên” thì bài phê bình lại có nhan đề: “Cõi tinh sương trong Màu tự nhiên”…  Bằng cách đặt nhan đề này, Mai Văn Phấn như dẫn người đọc vào ngôi nhà của ông bằng nẻo của trực cảm, linh cảm… Nẻo của người đồng sáng tạo với tác giả thơ, với bạn đọc thơ.

Mai Văn Phấn không chỉ thành công trong sáng tác thơ mà ông còn dần khẳng định mình trong tư cách một nhà phê bình tài hoa, lịch lãm, có dấu ấn riêng. Ông là người luôn tâm huyết đổi mới thơ và nhiệt tình cổ xúy cho thơ cách tân; luôn thuyết dẫn và minh chứng cho cách thiết lập không gian đa chiều, đa điểm nhìn, phi đường biên…; đề cao vẻ đẹp của thơ có sự kết hợp nhuần nhị giữa hiện đại và truyền thống mang căn tính văn hóa dân tộc. Đồng thời, ông đánh giá cao lối thơ tối giản có liên tưởng mở và vang vọng cảm xúc; ông yêu thích những hình ảnh  thơ vừa hợp lí, vừa phi lí, thực mà ảo diệu, tỉnh thức hòa vào mộng mị… Ông “giải mã” thật tinh tế những bài thơ dịu dàng, nồng nàn mang thiên tính nữ…

Thông qua hai cuốn sách phê bình, tiểu luận, bạn đọc được hiểu thêm về thơ và người thơ Mai Văn Phấn. Người viết bài này cảm nhận rằng, tác giả hai cuốn sách viết về thơ của những tác giả cách tân đương đại, cũng như bàn luận về nghệ thuật thơ, trước hết, để hoàn thiện mình, tựa như nói về chính mình, về những khát vọng cách tân thơ của thế hệ ông, thế hệ đang làm giàu có thêm thơ đương đại và đưa văn học Việt Nam hòa nhập với thế giới.

HOÀNG KIM NGỌC

__________________________

Tài liệu tham khảo:

[1] Minh Anh (thơ, 2023), Một ngày từ bên trong, NXB Hội Nhà văn.

[2] Nguyễn Thị Hải (2017), Con cừu của hoàng tử bé, cổng ngõ của tôi, NXB Đà Nẵng.

[3] Trần Hùng (thơ, 2023), Mắt mắt khuya từng đàn, NXB Hội Nhà văn.

[4] Mai Văn Phấn (phê bình, tiểu luận, 2016), Không gian khác, NXB Hội Nhà văn.

[5] Mai Văn Phấn (phê bình, tiểu luận, 2024), Nhịp điệu vẽ lối đi, NXB Hội Nhà văn.

[6] Mai Văn Phấn (tiểu luận, 2018), Khái lược về “Thuyết Proton” của Gjekë Marinaj, tại website maivanphan.com.

[7] Nguyễn Bình Phương (thơ, 2013), Buổi câu hờ hững, NXB Văn học

[8] Lê Vĩnh Tài (thơ, 2008), Đêm và những khúc rời của Vũ, NXB. Hội Nhà văn[6] Minh Anh

[9] Nguyễn Quang Thiều (thơ, 2023), Nhật kí người xem đồng hồ, NXB Hội Nhà văn.

[10] Nguyễn Đức Tùng (thơ, 2023), Thơ buổi sáng, NXB Hội Nhà văn.

[11] Jong-hwan (thơ, 2022), Ba đến năm giờ chiều, do Lê Đăng Hoan dịch từ tiếng Hàn. NXB Hội Nhà văn.

[12] Gjekë Marinaj (thơ, 2014), Những hy vọng trong suốt, do Nguyễn Chí Hoan dịch từ tiếng Anh, NXB Hội Nhà văn.

[13] Ko Hyung-Ryul (thơ, 2019), Thác mặt trời, do Nguyễn Thị Thu Vân dịch từ tiếng Hàn, NXB Hội Nhà văn.

[14] Valentina Novković (thơ, 2024), Giải mã sự dịu dàng, do Mai Văn Phấn dịch từ tiếng Nga, NXB Hội Nhà văn.

________________

Chú thích:

*1 Mai Văn Phấn đã dịch hai tập thơ và một cuốn tiểu thuyết từ tiếng Nga sang tiếng Việt [tập thơ song ngữ Nga-Việt: “Если в дороге… дождь… / Nếu trên đường… mưa…” của Svetlana Savitskaya (Nxb. Học viện N.E. Zhukovsky, Мax-cơ-va, 2021);  tập thơ: “Giải mã sự dịu dàng” của Valentina Novković (Cộng hòa Serbia) (Nxb. Hội Nhà văn, 2024); và cuốn tiểu thuyết viễn tưởng:“Назови имя Бога / Xưng danh Thiên Chúa”cũng của Svetlana Savitskaya  (Nxb. Học viện N.E. Zhukovsky, Мax-cơ-va, 2023)].

2, 4, 5, 7, 11,18,19, 20, 21, 24, 25, 27, 29 Mai Văn Phấn (phê bình, tiểu luận, 2024), Nhịp điệu vẽ lối đi, NXB Hội Nhà văn, tr. 238, 190,235,161, 112, 192, 257, 9, 147, 161,7, 177, 176.

3, 6, 8, 9,10,12,13, 14,15,16,17, 21, 22, 26, 28 Mai Văn Phấn (phê bình, tiểu luận, 2016), Không gian khác, NXB Hội Nhà văn, tr. 95, 190, 91, 199, 294, 113, 174, 167, 309, 336, 198, 221, 111, 37, 170.

 

Xem thêm:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét