Thứ Bảy, 12 tháng 4, 2014

Tọa đàm về Lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mĩ

                                                             Nhà thơ Hoàng Minh Châu tặng hoa nhà thơ Bằng Việt

Tọa đàm về  Lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mĩ

Sáng 10 tháng Tư, tại trụ sở Hội Nhà văn, số 9 Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ văn chương tổ chức tọa đàm về chủ đề : Lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mĩ. Đông đảo các nhà thơ và bạn đọc đã tham gia.
Nhà thơ Hoàng Minh Châu, đại diện cho lớp nhà thơ chống Pháp tặng hoa cho nhà thơ Bằng Việt, đại diện lớp nhà thơ chống Mĩ. Ông phát biểu nói lên lòng tự hào về lớp nhà thơ hình thành trong kháng chiến chống Mĩ, lực lượng chủ đạo của nền thi ca nước nhà.
          Nhà thơ Bằng Việt nhắc lại kỉ niệm khi cùng với Lưu Quang Vũ in tập Hương cây-Bếp lửa. Ba nhà thơ biên tập , giúp đỡ khi ấy là Yến Lan, Khương Hữu Dụng và Hoàng Minh Châu. Nay chỉ còn nhà thơ Hoàng Minh Châu. Ông nói bây giờ đã là 50 năm kể từ khi đế quốc Mĩ ném bom xâm lược miền Bắc. Nhìn lại, ấn tượng sâu sắc của thế hệ ông là nhập cuộc đánh Mĩ cùng lúc với nhập cuộc  văn chương. Có điều hơi băn khoăn là có nên dùng chữ “chống Mĩ” hay không? Có thể gây ra hiểu lầm không?  Ông tự trả lời đây là việc nói tắt có tính lịch sử. Nhà thơ cũng nêu lên một số vấn đề cần thảo luận như : - Một thế hệ hình thành trong kháng chiến chống Mĩ, những người sinh ra ở thập kỉ 40, không bao gồm các nhà thơ tham gia chống Pháp; - một số trường hợp chỉ có một bài thì xử lí thế nào? Mở rộng ra, nhà thơ nói về vấn đề quan hệ hình thức và nội dung,  cách tân như thế nào là hợp lí; sự vượt lên và đổi mới của lớp nhà thơ chống  Mĩ; việc đấu tranh với những quan điểm hẹp hòi trong cơ chế quản lí. Bằng Việt dẫn lại một câu thơ của Huy Cận : Đời chẳng ra chi ta dựng lại đời. Dựng lại rồi, vẫn có khiếm khuyết thì phải sửa dần dần, chứ không thể cực đoan.
          Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân khẳng định đóng góp của lớp nhà thơ chống Mĩ là tiếp nối dòng chảy thi ca bằng tiếng Việt. Ông khẳng định tình cảm yêu nước là lớn nhất, rõ nhất. Ông dẫn Nam triều công nghiệp diễn chí của Nguyễn Khoa Chiêm, trong đó miêu tả lính hai miền đánh nhau, nhưng vẫn nhắc đối phương nằm xuống tránh pháo bắn. Và dự cảm rằng đến lúc nào đó có thể sẽ có sự “chuyển nghĩa” hoặc “sứt mẻ” về cách nhìn chiến tranh. Ông cũng nêu nhận xét là lớp nhà thơ chống Pháp, nhiều người dùng tốt ngoại ngữ, nhất là tiếng Pháp, còn lớp  nhà thơ chống Mĩ thì hạn chế hơn, ít người có thể đọc được tiếng nước ngoài.

          Nhà thơ Vũ Quần Phương  so sánh thơ hai miền trong thời kì đó. Ở đô thị miền Nam vẫn trong bầu khí quyển thơ mới, đề cao Xuân Diệu, Huy Cận như Nam Tào, Bắc Đẩu, không có nhiều “cựa quậy” đổi mới như miền Bắc. Đặc điểm nhập cuộc là đặc điểm quan trọng của lớp nhà thơ chống Mĩ. Trong cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, những người lính làm thơ chiếm hầu hết giả A.
          Nhà thơ Anh Ngọc cho rằng thời điểm chống Mĩ cần tính sớm hơn tháng 8 năm 1964. Ngay khi ta đánh Điện Biên, cũng đã là đánh Mĩ rồi vì khi ấy Mĩ viện trợ Pháp. Nhà thơ tự hào là đã tham gia vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Ông tự hào về những thành tựu thơ của đòng đội, đồng nghiệp như Lưu Quang Vũ, Bằng Việt. Ông kể lại chuyện đã đọc thơ của  lính miền Bắc, khiến cho anh bạn phía Việt Nam cộng hòa khâm phục.
          Nhà thơ Vân Long được mời phát biểu về đội ngũ các nhà thơ chống Mĩ ở đất Cảng, nơi Mĩ bắn phá, thả thủy lôi dữ dội. Nhà thơ nói sẽ tham luận trong hội thảo sau này, hôm nay xin nhường lời cho mọi người.
          Nhà  nghiên cứu, phê bình Văn Giá nói rằng thế hệ anh sống trong khí quyển chống Mĩ. Thời đó, không được học thơ mới trong nhà trường, cho nên lòng yêu thơ gắn liền với thơ chống Mĩ. Hai điểm  chú ý trong thơ thời kì này là tiếng nói lớn, cảm hứng lớn, tình cảm lớn về đất nước, dân tộc, thời đại luôn nổi bật. Tiếng nói thế sự, thường nhật, cá nhân thường bị khuất lấp. Bây giờ cần phải “lấp đầy”. Anh cho rằng thơ của Lưu Quang Vũ về những u buồn, cay đắng là đáng chú ý. Một số thơ của Thanh Thảo cũng nói về thế sự, đời tư. Anh khẳng định một thành tựu lớn của thời kì này là những trường ca.
          Nho cho rằng có những ý định phủ nhận thành tựu thơ ca thời kì này, cho đó là minh họa; điều đó không đúng. Thời kì này đội ngũ các nhà thơ, đặc biệt là nhà thơ mặc áo lính rất sung sức. Mỗi người một phong cách, một giọng điệu: Phạm Tiến Duật,  Vương Trọng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Hoàng Nhuận Cầm,…So sánh giữa Phạm Tiến Duật với Hữu Thỉnh, hai nhà thơ quân đội đồng hương Vĩnh Phú để thấy sự giống nhau và khác biệt. Nho cũng cho là nên xem lại phạm vi nghiên cứu. Trước đây đã có Thơ chống Mĩ cứu nước 1965 -1967, bây giờ ngoài lớp nhà thơ hình thành trong giai đoạn này, có nên có một tuyển thơ khác bao quát toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mĩ hay không? Về hạn chế  hay chỗ chưa tới trong thơ giai đoạn này, anh tán thành cách lí giải của nhà thơ Vũ Quần Phương trong bài in ở tạp chí Thơ số 1+2 năm 2014.
          Văn Giá trao đổi lại vỡi Vũ Nho là không cần nhắc lại  thuật ngữ  minh họa, một số luận điểm trong bài báo của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
          Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng thơ chống Mĩ có phiến diện, nhưng là sự cần thiết. Giống như người lính ra trận không nói bị thương, hoặc hi sinh ở chiến trường  để cho người ở hậu phương yên lòng.
          Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể lại kỉ niệm thời đó. Cứ 10 giờ tối là anh nghe tiếng thơ trên đài. Nhà thơ cũng khẳng định là có  hiện tượng   muốn phủ định, có ý kiến về sự “đổi gác”. Nhưng anh  cho rằng qua các nhà thơ Mĩ, các nhà Việt Nam học sống ở Mĩ, các bài thơ dịch ở Mĩ, càng thấy rõ thơ thời kì đó đáng được tôn vinh. Thời kì đó là thời kì có sự cộng hưởng lớn trong mọi lĩnh vực của đời sống đất nước. Tư thế của nhà thơ và tư cách của người làm thơ rất cao. Vẻ đẹp bi tráng của thời đó tạo nên tính sử thi. Trong thơ thời đó có tiếng nói đời thường nhất của con người. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ở Mỹ đã xuất bản tập “ Thơ trong những tài liệu bị bắt giữ”. Đây là những bài thơ chép trong sổ tay của các chiến sĩ ta. Người Mĩ kinh ngạc vì hầu như sổ tay nào cũng vẽ chim hòa bình, và những bài thơ đó sau khi được dịch ra tiếng Anh đã làm bạn đọc Mĩ kính trọng “kẻ thù” của mình.
          Chị An Kì, một nữ độc giả hoan nghênh việc làm của Hội nhà văn. Chị mong muốn sớm được thấy tuyển thơ của lớp nhà thơ chống Mĩ.
          Nhà thơ Bằng Việt tán thành với việc đặt vấn đề của Vũ nho. Ông cho rằng nên đặt nhan đề “ 50 năm lớp nhà thơ chống Mĩ cứu nước”. Ông  thấy cũng cần chọn thêm các tác giả viết ở đô thị miền Nam, vùng giải phóng miền Nam. Cần chú ý đến thơ của Việt kiều ở nước ngoài như Thu Trang, Nguyễn Hồi Thủ.
          Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu với tư cách là một người làm thơ trong đội hình. Bây giờ đã là 14 năm của thế kỉ XXI đủ độ lùi để đánh giá thơ thế kỉ XX, trong đó có thơ kháng chiến chống Mĩ. Ông đề nghị thảo luận về thời điểm từ ý kiến của nhà thơ Anh Ngọc. Ông cho biết Mĩ định ném bom nguyên tử xuống Điện Biên. Cụ Hồ cho giải hơn 1 vạn tù binh Pháp. Mĩ không dám  thực hiện ý định. Nhà thơ cũng thảo luận lại với nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân về việc lớp nhà thơ chống Mĩ không thể đọc tiếng nước ngoài. Ở đây có sự nhầm giữa điều kiện và hiệu qủa. Ông chứng minh nhà thơ Huy Thông rất giỏi tiếng Pháp, nhưng thơ của ông không thể phổ cập bằng Nguyễn Bính. Bài nổi tiếng nhất của Huy Thông lại là viết về câu chuyện bên Tàu. Ông cho rằng thơ chống Mĩ đã phản ánh sâu sắc số phận con người trong chiến tranh. Trẻ em đi học phải có mũ rơm. Tỏ tình nam nữ phải cạnh hố cá nhân. Con chó vàng cũng không thể yên khi bom Mĩ nổ. Ông nói  cảm giác riêng, thích bài thơ Hoa dành hơn bài Hoa xấu hổ của Anh Ngọc. Ông cho rằng cái hay nhất của thơ chống Mĩ cứu nước là ý thức thế hệ.
          Nhà thơ Vũ Quần Phương cám ơn tất cả các ý kiến phát biểu và kết thúc tọa đàm.

                                                Vũ Nho lược thuật

                                                            Hội trường

                                                                 Nhà thơ Vũ Quần Phương

                                                                Nhà thơ Anh Ngọc


                                                          Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét