Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

Bạn tôi viết về bạn tôi



                                       
  
 NHỚ LÃO BÀN

                         

                             Bạn cũ thời sinh viên Lộc Phương Thủy





         Phải đến mấy chục năm sau khi tốt nghiệp đại học (1970) tôi mới biết thực ra Bàn Tiến Tân hơn tôi đến bốn tuổi! Bình thường cách nhau từng ấy tuổi phải gọi là anh xưng em thì mới đúng, nhưng thời cùng học ấy, bọn sinh viên chẳng để ý đến tuổi tác bao giờ! Tôi với Bàn Tiến Tân không chỉ cùng lớp B của khóa sinh viên đầu tiên trường Đại học Sư phạm Việt Bắc (1966-1970), mà còn cùng tổ và cùng thuộc loại "quan chức" cấp tổ. Cả hai từ hồi sinh viên đều có vẻ hiền lành (không biết có phải đều là dân miền núi không?), cho nên trong việc học hành và "quản lý”  tổ hình như chúng tôi không cãi nhau bao giờ. Nhưng không hiểu sao từ cái hồi trẻ trung ấy mà chúng tôi xưng hô với nhau khá kỳ cục, Bàn Tiến Tân gọi tôi là "mụ" (nghe vừa già cả vừa xấu xí, may mà không ác), còn tôi gọi Bàn Tiến Tân là "lão" ( "lão Bàn" hoặc "Bàn cổ", nghe thế cũng không thể tưởng tượng ra một chàng trai "to cao, béo mượt " được!). Rồi chúng tôi cũng như bè bạn khóa sinh viên đầu tiên của trường Đại học Sư phạm Việt Bắc đã cùng nhau vượt qua bao khó khăn của một trường đại học ra đời trong chiến tranh ác liệt để trở thành các thầy cô cấp 3 cho các tỉnh miền núi Tây Bắc và Việt Bắc. Tốt nghiệp Đại học, tôi cùng lão Bàn và 2 bạn nữa (Vũ Nho và Bùi Phú Hảo) được giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại Khoa Văn Đại học Sư phạm Việt Bắc - những cán bộ giảng dạy khóa đầu tiên được đào tạo tại trường.

                                                                    Bàn Tiến Tân ( trái) và Vũ Nho ở MGU

          Những năm đầu lập nghiệp tôi và lão Bàn mỗi đứa một chuyên ngành, tôi được phân công dạy văn học nước ngoài, còn lão Bàn dạy văn học Việt Nam phần văn học dân gian, đứa nào đứa ấy ngơ ngác trước một trọng trách to tướng là cán bộ giảng dạy đại học. Đứa ít tuổi hơn là tôi mới 21, đứa lớn hơn là lão Bàn 25 tuổi, nhưng có vẻ độ “nhiệt tình cách mạng” đối với nghề chẳng ai thua ai, đều dũng cảm lao đầu vào những kiến thức mới và cuộc sống mới của những người trẻ bước vào đời đang trong cảnh “nước sôi lửa bỏng”, chiến tranh đang khốc liệt ở cả hai miền Nam Bắc. 

             Vũ Nho và Lộc Phương Thủy



Lão Bàn có nhớ đến một kỉ niệm nhỏ nhưng không thể nào quên trong cái đoạn đời này không? So với bạn bè cùng lứa tôi lấy chồng sớm, 21 tuổi, vừa tốt nghiệp Đại học được 7 ngày thì “bỗng dưng” lấy chồng vì chồng là bộ đội đang chiến đấu ở Lào có dịp ra Hà Nội công tác ít ngày nên phải “tranh thủ” cưới vợ. Hai năm sau tôi mới có con, sau 3 tháng nghỉ ở Hà Nội tôi đưa con lên trường ở Thái Nguyên. Lên đến Thái Nguyên mới biết cả trường đã đi sơ tán, sân trường không một bóng người. Mãi chúng tôi mới hỏi được biết trường sơ tán ở Đu, cách Thái Nguyên chừng hơn 20km. Bế đưa con thơ mới được ba tháng ngồi sau xe đạp do cậu em ruột năm ấy 15 tuổi thay mặt anh rể (đang ở chiến trường) đưa hai mẹ con chị gái từ Hà Nội lên trường. Đến Đu, chúng tôi không thể hỏi địa điểm cụ thể của trường và Khoa ở đâu vì nguyên tắc thời chiến phải giữ bí mật. Rất may tôi gặp hai bạn học cùng khóa là Nguyễn Thị Nguyệt Nga và Trần Văn Thiệu lúc đó đã nên vợ nên chồng vô tình gặp hai mẹ con trong cảnh “cơ nhỡ” đó kéo luôn về ở cùng. Hơn một tháng được bạn cưu mang, tôi mới gặp được người quen ở chợ để nhắn vào Khoa là hai mẹ con tôi đang có mặt ở Đu. Lão Bàn mượn được xe của ai đó lóc cóc đạp xe ra nhà Nga - Thiệu đón hai mẹ con. Là vợ bộ đội đang ở chiến trường thời đánh nhau ác liệt, thường xuyên sống trong cảnh “không chồng”, tôi đã được những “quý nhân phù trợ” giúp đỡ, trong đó có lão Bàn cổ. Thật tiếc hồi ấy không có điều kiện để chụp lại cảnh lão Bàn gò lưng đèo tôi và đứa con thơ 4 tháng tuổi của tôi trên chiếc xe đạp cọc cạch trên quãng đường nhiều đoạn chỉ là bờ ruộng kiểu “sống trâu”. Lão tếu táo trêu đùa cho hai mẹ con đỡ thấy khổ sở và tủi thân. Lão gọi con gái tôi là “thằng” bởi nó chẳng giống con gái (hóa ra lão nhận xét quá đúng, rất siêu! Sau này con tôi cũng đi học ở Liên Xô, khi cháu đang là sinh viên có gửi chữ ký về Việt Nam nhờ một bà y tá già thời Pháp đoán, bà nhìn chữ ký rồi bảo: đây là một thằng cu mất chim!). Trong cảnh sống của tôi hồi ấy, những lời đùa vui của lão Bàn thực sự là những món quà tinh thần quý giá, đã giúp mẹ con tôi rất nhiều. Bạn cứ tưởng tượng xem cảnh bà mẹ trẻ là tôi 23 tuổi nuôi con bé dại một mình, chồng ở chiến trường không dám nghĩ đến ngày về, (tất cả đều lo cho công cuộc chiến thắng giặc Mỹ xâm lược), lại ở nơi sơ tán, nhiều khi xung quanh không một bóng người (vì có con nhỏ, dân trong làng theo phong tục không cho ở nhờ) phải ở một góc nhỏ trong ngôi nhà tranh tạm làm Văn phòng Khoa, phía trước “phòng ở” nhìn ra toàn mộ vì đó gần như là nghĩa trang của làng. Lão Bàn cổ ơi, lão có nhớ cái thời ở làng Lân ấy không? Chắc chắn là có rồi vì ở đấy lão đã gặp một cô giáo trẻ xinh đẹp hay cười, sau này trở thành người vợ đảm đang của lão mà! Cháu Ngọc sau này lớn lên chỉ nhớ chú Tân đã đón hai mẹ con về chỗ ở nơi sơ tán bằng tài đi xe đạp trên đường ruộng gập ghềnh qua lời kể của mẹ. Cháu cảm ơn chú rất nhiều mặc dù ngày xưa chú đã từng gọi cháu là thằng, hoặc gọi là “sư cọ” vì đầu cháu trọc lốc. Chắc chú chẳng cần đến những lời cảm ơn vì mẹ cháu bảo chú sống chân thành, vui vẻ và nhẹ nhàng, chẳng quan trọng hóa chuyện gì. Dù sao cháu cũng cảm ơn chú rất nhiều!

Chỉ mấy năm sau khi ra trường, mới kịp mon men bước lên bục giảng chưa được bao lâu thì bọn tôi lại có dịp cùng "chiến đấu" là xuống Thủ đô thi nghiên cứu sinh, đi Liên Xô hẳn hoi! Vào năm 1977, cả tôi và Bàn Tiến Tân cùng vượt tàu liên vận sang Liên Xô, hình như mất 9 hay 10 ngày đêm. Tôi về Đại học Tổng hợp Lêningrat, còn lão Bàn là nghiên cứu sinh của một trường oách nhất thời đó: Đại học Tổng hợp Lômônôxôp ở Thủ đô Matxcơva. Nếu tôi nhớ không nhầm thì học bổng của nghiên cứu sinh thời đó là 85 rúp, suốt ngày lo tiết kiệm để có chút dôi ra, mua dần quà về nhà. Khó khăn là thế mà chẳng hiểu sao tôi có thể có vé tàu hỏa đi Mát. thăm bạn. Lâu quá rồi chẳng nhớ gì nhiều về vụ ấy, chỉ nhớ là đã chê thành phố Mat. của lão tuy cũng to đẹp, “huỳnh tráng”, nhưng không đẹp yêu kiều như Lêningrat, làm lão có chút bực mình, cũng còn nhớ khi lão cho đi thang máy, lần đầu tiên trong đời bước vào thang máy, cửa thang đóng cái “rụp” rồi phi thẳng lên trời, mình sợ chết khiếp (đúng là đồ "nhà quê ra tỉnh "!).

Về nước, chẳng có điều kiện gặp nhau vì tôi sống chết đã xin về Hà Nội để “hợp lý hóa” gia đình chồng người Hà Nội, còn lão trở về Thái Nguyên yên phận gõ đầu sinh viên. Có lần không nhớ vì việc gì lão xuống Hà Nội, bạn cũ hàn huyên tâm sự, hai Tiến sĩ từ Liên Xô về, nhiệt huyết với đời, với nghề nghe chừng vẫn không giảm, nhưng khó khăn trong cuộc sống thì tăng chồng chất, lương ba cọc ba đồng, nuôi mình còn cực, lại còn con cái! Thế rồi trong lúc cao hứng lão rủ tôi đi buôn: bọn mình có khi kiếm được nhỉ, tớ trên Thái Nguyên lấy hàng từ gốc, mụ ở dưới này bán hàng rồi chúng mình chia nhau! Nghe thật hấp dẫn! Nhưng rồi hai Tiến sĩ có vẻ nhiều chữ ấy chẳng biết cụ thể mình phải làm gì với hai bàn tay trắng để “khởi nghiệp”, tiền vốn ở đâu, bán gì, mua rồi bán ra sao, bán cho ai, cả hai đều không biết gì và đều ngớ ngẩn như nhau, tóm lại, vẫn là “người rừng” chính hiệu! Thế là câu chuyện phấn đấu thành “con phe” của hai trí thức trẻ có mác xịn là Tiến sĩ nước ngoài nhanh chóng có một hồi kết bẹp dí. Nhưng rồi cả tôi và lão Bàn cũng chẳng có thời gian để than thở sầu não về nỗi thất bại ấy vì xung quanh mình mọi người đều nghèo khổ “bền vững” như nhau.

Trời thật không công bằng khi cướp đi mạng sống của một người yêu đời luôn vui vẻ, luôn chân thành đang ở những ngày tháng đẹp nhất của đời người như lão Bàn của chúng tôi. Mấy mẹ con vắng bố đã kiên cường bám trụ cuộc đời. Thật may, lão Bàn nhân hậu cũng được Trời cho một niềm an ủi, đó là người vợ xinh đẹp, đầu tiên là chấp nhận yêu chàng trí thức nghèo, rồi tiếp theo là những năm đảm đang, tần tảo, vất vả nuôi đàn con thơ dại. Thỉnh thoảng có dịp lên dạy ở Khoa Văn, Đại học Sư phạm thuộc Đại học Thái Nguyên bao giờ tôi cũng ghé qua căn phòng nhỏ của Vân vợ lão Bàn để trước là thắp hương cho lão, sau là thăm hỏi vợ con lão. Cũng có những đợt lên dự các ngày lễ của Khoa tôi đi thăm Vân lúc thì cùng Vũ Nho, lúc thì có cả anh Vũ Duy Quỳ và Ngân Thị Nhiệm. Thương bạn mất sớm, bạn bè cùng học khi có dịp tụ tập cũng hay nhắc tới lão Bàn và những lời hóm hỉnh của lão lúc sinh thời. Cách đây hai năm bạn bè khóa I tụ tập ở nhà tôi đã mời vợ lão Bàn cùng đến cho vui. Tiếc là hôm ấy bà Vân vướng việc nên không đến được. Bạn không còn, nhưng những sợi dây kết nối vẫn hiện hữu, đan xen nhau. Mới hồi nào đó, có lẽ đã khoảng hai chục năm có lẻ, vợ chồng tôi lên Thái Nguyên dự cưới con gái lão Bàn, cháu Quỳnh Giao, rồi mới đây tôi ngồi dự buổi bảo vệ Tiến sĩ của cháu. Hôm ấy con gái mặc bộ váy áo dân tộc lão Bàn ạ, vừa rất đẹp, độc đáo và đầy ý nghĩa. Tôi bảo con: bố mày đang cười kia kìa, chắc bố sung sướng lắm. Đứa con gái mang họ Bàn người Dao của bố đang bảo vệ một luận án Tiến sĩ về dân tộc mình, con nguyện theo nghề bố, cái nghề chữ nghĩa đầy vất vả và gian nan. Lão Bàn chắc tự hào và hài lòng lắm vì hai đứa con của mình đều đã bảo vệ Tiến sĩ. Hai anh em Bàn Tuấn Năng và Bàn Quỳnh Giao đã cùng nhau đứng trong danh sách Các Tiến sĩ dân tộc Dao mà trước đó đã có một cái tên thân thương đứng trước vẫy gọi: Bàn Tiến Tân!

Những năm tháng thăng trầm, gian nan đã lùi dần về quá khứ, trước mắt chúng mình chưa phải là một tương lai sáng lóa, nhưng tôi tin lão Bàn đã đang mỉm cười mãn nguyện, đã hài lòng với hiện tại tuy vẫn đầy khó khăn, nhưng đã có thành quả, đồng thời vẫn đầy quyết tâm tồn tại của vợ lão, của các con cháu lão và của bè bạn cùng khóa học bốn năm trong rừng thời chiến. Bạn bè cứ luôn bên nhau nhé, lão Bàn ơi!



                                            Hà Nội, ngày 1 tháng 6 năm 2018




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét