ANNA AKHMATOVA – NỮ HOÀNG THI CA NGA
ĐÀO TUẤN ẢNH
Anna Akhmatova, một trong những đại diện xuất sắc của thơ Nga thế kỷ XX, người được tôn vinh là Nữ hoàng thi ca Nga.
Akhmatova tên thật Gorenko, sinh ngày 11.6.1889 tại Ôđesa, mất ngày 5.3.1966 ở ngoại ô Moskva. Sinh trưởng trong một gia đình trí thức, từ nhỏ bà được học tại trường Hoàng Thôn, nơi Puskin đã từng học. Năm 1908-1910 bà thi vào chuyên khoa luật, trường Cao học nữ Kiev, sau đó chuyển sang học khoa Văn - sử. Năm 1910 Akhmatova kết hôn với N.S. Gumilev, sỹ quan, nhà thám hiểm và là nhà thơ lớn. Song cuộc hôn nhân giữa hai nhà thơ không bền, tám năm sau họ chia tay nhau.
Akhmatova có đời thơ dài hơn nửa thế kỷ. Bà là một trong những thi nhân đã làm rạng danh cho văn hoá Nga đầu thế kỉ XX được mệnh danh là “thế kỷ Bạc” và là người gìn giữ, phát triển những thành tựu rực rỡ của thơ Nga trong suốt những giai đoạn tiếp theo bằng đường thơ độc đáo của mình.
Con đường ấy, như nữ sĩ Olga Becgon miêu tả, “giống như mọi đường đời, không thẳng, không bằng phẳng đồng bằng, mà cheo leo, quanh co đường núi. Vẫn luôn là mình, có lúc dường như đi lại những cua đường đã qua, nhà thơ, trên thực tế, vẫn leo lên cao không ngừng nghỉ và nếm trải tất cả: lúc bão giông, lúc sa mạc, khi là vùng đất nở đầy hoa, “chiếm lĩnh” chúng bằng thơ, luôn hướng lên đỉnh núi mà độ cao của nó nhà thơ không thể nào biết được và không bao giờ xác định trước được...”. Đường thơ Akhmatova là như vậy, và mỗi giai đoạn sáng tác của bà là một khúc trên con đường gian khó, cheo leo ấy, là một bộ phận của cái cơ thể thơ sinh động đang trên đà vươn tới đỉnh cao.
Những bài thơ đầu tiên Akhmatova viết từ năm 1903-1904. Thời kỳ này bà sáng tác gần 100 bài thơ, song phần lớn đã không còn giữ được. Tên tuổi Akhmatova thực sự xuất hiện vào năm 1912, khi tập thơ đầu tiên Buổi chiều của bà ra đời với lời đề tựa của M.A. Kuzmin, nhà phê bình nổi tiếng đương thời.
Ngay trong những sáng tác đầu tay, Akhmatova đã tìm tới văn hoá và lịch sử dân tộc, sử dụng những môtip tín ngưỡng, ngôn ngữ dân gian. Qua tư tưởng và kết cấu trữ tình của những bài thơ thời kỳ này đã hình thành những đặc điểm thi pháp đăc trưng cho thơ Akhmatova mà bà phát triển trong các giai đoạn sáng tác tiếp theo của mình: trữ tình được cấy vào miếng đất sử thi, nghệ thuật xây dựng tâm lý nhân vật dựa trên những “đối thoại ngầm”, độc thoại nội tâm, những chi tiết cụ thể, tính cốt truyện, nghệ thuật khắc hoạ tâm lý kiểu văn xuôi, những câu thơ dệt từ chất liệu đời thường được nâng lên tầm khái quát...
Tập thơ thứ hai Chuỗi tràng hạt (1914) đã tạo bước ngoặt trong sự nghiệp sáng tác của Akhmatova. Các tạp chí đua nhau in thơ của bà, các nhà phê bình nổi tiếng nói về bà như một tài năng lớn trên thi đàn, người kế tục xứng đáng truyền thống Puskin.
Tập thơ thứ ba Đàn chim trắng của Akhmatova ra đời ngay trước cách mạng Tháng Mười năm 1917 - như sự tổng kết cả giai đoạn thơ trước đó.
Những năm 1920-1930 bà đã hoàn thành hai tập thơ xuất sắc: Cây mã đề và Anno Domini, trong đó thơ bà vẫn bám chắc vào mảnh đất Nga, cuộc sống và con người Nga đang phải chịu những mất mát khủng khiếp do nội chiến, đói rét và các cuộc thanh trừng đẫm máu gây ra. Nhiều nhà phê bình cố gắng “giải mã” thơ Akhmatova, lí giải sức hấp dẫn của thơ bà. Thực ra mật mã của thơ Akhmatova nằm trong một câu ngắn gọn, song rất nổi tiếng của Belinski: “Để thể hiện được cuộc sống, thơ trước hết phải là thơ”. Bí mật của thi pháp Akhmatova là ở chỗ bà đã cảm nhận được bản chất thơ Puskin, người có được phép nhiệm màu của nữ thần Afrodit, biến những cái cụ thể hàng ngày thành thơ. Và Akhmatova đã khám phá ra nghệ thuật kỳ vĩ trong sự giản dị, trong sáng đến lạ lùng của thơ ông:
PUSKIN
Ai biết được thế nào là vinh quang?Bằng giá nào ông có được quyền năng Sáng suốt, tinh ranh phán về mọi sự Lúc đùa cợt, khi đăm chiêu, tư lự Lúc lặng im, bí ẩn không cùng Gọi đúng tên sự vật chẳng ngại ngùng.
Trong thời gian cực kỳ gian khó này Akhmatova đã hoàn thành Khúc tưởng niệm (1935-1940) và bắt tay vào viết Trường ca không nhân vật - những kiệt tác minh chứng cho tài năng và lòng dũng cảm của nhà thơ, người bằng cả bản năng và lý trí đã vượt lên trên căn bệnh ấu trĩ của thời đại. Âm điệu bi tráng vang lên trong hai tập thơ này và bên cạnh những bài thơ tiếp tục đề tài trữ tình những năm 1910, xuất hiện những bài thơ mang môtip công dân và môtip tôn giáo
* *
Có lẽ không một người Nga nào lại không thuộc thơ Akhmatova. Thơ bà được phổ nhạc khá nhiều, chính vì thế sức lan truyền của nó thật lớn. Bà là nhà thơ viết về nhiều đề tài, song dù có viết về đề tài gì thì tình yêu luôn là những đốm sáng lấp lánh trong từng câu thơ của bà. Và người Nga đã tôn vinh Akhmatova là “bà chúa thơ tình” của thế kỷ XX.
Ngay từ những bài thơ đầu tiên mình Akhmatova đã làm độc giả sửng sốt bởi những ngụ ý, liên tưởng, những chi tiết vô cùng nhỏ nhặt lại chứa đầy ý tứ, truyền đạt một cách tinh tế, chính xác diễn biến tâm lý của nhân vật. Điều này thể hiện hết sức linh diệu trong Bài ca về cuộc gặp gỡ cuối cùng
Ngực giá buốt không sao ấm lại
Nhưng chân bước cứ nhẹ bâng
Bàn tay phải tôi xỏ nhầm
Vào chiếc găng tay trái.
Một chi tiết rất Akhmatova - người đàn bà “xăm xăm băng lối” tới cuộc hẹn, hồi hộp, bối rối tới mức tay xỏ nhầm găng! Còn gì thuyết phục hơn khi miêu tả tâm trạng bấn loạn vì tình như thế!
Bằng những chi tiết cụ thể, cực kỳ chuẩn xác, một điều gì đó còn lớn lao hơn một tâm trạng đã được khẳng định và tượng trưng hoá, - đó là một tâm hồn chân thực, toàn vẹn. Tình yêu trong thơ Akhmatova không phải chỉ là dục vọng đam mê, là sự gần gũi, mà nhất thiết và trên hết phải là sự thăng hoa của tâm hồn, là sự vươn tới tận thiện, tận mỹ, là mối liên hệ tinh thần giữa hai con người. Khi điều đó không xảy ra nữa thì tình yêu chỉ còn là nỗi bất hạnh đáng nguyền rủa, nó tước mất những suy nghĩ trong sạch, tách con người ra khỏi vũ trụ, nhấn chìm nó trong thế giới u ám của địa ngục:
Và trái tim đó thôi đáp lạiGiọng nói em - vui sướng, ngậm ngùi.Vậy là hết... Bài ca em vọng Vào đêm hoang - nơi mãi vắng anh rồi.
Nếu tình yêu trong thơ Svetaeva luôn gắn với hình tượng giông bão, hoả diệm sơn, sóng thần, biển động, thì tình yêu trong thơ Akhmatova:
Khi hệt như con rắn cuộn trònNgay trong tim làm trò phù phép, Lúc như chim bồ câu mải miếtGù bên cửa sổ trắng ngày đêm.
Người đàn bà trong thơ Svetaeva biểu lộ tình yêu đắm say mãnh liệt bao nhiêu, thì người đàn bà trong thơ Akhmatova cùng lắm cũng chỉ chân thành thỏ thẻ:
Đừng vò nát thư em, anh yêu dấu,
Đọc hết đi, anh sẽ hiểu ngọn ngành.
Em đã chán mãi là người xa lạ,
Là người dưng trên bước đường anh.
Tình yêu nhẹ nhàng dung dị đó lại là một thứ tình yêu không gì chế ngự nổi: không “nhiệm vụ”, không “hoàn cảnh”, một thứ tình yêu không chút vị kỷ, tính toán, so đo, một tình yêu giàu có, thảo rộng, bởi nó là nhu cầu tự nhiên của tâm hồn, một tâm hồn không thể yêu cách nào khác ngoài tự nguyện và dâng hiến:
Em thờ phụng anh vẫn chân thành như thế
Đừng sợ em yêu trong cay đắng khổ đau!
Vì tình cảm hai ta, em có thể
cầu nguyện Chúa trời và tất cả các thần linh.
Vì anh yêu, em trao cả họ hàng
Và đổi lại em không đòi gì cả
Đối với Akhmatova tình yêu là hiện tượng tự nhiên của tự do tinh thần. Điều đó vang lên như một tín điều:
Mùa thứ năm trong năm,Ngập lời anh tán tụng.Hãy thở chút tự do cuối cùng Bởi đó -- tình yêu ta thờ phụng.
Mỗi nhà thơ tình đều cố gắng đưa ra “tuyên ngôn”, “định nghĩa” của mình về tình yêu. Đối với Akhmatova tình yêu - đó là Tự do cuối cùng, tức Tự do tối cao. Khi yêu thực sự con người được ban cho thứ ân sủng đặc biệt đó.
Tình yêu trong thơ Akhmatova - tình yêu của những đòi hỏi tinh thần cao, là lĩnh vực của tự do tối thượng và là niềm vui sướng, khả năng dâng hiến toàn vẹn của trái tim - tình yêu ấy đồng thời là bi kịch. Bởi nó không được chia xẻ: không phải ai cũng có khả năng bắt kịp tình yêu này, khi “rơi” vào nó, người thì không tiếp nhận nổi - “Đến dịu dàng anh cũng không đòi hỏi”, người thì, điều này còn cay đắng hơn, chỉ cần một chút, một vài mảnh vụn của nó - “Chén tình không uống cạn / Chỉ nhấp môi gọi là...”.
Song tình yêu bi kịch trong thơ Akhmatova còn gần và cần đối với con người hơn những thứ tình yêu “thành công”, viên mãn thường gặp trong thơ đương thời. Là bởi bi kịch trong thơ Akhmatova tạo ra một nguồn tình cảm vô tận, giấu trong nó khát vọng hướng tới toàn thiện, toàn mỹ. Chất bi kịch này làm tăng vẻ đẹp và sức mạnh tình cảm, khả năng bất diệt của nó - đó là sự vận động. Loại thơ tình yêu thành đạt hạn chế tình cảm, làm nó nghèo đi bởi sự tự thoả mãn. Mà thật ra sự thành đạt nói chung không bao giờ có thể là đối tượng của thơ - vì thành đạt luôn đồng nghĩa với bất động, đứng yên. Tình yêu trong thơ Akhmatova không thành đạt, song cũng không phải không hạnh phúc. Chỉ cần một khả năng biết hi sinh vì tình yêu, một tình yêu không cần đền đáp, không tính toán, một tình yêu khó khăn và đau đớn - “đến tận cùng đau đớn, đến tình yêu” (Xuân Quỳnh) - chỉ cần một khả năng đó của trái tim đủ để có một hạnh phúc thực sự. Và người đọc biết ơn tình yêu đó, thứ tình yêu nuôi dưỡng tình cảm của họ, không trói buộc họ bởi bất cứ công thức nào...
Anh cấm em không được hát, được cười,
Cả cầu nguyện - từ lâu rồi cũng thế!
Em chỉ cần duy nhất một anh thôi,
Mọi điều khác có gì đâu đáng kể.
Thơ tình yêu là một bộ phận “máu thịt” trong toàn bộ sáng tác của Akhmatova. Và giống như một trong những bộ phận làm nên cơ thể sống, nó sẽ chết nếu bị tách lìa khỏi cơ thể ấy. Cũng như vậy, tình yêu trong thi sỹ có tên Akhmatova sẽ không còn, nếu tách nó khỏi tình yêu với nước Nga, thiên nhiên Nga, nhân dân Nga. Tình yêu này đã giúp bà sống trọn một đời thơ dài. Nước Nga đối với Akhmatova, cũng như Tự do đối với Petopi, vì sự sống còn của nó bà sẵn sàng hiến dâng tất cả, không chỉ những người mình yêu mà còn cả tài thơ của mình nữa:
Hãy mặc tôi với những năm cay đắng tật nguyền
Ngạt thở, sốt cao, thao thức triền miên,
Cứ lấy đi của tôi cả con, cả bạn,
Cả thi tài huyền diệu trời ban --
Tôi khẩn cầu trong Lễ Thánh linh thiêng
Sau chừng ấy ngày đêm khổ ải,
Để mây đen trên bầu trời Nga tăm tối
Trở thành mây trong rạng rỡ hào quang.
Cũng như nhiều nhà văn, nhà thơ tài năng khác, Akhmatova sợ người đời sau này sẽ không hiểu cuộc đời mình, không hiểu thơ mình, chính vì vậy sẽ quên lãng nó. Ngay từ năm 1913, dự cảm về số phận vinh quang đầy cay đắng sẽ dành cho mình, bà đã viết những dòng thơ này để minh chứng cho tấm lòng mình, để hậu thế phán xét:
Và em đứng đây - lạy Chúa lòng lành! -
Trên lớp phủ băng mỏng manh, dễ vỡ,
Còn anh, những bức thư của em xin hãy giữ,
Cho thế hệ mai sau phán xét chúng mình.
Đúng như dự cảm của nhà thơ, ngày hôm nay trường học đã giảng dạy thơ của bà cho học sinh. Thế hệ thế kỷ XXI, thế hệ của máy tính và quảng cáo, vẫn đọc, hiểu và yêu thơ bà, biết ơn bà - người gìn giữ, truyền lại cho họ những điều tốt đẹp nhất trong văn hoá Nga.
Tình yêu và lòng biết ơn đó còn được thể hiện ở những bài thơ dịch Akhmatova của Tạ Phương trong cuốn sách này. Đây là cuốn sách đầu tiên tập hợp riêng những bài thơ của nữ sỹ in ở Việt Nam. Mặc dù cuốn sách mới chỉ giới thiệu một phần nhỏ trong toàn bộ di sản đồ sộ thơ của bà, song dịch giả cũng đã phác hoạ được một chân dung Akhmatova mà qua đó có thể tưởng tượng một bức tranh hoành tráng xứng với tầm vóc của bà.
Và chúng ta, những người đọc, xin cám ơn dịch giả về điều đó.
ĐÀO TUẤN ẢNH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét