Thứ Ba, 20 tháng 4, 2021

NGÀY ĐỊNH MỆNH

 

NGÀY ĐỊNH MỆNH Sửa

Rút trong tập nhật ký "Từ cõi chết trở về" viết năm 1973 , sửa lại năm 2010

NGÀY ĐỊNH MỆNH

TRỊNH BÁ SƯỚNG

     Sau nhiều ngày chiến đấu ác liệt  hết với bọn lính dù tại La Vang, lính thủy quân lục chiến ở ngã ba Long Hưng sau cùng là liên đoàn Biệt Động Sài Gòn tại cầu sắt Thị Xã Quảng Trị, đến rạng sáng ngày ngày 19 tháng 8 năm 1972 là ngày kinh hoàng khiếp đảm nhất đã quyết định đời tôi.
     Bị tổn thất quá nhiều do bom pháo các loại, cả C1 tôi còn có 10 người, C2 còn 11 người (mặc dù cả hai vừa được bổ sung đợt tân binh Thái Bình vào ngày 12/8/1972) hai C được dồn lại thành một, lấy phiên hiệu C2 còn “C1 cũ vẫn giữ nguyên phiên hiệu nhưng con số mới hoàn toàn vì C1 của D19 sư đoàn bổ sung xuống thay”, cả hai C còn 21 người. Anh Mứt Quyền C trưởng, anh Khởi - Quyền CV trưởng cùng Hoàn - Anh nuôi ở lại, còn tất cả xuất quân vào tập kích khu nhà bằng trường học Bồ Đề tại thị xã. Là A trưởng hỏa lực sau khi pháo địch đã làm hỏng hai khẩu cối 61ly cùng B41, tôi lại dẫn anh em mang AK cùng đơn vị xuất quân. 
Khoảng 9 giờ tối tôi được anh Khởi, anh Mứt, anh Thưởng - CV phó, anh Bài - C phó (anh Bài mới dẫn quân Thái Bình được mấy ngày) cả bốn người gọi tôi sang hầm C bộ giao nhiệm vụ cho chúng tôi (vì tôi là A trưởng trực thuộc C nên mọi ngày hội ý cùng các B trưởng, B phó lúc này A tôi còn đầy đủ 6 người cả cũ lẫn mới) phải hoàn thành nhiệm vụ đẻ lập thành tích chào mừng ngày cách mạng 19 tháng 8. Mật khẩu là: Hà Nội - Hải Phòng, xắn tay áo bên trái quá khuỷu tay làm ám hiệu. Vì có con đường một đầu cầu sắt bắc qua sông cao như con đê nên đơn vị tôi chỉ cách nơi ở bọn ngụy khoảng gần 300 mét, hầu như ngày nào cũng hết bom lại pháo dập vào chỗ chúng tôi, sau đó là bọn ngụy xông lên cướp chốt. Từ đường một tới hầm chúng tôi khoảng 70 mét là bãi trống không vật cản nên mọi lần bọn chúng có liều lĩnh cũng không dám tràn xuống vì xuống tên nào bị hạ gục tên đó, còn bên trái là sông - Con sông Thạch Hãn đục màu máu nhuộm.
12 giờ đêm đã đến, chúng tôi ăn mặc gọn gàng, nai nịt chặt chẽ cho quần dài vào trong tất chân cao đến gối như quấn xà cạp để khỏi vướng dây thép gai, dây lưng to đeo bi đông nước, lương khô, đạn, bốn quả lựu đạn. Một tấm ni lông để nếu không may chết thì chỉ việc gói xác vào, vắt chéo võng vải qua vai thắt lưng lại cho gọn để nếu có bị thương thì cáng về… Tôi dẫn đầu tiểu đội và cũng dẫn đầu đại đội, phía sau tôi là anh Thưởng, anh Bài cùng hàng quân qua đường một bắt đầu bò vào phía địch, mặt đất khô ran, nham nhở bị cày xéo. Những dây mìn điện CLAYMO đan nhau về hướng quân ta, tôi rút dao găm cắt từng sợi một vượt qua, áp sát tới căn nhà bằng phía trước, hàng quân dồn lại. Tôi được lệnh dẫn A mình cùng anh Thưởng tạt ngang sang phía trái đánh thọc sườn, còn anh Bài cùng mọi người đánh thẳng vào đó,. Vừa triển khai xong, tiếng gọi từ D bộ chỉ đạo qua máy 2W của cậu thông tin tiểu đoàn léo nhéo phát ra, cậu thông tin gằn giọng kêu: “nói bé thôi!...bé thôi…!” nhưng không kịp nữa rồi, lộ rồi, cái máy 2W quái ác đã làm cả đại đội tôi chìm trong vũng máu….lựu đạn cùng M79 tới tấp xả vào nơi phát ra tiếng nói ấy. Một lát sau, tiếng máy ấy cũng dần dần tắt lịm, những quả pháo sáng tới tấp bắn lên và rơi ngay sau lưng chúng tôi. Từ chủ đông thành  bị động, tất cả chúng tôi nằm phơi mình trên mặt đất chưa kịp tìm chỗ ẩn nấp. Tôi lao xuống hố pháo kích phía trước bới nhặt những hòn gạch nham nhở đặt lên phía trước tạo thành bờ chắn đạn. Sau những giây phút hoảng sợ, lấy lại bình tĩnh tôi rút chốt và quăng hai quả lựu đạn mỏ vịt về phía trước có những cái đầu nhấp nhô, mờ mờ. Tiếng pháo kích của địch nổ vang lên, phía sau chúng tôi trên đoạn đường đã bị tôi cắt dây mìn lúc trước, một hồi dứt pháo lại đến máy bay sà thấp trong đêm ném bom vào đường rút của đơn vị. Sau những tiếng nổ kinh hoàng khiếp đảm của lựu đạn và M79 dồn dập, pháo sáng hết. Quanh tôi đồng đội hy sinh và bị thương gần hết, một bóng người lờ mờ bò chậm rãi trước mặt, tôi kéo người đó sát lại gần vì bị băng kín đầu mặt nên tôi không biết ai, tôi cố rít qua kẽ răng hỏi ai, hóa ra người đó là Hùng chiến sỹ của tiểu đội tôi quê ở Hương Ngải - Thạch Thất. Tôi bảo một cậu là lính mới người Thái Bình bị thương nhẹ cõng dìu Hùng về phía sau theo đường cũ. Tôi bò sang phía anh Bài và anh Chung với cậu thông tin viên thấy nằm im không cử động máu tràn ra quanh người, tôi bò về vị trí cũ nâng súng lên xả liên tiếp vài loạt AK về phía trước đến những chỗ khả nghi. Bỗng một tiếng nổ hoa mắt trước mặt tôi, mấy hòn gạch vỡ tung tóe bay cả vào mặt tôi cùng mấy mảnh bụi sắt rát rạt, một tiếng nổ đinh tai phía sau nữa đau nhói gáy tôi, sờ tay lên phía sau mũ giải phóng bị rách bươm tay tôi ướt nhớp. Biết mình bị lộ, bị thương tôi gục xuống nghỉ đầu óc vẫn tỉnh táo như thường, ngớt tiếng súng xung quanh im lặng, trời thì tối hẳn đã tắt hết pháo sáng chỉ còn ánh sáng vàng nhạt của mảnh trăng khuyết ngày mồng mười tháng bảy âm lịch xa xa. Tôi bò về phía sau rồi lom khom đi tắt ra đằng bờ sông hướng về hầm của đơn vị. Bỗng trước mặt là bốn bức tường của căn nhà cũ đổ nát hiện ra biết mình vẫn trong lòng địch tôi thấp hẳn người xuống, bước dò dẫm giương súng về phía trước. Một vật nhỏ vướng ngay ống chân tôi, lần tay xuống là một sợi dây sắt ngáng qua tôi cẩn thận bẻ đứt sợi dây nhưng mắt vẫn không quên cảnh giác phía trước, vài bước sau lại vướng tiếp dây nữa, tôi lần tay xuống là một sợi dây gai nhỏ. Bỗng bên trái tôi lòe chớp sáng, một tiếng nổ đanh gọn vang lên tôi đổ vật xuống, sau những giây phút mê man tỉnh dậy tôi thấy mình bị thương toàn thân, máu ra khắp người chỗ nào cũng đau ê ẩm. Tôi cởi ngay chiếc khăn dù hoa ở cổ buộc ngang đùi trái, cởi dây sợi nhỏ ở báng phụ khẩu súng (mấy hôm trước bị pháo bắn vỡ) buộc vào cổ chân phải và bò về. Khó khăn lắm, không biết mấy lần ngất đi rồi lại tỉnh dậy tôi mới bò đến chân đường một cách đó vài chục mét, cũng may là không còn dây mìn vướng nổ nào nữa, ngả lưng vào sườn đường một mệt mỏi thiếp đi. Tỉnh dậy phía đông đã phớt hồng, tôi nghĩ nếu không vượt qua đường một sang bên kia thì sáng ra thế nào cũng bị bắt hoặc bị bắn chết, tôi gắng sức bình sinh vừa bò vừa nghỉ mãi mới leo được lên mặt con đường cao khoảng hai mét, nằm yên và thở gấp. Sáng ra nhìn rõ mặt người tôi dựng khẩu AK lên bắn báo hiệu vài loạt, những vỏ đạn văng vào mặt mũi tôi, tôi không còn biết đau là gì nữa vì toàn thân ê ẩm. Song cũng chẳng thấy ai trả lời, tôi cố gắng kêu lên nhưng không kêu nổi thành lời vì không đủ sức để phát âm ra nữa. Những loạt pháo kích của địch lại tới tấp bắn về phía hầm đơn vị tôi không ngớt, mệt quá tôi lại thiếp đi…
Tỉnh dậy thấy người nóng ran, mặt trời chiếu gần đỉnh đầu từ bao giờ. Tôi kẹp súng và lăn mình qua mặt đường, lăn tiếp xuống chân đường mỗi lần cử động là lại đau, sợ trôi nhanh tôi níu tay vào những khóm cỏ bên đường để khỏi bị lăn nhanh xuống mặt bằng. Đến mặt bằng rồi tôi phải bò qua một hố pháo kích, thật là khó khăn vất vả quá. Giá bình thường không bị thương thì tôi chỉ bước nhún nhẹ cũng qua được nhưng lúc này sức cùng lực kiệt lăn xuống hố rồi loay hoay mãi tôi mới nhoài được người lên mệt quá tôi lại thiếp đi không biết bao nhiêu lâu nữa, tỉnh dậy ngẩng đầu lên phía trước có ba bóng người lờ mờ lom khom tiến lại gần, đấy là chân cầu sắt bắc qua sông (ba người đó một năm sau ở đơn vị cũ tôi mới biết đó là anh Tư B trưởng lính cũ còn Deo và Thủy là lính mới bổ sung ngày mười hai tháng tám quân của C3 cùng D4 với tôi). Mọi ngày quân ta vẫn có vài người lên cảnh giới khi địch tràn lên bắn nhau và rút về phía sau đi dưới triền sông về hầm chiến đấu cách đó 70 đến 80 mét. Một bóng người tiến lại sát tôi mừng quá tôi nhận ra là người mình, anh ta hỏi tôi ở đơn vị nào tôi thều thào trả lời ở C2, người đó nói tôi ở C3 mất một lúc sau anh Tư quan sát kỹ về phía địch không thấy gì mới cho cậu Thủy cõng tôi về. Mừng quá, tôi bám lên lưng Thủy, Thủy sốc tôi lên và đứng dậy nhưng chỉ được một hai bước đau quá vì không thở đươc (sau này tôi mới biết mình bị thương thấu phổi và hiện nay vẫn còn một mảnh găm vào cạnh rốn phổi trái xuyên qua liên sườn sáu suýt nữa vào tim) người rũ ngay ra vật xuống Thủy lại ngồi xuống nâng tôi lên cõng tôi đi, cứ được vài bước tôi lại vật người xuống đất vì không thở được, cả tôi và Thủy vất vả lần đến mép bờ sông cứ vài bước đi lại nghỉ. Đoạn đường ngắn ngủi mà ghê sợ quá vì đau và mệt. Dọc đường đến chỗ đất mới sạt lở do bị quả bom nổ vách cheo leo, Thủy đặt tôi ngồi xuống miệng hố bom bên này rồi động viên tôi: “Ông cố gắng chịu nhé, để tôi cõng ông qua nếu không cả hai sẽ lăn xuống sông thì chết”. Tôi nín thở nhịn đau để Thủy cõng tôi qua sườn sông vách dựng ngược, chỉ khoảng hơn chục mét thôi mà sao dài và lâu quá, những cái trượt chân đất mềm trôi ra làm chúng tôi mấy lần suýt lăn xuống sông, đến mép sườn bên kia tôi lại rũ người và vật xuống vì đau lại nghỉ. Không biết bao lần nghỉ, rồi cuối cùng chúng tôi cũng về tới gần hầm chiến đấu của C3 cách cầu sắt chỗ cảnh giới khoảng 70 mét. Tiếng súng AK và AR15 nổ rộ lên trên đầu cầu sắt phía sau tôi và Thủy, tiếng bước chân chạy của anh Tư và Deo từ phía cảnh giới về hầm chiến đấu Thủy vội nhét tôi vào căn hầm đầu tiên một vài khẩu súng ở các hầm bên cạnh vang lên chống trả. Bắn loạn xạ một hồi bọn địch lại rút chạy về chỗ chúng ở, anh Tư bảo tôi: “Đấy nếu chúng tôi không đưa cậu về kịp chắc cậu không sống được với địch”. Lát sau cơn nóng, cơn khát trong người tôi trỗi dậy, hai cậu lính mới cùng hầm và Thủy cầm mũ giải phóng quạt mát cho tôi, khuyên tôi đừng uống nước mà nguy hiểm máu sẽ ra hết không sống được. Nhưng tôi đòi uống và kêu rên lên mọi người lại chắt nước ra nắp bi đông cho tôi uống từng tý một, tôi khát bao nhiêu thì họ lại không cho uống bấy nhiêu, họ động viên tôi bằng những lời thật tình cảm rằng: “Ông đừng uống nữa, ông uống nữa sẽ chết không về được với quê hương, cha mẹ và người yêu của ông đâu..” họ còn nói nhiều nữa đại loại là những lời động viên tôi cố gắng chịu đau đừng uống nước nữa (những lời nói, hình ảnh đó cùng bao hình ảnh khác trong chiến đấu, tôi không bao giờ quên được và biết ơn họ mãi mãi). Tôi lại thiếp đi trong hầm của C3 cùng những người xa lạ mà tình cảm quá, giàu lòng thương quá.
Đến chiều tối tỉnh dậy mọi người mang võng khiêng tôi về phía C tôi, đưa tôi vào hầm cách đó khoảng năm mươi mét, anh Mứt, anh Khởi đón tôi hỏi luôn: anh Bài, anh Chung và mọi người khác đâu? Tôi thều thào trả lời không biết, khi em bò ra họ vẫn còn nằm im trong đó người đầy máu và bị thương không động đậy. Anh Đính y sỹ tiểu đoàn xuống tang cường băng bó cho tôi, lại một lần nữa vất vả vì băng bó, một ngày một đêm máu chảy tự do đã bám dính chặt vào người, chân tôi. Anh Đính phải cắt hết quần tất giầy từng mảnh ra mới băng bó cho tôi được, đôi giày luôn ôm chặt vào chân tôi không biết bao ngày đêm thức cũng như ngủ chẳng lúc nào rời xa. Bấy giờ tôi mới biết đau, mỗi khi cử động hầm chật loay hoay, hai anh Mứt, Khởi phải nâng đầu, nâng chân tôi để anh Đính băng cho mới được. Mùi máu khô đã phân hủy xông lên căn hầm nhỏ làm mấy anh em phải khó chịu và kêu lên, sau một hồi loay hoay với những vết thương của tôi, tất cả tạm ổn vì quả mìn nổ bên trái nên toàn thân bên trái tôi đẫm máu với các vết thương to nhỏ, anh Mứt nói: “Ba lô của cậu bị pháo bắn hỏng hết rồi… Ai hôm qua đi tập kích về được sáng nay bị trận pháo dàn phải đi viện hết, cả cậu Hoàn, anh Nuôi cũng bị chỉ còn hầm anh là không việc gì…” Trời tối hẳn, tiểu đoàn cho người xuống cáng tôi về tuyến sau, trên người tôi chỉ còn một chiếc áo và một chiếc quần lót đầy máu, thủng lỗ chỗ, lên xuồng cao su qua sông Thạch Hãn được một đoạn tiếng pháo kích của địch réo lên, dội xuống hai người cáng thương vội quăng cáng khỏi vai vứt bịch tôi xuống đất và nằm dán người xuống đất để tránh đạn. Thật là may, mấy anh em không việc gì chỉ có tôi là đã đau lại được đau thêm. 
Sáng hôm sau tại trạm phẫu 24 của trung đoàn, một anh y tá mang thuốc đến hỏi tôi đã tiêm pê - ni- xi - lin bao giờ chưa, tôi chưa kịp trả lời anh ta đã quệt bông và tiêm thẳng thuốc pê - ni vào đùi tôi (sau tôi mới biết thuốc 800 nghìn đơn vị). Đau, mệt quá đầu nghĩ miên man, số mình cũng thật là may mắn, qua sông Thạch Hãn rời xa cái thị xã có Thành cổ mang tên Đinh Công Tráng, một vị anh hùng dân tộc đã hứng chịu bao bom đạn, để rồi trở về với thời đồ đá hoang tàn, thành hoang phế, đã chứng kiến bao sự kinh hoàng, khiếp đảm của những người lính tuổi 20 hai bên chiến tuyến. Cũng từ đây từ bờ sông Thạch Hãn này tôi giã từ thị xã thân yêu nơi ấy có đồng đội tôi, đang sống chiến đấu và những hình hài bị vùi lấp nông sâu trong lòng đất, đỏ màu máu nhuộm.

Giã từ mảnh đất thương đau
Hai bên lính trẻ bắn nhau suốt ngày
Giã từ cây súng trong tay
Giã từ kỷ niệm những ngày đau thương
Giã từ bom đạn chiến trường
Mảnh đất Quảng Trị máu xương bao người.
 
 
 
 
 
 
 
BẢN QUYỀN THUỘC CÂU LẠC BỘ VĂN CHƯƠNG
Địa chỉ: số 9 Nguyễn Đình Chiểu - Hai Bà Trưng - Hà Nội
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nhà thơ Vũ Quần Phương
Tổng Biên tập: N.văn, LLPB - P.giáo sư, Tiến sĩ Vũ Nho
Quản trị & vận hành Website: Nhà văn Cầm Sơn
 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét