Thứ Tư, 14 tháng 4, 2021

THẦY TƯỚNG THỨ

 

THẦY TƯỚNG THỨ 

TRÍCH "TỪ CÕI CHẾT TRỞ VỀ" CỦA TRỊNH BÁ SƯỚNG

 Quân y viện 112 , xã Lộc thủy, huyện Lệ thủy, Quảng bình , ngày 28 /12/1972

Duy vật, duy tâm, thực hư, hư thực cứ ám ảnh đeo đuổi mãi với tôi trong những ngày qua, tôi cố quên đi mà không sao quên được. Ấy là vào những ngày đầu tháng 8 năm 1972 tại thị xã Quảng Trị, đơn vị biên chế lại tôi nhận một trong mấy cậu lính từ Đại đội 2, bổ sung vào Tiểu đội hỏa lực của tôi, đó là cậu Thứ quê Thanh Hóa.
Dáng người trung bình đậm, da hơi ngăm ngăm đen, bình thường đi đứng chậm chạp đôi lúc như ngây ngây ngô ngô thế nào ấy, thế mà mỗi lúc có tiếng pháo, bom rít lên, hoặc có động gì là lao vào hầm nhanh ra phết, khi giáp địch chiến đấu hắn còn nhanh hơn cả thằng Tỉnh, thằng Hùng cùng Tiểu đội. Mỗi khi nó nói gì thì chẳng ai để ý đến và hay coi thường nó… Những hôm đầu, khi mới gặp nhau nó luôn bám sát tôi, đi đâu cũng như đôi bạn thân nó chê thằng Hùng Tiểu đội phó không thuộc các chỉ số, số đo ứng dụng, tầm, hướng của khẩu cối 61 ly, mỗi khi bắn cứ phải giở giấy ghi chỉ số ra để xem, không bằng nó. Thấy tôi nhẹ cân hơn nó lại nhanh nhẹn xông xáo mọi lúc mọi nơi, nên nó thường khuyên tôi: “Sướng ạ! Là Tiểu đội trưởng chứ có là gì đâu, mày đừng hăng hái gương mẫu làm gì cho vất vả nguy hiểm lắm, tao thương mày lắm…” rồi có đêm tôi vác hòm đạn chạy qua bãi cát trống ở Tích Tường bị ngã văng ra, chính nó đã đứng lại lôi tôi dậy và nói với tôi bằng những câu khiến tôi phải suy nghĩ mãi: “Sướng ạ! Mày đừng mang mười quả đạn chỉ mang sáu quả thôi vì chúng mình yếu, tao cũng chỉ mang có sáu quả, mày có chửi tao tao cũng không nghe” vì tôi là Tiểu đội trưởng trước khi đi về tuyến sau tải đạn, tôi đã được Đại đội trưởng quán triệt mỗi người phải mang mười quả về đơn vị để đủ cơ số tạm thời cho chiến đấu trong ngày sắp tới. Nhưng được mấy hôm nó luôn tìm cách xa lánh tôi, luôn miệng nói tôi phải cẩn thận, khi trực chiến trên chốt nó thường tìm đủ mọi lý do để xa tôi. Có hôm mới tám giờ sáng, anh nuôi chưa kịp mang cơm lên nó năn nỉ xin tôi về phía sau đại đội xem thế nào mà đến giờ vẫn chưa mang cơm lên để đói anh em và những lý do khác để thuyết phục một thằng Tiểu đội trưởng Tiểu đội độc lập như tôi cho nó về phía sau, tôi mủi lòng gật đầu thế rồi cả ngày hôm đó nó không lên chỗ hầm chiến đấu Tiểu đội tôi một tẹo nào, lại có hôm nó kêu hết nước trong bi đông của nó lại xin tôi về tuyến sau để lấy nước, khi cho nó về phía sau thì cũng lại cả ngày hôm đó mất hút không thấy bóng dáng nó đâu. Rồi một chuyện chẳng lành xảy ra mà hình ảnh đó mãi mãi tôi không bao giờ quên, sáng hôm ấy qua một đêm ở hầm khu vực đại đội và anh nuôi (ngày chúng tôi lên hầm chiến đấu, tối lại rút về hầm tạm trú cách nhau khoảng một trăm mét). Như mọi hôm khi tôi chuẩn bị dẫn tiểu đội lên hầm chiến đấu thì anh Mứt bảo tôi, để cậu Hùng Tiểu đội phó dẫn tiểu đội lên trước, còn cậu ở lại có mấy việc cần trao đổi, tôi ở lại cùng anh chưa được ba mươi phút thì tiếng AK AR15 nổ ran lên phía trước cùng tiếng cối 61 ly nổ chát chúa đanh gọn, biết chuyện chẳng lành tôi cùng anh Mứt đại đội trưởng xách súng chạy lên, tiếng súng AK của đại đội một vẫn vang rền phía trước, chặn đứng những bóng rằn ri đang hùng hổ xông lên (hầm chiến đấu của A hỏa lực, đại đội tôi sát ngay sau của đại đội 1) mấy cái nắp bảo hiểm quả đạn vung vãi quanh đây, mấy thằng trong Tiểu đội tôi tái mặt run lắp bắp, thằng Hùng nói với tôi: “Tao lấy tầm thước liều 2 để bắn nhưng thằng Thứ không lắp thêm liều phóng vội thả ngay quả đạn vào nòng, đạn rơi ngay vào đội hình đại đội 1 nổ rồi mày ạ”. Tôi điên tiết mắng nó: “Đồ ngu, mày hại anh em rồi”. Quả nhiên khi tiếng súng hai bên vừa im lặng tôi thấy một anh lính đại đội 1(đang khoác hai chân lên vai một người lính bị thương bất động, máu chảy đầm đìa ướt áo từ lung xuống gáy, đầu lắc lư theo nhịp bước chân của người cõng) lom khom cõng chạy qua chỗ chúng tôi và dừng lại anh nói với tôi: “các cậu bắn thế nào vào chỗ chúng tôi để mấy người bị thương và anh P trung đội phó bị chết đây này”. Anh gằn giọng trong nước mắt “các cậu có thấy không?”. Tôi mở to mắt đứng lặng người không nói được câu nào và thương anh P đó quá…Thằng Thứ nhìn tôi sợ dúm lại và chuyện đó ngoài mấy người trong A tôi chứng kiến tôi cũng không nói cho mọi người trong đại đội biết. Hai hôm sau, khoảng 20 giờ một trận mưa pháo kích lại rơi vào khu vực đại đội tôi tạm nghỉ, nó bị thương sức ép đi ra tuyến sau, trước khi đi nó còn sang hầm tôi ngồi ở cửa hầm và dặn bọn tôi phải cẩn thận giữ mình hết sức, được vài hôm thì tôi cũng bị thương nặng cùng đại đội khi vào tập kích khu nhà bằng trong thị xã.
Bình thường trong ngày nó hay chăm chú nhìn mặt từng người rồi nhắc nhở như một ông cụ non, chẳng hạn: “anh Đán à, anh cứ đi lại thoải mái không chết được đâu” (anh sinh 1936  ở Hà Bắc là A trưởng, mấy hôm sau anh bị sức ép nhẹ đi viện luôn.) Hay: “anh Long à anh không thể chết được đâu, anh đi đâu em theo anh đấy…”
Anh Phạm Giang Long quê ở Hải Phòng  nhập ngũ năm 1970 là sinh viên năm thứ hai đại học sư phạm, rất gan dạ và táo bạo làm liên lạc cho anh Nguyễn Xuân Sắc đại đội trưởng, một cặp đôi hoàn hảo trong chiến trận, gặp những lúc bom pháo nổ như mưa vẫn bình tĩnh nói: “mặc kệ nó bắn không chết được đâu”. Lúc chiến đấu nhanh nhẹn, bình tĩnh điểm xạ rất chuẩn nên sau trận đánh mở màn cao điểm 35 tại Quảng Trị hồi đầu chiến dịch, anh được kết nạp vào Đảng tại trận và được phong quân hàm vượt cấp từ Binh nhất lên Trung sỹ giữ chức Trung đội phó, cuối tháng 7 năm 1972 tại thị xã Quảng Trị anh bị thương nhẹ được ra tuyến sau, có hôm nó bảo anh Truân quê ở Thủy Nguyên – Hải Phòng nhập ngũ năm 1970: “Anh hãy cẩn thận, cẩn thận hết mức nhé”, cũng như mọi người coi thường nó sẵn anh buông ra một câu: “Thằng nhóc con mày biết gì mà nói” nó trả lời “Em thấy mặt anh có biểu hiện rồi đó”, mấy ngày sau, y chang. Trải qua nhiều trận chiến nên anh cũng không để ý đến những lời nói của nó. Đầu năm 1972 chiến dịch giải phóng Quảng Trị đơn vị đánh chiếm cao điểm 35 hoàn toàn thắng lợi, địch bị bắn cháy bốn chiếc xe tăng, trong đó anh Đào Quang Duy người Lạng Sơn bắn cháy một chiếc, còn lại ba chiếc anh Truân bắn cháy và được kết nạp Đảng phong quân hàm vượt cấp, phong chức B trưởng sau trận đánh, chỉ tiếc rằng tháng 6 năm 1972 anh không tránh khỏi viên đạn thẳng của Địch khi chúng tràn lên cướp chốt tại cao điểm 52 Hồ Lầy, Thừa Thiên. Rồi anh Đô, anh Độc hai cán bộ trung đội nó đã nhắc nhở cảnh báo trước nhưng không nghe nên đã hy sinh đầu tháng 8 năm 1972 tại thị xã Quảng Trị. Nó thường tâm sự với anh Long (Bà nội nó là bậc thầy xem tướng mặt và chỉ tay rất giỏi truyền lại cho nó). Có lần mấy anh em đang ngồi anh Long nói: đêm qua tao nằm mơ ở nhà làm nhà mới, mà nhà cửa tuềnh toàng, đồ đạc lung tung chẳng ra đâu vào đâu cả…
Nó nói ngay: “ở nhà vợ hoặc người yêu anh bỏ anh rồi”. Rồi nó cúi đầu nhắm mắt tư lự lẩm bẩm 1,2,3,4 nhà người ấy cách nhà anh 5 nhà. Anh Long giật mình thừa nhận cách 5 nhà là đúng, nhưng vẫn chưa tin người yêu bỏ mình đi lấy người khác. Đôi lúc có việc ra ngoài nó thường dắt hai mang tai hai chiếc que nhỏ trông rất kỳ lạ, và còn nhiều chuyện tâm linh của nó như một huyền thoại. Tuy ban đầu mọi người nghe không để ý, nhưng rồi qua thực tế được chứng kiến, chúng tôi hết sức trân trọng khả năng kỳ diệu của nó, từ đó mà đa số anh em trong đơn vị được khích lệ, can đảm hơn trong chiến đấu, giữ vững chốt đến giây phút cuối cùng.
Hôm nay sau những ngày đau đớn mê man, các vết thương đã se mặt và khỏi dần, sức khỏe cũng hồi phục dần, tâm thần ổn định. Nằm trên giường bệnh, nghe tiếng đài Li Đô bên cạnh truyền tin chiến sự ngày đêm B52 của Mỹ rải thảm đánh phá Hà Nội, phố Khâm Thiên và nhiều nơi khác bị đổ nát tan tành, người chết, người bị thương rất nhiều. Không chịu khuất phục , những con én bạc anh hùng cùng những con rồng lửa bảo vệ Thủ Đô của quân và dân Miền Bắc lại vút lên trên bầu trời đêm bao la, chặn đứng đốt cháy những pháo đài bay bất khả xâm phạm của Mỹ, làm chúng rơi rụng khắp nơi có chiếc rơi ngay ở hồ Ngọc Hà trong xanh giữa lòng Hà Nội, cùng những tên giặc lái ngoại quốc bị bắt cao lớn lênh khênh...
 Miên man xâu chuỗi những tháng ngày đã qua như một cơn ác mộng mà tôi không sao giải thích nổi, liệu có số phận, có trời phật hay không, khó quá. Mà sao có lúc ngồi ở hầm chiến đấu tránh pháo, bom cảm thấy không yên, vội nhảy sang hầm khác khi tiếng nổ tạm dừng quay lại chỗ mình vừa nấp thì bị đạn nổ tan hoang, hay khi đang cấm súng ẩn người sau mô đất nhỏ siết cò thấy rợn người vội nhảy ra chỗ khác thì bị ngay một quả M79 nổ tung ngay chỗ đó hoặc có lần ở chân cầu sắt địch tràn lên tôi đang khom người lò dò quan sát mục tiêu, không để ý dưới chân vướng cục gạch xi măng vấp ngã dúi xuống, thì có tiếng đạn réo chíu chíu, bụp bụp mấy phát liền ngay trên đầu tôi găm vào bờ gạch vỡ lởm chởm vì bom pháo, nếu tôi không vấp ngã thì sao?…Tại sao ở chốt Gia Long đêm tôi nằm ở cửa hầm như mọi khi, thì anh Luân nằm cạnh đánh đuổi tôi vào nằm trong cùng, vừa được vài phút đồng hồ thì bị pháo bắn, chính anh Luân bị đạn rồi hi sinh. Tại sao thằng Thứ nói cái gì cũng đúng, khó quá, nên đành nằm im, hòa mình trong giấc mộng triền miên thâu đêm và cầu mong cho đất nước được hai chữ Bình Yên.

      Trịnh Bá Sướng

 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét