Thứ Ba, 3 tháng 8, 2021

BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN VỚI LỜI BÌNH

 


BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN VỚI LỜI BÌNH

BÀI THƠ CHƯA ĐỀ TÊN

                                                   Nguyễn Huy Dung

Cha cứ lần từng bước mà đi

Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc

Không khác được, không thể nào khác được

Cha cứ lần từng  bước mà đi

 

Con đỡ cha qua mấy bậc thềm hè

Mà vất vả như chuyển bè vượt thác

Chiếc gậy tre dỗ xuống hè khô khốc

Cha cười rung khi tới được bên giường

 

Tiếng bầy chim ríu rít bên vườn

Gà nhảy ổ, tiếng trâu ngoài ngõ xóm

Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm lắm

Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng

 

Cứ mỗi lần con trở về thăm

Tấm quà nghèo không có gì hơn được

Con kể cha nghe những vùng đất nước

Con sông xanh và dãy núi dài

 

Những điều may con gặp trên đời

Có an ủi cha ngày buồn lặng lẽ

Cha nói ngô nghê lắm lời như trẻ

Lúc cha cười, con lại khóc vì đau

 

Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu

Nửa người chết, nửa người cha sống mệt

Khi cha ngủ con ngồi canh thức

Vầng mắt già khép mở đến thơ ngây

 

Lòng con đau, luôn ao ước điều này

Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ

Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ

Một lần thôi…Như mọi ông già.

 

Nguồn rút trong tập "Nguyệt cầm trong bão", Nxb  Lao Động, 1989.

LỜI BÌNH  CỦA NGUYỄN THỊ THIỆN

“CHA CỨ LẦN TỪNG BƯỚC MÀ ĐI”                                                                                                 

Mọi thứ trên đời không có gì là mãi mãi. Thời gian như dòng sông hối hả xuôi, người ta  mới hôm nào còn tuổi hoa niên đẹp đẽ, khoẻ mạnh, chẳng mấy lúc đã già yếu. Tuổi già cùng với ốm đau, bệnh tật, cô đơn là điều chẳng ai muốn nhưng không thể tránh được. Với người con trai, khi chứng kiến cảnh cha mình sau đợt ốm đang từng bước tập đi, lòng thương cha dâng trào đã viết nên những vần thơ đầy ám ảnh. Là người tìm hiểu không ít  bài thơ về chủ đề gia đình, khi đọc "Bài thơ chưa đề tên" của Nguyễn Huy Dung, tôi thật sự cảm động. Đây là tiếng nói của trái tim người con trước cảnh ngộ đau yếu của cha mình, vô cùng xót thương và tri ân cha sâu nặng.

Bài thơ đến với bạn đọc theo thể  thơ tự do, đan xen giữa các câu bảy, tám và chín chữ, nhiều hình ảnh thơ dung dị, đi thẳng vào lòng người: "Cha cứ lần từng bước mà đi / Chiếc gậy chống những tháng ngày khó nhọc / Không khác được, không thể nào khác được / Cha cứ lần từng  bước mà đi". Hơn một lần hình ảnh người cha già hiện lên dò dẫm, chậm chạp tập đi, lết từng bước khó nhọc. Điều này  gợi nhớ đến câu tục ngữ "người già trẻ con đến hai lần", cùng tập đi, tập nói và tập nhiều thứ khác nữa. Tuổi già như một bệnh viện nhận đủ mọi chứng bệnh, nhiều khi chân tay không tuân theo sự điều khiển của trí não. Thấy cha đi từng bước vất vả, người con vội chạy tới "đỡ cha qua mấy bậc thềm hè / Mà vất vả như chuyển bè vượt thác". Việc làm kịp thời là sự cảm nhận rất thực tế: dìu đỡ người già ốm yếu leo thềm đâu phải việc dễ dàng. Nghệ thuật so sánh như "chuyển bè vượt thác" đã cụ thể hoá nỗi vất vả của người giúp cũng như sự nỗ lực của chính  người cha. Từ tấm lòng kính yêu và thương xót phụ thân, người con đồng cảm cả những mong muốn mơ hồ thầm kín ở cha mình khi nghe: "Tiếng bầy chim ríu rít bên vườn / Gà nhảy ổ, tiếng trâu ngoài ngõ xóm / Ban mai dậy, cha ngồi âm thầm lắm / Khát khao nghe tiếng người gọi ra đồng". Đây là khổ thơ hay nhất trong bài tái hiện bức tranh bình dị, thân thương giàu âm thanh nơi thôn dã. Nhiều từ láy gợi cảm được sử dụng liên tiếp giúp người đọc như nghe được cả tiếng đàn chim líu lo trong vườn, tiếng mẹ gà nhảy ổ, tiếng trâu ngoài ngõ xóm gọi đàn. Đặc biệt lúc ban mai là thời điểm nhà nông quen thức dậy và đi làm sớm, người con càng cảm thông với nỗi khát khao lặng thầm trong lòng cha. Cha thèm nghe tiếng gọi ra đồng, thèm được làm việc đồng áng như mọi người; song đau yếu và tuổi già đành lực bất tòng tâm. Mỗi lần về thăm cha, ngoài tấm quà bình dị biếu cha, người con đều nhẫn nại ngồi bên kể cho cha nghe về "những vùng đất nước", các địa danh sông núi từng qua, cả những điều rủi may với cuộc đời mình. Khi ấy chủ thể trữ tình hiểu rằng cha như trẻ lại: "Cha nói ngô nghê lắm lời như trẻ / Lúc cha cười, con lại khóc vì đau". Người con hiểu là nếu gần gũi, lắng nghe và trò chuyện cùng sẽ khiến cha rất vui. Nhu cầu được cảm thông chia sẻ ở người  già cao hơn nhiều so với nhu cầu vật chất. Những lúc trực tiếp  chăm sóc cha yếu mệt, người con càng xót thương: "Lòng con bơ vơ nhìn tóc vãn trên đầu / Nửa người chết, nửa người cha sống mệt / Khi cha ngủ con ngồi canh thức / Vầng mắt già khép mở đến thơ ngây". Lời thơ khiến lòng người đọc thổn thức nghĩ tới sự vô thường của kiếp người. Thật đau lòng khi chứng kiến mỗi ngày sức lực cha vơi dần như ngọn đèn cạn dầu mà không làm sao được. Trong bài, tác giả điều khiển đội quân ngôn từ rất tinh tế: không nói tóc rụng, tóc hói mà nói "tóc vãn trên đầu"  bởi hơn ai hết người con hiểu rõ tóc cha "vãn" đi, rơi rụng chỉ còn lưa thưa vì suốt hành trình của cuộc đời, cha đã luôn phải lo gánh nặng mưu sinh và bao công việc khác cho gia đình, cho các con. Giờ đây cha yếu mệt, canh thức cho cha ngủ là bổn phận của đạo làm con. Trong lòng chủ thể trữ tình chợt dâng lên một niềm ao ước tha thiết: có phép nhiệm màu nào đó khiến cha đứng dậy đi lại được và "Cha bước vui chân ra vườn xới cỏ / Rồi quay vào uống một li rượu nhỏ / Một lần thôi…Như mọi ông già". Đây là cao trào cảm xúc trong bài thơ khiến người đọc đồng cảm và trân quý tác giả; nếu không thương xót và yêu kính cha, không là người con hiếu nghĩa hẳn sẽ không có mong ước như vậy. 

vbnhuy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét