Thứ Tư, 11 tháng 8, 2021

NHỚ THI HÀO NGA M.LERMONTOV

 

NHỚ THI HÀO NGA M.LERMONTOV

 
nh_th_m._lermontov
NHỚ THI HÀO NGA M. LERMONTOV
 
BÙI MINH TRÍ
Người thứ hai, sau “Mặt trời thi ca Nga”
Của dòng thơ đỉnh cao lãng mạn
“Em cứ gọi giấc mơ là hy vọng
Và hãy tin, hãy tin ở tình tôi “
Vào biển xanh mờ sương xa khơi
“Cánh buồm trắng tìm bình yên trong bão"
Tài hoa bạc mệnh - điều tiên báo
“Anh hùng thời đại” bên “cái chết nhà thơ”
Sớm biết yêu “vui như một giấc mơ”
Rồi tình yêu vỡ tan như bong bóng
“Ba lần tôi yêu, ba lần tuyệt vọng”
“Tình không hề trang điểm cuộc đời tôi”!
Trải qua bão giông, nước chảy mây trôi
Sớm đến với thơ, tài năng già dặn
Kiêu hãnh làm người, trái ngang số phận
Nước mắt của trời lắng đọng con tim …
Bùi Minh Trí
___________________
Theo Bách khoa toàn thư mở
Mikhail Yuryevich Lermontov (tiếng Nga: Михаи́л Ю́рьевич Ле́рмонтов) sinh ở Moskva ngày 15 tháng 10 năm 1814 , là con trai của ông Yuriy Petrovich Lermontov, một thuyền trưởng hải quân về hưu, với bà Marina Mikhailovna .Từ nhỏ Lermontov đã thông thạo tiếng Pháp, tiếng Đức. Lên ba tuổi, Lermontov mồ côi mẹ và được bà ngoại Yelizaveta Alekseyevna Arsenyeva nuôi nấng tại điền trang riêng ở tỉnh Penzenskaya. Vẻ đẹp phong phú của thiên nhiên Nga, các bài hát và chuyện kể dân gian, phong tục và lễ nghi, cuộc sống khổ cực của nông nô, câu chuyện và huyền thoại về các cuộc nổi dậy của nông dân, tất cả đều ảnh hưởng lớn tới sự phát triển tích cách của nhà thơ tương lai.

Năm 1827, ông cùng bà tới Moskva. Tại đây, ông vừa theo học trường nội trú dành cho con nhà quý tộc (thuộc Đại học Moskva), vừa bắt đầu làm thơ và học vẽ tranh. Năm 1828, ông viết bài thơ Cherkassy ("Người Circassian") và Kavkazsky plennik ("Tù nhân Caucasus") theo phong cách của nhà thơ lãng mạn Anh Lord Byron, người có ảnh hưởng sâu sắc tới các nhà văn Nga trẻ tuổi.
Hai năm sau bài thơ đầu tiên, tập thơ Vesna ("Mùa xuân") được xuất bản. Cùng năm đó, ông bắt đầu nhập học Đại học Moskva, một trong những trung tâm văn hóa và ý thức hệ sống động nhất, nơi những tên tuổi thuộc giới quý tộc có óc dân chủ như Alexandr Herzen, Nikolai Platonovich Ogaryov và nhiều người khác đang theo học. Sinh viên hăng hái tranh luận về các vấn đề chính trị và triết học, số phận nhọc nhằn của nông nô và cuộc khởi loạn tháng Mười hai mới nổ ra gần đây. Trong bầu không khí đó, Lermontov viết nhiều bài thơ tình, những bài thơ tự sự cùng tác phẩm kịch dài hơn. Vở kịch Stranny chelovek (1831; "Một người kỳ lạ") phản ánh quan điểm đang thịnh hành trong giới sinh viên: sự căm ghét chế độ Sa hoàng chuyên chế và căm ghét chế độ nông nô.

Năm 1832, sau khi xung đột với một giáo sư phản động, Lermontov bỏ học và đi tới St. Petersburg để nhập học trường sĩ quan quân đội. Tốt nghiệp năm 1834 với hàm sĩ quan kỵ binh (sunsign), Lermontov được điều về Trung đoàn Kỵ binh Cảnh vệ Hoàng gia đóng tại Tsarskoye Selo (Hoàng Thôn, nay là thành phố Puskin), nằm gần St. Petersburg. Là một sĩ quan trẻ tuổi, Lermontov dành đáng kể thời gian tại kinh đô, việc quan sát kỹ lưỡng cuộc sống của quý tộc nơi đây giúp ông định hình nền tảng của vở kịch Maskarad (Masquerade). Trong thời gian này, tình cảm sâu đậm mãi mãi khôn nguôi, nhưng không được đền đáp mà ông dành cho Varvara Lopukhina, được ông thể hiện trong tác phẩm Konyagin Lisovskaya ("Nữ công tước Ligovskaya") và nhiều tác phẩm khác.

Tháng 1 năm 1837, Lermontov bị chấn động mạnh khi biết tin nhà thơ vĩ đại Alexander Pushkin qua đời trong một cuộc đọ súng. Lermontov viết một khúc bi thương, diễn tả tình yêu của cả nước dành cho nhà thơ quá cố, đồng thời lên án không chỉ kẻ giết hại nhà thơ mà còn cả quý tộc trong triều đình - những kẻ mà ông coi là bọn đao phủ chống lại tự do và là tội phạm thực sự của bi kịch này. Ngay khi những bài thơ này đến tai triều đình hoàng đế Nicholas I, Lermontov bị bắt và đẩy vào một trung đoàn đóng ở Caucasus. Đi tới những vùng đất mới, gặp gỡ những người tham gia Cuộc nổi dậy tháng 12 (đang bị đi đày ở Caucasus), tiếp xúc với giới trí thức Georgia, đặc biệt là nhà thơ xuất chúng Ilia Chavchavadze, người gả con gái cho kịch tác gia, thi sĩ và nhà ngoại giao nổi tiếng người Nga Aleksandr Sergeyevich Griboyedov, và gặp gỡ nhiều nhà thơ tiêu biểu người Georgia sống ở Tiflis (bây giờ Tbilisi), đã giúp mở rộng chân trời hiểu biết của Lermontov. Gắn bó với thiên nhiên và thơ ca vùng Caucasus, phấn khích với văn học dân gian nơi đây, Lermontov lao vào nghiên cứu ngôn ngữ địa phương, tiến hành biên dịch và nhuận sắc câu chuyện Azerbaijanian mang tên "Ashik Kerib". Chủ đề và hình ảnh về Caucasus chiếm một vị trí quan trọng trong thơ ca Lermontov, và được thể hiện trong tiểu thuyết Geroy nashego vremeni (Một anh hùng thời đại), cũng như trong các bức họa và phác thảo của ông.

Nhờ sự chạy chọt của người bà và sự giúp đỡ của nhà thơ lớn V.A. Zhukovsky, Lermontov được phép trở về kinh đô năm 1838. Các bài thơ ông viết bắt đầu xuất hiện trên báo chí: Bài thơ lãng mạn Pesnya pro tsarya Ivan Vasilyevich, molodogo oprichnika i udalogo kuptsa Kalashnikova (1837; "Bài ca về Sa hoàng Ivan Vasilyevich, Người cận vệ trẻ của ông, và về gia đình thương nhân Kalashnikov dũng cảm"), các bài thơ hiện thực trào phúng Tambovskaya kaznacheysha (1838; "Người vợ ông thủ quy Tambov"), Sashka (viết năm 1839,xuất bản năm 1862) và bài thơ lãng mạn Demon (Quỷ dữ). Lermontov sớm trở nên nổi tiếng. Ông được gọi là người kế thừa sự nghiệp của Puskin và được ca ngợi do đã chịu cực khổ và lưu đày vì những bài thơ tự do. Giới nhà văn và nhà báo rất chú ý đến Lermontov, nhiều quý bà, quý cô dành tình cảm yêu mến cho ông. Ông kết bạn với đội ngũ biên tập Otechestvennaya zapiski, tạp chí hàng đầu của giới trí thức hướng theo phương Tây.

Năm 1840, ông gặp nhà phê bình tiến bộ xuất chúng V.G. Belinsky, người đã hình dung Lermontov là hy vọng lớn của văn học Nga. Lermontov đã gia nhập vào giới nhà văn thành St. Petersburg.
Tháng 2 năm 1840, Lermontov bị đưa ra tòa án binh vì cuộc đọ súng với con trai đại sứ Pháp ở St. Petersburg. Cuộc đọ súng này được sử dụng như một cái cớ để trừng phạt nhà thơ cứng đầu. Tuân theo chỉ thị của Sa hoàng Nicholas I, Lermontov bị đày đi khổ sai lần thứ hai ở Caucasus, lần này vào một trung đoàn bộ binh đang chuẩn bị thực hiện nhiều chiến dịch quân sự nguy hiểm. Chẳng bao lâu sau khi bị buộc phải tham gia các cuộc xuất kích của kỵ binh và đánh nhau trực diện, Lermontov chiến đấu xuất sắc trong một trận chiến khốc liệt gần Sông Valeric, nơi ông mô tả trong tác phẩm "Valerik" và trong bài thơ ""Ya k vam pishu…" ("Anh đang viết cho em…"). Chỉ huy quân đội chú ý và ghi nhận lòng dũng cảm tuyệt vời cũng như bộ óc của nhà thơ, sĩ quan Lermontov.

Nhờ nỗ lực thỉnh cầu kiên trì của bà ngoại, tháng 2 năm 1841, Lermontov được phép rời nơi lưu đày một thời gian ngắn. Ông dành vài tuần tại kinh đô, tiếp tục công việc ông đã bắt đầu trước đó và viết vài bài thơ, đánh dấu sự trưởng thành về suy nghĩ và tài năng của ông ("Rodina" ["Đất mẹ"], "Lyubil i ya v bylye gody" ["Và anh đã yêu"]). Lermontov nghĩ ra kế hoạch xuất bản một tờ tạp chí riêng, hoàn thành các tiểu thuyết mới và xin ý kiến phê bình của Belinsky. Nhưng chẳng mấy chốc ông nhận được lệnh phải quay lại trung đoàn, mang theo linh tính về một điều gì đó tồi tệ sắp xảy ra. Trong chuyến đi dài này, ông trải qua những giờ phút dâng trào năng lượng sáng tạo: cuốn nhật ký cuối cùng chứa đầy kiệt tác thơ ca trữ tình Nga như bài "Utes" ("Vách đá"), "Spor" ("Tranh luận"), "Svidanie" ("Gặp gỡ"), "Listok" ("Một chiếc lá"), "Net, ne tebya tak pylko ya lyublyu" ("Không, đây không phải là em, người anh yêu nồng nhiệt"), "Vykhozhu odin ya na dorogu…" ("Tôi đơn độc trên đường…"), và "Prorok" ("Nhà tiên tri"), tác phẩm cuối cùng của ông.

Trên hành trình về trung đoàn, Lermontov nán lại thành phố nghỉ dưỡng sức khỏe Pyatigorsk để điều trị. Tại đó, ông gặp nhiều người trẻ sang trọng đến từ St. Petersburg, trong số đó có những kẻ bản chất xấu xa mà ông từng nghe tiếng trong triều. Một số những người trẻ tuổi này sợ hãi sức mạnh lời nói của Lermontov, trong khi số khác ghen tị với danh tiếng của ông. Bầu không khí đầy mưu mô, gièm pha và căm ghét cứ thế lớn dần quanh ông. Cuối cùng, một cuộc cãi vã nổ ra giữa Lermontov và một viên sĩ quan khác, N.S. Martynov. Ngày 27 tháng 7 năm 1841, cả hai nhảy vào một cuộc đọ súng với kết cục là dấu chấm hết của cuộc đời nhà thơ vĩ đại. Ông được chôn cất hai ngày sau trong nghĩa trang thành phố, toàn thể người dân thành phố đến dự đám tang ông. Cỗ áo quan chứa thi hài Lermontov được đưa về địa hạt Tarkana. Ngày 23 tháng 4 năm 1842, ông yên nghỉ vĩnh viễn trong khu mộ dòng họ Arsenyev.

Cuộc đời của Lermontov chỉ vỏn vẹn có 27 năm nhưng di sản thơ ca mà ông để lại cho đời vô cùng to lớn. Lermontov giữ một vị trí đặc biệt trong thơ ca Nga.

Nhà phê bình Belinsky viết: "Trong thơ của Lermontov là tất cả sức mạnh, là tất cả yếu tố để làm nên cuộc đời và thơ ca: một sức mạnh bền vững của tâm hồn, sự nhún nhường của than vãn, mùi hương của lời cầu nguyện, một sự khích lệ như sóng gió ba đào, một nỗi buồn tĩnh lặng, một nỗi trầm tư dịu dàng, những lời thở than kêu hãnh, những tiếng kêu la tuyệt vọng, vẻ đằm thắm bí huyền của tình cảm, những ước mong táo bạo không thể ngăn kìm, sự trong trắng trinh nguyên, những bệnh tật của xã hội, những bức tranh của thế giới, những lời quở trách của lương tâm, sự hối hận đến mủi lòng, sự thổn thức của đam mê và những giọt nước mắt lặng lẽ rót vào sóng gió của con tim, sự hoan hỉ của tình, lo âu của ngày ly biệt, niềm vui của ngày gặp mặt, sự coi khinh vẻ đơn điệu của đời thường, sự khát khao điên cuồng của vẻ hân hoan, một lòng tin cháy bừng như ngọn lửa và nỗi khổ của sự trống vắng trong tâm hồn, tiếng kêu than xua đi cảm giác về một cuộc đời đang chết lặng, chất độc của phủ nhận, vẻ lạnh lùng của mối nghi ngờ, ác quỷ ngạo mạn và đứa bé ngây thơ, vẻ ngang tàng của kẻ rượu chè và cô gái ngây thơ trong trắng – tất cả, tất cả trong thơ này: và bầu trời, và mặt đất, và thiên đàng, và địa ngục". Với vẻ phong phú về ý tưởng và mô-típ kể trên, có thể chia sáng tác của Lermontov thành 2 giai đoạn: giai đoạn thứ nhất đến năm 1835 và giai đoạn thứ hai là những năm còn lại của cuộc đời thơ ngắn ngủi.
Ở giai đoạn đầu Lermontov sáng tác bằng trí tưởng tượng, bằng cảm nhận về thế giới xung quanh mình: sự đấu tranh không khoan nhượng của hai mặt đối lập giữa trời và đất, qua đó nhìn ra nguyên nhân của bi kịch cuộc đời mình.
Giai đoạn thứ hai nhà thơ đã gần hơn với thực tế qua sự với tiếp xúc nhiều với những con người và đời sống xã hội. Như một người theo thuyết nhị nguyên luận, nhà thơ cảm nhận vẻ hai mặt của con người "trong khoảng trung gian kinh hoàng giữa hai cuộc đời".
 
 
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét