Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2023

HÌNH DUNG THI SĨ LAN THANH...

 

 


HÌNH DUNG THI SĨ LAN THANH TRONG TẬP “GIẤC ĐẠI NGÀN”

Đọc “ Giấc Đại Ngàn”, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2022

                            Vũ Nho

Nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh có một sức viết bền bỉ.  Chỉ từ năm 2000 công bố tập thơ đầu,  đến năm 2022, vào tuổi  u80, chị công bố tập thơ thứ 13 “ Giấc Đại ngàn” gồm 31  bài thơ.

            Nhà thơ  viết về các bậc tiền nhân:

                        Các bậc văn nhân thiết tha cái đẹp

                        Trùng trùng thang mây dốc mấy cũng trèo

                                         ( Lên Ô Quy Hồ tự)

Tôi hình dung nhà thơ cũng theo bước các văn nhân, dù tuổi cao, nhưng vẫn “thiết tha cái đẹp”, vẫn vượt dốc thời gian, vượt dốc tuổi tác để tìm kiếm cái đẹp của thiên nhiên, của núi sông hùng vĩ    những con người. Không có gì bất ngờ khi bạn đọc gặp dấu chân không mỏi của nhà thơ in trên những địa danh nổi tiếng từ Bắc chí Nam : Ô Quy Hồ,  Mã Pì Lèng, Phan Xi Păng, Sa Pa, Điện Biên, Thác Bản Giốc, Bắc Kạn, Phong Nha Kẻ Bàng, Thánh Địa Mĩ Sơn, Đà Lạt, Củ Chi, Phú Quốc,…

            Chỉ thấy niềm vui khỏe khoắn của tâm hồn tràn đầy sức sống, tịnh không thấy dấu vết của mỏi mệt, của tuổi tác:

                        Phật bà mỉm cười, đón tôi trước Ô Quy Hồ tự

                        một vườn cây xanh những khóm hoa rực rỡ sắc màu bao quanh bức tượng

                        tôi bay trên thiên đường tiên cảnh bồng lai

                                         (Lên Ô Quy Hồ tự)

Nhà thơ không quản khó khăn, đi đến nơi hiểm trở:

                        Dốc dựng, vực thẳm đường ngang trời

những con đường vắt ngang phận đá

                        ( Mã Pì Lèng)

Chính nơi ấy, bất ngờ  chị khám phá vẻ đẹp riêng của dòng Nho Quế:

Nho Quế mùa này tia sữa mỏng

vắt từ đất mẹ chảy vào thơ

Điều quan trọng là chị hình dung, khám phá vẻ đẹp  những con người mở đường Hạnh Phúc cho tương lai:

                        Mã Pì Lèng núi cõng mây thung thăng

mười một tháng công nhân treo người lưng chừng dốc

như đàn dơi

Đánh vật với đèo

đèo thua sức người đá thua chân đất

lưng núi kia ngả xuống làm đừơng

                          ( Mã Pì Lèng)

Chính con đường đó đã cho nhà thơ gặp các em gái H’Mông,   trẻ trung, xinh đẹp, biểu tượng của   sự sống miền sơn cước:

Em gái H’Mông miệng cười tươi quá

váy xòe mây thơm tỏa hương rừng

những gùi ngô vàng cõng hoàng hôn qua dốc

Mã Pì Lèng tỏa sắc đá triệu năm

                        ( Mã Pì Lèng)

Lên cao, khám phá đất trời thiên nhiên từ độ cao thật thú vị và sảng khoái. Nhà thơ như muốn reo lên khoe với bạn đọc của mình cảm giác kì lạ:

            Phan Xi Păng 3143 mét đây rồi!

 thả sức ngắm nhìn gió thổi mây trôi

vô tư thấy mình nhẹ bẫng

niềm tin thắp sáng cuộc đời

            (Phan Xi Păng)

Đó là cảm giác tin vào sức mình, tin vào sự bền bỉ của mình chinh phục những đỉnh cao.

            Với con mắt non xanh, lên cao nguyên đá Đồng Văn nhà thơ ấn tượng với thiếu nữ H’Mông như được tạc vào đá núi:

                        Khắc dáng hình em, người con gái H’Mông váy đỏ mờ sương

 gùi trên lưng nửa mùa ngô vàng ruộm

như cõng nắng về…ấm một góc quê hương

                        (Tình đá với người)

Ngay tại Phú Thọ quê nhà, nhà thơ cũng phát hiện những vẻ đẹp của các cô gái làm giấy. Họ là những “nàng tiên”:

Từ “suối giấy”  bước ra

em - cô tiên  áo trắng

điệu cười như hoa nắng

tỏa hương ngát quê nhà

               (Em –Cô tiên áo trắng)

Tôi hình dung nhà thơ Lan Thanh say mê cuộc sống, yêu đời, yêu người. Chị không chỉ khám phá những vẻ đẹp để ngợi ca. Chị còn cảm thông với “anh thương binh về làng”  mang nỗi đau  chất độc da cam. Cảm thương những chị em một thời ngóng chồng nơi trận mạc:

                        Bao người vợ trẻ thôn quê

                        Nhìn mây trắng - ngắm sao khuya…ngóng chồng

                                                    (Thăm chồng)

Có thể nói là tâm hồn nhà thơ rất trẻ trung. bất chấp tuổi tác. Này nhé chị viết ở Thác Bản Giốc : “Trộm nhìn thôi mà ngút ngát tình”. Chị viết ở khu Suối Ngọc – Vua Bà: “leo núi tắm suối nửa ngày/đủ cho mắt đắm, tim say một đời” (Nơi ta say đắm).

            Trong bài thơ “Ngẩn Ngơ Sa Pa” nhà thơ viết:

                        Mời nhau nậm rượu nồng nàn

                        người về cuối phố …vẫn tràn giọt thơm

Vâng, tôi hình dung tập thơ GIẤC ĐẠI NGÀN như một nậm rượu ngon mà tác giả  chắt chiu mời bạn đọc. Còn đợi gì mà chúng ta không đáp lại thịnh tình của  người mời? Viết những dòng này cũng là một cách đáp lời mời của nhà thơ Nguyễn Thị Lan Thanh  học khóa bốn khoa Văn Đại Học Sư Pham Việt Bắc mà tôi khóa một có quen!

                                            Hà Nội, 5 tháng 11 năm 2022

Đã in báo PHÚ THỌ cuối tuần  sô1.349 ngày 10/12/2022

 

 

                                               

                       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét