Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2023

TẾT XƯA TRONG NHỮNG TRANG SÁCH CŨ

 


TẾT XƯA TRONG NHỮNG TRANG SÁCH CŨ

                                       PGS.TS. Vũ Nho

         Trong tâm thức của mỗi người Việt, ngày Tết là một ngày thiêng liêng. Đó là ngày đoàn tụ gia đình, ngày con người trở về với quê hương bản quán, về với họ hàng, tổ tiên. Tết không chỉ là dịp nghỉ ngơi, được vui chơi, mà đó còn là dịp để sum họp, để thăm hỏi, chúc tụng. Với nhà văn Vũ Bằng Tết là phải về quê. Bởi vì về quê là “trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà, tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm” (Thương nhớ mười hai). Tôi muốn cùng mọi người trở lại Tết xưa qua một số bài thơ, văn  chưa xa lắm.

            Ngày xưa đón Tết người Việt gọi là Ăn Tết. Có chơi nữa, nhưng ăn là chủ yếu.  Bởi thế mới có câu tục ngữ “Đói ngày giỗ cha. No ba ngày Tết”. Mới có câu ca dao hài về qủe của thầy bói : “Số cô không giàu thì nghèo/ Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà”. Bây giờ mới có kiểu chơi Tết thay cho ăn Tết.Với nhà kinh tế khá giả thì ngày nào cũng là ngày Tết. Không có nhu cầu ăn lắm đâu. Người ta rủ nhau  chơi Tết - đi du lịch trong nước hoặc ra cả nước ngoài.

         Sắm tết phải đủ cả vật chất và tinh thần như hai vế đối cân đối về điều này: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”. Đã đi chợ chuẩn bị thịt mỡ, dưa hành, các nguyên liệu gói bánh chưng xanh, phải ghé qua hàng thầy đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên để làm đôi câu đối đỏ. Có đôi câu đối, có thể tiện mua mấy bức tranh Đông Hồ, hay tranh Hàng Trống nữa. Thế rồi náo nức chờ ngày đầu năm mới.

        Hãy cùng nhà thơ Đoàn Văn Cừ đi một phiên chợ tết nửa đầu thế kỉ XX:

Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon

Vài cụ già chống gậy bước lom khom

Cô yếm thắm che môi cười lặng lẽ

Thằng em bé nép đầu bên yếm mẹ

Hai người thôn gánh lợn chạy đi đầu

Đây là cảnh bán mua:

Người mua bán ra vào đầy cổng chợ

Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ

Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán

Mấy thầy khóa gò lưng trên cánh phản

Tay mài nghiên hí hoáy viết thơ xuân

Đấy là phiên chợ tết điển hình trên mọi miền quê. Nhưng có một bài thơ Tết của Vân Đài tả chợ tết phương Nam, chỉ đặc tả cảnh chợ búa, bà mình đi chợ tết và chảo mứt gừng nghe cũng rất chi ấn tượng, rất chi Nam bộ:

Dưa hấu xuồng con nặng lướt qua

Ruột vàng mát rượi cát Trà Kha

Chợ ba đêm tết gà quên sáng

Đèn đọ sao khuya khách lạc nhà

Bà nội mấy lần đi chợ tết

Thúng đầy cam đỏ gánh mùa xuân

Trẻ em áo mới vây quanh bếp

Xem mẹ ngồi xên chảo mứt gừng

                 (Đợi tết quê Nam)

Những ngày áp Tết, vất vả nhất là những người mẹ, người chị, những người lo lắng, sắm sửa mọi thứ cho gia đình. Hãy xem nhà thơ Nguyễn Bính thuật lại cái vất vả của người mẹ trong bài “Tết của mẹ tôi”:

Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều

Mẹ tôi lo liệu đủ trăm chiều

Giết lợn, đồ xôi, lại giết gà

Cỗ bàn xong cả từ hôm qua

Suốt đêm giao thừa mẹ tôi thức

Lẩm nhẩm cầu kinh Đức Chúa Ba

Cái Tết nghèo chưa xa trong kí ức của nhà thơ Hằng Phương thật cảm động. Biết bao đứa trẻ nhà quê đã từng vui với đôi guốc quà Tết của người mẹ:

Mẹ ơi! Nhớ Tết năm nào

Mẹ mua guốc mới ướm vào chân con

Con đi lếch thếch trên giường

Đợi ngày mồng một ra đường mới tinh

                     (Quà tết nhớ mẹ)

Năm mới, nhiều thứ cần phải “mới tinh” cho nên đôi guốc ấy, người con mới “đi trên giường”.

Nhà thơ Trần Tế Xương cũng viết nhiều bài thơ về Tết.  Những là  Tết tặng cô đầu,  Cảm Tết,  Tết dán câu đối,  Sắm Tết,  Câu đối Tết,  Năm mới, Năm mới chúc nhau,  Mồng hai Tết viếng cô Ký, Tết cô đầu, Gần Tết than việc nhà.

       Ông nói chuyện nghèo mà sang:

                   Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy

                    Trà sen mượn hỏi, giá còn kiêu

                   Bánh chưng sắp gói, e nồm chảy

                   Giò lụa toan làm, sợ nắng thiu

                                 (Cảm Tết)

Ông cười cảnh Tết không có yếu tố tinh thần, chỉ có vật chất:

Nực cười thay, nêu không, pháo không, vôi bột cũng  không, mà Tết.

Thôi cũng được, rượu có,  nem có, bánh chưng cũng có, thừa chơi

                                     (Câu đối Tết)

Nhà thơ mỉa mai thế thái nhân tình:

          Thiên hạ xác rồi còn đốt phảo

          Nhân tình trắng thế lại bôi vôi

                                      ( Câu đối Tết)

Hài hước nhất là nhà thơ nghĩ ra món “Mứt rận” :

          Kẹo chú Sìu Châu đâu đọ được

          Bánh bà Hanh Tụ cũng thua xa

          Sang năm quyết mở ngôi hàng Mứt

          Lại rưới thêm vào tí nước hoa

                             (Sắm Tết)

           Có lẽ náo nức, phấn khởi và mong mỏi nhất ngày Tết vẫn là những đứa trẻ. Chúng mong Tết sẽ được thêm tuổi để lớn thêm, được “lì xì”, mở hàng một ít tiền, được về quê, được đi chúc tết theo cha mẹ. Đây là tâm trạng của mấy em nhỏ trong bài “Đợi tuổi” của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn :

Mẹ bảo : “Ba mươi Tết

Đúng vào lúc giao thừa

Trời gọi từng người một

Rồi lấy tuổi ra cho

Mấy anh em đều lo

Chẳng may mà ngủ mất

Trời gọi không thấy mặt

Là bé mãi thế thôi!”

Và rồi sớm mồng một thích nhất là được «mở hàng » như lời kể của Nguyễn Bính :

Sáng nay mồng một sớm tinh sương

Mẹ tôi cấm chúng tôi ra đường

Mở hàng mỗi đứa năm xu rưỡi

Rửa mặt hoa mùi nước đượm hương

                           (Tết của mẹ tôi)

Mới gần đây thôi, nhà thơ Xuân Quỳnh trong bài “Tiếng gà trưa” cho chúng ta biết cảm giác sung sướng của người cháu chờ đợi, mong mỏi Tết để mặc bộ quần áo “mới tinh” ( may phòng lớn vừa dài vừa rộng), dù đó chỉ là loại vải thông thường trúc bâu và chéo go, giờ có bói cũng chẳng ra:

Cháu được quần áo mới

Ôi cái quần chéo go

Ống rộng dài quét đất

Cái áo cánh trúc bâu

Đi qua nghe sột soạt

                    (Tiếng gà trưa)

Nhà thơ Thu Nguyệt, trẻ hơn Xuân Quỳnh, nhưng kí ức về Tết xưa của chị cũng rất hồi hộp, rất vui, rất đẹp:

Hồi xưa tết thiệt là vui

Ta trong trẻo đến khóc cười cũng trong

Tim theo nhịp quết bánh phồng

Chiều ba mươi gánh nước sông đổ tràn

[…]

Mẹ bày bánh mứt ra khay

Trẻ con như cánh bướm bay khắp đường

                         (Tết quê)

Trẻ con ra đường với quần áo nhiều màu sắc nên như cánh bướm bay. Còn các cô gái đến tuổi cập kê thì kín đáo khoe vẻ đẹp của mình. Và hồi hộp nhất là chờ đi xem Hội chèo để gặp người trai mình hò hẹn như cô gái trong bài “Mưa Xuân” của Nguyễn Bính.

Hoài niệm Tết xưa, nhà thơ Nguyễn Việt Bắc viết cả một bài thơ với nhan đề ấy về cái tết nông thôn với chợ tết, cây đu, đèn dầu, việc giết lợn, làm lòng. Đây là mấy dòng kết:

Tết xưa chẳng có phấn son

Mà môi, má thắm còn hơn bây giờ

Trăm giấc mơ, nghìn giấc mơ

Thèm thêm tiếng pháo tết xưa lạ lùng

Chẳng cứ người náo nức đón Tết, mà những con vật cũng đón tết theo kiểu của chúng. Nhà văn Nguyễn Đình Thi có truyện “Cái tết của mèo con” rất sinh động từng có mặt trong sách giáo khoa xưa. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn có bài thơ ngộ nghĩnh “Mèo con ăn tết” có những dòng  thú vị:

          Năm nay “đoàn” chúc tết

          Thành phần có chú mèo

          Thêm tuổi càng lễ phép

          Tới cửa chào: “Meo! Meo!”

Nhà thơ Dương Thúy Mỹ có bài thơ “Chúc Tết” nói về các chị em nhà Bướm chúc tết các loài hoa. “Mùa Xuân đi chúc tết/ Ai cũng được tặng quà”.

                         ***

                Bây giờ vật chất đủ đầy hơn, không phải lo sắm Tết, chuẩn bị Tết trước đó cả mấy tháng trời nữa. Quần áo mới cho trẻ con cũng không phải lo lắng, không phải chắt chiu cả năm nuôi gà như người bà trong bài “Tiếng gà trưa” . Và cái chuyện “đốt inh nhà” pháo chuột , dán tranh gà “lên khắp cột” cũng không gặp như trong bài thơ “Tết của mẹ tôi” của Nguyễn Bính nữa.

          Xem Chèo cũng không phải chờ đợi , vì có thể mở tivi xem rất nhiều chương trình văn nghệ. Muốn hò hẹn thì gọi trực tiếp hoặc nhắn tin qua điện thoại di động, qua iphone, ipad,…Nhiều thứ thay đổi cùng với nhịp sống công nghiệp, cùng với đời sống vật chất và văn hóa ngày càng đủ đầy hơn. Mới đấy thôi mà “Tết ngày xưa giờ đã xa” (Thu Nguyệt). Vì thế giở lại những  trang văn thơ TẾT XƯA cũng là một cách chơi Tết  thú vị và trang nhã của chúng ta nhân năm mới.

                                                           Hà Nội, 10 - 2022

in trên báo Văn Nghệ của Hội nhà Văn Việt Nam số Tết.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét