Thứ Hai, 22 tháng 5, 2023

BÓNG VỚI LỜI BÌNH

 


BÓNG

(Tặng V)
HÀ KIM QUY
Có một cái bóng trong ngôi nhà cũ
Song hành cùng người đàn bà độc thân
Đêm đêm bóng trốn đi sau tiếng thạch sùng
Ngôi nhà giam bóng tối.
Hai con tò vò tha đất về khe cửa sổ
Cần mẫn xây nhà.
Những cái đuôi ngoáy rộn lên hoan hỉ
Người đàn bà cô đơn ngồi ngắm tổ tò vò trong niềm hạnh phúc.
Một ngày
Căn nhà thay chủ mới
Thạch sùng thôi không tặc lưỡi
Nằm im nhớ bóng người xưa.
Cửa sổ mở ra
Tổ tò vò bẹp vụn
Con thạch sùng tặc lưỡi thở dài
Nó đi tìm bóng nó đơn côi.

LỜI BÌNH NGUYỄN XUÂN DƯƠNG
Có thật thế chăng trong cõi người này không còn ai để sẻ chia với nỗi cô đơn của một phận người? Theo đề từ bài thơ BÓNG nhà thơ Hà Kim Quy viết ( Tặng V) chứ không phải là bài thơ tự bạch. Nếu vậy ta vẫn còn hy vọng trong cõi người mênh mông sâu thẳm này vẫn còn trầm ẩn những tấm lòng nhân ái biết sẻ chia với cô phụ chứ không chỉ là con thạch sùng và vợ chồng tò vò biết sẽ chia và cả như còn biết che chở. Đọc bài thơ tôi thấy hình như nhà thơ Hà Kim Quy đang lấy cái cật nứa cứa vào tim tôi, cứa vào tim cõi người cho đến khi tứa máu. Bài thơ làm cho tôi nhớ đến bài thơ HAI CÁI BÓNG TRÊN TƯỜNG VÔI TRẮNG của nhà thơ Hoàn Nguyễn.
BÓNG của Hà Kim Quy chở đầy sức nặng ám ảnh, chở đầy sức nặng tâm trạng của một con người mà nỗi cô đơn đã đi đến tận cùng để đến nỗi những con vật tưởng như vô tri vô giác cũng biết mềm lòng sẻ chia với cô phụ...
“Có một cái bóng trong ngôi nhà cũ
Song hành cùng người đàn bà độc thân
Đêm đêm bóng trốn đi sau tiếng thạch sùng
Ngôi nhà giam bóng tối.”
Có một cái bóng đồng nghĩa phải có một con người trong ngôi nhà cũ nát. Cũ nát vì chủ nhân của nó là một cô phụ chẳng thể có ai dang tay tu sửa. Còn với cô phụ thì lại nghĩ tu sửa để làm gì đến như cái thân hình cô độc này tự mình không cần đến tu sửa vì tu sửa vì ai cho ai. Chỉ một câu thơ đã giới thiệu khá đủ đầy gia cảnh. Cái bóng ấy luôn song hành với người đàn bà độc thân. Nó chỉ trốn đi khi tiếng con thạch sùng chặc lưỡi nghĩa là khi người cô phụ tắt đi cái ánh đèn leo lét và bóng tối ập về. Giờ chỉ còn bóng tối bị giam cầm và tiếng con thạch sùng nữa mà thôi. Thạch sùng thì tiếc của còn người cô phụ thì tiếc tấm thân tiếc cả cuộc đời chưa một lần được vuốt ve ân ái. Vẫn chưa hết:
“Hai con tò vò tha đất về khe cửa sổ
Cần mẫn xây nhà.
Những cái đuôi ngoáy rộn lên hoan hỉ
Người đàn bà cô đơn ngồi ngắm tổ tò vò trong niềm hạnh phúc.”
Ban đêm thì tiếng thạch sùng sẻ chia còn ban ngày thì có đôi vợ chồng tò vò xây tổ. Người cô phụ đã nhìn thấy chúng và hiểu được rằng hai đứa ấy đang xây cho mình một ngôi nhà hạnh phúc. Thật xót đau vì hai đứa vừa xây nhà vừa ca hát vì chúng tưởng rằng làm như thế là để cô phụ được chút ấm lòng. Chúng có biết đâu chúng đang làm tan nát nỗi khát khao chủ nhân của nó. Vâng một niềm hạnh phúc nho nhỏ đã đến không phải dành cho cô phụ mà là của vợ chồng tò vò. Chắc cô phụ đang tự hỏi sao chúng nó lại được là vợ là chồng. Còn mình thì mãi mãi cô đơn.
“Một ngày
Căn nhà thay chủ mới
Thạch sùng thôi không tặc lưỡi
Nằm im nhớ bóng người xưa.
Cửa sổ mở ra
Tổ tò vò bẹp vụn
Con thạch sùng tặc lưỡi thở dài
Nó đi tìm bóng nó đơn côi”
Khổ thơ cuối là một sự giải thoát hay nhà thơ đã không thể làm gì khác nên đành vậy thôi. Đây có thể coi là người cô phụ không thể sống thêm một ngày nào nữa trong ngôi nhà cũ nên cô phụ đã bỏ đi. Cô phụ không hề nghĩ rằng mình ra đi không những chỉ để lại nỗi cô đơn cho con thạch sùng mà còn làm tan nát cả ngôi nhà hạnh phúc mà vợ chồng tò vò tốn bao công sức để dựng xây. Biết đâu khi người chủ mới khép cái cửa sổ làm ngôi nhà bẹp vụn mà trong ấy là những quả trứng xinh xinh và tệ hại hơn có thể là những đứa con thơ dại...Thạch sùng lại đi tìm cái bóng cô đơn và vợ chồng tò vò lại xây cho mình một ngôi nhà mới còn cô phụ thì chôn chặt nỗi cô đơn trong chính cuộc đời mình khổ đau và lặng lẽ.
Bài thơ viết để tặng người mà tận cùng gan ruột ta mới biết rằng mỗi nhà thơ đích thưc là một con người lương thiện mà khát vọng của họ muốn đem lòng nhân ái của mình để sẻ chia để bao trùm lên hết thảy những thân phận cô đơn trong cõi người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét