Thứ Sáu, 5 tháng 5, 2023

NGUYỄN DUY & THƠ…

 NGUYỄN DUY & THƠ…

 
              HOÀNG DÂN

 

                                     NHÀ GIÁO NHÀ VĂN HOÀNG DÂN
 
I.Nguyễn Duy với cái “giật mình” trong bài thơ “Ánh trăng”
Dẫn:
Trong hai ngày 10 và 11.6 tới, các cháu học sinh lớp 9 sẽ phải bước vào một “kì thi sinh tử” để nếu đỗ thì sẽ được học tiếp lớp 10 ở các trường THPT công lập!
Rất thương các cháu “Đường nở ngực những hàng dương liễu nhỏ/Tóc lên xanh như lứa tuổi mười lăm” (Tố Hữu) đã sớm phải trở thành… sĩ tử! Và thương cả các bậc phụ huynh mới chớm tuổi trung niên đã sớm phải… bạc đầu vì lo lắng cho con!
Nhưng thôi, đấy là câu chuyện dài của giáo dục phổ thông xứ ta!
Điều mỗ tôi muốn nói là, trong kì thi 9 vào 10 này có thể bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy vẫn còn nằm trong kế hoạch ôn tập và không loại trừ khả năng có một câu hỏi trong đề thi! Bởi sang năm, chả biết SGK Ngữ văn mới có còn dùng bài thơ “Ánh trăng” nữa hay không?!
Vì đã có rất nhiều bài phân tích, giảng bình, văn mẫu… về bài thơ “Ánh trăng” cho nên mỗ tôi không làm công việc này nữa!
Mỗ tôi chỉ nêu một cảm nhận nhỏ về hình tượng “trăng” trong bài thơ “Ánh trăng” mà thôi!
Người xưa cho rằng, khi sống có tâm hồn thì khi chết sẽ có linh hồn, linh hồn được chiết xuất từ tâm hồn; do đó tâm hồn càng phong phú thì linh hồn càng anh linh theo tinh thần “sống khôn thác thiêng”.
Từ quan niệm “Nhân thân tiểu thiên địa” (con người là một vũ trụ nhỏ), người xưa tin rằng vũ trụ (trăng, sao, mây, gió, tuyết, hoa…) cũng có tâm hồn như con người “Trong tâm có vật, trong vật có tâm”; thế nên “trăng” mới trở thành tri kỉ trong thơ Lí Bạch, thơ Hồ Chí Minh, thơ Nguyễn Duy… và trong thơ của hàng nghìn thi nhân cổ kim đông tây khác. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là quan niệm “tri kỉ” luôn gắn liền với lí tưởng của một thời đại nhất định.
Trong bài thơ “Nguyệt hạ độc chước” (Uống rượu một mình dưới trăng), Lí Bạch (701-762) từng coi trăng là “tri kỉ” để chia sẻ nỗi sầu muộn có phần cao ngạo của mình:
“Hoa gian nhất hồ tửu / Độc chước vô tương thân / Cử bôi yêu minh nguyệt / Đối ảnh thành tam nhân / Nguyệt kí bất giải ẩm / Ảnh đồ tuỳ ngã thân / Tạm bạn nguyệt tương ảnh / Hành lạc tu cập xuân / Ngã ca nguyệt bồi hồi / Ngã vũ ảnh linh loạn / Tỉnh thì đồng giao hoan / Tuý hậu các phân tán / Vĩnh kết vô tình du / Tương kì mạc Vân Hán”
(Giữa hoa một hồ rượu / Một mình rót uống, không có ai là người thân thích / Nâng chén lên mời trăng sáng / Trăng cùng với cái bóng của mình thành ba người / Trăng thì không biết uống rượu / Bóng thì chỉ biết ngả nghiêng theo mình / Tạm coi trăng và cái bóng là bạn / Vui cho kịp với ngày xuân / Khi ta hát trăng cũng bồi hồi / Khi ta múa cái bóng cũng quay cuồng múa theo / Khi tỉnh thì cùng vui với nhau / Khi say thì tan tác mỗi kẻ một nơi / Cuộc vui này chỉ là tạm thời / Hẹn gặp lại nhau trên Vân Hán-sông Ngân)
Hồ Chí Minh coi trăng là “tri kỉ” để chia sẻ hoài bão của một chiến sĩ cách mạng có cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông thấu hiểu lẽ đời:
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
Còn với Nguyễn Duy, “vầng trăng thành tri kỉ” là một hình tượng mang vẻ đẹp của lí tưởng thời đại, đó là thời đại mà ra trận trở thành lẽ sống cao đẹp nhất “Cuộc đời đẹp nhất là ở trên trận tuyến đánh quân thù” (Lê Mã Lương) hoặc “Đường ra trận mùa này đẹp lắm” (Phạm Tiến Duật), hoặc “Lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành” (Tố Hữu)
Vậy hình tượng “vầng trăng thành tri kỉ” trong bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy nên hiểu như thế nào?
Nếu trăng trong thơ Lí Bạch chỉ là tri kỉ trong khoảnh khắc cô đơn, để rồi sau đó chia tay, hẹn gặp lại nhau ở Ngân Hà; trăng trong thơ Hồ Chí Minh là tri kỉ đồng hành với người chiến sĩ cách mạng trên con đường trường chinh vạn dặm… thì trăng trong bài thơ của Nguyễn Duy có “khai sinh, khai tử, tái sinh và hội ngộ” theo đúng tinh thần của một luận đề triết học: Vận động là tuyệt đối, đứng im là tương đối. Trong sự vận động tuyệt đối của cái tôi trữ tình sẽ luôn luôn diễn ra những sự thay đổi theo cả chiều hướng tích cực lẫn tiêu cực. Cụ thể, trăng trong bài thơ này xuất hiện 4 lần với 4 gương mặt khác nhau.
1. Lần thứ nhất: Hợp
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Lẽ đời, đã là tri kỉ thì chỉ có cái chết mới chia lìa được nhau, đó chính là một niềm tin trong sáng nhưng có phần ngây thơ rất đúng với cái tâm trạng phơi phới của những người lính trẻ thời chiến tranh chống Mĩ cứu nước “ngỡ không bao giờ quên/cái vầng trăng tình nghĩa”.
Vầng trăng ở đây vừa là một chứng nhân lịch sử (Vầng trăng vằng vặc giữa trời/Đinh ninh hai miệng một lời song song – Nguyễn Du), vừa là một nhân vật tham gia vào các sự kiện lịch sử của thời đại. Nói cách khác, đây là cuộc phân thân lần thứ nhất của chủ thể trữ tình để hoá thân vào khách thể vầng trăng.
2. Lần thứ hai: Tan
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
Sự thay đổi hoàn cảnh sống từ thời chiến sang thời bình, từ không gian “rừng” sang không gian “thành phố” ít nhiều đã khiến chủ thể trữ tình có những thay đổi tiêu cực (qui luật khách quan); từ đó người tri kỉ mất dần chỗ đứng trong tâm hồn của chủ thể để cuối cùng bị khai tử và trở thành khách thể xa lạ “như người dưng qua đường” (qui luật chủ quan).
Đây là cuộc phân thân lần thứ hai, nhưng hoàn toàn trái ngược với cuộc phân thân lần thứ nhất. Nó chính là sự tha hoá không sao cưỡng nổi do hoàn cảnh sống và không gian sống thay đổi.
Cũng cần lưu ý rằng, tác giả không hề phê phán hoặc lên án lối sống “quen ánh điện, cửa gương” bởi “ánh điện, cửa gương” là kết quả của sự tăng trưởng kinh tế (mục tiêu mang tính toàn cầu), là cái hiện tại không thể phủ nhận, những tiện nghi ấy giúp cho con người sống Sướng hơn!
3. Lần thứ ba: Hợp
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Thực ra, đây là một vầng trăng khác (khác về không gian: rừng/thành phố, khác về thời gian: quá khứ/hiện tại, khác về tâm thế: chiến đấu hi sinh/hưởng thụ ích kỉ…), nó giống như phần linh hồn đã nguội lạnh nay đang hồi sinh trong một hình hài quen thuộc. Nó có hình hài là vầng trăng xưa, nhưng không hoàn toàn là vầng trăng xưa. Đây là cuộc tái ngộ giữa hai kẻ đã có những tổn thương, những mất mát nhất định, do đó chủ thể khó tránh khỏi mặc cảm xấu hổ về sự xuất hiện “đột ngột” của vầng trăng. Không chỉ vầng trăng mà mọi sự vật quen thuộc từng gắn bó máu thịt với chủ thể giờ đây cũng biến dạng “như là đồng là bể/như là sông là rừng”…
4. Lần thứ tư: vừa Tan vừa Hợp
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
- Ba câu đầu, trăng là khách thể, một vị pháp quan vô hình đang im lặng dõi theo những chuyển động tinh tế trong tâm hồn của chủ thể.
- Câu cuối là lời tự vấn lương tâm của chủ thể. Đây mới chính là chủ đề tư tưởng của bài thơ, bởi mong muốn sống Sướng hơn tự nó chẳng có tội tình gì, nhưng nếu chỉ có duy nhất mục đích ấy thì tâm hồn con người sẽ trở nên cằn cỗi, trống rỗng, vô cảm và vô ơn; bởi con người còn cần biết sống Tốt hơn, và đó mới chính là lí do cốt tử cho sự tồn tại của xã hội loài người, là bằng chứng để phân biệt loài người với loài vật.
Khi giảng bình tác phẩm văn học, có những điều chúng ta có thể dễ dàng khai thác (do đã có vốn sống và kinh nghiệm giảng dạy nhất định), nhưng cũng có những điều nếu chưa hiểu thật thấu đáo thì cũng nên tiếp tục suy ngẫm để hoàn thiện dần.
Ví dụ, cái “giật mình” trong bài thơ này đã được nhiều người giải thích rằng: “Đó là cái giật mình ân hận vì tự thấy mình đã đối xử với quá khứ một cách nhạt nhẽo, vô cảm”. Không sai. Nhưng hình như nó trơn tuột đi, chẳng đọng lại ấn tượng gì. Theo cách hiểu này thì chủ thể trữ tình X, ân hận vì đối xử với đối tượng Y một cách nhạt nhẽo, vô cảm; tức là “một thái độ hướng ngoại”. Mà thái độ hướng ngoại thì chỉ có giá trị ngang với một lời xin lỗi (có thể chân thành hoặc khách sáo, thậm chí là giả dối); lời xin lỗi có thể diễn ra trong một khoảnh khắc cụ thể, khi khoảnh khắc ấy (ở đây là khoảnh khắc mất điện, tối om) trôi qua và khi ánh sáng điện bừng lên thì người ta lại có thể vùi đầu vào công việc hoặc mất hút trong những thú vui để dễ dàng quên ngay lời xin lỗi kia. Như thế thì cái “giật mình” chưa đủ sức nặng để gây ra những chấn động trong tâm hồn người đọc như một nỗi ám ảnh hướng thiện.
Vậy nên hiểu như thế nào? Có thể đây là cái giật mình khi chợt nhận ra sự tha hoá của chính mình, sự tha hoá mà người ngoài không thể nhìn thấy, chỉ có chính mình tự biết mà thôi. Sự tha hoá đó khởi đầu từ thói quen hưởng thụ “quen ánh điện, cửa gương”; tiếp theo là thái độ “giải thiêng vầng trăng”, trước đây vầng trăng là tri kỉ, là chứng nhân lịch sử bí ẩn và thiêng liêng; còn bây giờ thì vầng trăng tầm thường, vô giá trị; cuối cùng là thói ích kỉ vô cảm, vô ơn (vầng trăng đi qua ngõ/như người dưng qua đường). Đó là khoảnh khắc “bế môn tư quá”, khoảnh khắc mà chủ thể trữ tình “Ngửa mặt lên nhìn mặt” (nhìn vầng trăng và nhìn cái bản mặt mình được phản chiếu méo mó dị dạng trong quầng ánh sáng của lương tâm; tức là nhìn thẳng, nhìn sâu vào tâm hồn mình) “để đau đớn thừa nhận rằng mình đã trở thành một kẻ đạo đức giả mất rồi!” (Người ngoài không thể nhìn thấy cái tâm hồn vẩn đục của mình nên cứ tưởng rằng nó vẫn còn trong sáng như xưa! Vị cha cố trong bộ phim “Người giàu cũng khóc” của Mê-hi-cô đã nói với E-ste: Con có thể lừa dối được cha, lừa dối được cả Chúa, nhưng không thể lừa dối được lương tâm mình!). Chính cái “thái độ hướng nội này” mới day dứt xót xa, mới có khả năng vượt qua khoảnh khắc mất điện để trở thành lời nhắn nhủ thường trực trong tâm hồn của mỗi người.
Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì có lẽ cái “giật mình” vẫn chưa làm hết sứ mệnh nhân văn cao cả của nó. Pháp luật qui định hai mức độ của tội danh “giết người” là “cố sát” và “ngộ sát”; trong đó khung hình phạt tối đa của “cố sát” là tử hình, còn khung hình phạt tối đa của “ngộ sát” thường chỉ dưới 15 năm tù, có trường hợp chỉ 3 năm tù cho hưởng án treo. Tương tự như vậy, có hai sự “tha hoá” là “tha hoá có ý thức” và “tha hoá vô ý thức”. Chủ thể trữ tình trong bài thơ này, cũng giống như hàng triệu người lính khác vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh 20 năm, đã phải đối mặt ngay với một cuộc sống khắc nghiệt đầy cạm bẫy, cuộc sống mà thói quen hưởng thụ đã phát tác dữ dội như một cơn đại dịch… Nhưng đáng sợ nhất là sự tráo trở trong quan hệ giữa con người với con người. Nếu trước đây cả nước “đều là đồng chí chung câu quân hành” thì bây giờ là “đồng chí không bằng đồng tiền” (một câu thơ trong bài thơ “Mùa xuân nhớ Bác” của Phạm Thị Xuân Khải, đăng báo Tiền phong, ngày 26.3.1986 - Một quả bom tấn gây chấn động dư luận xã hội vào thời điểm đó). Sự thay đổi đáng sợ đó không miễn trừ ai, nó khiến người ta nhớ đến một câu ngạn ngữ Anh: “Chỉ có lợi ích vĩnh cửu, không có tình bạn vĩnh cửu!”. Tất cả những chuẩn mực về đạo đức dường như đã bị đảo lộn và nó trở thành một cơn cuồng phong lôi tuột tất thảy vào vòng xoáy của nó, không sao cưỡng nổi. Vì không cưỡng nổi thói quen hưởng thụ “ánh điện, cửa gương” nên chủ thể trữ tình chợt quên bẵng đi tất cả, để rồi đúng vào cái khoảnh khắc “tối om”, nguồn ánh sáng kì diệu của kí ức hào hùng và bi tráng đột nhiên toả sáng chói loà và “ánh trăng im phăng phắc” dường như đã trở thành một vị chánh án vô hình vừa nghiêm khắc cảnh báo, vừa ân cần khích lệ chủ thể trữ tình hãy dũng cảm tự phán xét mình để sống xứng đáng với những gì từng do chính mình đã góp một phần mồ hôi, xương máu tạo dựng nên. Nói tóm lại, cái “giật mình” ở đây vừa day dứt xót xa, vừa chân thành cảm động; nó có sức lay gọi, cảm hoá những tâm hồn trong sáng, thánh thiện – Và những tâm hồn như vậy vốn là thứ báu vật mà Thượng đế ban cho con người, chỉ con người mới có. Đồng thời nó cũng là lí do tồn tại của xã hội loài người, cho dù những biến thiên dâu bể luôn là những trở ngại sừng sững khó vượt qua để hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Cần nói thêm rằng, ngay cả lời tự thú “quen ánh điện, cửa gương” cũng hàm chứa ý nghĩa nhân đạo theo tinh thần “nhân vô thập toàn”, bởi trong hành trình dằng dặc hàng triệu năm đầy máu và nước mắt của loài người, thử hỏi có ai lại không một lần vấp ngã? Nhưng tự biết mình vấp ngã để tự mình can đảm đứng dậy mới chính là điều khiến người đọc phải tự vấn lương tâm. Như vậy, sau chi tiết “giật mình” là cái kết mở của bài thơ, hướng về tất cả chúng ta.
II.Nguyễn Duy với hai bài thơ “Cầu Bố” và “Đá ơi”
Phạm Quang Nghị tổ chức gặp mặt bè bạn nhân Nguyễn Duy ra Hà Nội dịp lễ. Theo yêu cầu của mọi người, Nguyễn Duy đọc những Đò Lèn, Cầu Bố, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa... những bài thơ cùng với Tre xanh đã được người dân quê anh khắc vào đá núi. Vui nhất là anh kể chuyện cha anh, nguồn cảm hứng cho một bài thơ rất mộc mà rất hay của Nguyễn Duy:
CẦU BỐ
Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời
Nhà tôi đó, không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam thoải mái ra vào
Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên
Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về Nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng
Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn
Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước - việc nhà
bom rồi bão, mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa
Ngày họp mặt, cha già như trẻ lại
bếp rượu đặt giữa nhà, bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình
Nguyễn Duy kể đặc sản của quê anh là xe thồ và rượu. Cha anh là người nấu rượu ngon bậc nhất quê rượu Quảng Xá. Ông từng là dân công xe thồ trong chiến dịch Điện Biên, hòa bình ông trở về nấu rượu phục vụ bà con. Tuy vậy trong chống Mỹ, nghề nấu rượu bị cấm, bộ nồi nấu rượu bị tịch thu, ông bèn xung phong đem xe thồ vượt Trường Sơn vào phục vụ chiến trường Quảng Trị - Tà Cơn. Con cháu hỏi cụ lớn tuổi vào chiến trường làm chi cho khổ. Ông bảo tao ở nhà không ai cho tao nấu rượu, tạo đi chiến trường kỳ này thắng giặc rồi về tha hồ nấu rượu phục vụ bà con, chẳng còn công an nào dám cản cấm nữa.
Nguyễn Duy còn kể chuyện những rắc rối rất vui quanh bài thơ “Đá ơi”…
ĐÁ ƠI
Ta mặc niệm trước Angkor đổ nát
đá cũng tàn hoang huống chi là kiếp người
Đá ơi
xin tạc lại đây lời cầu chúc hoà bình
Nghĩ cho cùng
Mọi cuộc chiến tranh
Phe nào thắng thì nhân dân đều bại
Tất nhiên mọi rắc rối đều liên quan đến mấy câu thơ: "Nghĩ cho cùng/mọi cuộc chiến tranh/phe nào thắng thì nhân dân đều bại".
Không ngại những phê phán, đe dọa, người dân quê Nguyễn Duy vẫn tin mấy câu thơ ấy là đúng đắn! Họ khắc mấy câu thơ ấy trên đá, trước còn giấu ở chuồng bò, rồi sau đó bày trang trọng ở trong nhà… cho đến khi bài thơ được thừa nhận là chân thực và được công chúng hào hứng đón nhận.
Nguyễn Duy nói anh còn nợ bạn bè Hà Nội, nhất là bạn bè xứ Thanh, một buổi gặp gỡ đọc thơ cùng nhau. Phạm Quang Nghị hứa sẽ tổ chức khi Nguyễn Duy và bạn bè cho biết thời gian có thể gặp nhau.
(Nguồn: fb Nguyễn Thế Khoa)
TB, 3.5.2023
 
CHÉP TỪ FB CỦA HOÀNG DÂN


 

 

 
 

 
 
 

 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 


 

 
 


 

 


 


 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét