Thứ Bảy, 4 tháng 11, 2023

Đồng dao nói dối, cô Tấm trả thù: Một cách nhìn khác

 


ĐỂ LÀM TƯ LIỆU!

Đồng dao nói dối, cô Tấm trả thù: Một cách nhìn khác

TS Nguyễn Quốc Toàn
00:00/08:50

(Dân trí) - "Xin đừng kỳ thị hành vi nói dối, vì nói dối là bản năng tự nhiên của con người, giống như con người sinh ra đã phải hít thở", TS Nguyễn Quốc Toàn nêu quan điểm.

Có ai mà không nói dối?

Hãy thử tưởng tượng như thế này: Nhà bạn nghèo. Nghèo lắm. Một ngày, nhà bạn chỉ còn một bơ gạo để nuôi con còn rất nhỏ. Lúc ấy người hàng xóm cũng nghèo không kém sang vay gạo: Bạn sẽ trả lời sao?

Có lẽ 99% mọi người sẽ trả lời là không còn gạo nữa, vì bạn cần giữ những hạt gạo cuối cùng cho con. Nhưng bạn cũng không muốn hàng xóm buồn lòng. Thế là bạn nói dối…

Nếu ai đã sống qua những năm bao cấp mà việc có một bát cơm trắng không độn ngô đã là hạnh phúc, ăn một bát phở cũng là ước mơ lớn… thì sẽ hiểu được cảm giác này.

Tháng trước, dư luận lại ồn ào vì một bài đồng dao được in trong sách tham khảo, vì cho rằng nó dạy trẻ con nói dối:

"Giã gạo thổi cơm trưa/Còn thừa để đến tối/Ai vay thì nói dối/Nhà tôi hết gạo rồi/Chống cối lên!"

Đồng dao nói dối, cô Tấm trả thù: Một cách nhìn khác - 1

Bài đồng dao "Giã gạo thổi cơm" nằm trong cuốn "Nựng nựng nà nà" thuộc bộ sách "Đồng dao cho bé" của Nhà xuất bản Kim Đồng, in năm 2022. Tác phẩm này là nguồn gốc của những cuộc tranh cãi trên mạng (Ảnh chụp hình cuốn sách).

Và thế là chúng ta đòi bỏ nó ra, không cho xuất bản nữa.. Thật ra chuyện bỏ một bài đồng dao ra và thay thế bằng một bài khác có thể là chuyện không nhỏ. Nhưng quan điểm cho rằng những bài như thế này là phản giáo dục, dạy trẻ em nói dối cũng thật phiến diện.

Xin đừng kỳ thị hành vi nói dối, vì nói dối là bản năng tự nhiên của con người, giống như con người sinh ra đã phải hít thở.

Theo nghiên cứu, trẻ em bắt đầu biết "nói dối" từ khi 6 tháng tuổi, còn sớm hơn cả khi biết nói. Khi đó, trẻ có thể giả vờ khóc để thu hút sự chú ý của người lớn. Đến 2 tuổi, việc nói dối trở nên tinh vi hơn để tự bảo vệ mình trước sự trừng phạt của cha mẹ khi chúng mắc lỗi.

Người lớn thì sao? Còn "xấu xa" hơn nhiều! Khi ra mắt bộ phim "Lie to me", Season 1, hãng phim 20th Century Fox đã tiến hành khảo sát và phát hiện ra một sự thật thú vị: trung bình một tuần, đàn ông nói dối vợ, người yêu, đồng nghiệp 6 lần.

Như vậy, tần suất nói dối của họ là 2.184 lần/ năm và khoảng 126.672 lần trong một đời người. Phụ nữ thì "khiêm tốn" hơn chút, trung bình sẽ nói dối 3 lần / ngày, 1092 lần trong năm, 68.796 lần trong đời, bằng một nửa đàn ông. Thế nhưng chỉ có 12% người trưởng thành dám thẳng thắn thừa nhận họ thường xuyên nói dối…

Nghe có đáng sợ không? Nhưng là thật đấy!

Thế nên, dù chúng ta có khát khao muốn con thành thật bao nhiêu, dù ngày ngày chúng ta ra rả nói với con mình về sự tốt đẹp của lòng trung thực, thì cũng sẽ không thể phủ nhận việc nói dối là bản năng của con người. Không cần dạy và không thể cấm.

Con người nói dối vì nhiều lý do khác nhau, và việc nói dối không nhất thiết là một hành vi hoàn toàn xấu hoặc tốt; nó phụ thuộc vào ngữ cảnh và động cơ.

Franklin D. Roosevelt, người duy nhất trong lịch sử nước Mỹ làm Tổng thống 4 nhiệm kỳ (từ năm 1933 đến 1945). Ông Roosevelt bắt đầu làm Tổng thống Mỹ khi cuộc đại khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ đã lên đỉnh. Ông đã vực dậy nền kinh tế Mỹ, rồi sau đó lãnh đạo nước Mỹ trải qua hầu như suốt thời kỳ Chiến tranh Thế giới II.

Suốt 12 năm làm Tổng thống, ông đã "bắt tay" với báo chí Mỹ thực hiện một lời "nói dối" kéo dài suốt 4 nhiệm kỳ: che giấu việc ông bị bại liệt. Để người dân Mỹ vững tin rằng người đứng đầu nước Mỹ đủ sức mạnh để lèo lái đất nước trong những năm tháng vô cùng gian nan.

Chỉ sau khi ông qua đời, bức ảnh chụp Roosevelt bị liệt mới lần đầu tiên được báo chí đăng tải. Chỉ khi đó, người dân Mỹ mới biết vị Tổng thống đáng kính của họ phải ngồi xe lăn.

Dù bị "lừa dối" suốt 12 năm, nhưng người dân Mỹ không giận dữ, không lên án lời nói dối vĩ đại ấy, vì động cơ đầy tốt đẹp ẩn sau nó.

Đồng dao nói dối, cô Tấm trả thù: Một cách nhìn khác - 2

Tranh minh họa bài đồng dao "Giã gạo thổi cơm" (Ảnh chụp hình cuốn sách).

Cha mẹ mong con mình thành thiên thần, nhưng cuộc đời nào có chỗ cho thiên thần?

Quay trở lại với việc nói dối, theo một số nhà khoa học, nói dối là việc cần thiết trong quá trình phát triển nhận thức của trẻ nhỏ.

Ở góc độ phát triển xã hội, khi trẻ em lớn lên, chúng học các quy tắc xã hội và tìm cách hòa nhập vào đó. Học cách nói dối là quá trình chúng kiểm tra những ranh giới để rút ra bài học cho mình, cũng là việc đôi khi phải làm để tự vệ, tránh xung đột với người xung quanh, đặc biệt là trước những người có quyền lực.

Có nhiều động cơ dẫn đến việc nói dối ở trẻ nhỏ:

1. Nói dối để tránh bị trừng phạt hoặc mất quyền lợi.

2. Trẻ em có thể nói dối để được khen ngợi hoặc để hòa nhập với bạn bè của chúng, ví dụ như trẻ có thể phóng đại thành tích hoặc bịa đặt câu chuyện để làm cho bản thân mình trông tốt hơn.

3. Một số lời nói dối có thể bắt nguồn từ trí tưởng tượng phong phú của trẻ. Trẻ em thường tham gia vào trò chơi tưởng tượng, trong đó chúng có thể tạm thời giả vờ là ai đó hoặc cái gì đó mà họ không phải là như vậy. Hình thức dối trá này là một phần tự nhiên của trò chơi sáng tạo. Có lúc chúng sẽ tự biến mình thành siêu anh hùng hay nàng công chúa, hay là con chim bay.

4. Trẻ em có thể nói dối để bảo vệ sự riêng tư của mình, đặc biệt là khi chúng bước vào tuổi vị thành niên. Khi đó chúng có thể giấu đi suy nghĩ cá nhân, cảm xúc hoặc trải nghiệm trước người lớn.

Trong "hành trình nói dối" suốt đời người, từ lúc 6 tháng tuổi một đứa trẻ sẽ dần trưởng thành, học cách phân biệt đúng sai, thiệt hơn, cũng như những hệ quả khác nhau của những lời nói dối với những động cơ khác nhau.

Thế nên việc của giáo dục, của cha mẹ, thầy cô, không phải là cấm đoán trẻ em nói dối, tránh xa mọi lời nói dối, mà là giúp đứa trẻ hiểu tác động của lời nói dối của mình, phân biệt được đâu là lời nói dối vô hại, đâu là lời nói dối làm tổn thương người khác.

Ví dụ như khi lời nói dối được nói ra để bảo vệ mình trước một nguy hiểm không cần thiết, nó chứng tỏ bạn biết tự vệ. Khi bạn khen kiểu tóc mới của ai đẹp, dù thật ra bạn không nghĩ thế, nó chứng tỏ bạn quan tâm tới cảm xúc của người khác. Khi bạn giấu một người cha bị bệnh tim về việc con trai ông gặp tai nạn nghiêm trọng, đó là lời nói dối xuất phát từ lòng nhân ái.

Cha mẹ và thầy cô có thể khuyến khích trẻ trở nên trung thực để tạo ra các mối quan hệ bền chặt. Nhưng cũng không thể quên việc học cách cân bằng giữa sự trung thực và kỹ năng ngoại giao, giúp các mối quan hệ không đổ vỡ vì sự thật thà quá đà.

Thế nên đừng lên án một bài đồng dao chỉ vì cho rằng nó dạy trẻ em nói dối. Cũng đừng nghĩ nói dối là điều gì xấu xa mà trẻ không thể học, cũng không thể làm. Vì chính chúng ta cũng nói dối mỗi ngày cơ mà!

Đây không phải là lần đầu tiên mà các bậc phụ huynh phản ứng về những điều "phản giáo dục" mà dân ca, truyện cổ dạy con cái họ, vì cho rằng đó là dạy trẻ học hư.

Đã có thời chúng ta lên án truyện cổ tích "Tấm Cám" vì sự trả thù của cô Tấm quá man rợ và đề nghị sửa lại. Đúng như ý nguyện của chúng ta, một trong những cái kết của chuyện Tấm Cám được sửa thành như sau: "Mẹ con Cám đi về quê bị sét đánh chết", thay vì cái kết ban đầu là "Cám bị làm mắm và gửi cho mẹ Cám ăn. Mẹ Cám phát hiện ra xác con và lăn ra chết".

Chúng ta thấy kết cục đầu tiên vô cùng man rợ, phản giáo dục nên không muốn con mình hay bất cứ ai đọc về kết cục ấy.

Đồng dao nói dối, cô Tấm trả thù: Một cách nhìn khác - 3

Tranh minh họa truyện cổ tích "Tấm Cám" của Nhà xuất bản Trẻ (Ảnh chụp màn hình).

Thế nhưng nghĩ lại mà xem nhé. Kết cục "man rợ" ấy thực ra lại rất logic và dễ chấp nhận thời đó.

1. Chúng ta lên án chuyện cô Tấm hiền hậu thế mà giết em cùng cha khác mẹ và mẹ kế. Nhưng chúng ta quên rằng khi mẹ con Cám cùng hại và giết cô Tâm đến 4 lần thì đã là kẻ sát nhân với vô số lần phạm tội.

2. Cô Tấm là hoàng hậu. Mà phạm tội với hoàng hậu là tội "khi quân". Xưa giết vua/hoàng hậu là bị lăng trì, tru di tam tộc, cho dù người phạm tội có là hoàng thân quốc thích. Đằng này, với tư cách là hoàng hậu, Tấm đã tha chết cho mẹ con Cám rất nhiều lần. Lần cuối, Tấm xử tử Cám thì cũng hoàn toàn hợp pháp chứ có lẽ chả có man rợ gì nếu theo luật pháp xưa.

3. Cứ giả định là cô Tấm không trả thù mà để mẹ con Cám ra đi. Vậy cái vòng luẩn quẩn tội ác ấy sẽ mãi mãi tiếp tục: Tấm sẽ tiếp tục bị giết. Vì Tấm đã nhân hậu đến 4 lần rồi và lần nào cũng trả giá đắt như nhau. Khi bị giết đến lần thứ 4 thì cô Tấm mới biết phản kháng, biết tự vệ.

Nếu con bạn là cô Tấm và bị người hãm hại liên tiếp, bạn sẽ muốn con mình biết cách tự vệ, hay là muốn chúng mãi là thiên thần, ngồi bưng mặt khóc khi bị bắt nạt, rồi chờ đợi Bụt xuất hiện hỏi "làm sao con khóc?" Cuộc đời lấy đâu ra nhiều Bụt để luôn bảo vệ thiên thần tốt bụng như thế? Cô Tấm cuối cùng đã hiểu ra chân lý này nên đã tự vệ như làm trong bản gốc.

Sự phản kháng của cô Tấm thực ra cũng rất sát với tính cách của người Việt Nam, một dân tộc hiền hòa nhưng sẵn sàng đứng dậy quyết liệt chống kẻ thù rồi lại hiền hòa.

Có một cách luận giải cho hành vi trả thù tàn khốc của Tấm là qua lăng kính của lý thuyết trò chơi (game theory). Lý thuyết trò chơi có một chiến lược gọi là "Grim strategy" dịch là "Chiến lược nghiêm trọng".

Trong chiến lược Nghiêm trọng, người chơi bắt đầu bằng việc hợp tác (là người tử tế trong truyện Tấm Cám) nhưng sẽ chuyển sang chiến lược phản ứng bằng sự trả đũa tối đa nếu đối thủ từ bỏ hợp tác.

Ý tưởng đằng sau chiến lược này là để ngăn chặn đối thủ khỏi việc khởi đầu bất kỳ cuộc tấn công hoặc vi phạm hợp tác nào vì hậu quả của việc làm như vậy là một phản ứng nghiêm trọng và không ngừng nghỉ từ phía đối thủ/đối phương. Nó, về cơ bản làm cho đối phương hợp tác bằng cách đe dọa trả đũa cực đoan đối với bất kỳ vi phạm nào.

Chuyện dân gian đưa ra cái kết về sự trả thù của Tấm tàn khốc đến thế để cái ác không thể lặp lại nữa. Vì sự tàn ác sẽ được đáp lại bằng sự tàn nhẫn gấp rất nhiều lần để đối phương không còn và không dám chơi xấu lại mình nữa. Cô Tấm trong truyện cổ tích đã quyết định phải trả thù đến mức những người ác như mẹ con Cám không còn dám nghĩ đến việc làm hại người tốt nữa.

Lan man từ bài đồng dao giấu gạo sang truyện "Tấm Cám", tôi chỉ muốn nói một điều rằng, xin đừng cứ thấy một bài đồng dao, bài thơ hay một truyện nào có nội dung hơi khác với lẽ thường, là vội phản ứng. Hãy nhìn sự việc trong bối cảnh lịch sử, đa chiều và tính logic và biện chứng của sự việc trước khi phê phán.

Chúng ta muốn biến con mình thành thiên thần, nhưng cuộc đời này không có chỗ cho thiên thần. Cấm đoán trẻ em tiếp cận với cuộc sống muôn màu và không dạy trẻ em nhìn cuộc sống một cách đa chiều và phản biện tích cực cũng sẽ làm giảm cơ hội thành công của các con khi trưởng thành.

Tác giả: Ông Nguyễn Quốc Toàn nhận bằng Tiến sĩ Kinh tế tại New York University, Hoa Kỳ. Ông là Đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc EQuest Education Group. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét