Chủ Nhật, 17 tháng 3, 2024

Thử giải mã thành công của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

 Thử giải mã thành công của Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng

Trần Thị Trâm


Trong làng báo, lâu nay, Đỗ Doãn Hoàng nổi lên như một hiện tượng đặc biệt. Nhiều năm qua, anh đã khẳng định “đẳng cấp” của một cây bút Phóng sự - Điều tra xông xáo, luôn xuất hiện ở những điểm nóng, góc khuất của cuộc sống và liên tục đoạt được những giải thưởng cao ở cả trong nước và quốc tế. Ở Việt Nam, có thể kể đến các Giải A, Giải Báo chí Quốc gia; Giải A, Giải Báo chí toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực; 4 lần giải Nhất, Giải báo chí về Bảo vệ Môi trường và Thiên nhiên hoang dã…
Gần 30 năm làm nghề, đi khắp Việt Nam, khám phá nhiều quốc gia trên thế giới, tính đến năm 2024, Đỗ Doãn Hoàng không chỉ có hàng vạn bài báo mà còn xuất bản tới 32 cuốn sách đủ thể loại: bút ký, du ký, phóng sự, điều tra, ghi chép, truyện ngắn, truyện dài, tản mạn…
Đọc các tác phẩm của Đỗ Doãn Hoàng trong một hệ thống liền mạch, mới càng thấy rõ những đóng góp của anh cho đời sống báo chí nói riêng, cho xã hội nói chung. Qua đó, ta cũng thấy rõ hơn những giá trị đặc sắc của phóng sự Đỗ Doãn Hoàng. Trân trọng và thích thú, tôi đã cố gắng thử tìm cách giải mã những thành công của cây bút phóng sự - điều tra này.
Vẫn biết, để thành công trước hết phải có nhiệt huyết, tài năng. Và tài năng của con người đều có căn nguyên từ các yếu tố: bẩm sinh di truyền, ảnh hưởng của gia đình, quê hương và thời đại, sự tác động của giáo dục - mà quan trọng nhất chính là sự tự giáo dục của mỗi cá nhân. Nhưng ở từng trường hợp, độ đậm nhạt của các yếu tố không hề giống nhau.
Hiểu rằng, thành tựu của mỗi tác giả bao giờ cũng kết tinh ở những tác phẩm tiêu biểu nên tôi đã dừng lại khảo sát kỹ những phóng sự điều tra xuất sắc (đoạt giải Nhất và giải A ở các giải quốc gia, toàn quốc) làm thức động lương tri bạn đọc, có khả năng lan tỏa sâu rộng, tạo hiệu ứng xã hội mạnh mẽ, góp phần làm nên tên tuổi của Đỗ Doãn Hoàng. Đó là những phóng sự điều tra về các vụ phá rừng lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ giải cứu hổ lớn nhất trong lịch sử Việt Nam, vụ triệt phá đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất trong lịch sử Việt Nam và thế giới, điều tra chống nạn săn bắn và mua bán động vật hoang dã trên thế giới (ở Lào, Campuchia, ở vùng Tam Giác Vàng và ở Châu Phi), các tuyến bài về chủ đề đề phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ở Việt Nam…
Qua đọc và suy ngẫm, chúng tôi thấy, thành công của Đỗ Doãn Hoàng chủ yếu đến từ những nguyên nhân sau:
1/ Thứ nhất, Đỗ Doãn Hoàng đã có may mắn những năm tháng đầu đời được sống gắn bó máu thịt với ngọn núi Tổ của Việt Nam, núi Ba Vì - núi Tản Viên, nơi có Vườn Quốc gia Ba Vì (nay là huyện Ba Vì, TP Hà Nội), cũng là nơi Hoàng được sinh ra.
Đọc Búi thông thơ dại ta thấy, từ nhỏ Hoàng đã lớn lên cùng rừng, đã hiểu, đã yêu rừng bằng một tình yêu vĩnh cửu và Hoàng đã trở thành một phần máu thịt của rừng. Và như Hoàng viết, “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” (tên cuốn sách xuất bản năm 2024 của Hoàng). Bởi như một ân nhân, Mẹ Rừng không chỉ cung cấp cho gia đình cậu: cái ăn để sống, đồ dùng hàng ngày, thuốc quý chữa bệnh mà còn nuôi dưỡng tâm hồn, dạy cậu bé những kỹ năng sống; đã chứng kiến mọi buồn vui, sướng khổ suốt thời niên thiếu… Và rừng đã góp phần quan trọng giúp Hoàng sớm trở thành một cậu bé cá tính, khỏe mạnh, thông minh, lanh lợi, ưa mạo hiểm, tính tình cương trực, trọng nghĩa, tâm hồn phóng khoáng, không sợ gian khổ, muốn làm gì là làm đến cùng, đặc biệt yêu rừng, yêu muông thú, thậm chí có thể hú hít gọi chim rừng...
Đây chính là những phẩm chất cần của một nhà báo dám dấn thân, là cơ sở để anh nhiệt huyết với đề tài bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường, dám chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ công bằng xã hội.
Nhận thức là một quá trình. Khi đã được học hành, đã đi nhiều nơi, đã tận mắt nhìn thấy những nỗi kinh hoàng đau xót mà rừng phải gánh chịu, khi chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá, cuộc sống an lành của cả cộng đồng bên bờ vực hiểm nguy, anh đã hành động, rồi tiếp tục kêu gọi ý thức được trách nhiệm với cộng đồng nhiều hơn nữa. Đỗ Doãn Hoàng không ngại nói về khát vọng phải làm gì để góp phần cứu rừng, cứu các loài thú hoang, trả lại màu xanh cho ngôi nhà chung trái đất, bảo vệ sự sống của con người. Nhất là khi cảm nhận được rằng trong mình có: “Nửa dòng máu mang màu diệp lục” thì niềm ân hận vì những hành vi tàn sát rừng và muông thú ngày thơ dại của mình và cộng đồng cứ lớn dần, rồi trở thành động lực thôi thúc anh phải điều tra, tố cáo, viết báo đích đáng nhất, để trả nợ rừng, dù biết báo chí là một nghề nghiệt ngã và vô cùng nguy hiểm - Nghề báo là nghề đi liền giữa ân và oán (một bài trả lời phỏng vấn của Đỗ Doãn Hoàng trên báo chí Việt Nam có tên như vậy).
Theo Hoàng: Không ai chụp ảnh được ký ức nhưng ký ức luôn hiện diện trở về và tác động vào suy nghĩ, hành vi của chúng ta. Vì thế, không có gì là lạ khi anh đủ bản lĩnh để đối đầu với mọi áp lực, dám dấn thân và có đủ tiềm lực để viết được những phóng sự xuất sắc, công phu và dài kỳ (có phóng sự tới 108 kỳ). Không phải ngẫu nhiên mà những phóng sự được giải cao (giải A và giải Nhất quốc gia) cả trong nước và quốc tế của Hoàng đều tập trung vào vấn đề bảo vệ môi trường, cứu thiên nhiên, cứu động vật hoang dã; và đặc biệt là bảo vệ các giá trị công bằng, nhân văn, các vấn đề thuộc về thân phận con người. Như Hoàng vẫn nói, anh “đứng về phe nước mắt” để hành động.
Rõ ràng, “căn cước văn hóa” được hình thành từ thuở ấu thơ không hiện hình định dạng ở tầng nông hay mặt ngoài mà thể hiện trong cách cảm, cách nghĩ, cách chọn đề tài và xử lý đề tài của Hoàng. Những năm tháng sống với rừng, với muôn loài muông thú đã tạo nên ở anh một kiểu tư duy, một sự so sánh, một trường liên tưởng rất riêng và cả những trăn trở thường trực trong anh cũng thế: “Đoàn tàu leo núi bò đi như thể một loài bò sát hoang dã của rừng nhiệt đới” (tr 144, cuốn “Dưới gầm trời lưu lạc” - DGTLL). “Các dải rừng mượt như lông thú” (tr 81, DGTLL). “Rừng (Thụy Sĩ) vừa đủ rậm vừa đủ thưa như lớp lông trắng muốt giữa độ thanh xuân của một loài hoang thú diễm kiều” (tr. 151, DGTLL). “Càng đi càng xót xa cho một cuộc sống ngày một rời xa thiên nhiên của đồng bào mình” (tr.174, DGTLL).
Đam mê, hiểu biết, tôn trọng và tôn vinh thiên nhiên, phóng sự của Hoàng tập trung vào những vấn đề sinh tử của cuộc sống, cổ vũ cho lối sống hài hòa với thiên nhiên chứ không chủ trương chiếm lĩnh, thống trị, chế ngự thiên nhiên. Tư tưởng nhân văn này hoàn toàn phù hợp với tư duy nhân loại, vì thế phóng sự của anh vượt qua biên giới đến với bè bạn năm châu. Nhiều tổ chức quốc tế đã mời Đỗ Doãn Hoàng đi các quốc gia châu Phi và các châu lục khác để viết bài, tìm hiểu, truyền cảm hứng, trao đổi kinh nghiệm, điều tra thay đổi hiện thực theo chiều hướng tốt hơn.
2/ Thứ hai, Đỗ Doãn Hoàng có một vốn kiến thức văn hóa sâu, rộng. Vì nói như Horace (nhà thơ của thế kỷ vàng trong văn học La Mã) thì: mọi sự thành công đều có nguyên nhân là kiến thức. Kiến thức (chuyên môn, nghiệp vụ và văn hóa nền) là cơ sở để con người năng động, sáng tạo và thành công. Trên thực tế, Hoàng là người chăm đọc, chăm học, chăm nghĩ, chăm rèn luyện và rất chăm đi. Học ở nhà trường, học ngoài xã hội, học ở sách vở. Sự trải nghiệm giúp anh có được kho tàng trí khôn dân gian phong phú, sinh động và mang tính thực tiễn cao. Còn sách vở giúp kiến thức của anh trở nên sâu sắc, vốn sống văn hóa ở anh ngày một đầy thêm. Mà theo Đỗ Phủ: Sách đọc muôn ngàn cuốn/Hạ bút như có thần.
Ngoài kỹ năng làm báo, ngoài kiến thức nghiệp vụ chuyên sâu, hiểu biết công nghệ hiện đại, còn có sức khỏe, có phông văn hóa toàn diện về các lĩnh vực: chính trị, lịch sử, địa lý, văn học nghệ thuật, sinh ngữ, luật pháp, tâm lý tội phạm, thiên nhiên - xã hội - con người; nhà báo chuyên viết phóng sự - điều tra thời 4.0 Đỗ Doãn Hoàng còn biết rất nhiều kỹ năng sống khác như: lái xe đường rừng, biết leo núi và sống trong rừng dài ngày, cách ra khỏi rừng nếu lạc, biết ứng xử khéo léo với mọi đối tượng, dù là nguy hiểm nhất… Nhờ thế, anh tự tin làm nghề và có được những kết quả ít ai đạt tới. Với vốn tiếng Anh ứng dụng khá tốt, Hoàng có thể khám phá, tiếp nhận văn hóa phương Tây một cách dễ dàng. Do ít nhiều biết về Hán Nôm, Hoàng có thể nhanh chóng phát hiện được chiều sâu của nhiều vỉa tầng văn hóa phương Đông. Từ trường hợp Đỗ Doãn Hoàng, ta có thể kết luận rằng, muốn làm nhà báo giỏi rất cần phải phấn đấu theo hướng của một nhà văn hóa.
3/ Thứ ba, Đỗ Doãn Hoàng đã kết hợp một cách tinh tế nên phát huy được ưu thế của cả hai lại hình: báo chí và văn chương nghệ thuật.
Đỗ Doãn Hoàng thuộc mô hình “nghệ sĩ kép”: nhà báo - nghệ sĩ, nhà báo - nhà văn. Trong lịch sử nền báo chí nước nhà, dường như những nhà báo giỏi như Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Thép Mới, Nguyễn Khải, Tô Hoài, Phan Quang… và sau này: Trần Nhương, Hữu Ước, Hải Đường, Nguyễn Thị Vân Anh… đều là nhà báo kiêm nhà văn. Sự gặp gỡ giữa văn học và báo chí đã tạo nên sự bùng nổ, giúp họ có được bút lực lớn và tâm hồn luôn tươi mới, phát hiện vấn đề nhanh, đồng thời thể hiện các nội dung trên theo cách rất sinh động, hấp dẫn. Vì văn học là nghệ thuật ngôn từ. Muốn trở thành nhà phóng sự - điều tra, nhà báo chuyên sâu thể loại này thì phải giỏi sử dụng ngôn ngữ, yêu văn chương nghệ thuật - vì những người yêu cái đẹp thường luôn biết sống đẹp và tâm huyết với các giá trị nhân văn theo cách của họ. Thế nên, khi viết về tội ác, khi đi vào mặt trái xã hội, họ vẫn tìm được cách nâng đỡ con người ta đứng dậy một cách đáng tự hào nhất. (Mà không nửa vời, thậm chí vô tình hay hữu ý, đẩy người đọc đến nguy cơ bị nhiễm phải cái xấu xa!).
Trên thực tế, chỉ những nhà báo lớn, có bản lĩnh chính trị cao, kiến thức ngữ văn tốt mới viết được phóng sự hay. Để tạo được hiệu ứng xã hội lớn thì ngoài tính vấn đề, ngoài những yêu cầu đặc trưng của báo chí, thì những thông tin của phóng sự - điều tra cũng cần phải được chuyển tải thông qua lăng kính nhìn “cái đẹp”, qua cách gửi thông điệp tới công chúng báo chí có cả cái lấp lánh của văn chương nghệ thuật. Chọn và thủy chung rồi khẳng định được đóng góp của mình cho thể loại phóng sự - một phần do nhà báo họ Đỗ đã phát huy được sức mạnh của cả hai loại hình báo chí và văn chương trong phong cách, trong tác phẩm của mình. Nhờ thế phóng sự của Hoàng, nhiều tác phẩm hấp dẫn, có sức sống bền lâu.
Vẫn biết, báo chí thông tấn mang tính thời sự nên tuổi thọ bài báo đôi khi có thể ngắn hơn so với việc hướng tới cái vĩnh cửu của văn chương. Xưa nay, người ta hay phân biệt: nhà báo viết báo, nhà văn viết sách. Nhà văn nghiêng về tư duy hình tượng, nhà báo nghiêng về tư duy lý tính nhiều hơn hoặc theo những cách mang đặc trưng thể loại hơn. Việc ý thức, cần sách hóa những phóng sự của mình để chúng có được sức sống bền lâu hơn, chính là một ví dụ về sự gặp gỡ giữa văn học và báo chí trong nhà báo Đỗ Doãn Hoàng. Việc anh thường tìm đến và phát hiện ra vẻ đẹp của những điều độc lạ khó tin: Người đàn ông có bộ móng tay dài nhất Việt Nam (2,35 mét), Người rừng Ma Seo Chứ và hành trình trốn chạy chưa từng thấy, “Người có đuôi” ở Hà giang, Nhà sư ẩn trong thung Phật xây hơn 50 ngôi chùan ở Mỹ Đức, Hà Nội; những người ngồi thiền trong hang đá núi Dinh (Bà Rịa – Vũng Tàu), đêm về nghe “ma nữ gọi tên mình”... - có lẽ được dựa trên quan niệm mĩ học cái đẹp nằm trong cái độc đáo. Còn cái gốc nhân văn đã đưa bước chân anh đến với những phận người bé nhỏ, yếu thế: vợ và con (những người da đen, da trắng đang sống ở Việt Nam) của các lính lê dương từng tham chiến ở Việt Nam với cuộc đời tận khổ chẳng giống ai; những người Việt vô gia cư lay lắt ăn xin trên biển hồ Tonle Sap - Campuchia, tận cùng số phận với những người vô gia cư ở Hà Nội, TP HCM; hoặc Hoàng và cộng sự xâm nhập những hang đá sâu hun hút đầy những con nghiện, những người nhiễm HIV trên núi cao để cứu những đứa trẻ tội nghiệp khỏi sự bạo hành man rợ của chính lũ cha mẹ đốn mạt mất nhân tính của chúng…
Khát vọng khám phá cái đẹp của thiên nhiên và cuộc sống đã thôi thúc Hoàng lưu lạc khắp gầm trời (như tên các cuốn sách của Hoàng “Dưới gầm trời lưu lạc”, “Ở lại với ngàn sao”), tới những vùng đất hoa lệ, những nơi đẹp nhất, lạ nhất thế giới: miền đất Phật Ấn Độ, Cánh đồng Chum 3 nghìn năm tuổi ở Lào, nước Nga với những tàu điện ngầm hoa lệ và vùng Siberia lạnh giá, thiên nhiên kỳ thú vùng nóc nhà thế giới Tây Tạng, cảnh đẹp yên bình diễm lệ tại quốc gia đáng sống Thụy Sĩ, vùng Tam Giác Vàng - nơi sản xuất lượng ma túy kinh hoàng – từng chiếm 75% -của cả thế giới, Vatican - quốc gia nhỏ nhất thế giới (chỉ không đầy 1km2) mà siêu quyền uy, bộ tộc Hươu cao cổ ở Myanmar với những người phụ nữ đeo tới hàng chục cân vòng màu vàng to nặng, khiến cái cổ chị em dài tới 60cm; những cánh rừng châu Phi và muông thú đẹp nhiệm màu, rồi cuộc chiến đi trực thăng, bắn súng máy bảo vệ tê giác, voi rừng, sư tử trước nanh vuốt của lũ săn trộm... Để càng ngày Hoàng càng trưởng thành, càng bản lĩnh, dám trực tiếp can dự vào những vấn đề lớn có tính chất toàn cầu: tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường, vấn đề dịch bệnh, ma túy, tham nhũng, buôn người, bất công với người yếu thế, lạm dụng tình dục trẻ em…
Nhiều phóng sự thành công của Đỗ Doãn Hoàng có tác động rất lớn tới xã hội. Có thể kể những loạt bài về: nạn săn bắn, bán động vật hoang dã xuyên quốc gia; đại nạn thực phẩm bẩn đầu độc người tiêu dùng; phá rừng trên diện rộng, vấn đề tái chế rác thải bẩn thỉu độc hại với quá nhiều hiểm hoạ cho người Việt Nam. Những phim tài liệu mà Hoàng tham gia rồi được giải thưởng, như: Rút ruột rừng già, Nước mắt của vàng, Rác làng Khoai, Bi kịch sống mòn... khi phát sóng trên VTV rồi VTV đặc biệt đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề sức khoẻ con người, bảo vệ không gian sống, hướng tới một xã hội minh bạch và nhân văn hơn nữa. Những tác phẩm ấy, đã có sức lan toả rất lớn, như báo chí đã viết, Hoàng đã có những hoạt động xã hội vì cộng đồng, bằng chính hình ảnh Hoàng và các hoạt động ngoài trang viết của Hoàng, rất hiệu quả.
Loạt bài viết về con quỷ ấu dâm Huỳnh Cường và đồng bọn (chúng lạm dụng, hãm hiếp rồi quan hệ tình dục đồng giới, lây nhiễm HIV/AIDS sang nhiều bé trai tuổi từ 14…) đã làm rúng động xã hội, những kẻ thủ ác bị bắt, là lời cảnh tỉnh những bậc làm cha làm mẹ, những nhà quản lý xã hội... Nhiều bài báo của Hoàng là nguyên nhân trực tiếp để lực lượng công an, liên ngành vào cuộc, bắt giữ các đường dây buôn hổ lớn nhất Việt Nam (giải cứu 24 cá thể hổ); đường dây tàn sát rùa biển lớn nhất Việt Nam và thế giới từng được phát hiện (11 nghìn cá thể rùa biển khổng lồ bị giết); vụ phá rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam (đến nay các đối tượng đã bị tuyên án tổng cộng 64 năm); hoặc tuyến bài vận chuyển hàng cấm qua xe bưu chính, bắt đầu từ điều tra ở Lai Châu, đến nay đã có tới 35 người bị bắt giam, trong đó có cả Chánh thanh tra tỉnh, Phó Chủ tịch UBND huyện (khi mở rộng vụ án)… Các tác phẩm vừa kể, đã đem cho Hoàng các giải Nhất, giải A, các giải báo chí uy tín bậc nhất Việt Nam, như Giải báo chí Quốc gia; Giải báo chí Toàn quốc về chống tham nhũng tiêu cực.
Nhờ tiếng nói (và tác phẩm), bằng uy tín và nỗ lực của Hoàng, thương binh Nguyễn Xước Hiện (ở Cẩm Khê, Phú Thọ) đã được minh oan, sau mấy chục năm khổ sở, tủi nhục, đói rách đã bước ra ánh sáng của sự tri ân, vinh danh. Ông còn được công nhận là thương binh, được truy lĩnh toàn bộ tiền lương suốt bao năm bị lãng quên. Quan trọng nhất là ông Hiện được trở lại làm người, rồi được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau bài báo “Kẻ sát nhân lương thiện”của Hoàng và cộng sự (mà Hoàng là người đầu tiên tiến hành điều tra và đang tải), cháu Nguyễn Quang Hưng ở Hà Nội đã được phóng thích tại toà, thay vì bị một án oan kinh khủng.
Rõ ràng, sự gặp gỡ giữa văn chương và báo chí đã giúp phóng sự của Đỗ Doãn Hoàng hấp dẫn hơn. Độ nhạy cảm của tâm hồn nghệ sĩ giúp anh phát hiện và thể hiện vấn đề tốt hơn. Dù rằng, hiện nay có một số người muốn tách văn ra khỏi báo. Theo họ: “Với chất văn chi phối không ít nhà báo cầm bút viết và đi quá đà”. Quan điểm này đúng với trường hợp những nhà báo non tay; họ chưa thấy được văn là người, văn là đẹp và tích hợp tinh hoa của các thể loại đang là xu hướng tất yếu của thời đại. Sự thật thì người có kiến thức văn chương viết một cái tin cũng hay hơn, rút một cái tít cũng hay hơn những người khác: ngắn gọn, giàu hình ảnh và rất gợi cảm (tôi thích các tên sách của Hoàng, như: Đi hoang qua miền hoa lệ, Dưới gầm trời lưu lạc, Tôi đã sống bằng trái tim người khác, Búi Thông thơ dại, Ở lại với ngàn sao...).
Đọc phóng sự Đỗ Doãn Hoàng ta không thấy chất văn chi phối theo hướng “bất lợi” nào, mà chỉ thấy chất văn làm cho báo của anh sang hơn, tính giáo dục cao hơn. Bởi bản chất nghệ thuật là sáng tạo, không lặp lại người khác và không lặp lại chính mình, đồng thời nghệ thuật còn giúp bạn đọc khát khao hướng thiện.
Trong xã hội càng nhiều “chấm”, kỹ thuật, công nghệ phát triển như vũ bão, mà lãng quên giáo dục con người tu tâm dưỡng tính thì hậu quả sẽ khôn lường. Cách nay hàng trăm năm, người đồng hương núi Tản sông Đà (thi sĩ Tản Đà) của Hoàng trong Giấc mộng con, tập 1 đã sớm cảnh báo: “Sự văn minh tiến hóa bao nhiêu thì sự dã man cũng tiến hóa bấy nhiêu”.
Phát huy ưu thế của nghệ thuật ngôn từ, Hoàng không chỉ phát hiện ra những vấn đề nóng và hay, giải quyết vấn đề cao tay và hiệu quả, mà còn có cách thể hiện thật giàu cảm xúc: Penang - đảo Cau của Malaisia được ví như “Quả cau thiêm thiếp ủ trong mây mù voan trắng, lá trầu không ngăn ngắt xanh là đại dương bao la” (tr 142 DGTLL). Diễn tả về sự phức tạp của vụ án triệt hạ rừng nghiến cổ thụ “khủng” nhất Việt Nam ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang, tác giả viết một cách thật hình tượng mà sinh động như chính cuộc sống đường rừng nơi ấy: “Tôi gọi đây là nghệ thuật bóc từng lớp cay đắng của sự thật ra như bóc một củ hành cay, càng bóc vào lớp trong thì càng dàn dụa nước mắt”(Phóng sự: Bóc từng lớp cửa sự thật để khối kẻ phải ngồi bóc lịch).
Tên các bài viết được Đỗ Doãn Hoàng chơi chữ rất khéo léo. Điều đó cho thấy: Đỗ Doãn Hoàng rất giàu chữ và tài hoa trong sử dụng chữ. Và phóng sự Đỗ Doãn Hoàng rất giàu chữ. Nhờ thế, anh có thể diễn đạt tinh tế, không hề trùng lặp từ. Chỉ một khái niệm điên trong một bài viết, anh dùng tới hàng chục từ khác nhau: rồ, hâm, dở, hấp, hấy, chập, chập mạch, ẩm IC, đứt dây thần kinh não, sinh nhầm thế kỷ …
Đồng thời Hoàng còn vận dụng rất linh hoạt thành ngữ, tục ngữ, các tổ hợp câu từ sinh động của đời sống dân gian. Ví dụ: Mắt thấy tay sờ, tứ tung ngũ hành, nguyên đai nguyên kiện, song kiếm hợp bích, độc nhất vô nhị, khen phò mã tốt áo, tay không bắt giặc, gà đẻ trứng vàng, mưa không đến ngọ - gió không qua mùi, cứu người như cứu hỏa, sông cạn đá mòn, gái một con trông mòn con mắt... Hóa thân vào phóng sự của anh, những chất liệu dân gian phát sáng, nhờ thế vấn đề được phản ánh thêm sâu sắc, hàm súc, sinh động, gần gũi và mang tính dân tộc cao, mang rõ hơi thở thời đại.
Mặt khác, nhà báo đầy chất văn Đỗ Doãn Hoàng còn mạnh dạn, tự tin sáng tạo không ít từ mới để làm giàu có thêm ngôn ngữ dân tộc: thơ ngộ, dễu dện, tì tằng, ngoang nguếch, te tởn, nhây nhẩy, chà chạt, rộng thuênh, ngun ngún, tít hút, thuồi luồi, hăm hia, tím rắt, cụ cựa, đi lón nhón, dốc dác, son sới, banh chành, ní nót, rinh rượp, vuỗi (trách nhiệm)...
Từ những phân tích trên cho thấy, Đỗ Doãn Hoàng, là một cây bút phóng sự có năng lực thiên phú. Với sự phấn đấu không ngừng, anh đã đạt được những thành tựu thật đáng trân trọng với những giá trị đặc sắc rất riêng. Thành công của anh, ngoài yếu tố bẩm sinh, ngoài mối quan hệ gắn bó với rừng, ngoài vốn kiến thức sâu rộng và khả năng biết phát huy sức mạnh của văn chương nghệ thuật, tôi còn nghĩ, đó là sản phẩm của một thái độ sống và viết nghiêm túc, với sự chuyên nghiệp cao độ - như những gì Hoàng hay “truyền bí kíp” khi giảng cho sinh viên báo chí và nhà báo trẻ khắp cả nước.
Với tôi, Đỗ Doãn Hoàng là một gương mặt sáng giá của nền báo chí Việt Nam hôm nay. Và nếu chọn một người Việt Nam hạnh phúc, tôi chọn Đỗ Doãn Hoàng - người đã làm được, và làm khá tốt những điều anh khao khát từ thuở ngồi trên ghế giảng đường. ( Bài đăng trên tạp chí NHÀ BÁO & CÔNG LUẬN , ngày 10/3/ 2024)
Tất cả cảm xúc:
Bạn, Chử Thu Hằng, Phạm Tâm Dung và 99 người khác
89
Thích
Bình luận
Xem thêm bình luận

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét