Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

NHỮNG NGHỊCH LÝ...

 NHỮNG NGHỊCH LÝ QUA “VẺ ĐẸP BUỐT TRỜI” VÀ “BAO GIỜ

TƯƠI MỚI GIÊNG HAI NÕN” CỦA NGUYỄN THỊ MAI

 

                                                                                     Đinh Thiên Hương

.nh_n.t.mai_1

NHÀ THƠ NGUYỄN THỊ MAI

Thực ra từ lâu rồi, khi cái nhìn về thế thái-nhân sinh của nhà thơ Nguyễn Thị Mai đa chiều hơn, những cảm xúc đã chín, thì những nghịch lý trong thơ xuất hiện. Nó dần trở thành tư tưởng nghệ thuật của tác giả. Nhiều nghịch lý trong số ấy, đẹp mà sao buốt xót dường này!

Xin bắt đầu bằng chính bài thơ “Vẻ đẹp buốt trời” mà chị lấy làm tiêu đề, thể hiện trục cảm hứng chủ đạo cho cả tập thơ - đứa “con đẻ tinh thần” thứ 12 trong cuộc đời cầm bút. Đó là cái lần Sa Pa bông tuyết trắng trời, người ta đua nhau “Ngồi trong xe, ấm tận cùng... móng chân”, đổ lên “miền biên viễn” thỏa niềm khát khao trong cái thú được “cười mãn nguyện như mình ở Tây”.  Đúng là ông Trời làm thỏa khát khao, hứng thú cho người này, nhưng lại gây nên những tàn phá, khốc hại cho kẻ khác: “Cho người vẻ đẹp ngất ngây/ Tuyết vùi lụi cỏ chết cây, chết vườn/ Lúa ngô tàn tạ trên nương/ Em thơ tím tái đến trường ngồi run...”. Đây không phải là tấm chăn hẹp kẻ kéo người co mà là sự ban / giáng phúc - họa, cùng vui - đau cho nhân thế. Biết làm sao! Cái nghịch lý ấy, người vô tâm vô cảm hoặc hời hợt hùa theo dòng cảm thức số đông thì có dễ gì động tâm, có dễ gì buốt xót. Cho hay, nghệ thuật không nên là ánh trăng lừa dối, nó có thể chỉ là tiếng kêu đau khổ thoát ra từ những kiếp lầm than của con người (ý của Nam Cao), và nhà văn cần cho cuộc đời này để nâng giấc bao kẻ cùng đường tuyệt lộ (ý của Nguyễn Minh Châu).

Thế rồi từ đó trong cả hai tập thơ, Nguyễn Thị Mai luôn thao thức, dằn vặt khôn nguôi trong tất cả những cảm thức, sau mỗi bước chân qua, mỗi ánh mắt nhìn, mỗi lần bàn tay chạm đến. Trong “Lời hẹn giêng hai”, cái tôi trữ tình “em” tự biết không còn xuân thì, nhưng lại rất biết cảnh giới và cảnh tỉnh để sống trọn vẹn, an nhiên, trân quý hơn giây phút hiện thời “Giao thừa ta ngóng đợi / Một mùa xanh phơi phới / Bừng lên trong cũ càng”. Từ định hướng cảm thức ấy, nhà thơ khát khao “Bao giờ cho đến giêng hai nõn”. Trong bài thơ có nhiều cặp phạm trù. Có gần và xa, có đủ đầy vật chất nhưng vẫn chưa có tình yêu, chưa phải là xuân bung nụ, chưa phải là hồi sinh trong em. Có những buồn khổ, khô khát, nhưng chỉ khi có tình yêu anh đích thực tưới nhuần như mưa xuân, thì mới có phút giao thừa kì diệu “bật mầm lá hân hoan” ,“Bao giờ tươi mới giêng hai nõn / Sóng trải phù sa phơi phới bờ / Hoa lại nở bừng trong nắng biếc / Em về bung lụa ngất ngây thơ”.

Có lúc ta bắt gặp những suy tư từ thiên nhiên khi chị “Gọi cây”. Nó xanh tốt là vậy mà bỗng trút lá thê thảm dưới trời. Người ta chặt phá, đốn hạ nó, khiến chị không chỉ tiếc xót công vun trồng, mà còn thấy ở đó mất đi nơi trú ngụ cuối cùng của những sinh linh và lời mời gọi thì thầm bao lứa đôi dưới tán cây xanh. Thế là buồn đau, tiếc xót, thất vọng, thậm chí tuyệt vọng: “Con đường thôi đã hết xanh/ Đừng mơ tỏa bóng mát lành che nhau”. Đọc đến đây, trước sự vô thường của màu diệp lục, tôi bất giác nghĩ đến “Tình rừng” của văn tài Nguyễn Tuân và “Sống mãi với cây xanh” của Nguyễn Minh Châu. Và bây giờ, là Nguyễn Thị Mai. Những người cầm bút đa cảm và đôn hậu ấy, khác nhau về thế hệ nhưng họ luôn thổn thức một nhịp đập với “một rừng cây - một đời người”. Có lẽ thế, Mai luôn trân quý những sắc mầu. Có khi chị gửi vào đó lòng tri ân “Đầu năm hoa rực rỡ vườn / Chắc cha an ủi nỗi buồn cho con / Sắc hồng như tấm lòng son / Bao năm xa khuất tình còn chở che”. Lại có lần, chị muốn sắc hoa mãi thắm tươi và viên mãn như tình đời “Sau Tết đào còn khoe thắm nụ/ Mua tiếp cành hoa cắm lục bình/Để kéo dài ra thêm cái Tết/Để lời anh chúc vẫn sơ sinh”.

Theo thi mạch ấy, ở “Chất lính không giấu được” lại có thể thấy một dư vị triết lý tương phản khác. Mượn trạng thái của con sóng ngoài biển khơi, Nguyễn Thị Mai diễn tả tâm tình của một chiến binh sau chiến trận trở lại đời thường. Anh làm giàu nhờ buôn đất, nhưng khi gợi nhắc đến bạn xưa đã hy sinh, cùng bao gia đình đồng môn khác đang vất vả, gieo neo, người lính ấy: “Đang ồn ào tung sóng/ Biển lặng ngắt. Thẫn thờ”. Có một khoảng lặng để tự đối diện như một cái giật mình rưng rưng trong ký ức và trục vớt từ thẳm sâu tâm hồn chất “thiên lương”, tính bản thiện, lòng vị tha đầy chấy lính “Chỉ ẩn đi trong bình yên”.

Cảm thức đầy dư vị triết lý nghịch cảnh trong thơ Nguyễn Thị Mai, còn thể hiện trong nhiều bài thơ và câu chữ thật tinh tế trước những vẻ đẹp mà buốt xót giữa nhân sinh, thế cuộc. Đó là những phạm trù: có mà không: “Còi vang mà chẳng nghe ra tiếng gì”, là gần mà xa, ít mà nhiều, hữu hạn mà vô hạn: “Vừa thốt nửa lời đã hiểu/ Thoáng nhìn thấy hết lòng nhau/ Nắm tay là tin đến chết/ Nghe giọng cười... biết nỗi đau”. Để rồi: “Người tri kỷ ngồi bên bậc cửa/ Ngóng nhau xa hút chân trời”. Chị biết, có niềm tin đã khó, nuôi được đức tin còn khó vạn lần“Cứ lặng lẽ, nhẹ nhàng, không thấy/Mà sao/Thấm vào tôi/Để lúc nguy nan, khốn khổ/Tôi gọi đến Người/Đức tin ơi”.

Có những lúc Nguyễn Thị Mai buồn thực tại lại mơ về xa xưa.“Em gái người Mông xuống chợ” là một nghịch cảnh:“Mẹ trẻ dại, con thơ ngây/ Lội ra từ những vùng mây bản nghèo”. Chị thay người mẹ trẻ con ấy mà mơ ước: “Ước gì chưa phải địu con/ Lưng em khoác cặp chân son đến trường”. Thật là nghịch cảnh mà cũng thuận cảnh, thuận cảnh mà trớ trêu: “Buồn thì lại đẻ cho nhiều/ Dắt con xuống chợ mà tiêu nỗi buồn”.

Khá nhiều bài thơ chị viết về người lính một thời tung hoành từ chiến trường gần đến chiến trường xa, khiến quân thù hồn xiêu phách lạc, những “Vết thương đủ lý đủ tình/ Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau”. Giấy tờ mất hết, đồng đội cũ không còn, họ trở thành“Thương binh ngoài chính sách”.  Họ đau trong bất lực bởi không chứng thực được một thời chiến binh, khiến bây giờ: “Mỗi năm tháng Bảy nghĩa tình/ Người như cây khuất lặng im rừng già”. Trong khi có biết bao bệnh binh, thương binh giả thì đây vẫn là một tồn tại bất cập, một nỗi đau không hiếm trong quá trình giải quyết chế độ chính sách trong xã hội chúng ta. Bảo sao không buốt xót. Bởi thế, có một lần Nguyễn Thị Mai bất chợt nhận thấy tiếng “nấc nghẹn trong nước mắt của một cựu chiến binh quy tập đồng đội, đã tìm được những hài cốt liệt sỹ có chiếc lọ thủy tinh còn nguyên mẩu giấy do chính tay anh ấy viết cẩn thận và nắn nót chôn theo những đồng ngũ thản nhiên đi vào chỗ chết: “Ai hay cỏn con chiếc lọ/ Làm bia giữ bạn đến giờ”.

Nguyễn Thị Mai từng là cán bộ phụ nữ cấp Trung ương. Hẳn chị có cơ hội gặp gỡ, đồng cảm với bao thân phận người vợ hóa đá và chứng kiến biết bao người lính trở về trong hào quang vòng nguyệt quế, nhưng giờ họ chỉ muốn “Lặng im như mảnh trăng trời/ Không ai biết lính một thời Trường Sơn”. Đúng là những người: “Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa”. Họ khiêm nhường, dung dị, hiền như hạt lúa, của khoai, nhưng từng một thời trận mạc vượt qua muôn trùng gian nguy, coi thường cái chết. Giờ họ tự tại an nhiên, chỉ muốn sống thảnh thơi, bình an bù đắp cho người thương, dù là rất nhọc nhằn, miễn khuya sớm bên nhau.

Trong mạch suy tư về kiếp người đầy nghịch lý, trong 2 tập thơ, chị có nhiều câu, bài thật sự thao thức vì nỗi “thương thay cũng một kiếp người” . Đúng là có kẻ sướng từ trong trứng sướng ra/ Có người khổ đến tận già”. Từ lúc sinh thành, khi phương trưởng: “Nửa đời bỗng nhiên hết sạch”, rồi khi nhắm mắt xuôi tay ngày cùng tháng tận “Chết chẳng kịp ăn cái Tết/ Người đưa thưa vắng bạn bè”. Thế mà người bạn hiền lành nhân hậu ấy “Chết rồi cái khổ không tha (...) Quê tận núi rừng Lục Ngạn/ Xác về phố biển hỏa thiêu/ Đất vàng mua sao được huyệt/ Mà chôn thân phận kiếp nghèo”. Hỏa thiêu xong mà “Di cốt vòng vo chín tháng/ Ngày chôn tầm tã mưa rơi”... Bài thơ đúng là một ám ảnh đầy nghịch lý về phận người trong cái “Vẻ đẹp buốt trời”. Nghịch lý thật vô thường những cũng là một sự thật trong cõi tạm, khiến ta rơi nước mắt khi nghĩ tới lời ca buồn một thuở: “Gánh cực mà đổ lên non/ Còng lưng mà chạy, cực còn chạy theo”.

Cũng trong mạch suy cảm ấy, bài “Bạn gái khoa Văn”thể hiện tấm lòng luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu về một đồng khoa, đồng môn cùng giới. Cô ấy vụng dại lỡ lầm và khát khao đắm say về kết quả vuông tròn, những tưởng thoáng qua như gió thổi mây bay trong một đêm khờ khạo, ai ngờ là những nhọc nhằn, đớn đau, bởi em trở thành “vật tế”, con tim bị người đánh cắp: “Tưởng chỉ một phút cặp môi hôn/Tuwongr chỉ một giờ dại không khôn/Tưởng chỉ một đêm nằm, năm ở/Ngờ đâu một đời mắc nợ/Hai muwoi năm bế ẵm nhọc nhằn”.

Những tương phản đầy nghịch lý trong “Vẻ đẹp buốt trời” của Nguyễn Thị Mai rộng hơn khái niệm nghệ thuật về phép đối của ngôn ngữ học. Nó được xem là một thủ pháp nghệ thuật trong sáng tác văn chương. Mọi vẻ hay và đẹp của ngôn từ, hình ảnh, nhịp điệu... được vận dụng để thiết lập nên những công thức luận lý tương phản nhằm phản ánh hoặc lý giải trong khi tái hiện chân thực đời sống và những suy tư trong thẳm sâu tâm hồn con người, gợi lên những rung cảm thẩm mĩ dồn nén và chất chứa, những ám ảnh khôn khuây. Nó khiến ta nghĩ rằng: hình như càng sống, càng đau đáu trải nghiệm trong cõi đời này, Nguyễn Thị Mai càng ngộ ra những bất công, hao vơi, khiếm khuyết và những nghịch lý ngay trong những cái có lý. Nhưng biết sao đây, đời là thế! Nhận ra những nghịch lý buốt xót ấy, để nghĩ và sống tích cực hơn. Hoặc ít ra cũng để gắng tồn tại giữa những lằn ranh của cõi vô thường, giữ “thiên lương” cho lành vững. Qua những nghịch lý ấy, nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã nâng tư tưởng nghệ thuật lên một tầm cao mới và chúc mừng chị về điều đó.

hoa_gao_1


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét