Thứ Tư, 16 tháng 4, 2014

QUEN MÀ LẠ TRONG “NỞ MUỘN”





                                                                  Nhà thơ Lưu Thị Bạch Liễu

QUEN MÀ LẠ TRONG “NỞ MUỘN”

          Về tập thơ “Nở muộn” của Lưu Thị Bạch Liễu, nhà xuất bản Lao Động, 2013

                                               Vũ Nho

Sau tập thơ “Sông Cầu đang chảy đâu đây” năm 2009, mãi đến năm 2013, Lưu Thị Bạch Liễu mới cho in tập thơ “Nở muộn” mỏng mảnh chỉ có 26 bài thơ được chia thành hai phần với nhan đề mỗi phần khá gợi : “Đợi em về đỏ”  và  “Rùng rùng bóng lá”. Thật ra, khi đặt nhan đề này tôi có chút cân nhắc băn khoăn. “Quen mà lạ”  hoặc “Lạ mà quen”? Hai vế đó cân bằng, nhưng hình như vẫn có sự khác biệt khi vế nào đặt trước, đặt sau. Và  trực giác  cùng với ấn tượng mách bảo tôi : quen mà lạ. Bởi vì vẫn tác giả tôi đã biết, vẫn những đề tài quen thuộc, cả thi tứ, thi ảnh cũng quen, nhưng đọc vẫn thấy khang khác, vẫn thấy lạ.  Và lạ  chính là ấn tượng đọng lại cuối cùng chứ không phải đầu tiên.

Vì tác giả đã không ngừng tìm tòi để đổi mới mình.

Một trong những nét mà hầu như trong hai tập thơ trước người đọc đã quen là cảnh sắc miền núi trong thơ của Bạch Liễu. Đó là dòng sông Cầu hay chỉ là một dòng sông không tên, là bản làng với mái cọ, với nhà sàn, cầu thang, là  vùng trời Hà Giang hay ngọn núi ở Na Hang. Thì đây, vẫn là cảnh sắc vùng núi phía Bắc nhưng vừa cụ thể như Quản Bạ :

Chiều Quản Bạ


Tiếng chim kêu trĩu rừng cây


Trên những mái nhà


Sương đang bay

          Qua cổng trời 2

Đồng thời lại như mơ hồ, không rõ của nơi nào, chỉ biết là vùng cao. Bảo là Bắc Kạn cũng đúng, Hà Giang không sai, Cao Bằng hay Lạng Sơn, Sơn La đều được :

          Gió bắt đầu nức mùi cá nướng


          Mưa thỏa thuê trên hồ rộng


                            Những người đàn bà

          Rì rầm

          Phố chợ

          Bán mua

          Mắt bừng má đỏ

          Rực men rượu ngô

                       Qua cổng trời 3


Cái cách cảm nhận của tác giả bây giờ vừa tinh tế, nhưng lại vừa đi vào chiều sâu của sự vật, vừa khái quát nhưng lại vừa kiệm lời:

          Gốc đào bên ngõ khuất

          Lỡ độ hoa mấy lần

                             Đợi

Đã là ngõ khuất thì không dễ được người ta chú ý, dù hoa có nở đúng mùa. Thế mà đã mấy lần lỡ độ hoa. Nhưng không nản, vẫn đợi. Vẫn hy vọng một lần không lỡ, dù có được người ta nhìn thấy hay không! Và dù nhỏ bé, nhưng những bông hoa vẫn nở hết mình, vẫn ngọt ngào dai dẳng như là bất tận ( Thật là mới mẻ những từ liti láy ba lần vừa có yếu tố nhạc, họa và thơ):

          Như không bao giờ kết thúc

          Sự ngọt ngào dai dẳng này

          Litilitiliti

          Litilitiliti

          Hoa bên nụ

          Nụ bên hoa

          Mụ mị

              Đợi em về đỏ

Thực ra, có một cách hiểu khác “Như không bao giờ kết thúc/sự ngọt ngào dai dẳng này/Litilitiliti/Litilitiliti ” là tác giả tả về mưa xuân. Cả nụ và hoa (đàn bà các lứa tuổi) đều “mụ mị” dưới sự tác động ấy! Những câu thơ  không đơn nghĩa cho phép hiểu như vậy.

Bây giờ tác giả không “phô” tâm trạng tầng tầng của mình như trước, mà hình như tâm trạng ấy được nén vào trong hình ảnh, trong cách thể hiện, như cái cảm giác “mụ mị” ở trên; và đây nữa:

          Những nụ hoa tê tái hồng

          …

          Phơi phới sắc hồng nhưng nhức

          Nàng rừng rực

                   Xuân của Picaso

          Chỉ là mưa thôi mà

          Sao run lên những ngón tay

                   Kí ức

Cảm giác run rẩy ấy gợi nhớ bài thơ tuyệt đẹp về Đà Lạt, giờ cũng có mặt ở tập thơ này:

          Những ngón tay tìm đến những ngón tay

          Chỉ em biết không phải em run lên vì sương

          Chỉ anh biết không phải anh run lên vì lạnh

          Dịu dàng đêm ĐàLạt

          Thả ta vào cõi mơ

                             Đoản khúc Đà Lạt

Có lẽ ấn tượng mạnh mẽ nhất là ấn tượng về những vần thơ viết về vùng núi với cảnh sắc, con người, phong tục, dù chỉ là đôi nét chấm phá. Thất khó mà từ chối, khó mà không neo vào trí nhớ những câu thơ này:

          Rượu bếp nào bắt đầu chóc chách chảy

          Khói vừa bò lên vừa say

          Vó ngựa gõ trong mây

                   Qua cổng trời 2

          Người trai giỏi nhất bản

          Chẳng lấy được gì

          Cả đêm

          Mải trộm nhìn đôi má đỏ

                   Qua cổng trời 4

          Cấy cày mất nghiệp nhà nông

          Mồ hôi đổ có thành bông lúa vàng?

          …

          Xứ lạ mẹ ôm con người

          Cơm chan nước mắt

          Mồ côi con mình

                   Ru cánh đồng

“Nở muộn” là tập thơ thứ ba của Lưu Thị Bạch Liễu. Cây bút nữ của đất Thái Nguyên không chú ý nhiều đến số lượng mà chú trọng vào chất lượng. Quả thật những bài thơ trong “Nở muộn” là  những cố gắng tìm tòi, đổi mới. Có thể thấy những cố gắng đó đã ghi dấu trong mỗi bài của tập thơ này. Bạn đọc chưa hề quên những riêng tư ngổn ngang, tầng bậc trong “Cõi tôi”;  vẫn còn nhớ những tình cảm gắn bó, hòa hợp với thiên nhiên, với con người một vùng sông Cầu xinh đẹp trong “ Sông Cầu đang chảy đâu đây”. Chúng ta gặp lại  tác giả trong những cảm xúc dồn nén, đằm sâu và tiết chế ở tập thơ này. Một người phụ nữ  khi ba mươi tuổi tràn đầy sức sống, rừng rực và mạnh mẽ:

          Mùa hạ tôi nhan sắc tuổi ba mươi

Rừng rực cháy đến từng chân tóc

          Về một bài thơ tôi đã lãng quên

Thì đây, cũng vẫn là con người ấy :

Em chẳng thể giấu mình

Màn đêm cứ ngời lên da thịt

                   Khúc ngày

Nhưng hình như đã có một sự đổi thay. Trong những câu thơ  dưới đây vẫn là người ấy đắm say, mạnh mẽ, nhưng  em hay cái tôi đã lặn  vào trong cảm giác không chủ thể:

          Ngỡ tan ra mất

          Trong vòng ôm rất nhẹ nhàng mà dai dẳng của sương

          Ngỡ sắp bung ra

          Cánh mỏng và hương hoa

          Ngỡ sắp trổ mầm rồi làm quả

          Giữa ngọt ngào ẩm ướt này

                   Qua Cổng Trời 1

Một người có cuộc sống nội tâm phong phú, nội lực mạnh mẽ, cảm nhận cuộc sống tinh tế, chắc chắn sẽ có những đóng góp  mới trong lĩnh vực thơ ca. Có điều  bạn đọc chúng ta cần phải biết đợi chờ, không phải chỉ là “ Một mùa hạ chờ mong” mà có thể là rất nhiều mùa hạ. Chờ đợi với một niềm tin:

                            Hoa luôn nở cho người biết đợi

                                                             Khúc ngày

                                                                     Hà Nội, tháng 4 năm 2014







         


2 nhận xét: