Chủ Nhật, 27 tháng 4, 2014

Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng


Sự cách tân quá đà của một nhà thơ tài năng
QĐND - Thứ ba, 15/04/2014 | 16:5 GMT+7

QĐND - Chắc là những người viết nghiên cứu và phê bình sẽ còn tốn không ít giấy mực về trường hợp Nguyễn Quang Thiều và thơ của anh. Chỉ tính riêng về cuốn thơ tuyển Châu thổ của anh xuất bản năm 2010, đã có 25 bài viết xung quanh thơ và những cách tân thơ của tác giả. Tuy vậy, là người theo dõi khá kỹ thơ Nguyễn Quang Thiều trong hơn chục năm nay, tôi vẫn muốn ghi lại mấy cảm nhận của mình.

Tiềm năng của một nhà thơ lớn

Một nhà thơ tốt nghiệp đại học nước ngoài, có thể đọc thành thạo thơ thế giới bằng tiếng Anh như Nguyễn Quang Thiều, ở nước ta không nhiều. Tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau là một lợi thế lớn để Nguyễn Quang Thiều mở rộng, làm giàu có vốn văn hóa của người cầm bút. Vả chính điều đó làm tăng nội lực của nhà thơ.

Nhưng đấy chỉ là điều kiện cần cho một nhà thơ lớn chứ không phải là điều kiện quyết định. Cái quyết định nhất chính là tài năng bẩm sinh của thi sĩ được phát triển một cách mạnh mẽ nhờ hoàn cảnh đất nước đổi mới, hội nhập. Có thể thấy rằng, Nguyễn Quang Thiều đạt đến độ chín của tài năng không quá sớm, nhưng cũng không quá muộn mằn. Chỉ sau tập thơ đầu tay trình làng, anh đã có tập thơ Sự mất ngủ của lửa gây được tiếng vang, được tặng giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Cái chính là phẩm chất thi sĩ được phát lộ, được khẳng định. Chẳng hạn bài thơ “Dâng trà” của anh viết là một bài thơ hay, một trong các bài thơ khá toàn bích theo bút pháp thông thường: Thưa cha con đã dâng trà/ Chiều quê một nửa mái nhà nắng đi... Những câu thơ tiếp theo là nỗi niềm ăn năn hối lỗi của người con “ba dại bảy điên”. Hai câu kết của bài thật đặc sắc:

Để hồn trà khuất đâu đây

Xác trà lạnh ngắt đổ đầy lòng con.


Dâng trà cho cha, không biết cha có nhận cho, có tha thứ những lỗi lầm thuở ấu thơ. Vì cha chỉ như bóng mây im lặng, nên người con xót xa. Hoặc như tôi dám đoán chắc rằng bài thơ Bây giờ đang cuối mùa đông cũng là một bài thơ đặc sắc không phải người làm thơ nào cũng viết được. Nó thể hiện thật tài tình tâm trạng của một chàng trai muộn vợ ở cái làng mà lớp lớp cô gái theo nhau lớn lên, đi lấy chồng. Có một vài câu làm duyên độn vào, nhưng chí ít đó cũng là những câu thơ bình thường làm nền tôn vẻ đẹp những câu thơ hay: Chút chiều hoe nắng ngõ nhà/ Tôi đi tôi đứng để mà vu vơ/ Ra đường gặp tiếng xưng em/ Đêm về tôi với ngọn đèn nhìn nhau...



Có một sự khác biệt rất lớn giữa sự tìm tòi và cách tân của Nguyễn Quang Thiều với các nhà thơ khác “nhân danh cách tân”. Đó là Nguyễn Quang Thiều đã chín với cách viết truyền thống, thường gặp, anh tìm cách diễn đạt mới. Còn những cây viết khác thì làm một nhà thơ bình thường cũng chưa xong, đã bập vào cách tân để mong “đi tắt” trên đường sáng tạo.

Nguyễn Quang Thiều do tiếp xúc văn hóa rộng, nên chắc chắn anh có chịu ảnh hưởng của các nhà thơ phương Tây, viết có vẻ “Tây”. Nhưng người Việt chúng ta vốn khá mau quen với những gì lạ nhập từ Tây vào. Như Hoài Thanh đã từng viết, chúng ta mau quen với thắp dầu Tây, mặc quần Tây, đi giầy Tây… Cả cách xã giao bắt tay cũng là theo kiểu Tây, chứ các cụ nhà ta ngày xưa chào nhau và dạy con cái cách chào không như thế. Có điều, Nguyễn Quang Thiều không bị coi là Tây, nhưng bị coi là thơ Tây dịch. Bởi vì những bản dịch của chúng ta thường là trúc trắc, không mượt mà. Đấy là một nhược điểm làm hạn chế sức thuyết phục của thơ anh.




PGS, TS Vũ Nho phát biểu tại Hội nghị LL-PBVH năm 2013. Ảnh: Bùi Minh



Có thể thấy ham muốn đổi mới, viết khác đã làm cho Nguyễn Quang Thiều từ bỏ phần lớn (chứ không phải từ bỏ tất cả) cách diễn đạt hàm súc, nhịp điệu với ngôn từ chắt lọc, cô đúc. Nhưng như đã nói, Nguyễn Quang Thiều là nhà thơ có tài năng, vì thế mà vẫn có nhiều những câu thơ hay, vẫn có nhiều đoạn thơ có thể găm vào trí nhớ bạn đọc. Hoàn toàn không phải như một nhận định thiên lệch rằng “Không có câu thơ hay. Không tứ thơ. Không có chữ thơ. Không có hình ảnh chính. Đọc xong một vài bài thơ hoặc một tập thơ mỏng nào đó của Nguyễn Quang Thiều, người đọc thực dụng sẽ trắng mắt, khi không thu về được gì” (Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều, Nxb Hội nhà Văn, 2012, trang 145). Nhưng có cảm giác ít hay vắng thiếu là do những câu này bị khuất lấp trong những triền miên liên tưởng, triền miên ẩn dụ… và những câu thơ văn xuôi, thơ tản văn... Sau đây là một số ví dụ ngẫu nhiên về những câu thơ ám ảnh của Nguyễn Quang Thiều:

- Mẹ con đứng vùi chân trong cát/ Nước mắt buồn bay ướt một triền sông.

- Ta khóc vụng một ngày thưa bóng mẹ/ Tiếng gà buồn mổ rỗ mặt hoàng hôn.

- Bầy kiến đen đi qua bàn tiệc

Như lang thang qua bãi chiến trường

Đầy mảnh thịt của gia súc

Đầy xác chết của rau thơm…

- Những người đàn bà xuống gánh nước sông

Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt

Một bàn tay họ bám vào đầu đòn gánh bé nhỏ chơi vơi

Bàn tay kia bấu vào mây trắng.

- Xa hơn nữa... một mùa thu thắm đỏ

Con rắn nâu bò qua vườn trên lớp lá vàng cong

Xa hơn nữa…tôi khóc cùng mùa hạ

Khi thấy có một tôi đâu đó quanh vườn

Xa hơn nữa…và, xa hơn nữa

Là nơi tôi ngồi trước lửa

Một cơn sốt ngồi ôm một cơn sốt.

Nếu không theo đuổi ý tưởng đổi mới, tôi nghĩ Nguyễn Quang Thiều vẫn đủ sức ghi tên mình vào tốp những nhà thơ có nhiều đóng góp cho nền thơ của dân tộc. Bởi vì tài năng của anh là một điều không thể phủ nhận.

Bước quá đà của sự cách tân

Nếu xem xét đơn lẻ từng yếu tố cách tân trong bút pháp thơ Nguyễn Quang Thiều thì có thể thấy rằng, cũng không có gì gọi là đột phá, mới mẻ, chưa từng có trong thơ Việt như một vài cây bút viết về anh đã ngộ nhận.

Tưởng tượng và liên tưởng ư? Đâu phải đến Nguyễn Quang Thiều mới có tưởng tượng và liên tưởng phong phú. Dù cố chứng minh rằng sự liên tưởng và tưởng tượng ấy “lạ lẫm” với tâm thức chung của cộng đồng thì điều đó chỉ nói lên rằng sự quá đà của Nguyễn Quang Thiều đã làm hạn chế sức lan tỏa của thơ anh.

Thơ văn xuôi ư? Đâu phải một mình Nguyễn Quang Thiều viết thơ văn xuôi. Nhiều nhà thơ Việt đã thử thách rồi. Đã có cả một tuyển tập thơ văn xuôi Việt. Nhưng hình như các bài thơ thành công thật hiếm hoi.

Từ chối vần nhịp thông thường ư? Cũng chẳng phải Nguyễn Quang Thiều là người đầu tiên. Mà từ chối vần, nhịp cũng chỉ là một cách làm khác đi mà nguy cơ thất bại nhiều hơn là thành công. Không kể có ý kiến cho rằng “Nhịp - điệu – Nguyễn- Quang- Thiều, nếu có thể nói như vậy, là thứ nhịp điệu thơ tìm thấy tương đồng ở rất nhiều người viết trước, cùng thời và sau”

Sử dụng ngôn ngữ không đặc tuyển cho thơ và không sử dụng những quy phạm vần luật thơ truyền thống ư? Điều đó không riêng Nguyễn Quang Thiều. Mà làm như thế dễ dẫn đến thất bại nhiều hơn là thành công nếu không có các yếu tố khác hỗ trợ.

Trùng điệp các thi ảnh ư? Cũng không phải. Vấn đề không nằm ở chỗ trùng điệp hay không trùng điệp. Thi ảnh đẹp, gợi cảm, gây ấn tượng là thi ảnh mới mẻ, được đặt đúng nơi, đúng chỗ trong bài thơ. Mà hệ thống thi ảnh thì mỗi nhà thơ có những đặc điểm khác biệt khi xử lý.

Những giấc mơ như là mê sảng ư? Cũng chẳng có gì đặc biệt, khi nhà thơ nói về nhưng giấc mơ đẹp đẽ, dữ dội, kinh hoàng. Vấn đề là nó đem lại cảm xúc gì cho người đọc chứ không phải mơ để mà mơ, mê sảng để mê sảng.

Vậy Nguyễn Quang Thiều làm mới ở chỗ nào? Chính là ở chỗ vận dụng tất cả các yếu tố đó một cách tổng hợp. Khi vận dụng một cách chừng mực và tỉnh táo, Nguyễn Quang Thiều thành công. Khi vận dụng quá đà, Nguyễn Quang Thiều thất bại. Tôi không cho rằng càng viết, càng đổi mới thì thơ Nguyễn Quang Thiều càng hay. Mà chỉ thấy khi không chừng mực, say sưa với sự khác lạ, Nguyễn Quang Thiều tự làm hỏng thơ mình. Tôi đọc nửa đầu của tuyển tập Châu thổ với sự thích thú, ngưỡng mộ, còn phần sau của tuyển tập quả thật là mệt mỏi. Vì thế mà nảy sinh ý nghĩ: Tôi buồn khi Nguyễn Quang Thiều đã đem một thi sĩ đích thực tài năng để đổi lấy một nhà cách tân tầm tầm. Mà với thơ thì bạn đọc cần một nhà thơ đích thực chứ đâu có cần danh hiệu nhà đổi mới thơ? Ngay trong cuốn Thơ Việt Nam hiện đại và Nguyễn Quang Thiều đã dẫn trên đây, trong số các ý kiến của những người cổ súy cho thơ Nguyễn Quang Thiều, vẫn xen vào những ý kêu thơ anh “khó hiểu”, “dịch thơ Tây”, “rườm lời”, “mịt mù hũ nút”, “rất ít chất thơ”, “đọc rất mệt”… Tất nhiên, những dòng phàn nàn ấy thường chiếm vị trí khiêm tốn và thường rất ngắn ngủi, được nói ở mức độ giảm nhẹ nhất có thể. Nhưng đó là những điều “nói thật”, thật hơn nhiều so với những ngôn từ ca ngợi trong đó không ít những bốc đồng, thái quá và nói lấy được.

Tôi chỉ nêu ra vài dẫn chứng được viết bới những người có thiện cảm với Nguyễn Quang Thiều, cổ xúy cho sự đổi mới của anh. Những người ấy còn nói vậy, hỏi làm sao bạn đọc không có nhiều sự kiên trì, không có nhiều sự cố gắng có thể đọc và thích thơ Nguyễn Quang Thiều? Đành rằng, nhà thơ có thể không cần nhiều sự tán đồng của người đọc, có thể kén người đọc. Tuy nhiên, ngay cả những người đọc “chuyên nghiệp” cũng còn phải thừa nhận như thế, vậy thì sự cách tân của Nguyễn Quang Thiều sao có thể gọi là thành công trọn vẹn? Bênh vực anh, có người đã kêu gọi: “Ngày nay có vẻ người đọc cần phải thông cảm với nhà thơ nhiều hơn, kiên nhẫn hơn, chịu khó hơn, “miễn thứ” cho tác giả nhiều hơn, thì mới mở được cánh cửa của thơ mới” (Tr.308 sđd). Nhưng người đọc không thể cố gắng quá nhiều, bởi vì họ có quá nhiều thứ cần đọc, cần xem. Sự cố gắng của họ là có chừng mực. Khi sức hấp dẫn không đủ, thì họ gấp sách lại và bỏ xuống…

Dù sao, tôi vẫn nghĩ rằng Nguyễn Quang Thiều có thành công, nhưng sự thất bại cũng không ít. Mà nguyên nhân chính là anh đã quá đà, đã không tiết chế được mức độ làm mới và sai lầm khi nóng vội định tước bỏ hoàn toàn những yếu tố truyền thống làm nên nền thơ dân tộc. Tôi nghĩ rằng nếu muốn thành công, Nguyễn Quang Thiều cần phải tỉnh táo hơn nữa, tiết chế hơn nữa, đồng thời quay trở lại với những yếu tố cơ bản ăn sâu trong tiềm thức của người Việt khi tiếp nhận thơ ca.

Những điều này chắc là không cần thiết với một người thông minh, sắc sảo như Nguyễn Quang Thiều. Tôi vẫn nhớ câu chuyện đùa đùa khi Nguyễn Quang Thiều với tư cách Phó chủ tịch hội nhà văn Việt Nam tiếp đoàn nhà thơ Mỹ đến từ Đại học bang IOWA. Đại khái anh kể khi chưa làm thơ đổi mới, anh đi gội đầu, nhân viên nhà hàng nhận ra anh là Nguyễn Quang Thiều, dù anh không xưng tên. Còn khi anh làm thơ cách tân, cũng đi gội đầu, anh xưng Nguyễn Quang Thiều nhưng cô tiếp viên không biết ông Thiều ấy là ai, làm gì.

PGS, TS VŨ NHO

4 nhận xét:

  1. Ngọc Dung sang thăm anh VŨ NHO,hihihi..........anh thông cảm vì lĩnh vực thơ văn em ít hiểu nên em hổng góp ý được gì,chúc trưa như ý anh nhé

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Ngọc Dung đã ghé trang và để lại chia sẻ!

      Xóa
  2. 1- Bác ơi, khi sự mất ngủ của lửa ra đời được Hội nhà văn trao giải thì nhiều người đã kêu oai oái là thơ tắc tị, không khác chi nhài đàn rót nguyệt vú đôi thơm, với đáy đĩa mùa đi nhịp hải hà...hihihi. Thiều tặng bu sách đề tặng anh chị, bu bảo: ông đọc vào băng tui mang về cho chị Hà (vợ bu) nghe chớ chị ấy không đọc nổi thơ hiện đại ni rồi. Bà vợ bu nghe băng rồi bảo chồng chú Thiều mần thơ lạ hè, lửa cả đời thức có biết ngủ bào giờ đâu mà kêu là mất ngủ. Nói thiệt bác đọc thơ của Thiều bu phục anh ta lắm lắm, nhưng nói thích thì không, trừ hai bài lục bát bác dẫn ra trên. Riêng bài Bây giờ đang cuối mùa đông gần như cả nhà bu thuộc. Cô con gái bu vẫn ngâm ngợi hai câu: Bây giờ cải đã thành dưa, làng bao cô gái cũng vừa lớn lên...
    2- Phục bác Vũ Nho nói thật nói thẳng, cách bác nói có lý có tình, không phang đại như Trần Mạnh Hảo. Những gì cần cách tân thì cổ kim đông tây người ta đề cập đến rồi, nếu cách tân quá đà thì rung cảm của người viết không còn tạo ra rung cảm ở người đọc, thơ không còn là thơ.
    3- Giá mà bác dẫn ra vài bài của Thiều nằm trong hệ cách tân được bác cho là quá đà để mọi người được đọc, được biết thì cảm ơn bác lắm

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã ghé trang và bình luận, có nhiều thông tin thú vị!
      Các bài mà anh Thiều không thành công thì khá sẵn trong tập Châu thổ, nên không dẫn ra nữa. ( Tôi cũng gửi bài này cho nhà thơ đọc trước khi đăng báo). Dẫu sao thì đây cũng chỉ là ý kiến cá nhân tôi. Có thể sẽ có người thảo luận lại và phản bác. Như thế mới là dân chủ trong cảm nhận văn chương và học thuật bác ạ.

      Xóa