Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

Trò chuyện với tác giả của tiểu thuyết “Bác sĩ trưởng khoa”

Trò chuyện với tác giả của tiểu thuyết “Bác sĩ trưởng khoa”
                                                   
                                                Nho - Vũ Oanh


                                                                                    Vũ Nho chủ trang

Vũ Nho (V.N.):  Chào nhà văn Vũ Oanh! ! Chúc mừng anh vừa in cuốn tiểu thuyết “Bác sĩ trưởng khoa” dày dặn. Vốn là người viết truyện ngắn và truyện vừa, lí do nào khiến anh thử sức ở thể loại tiểu thuyết?
Vũ Oanh (V.O.) : - Tôi đã thử viết, không phải truyện ngắn, mà là truyện dài và tự thấy mình thất bại thời còn đang học lớp 6 phổ thông, bởi khi đó sức lực và vốn liếng đều không có gì! Trong một đêm ở tuổi vị thành niên, tôi đã đốt nó cùng với nhiều bản nháp thơ. Tôi ôm trong ngực cái mộng vỡ toang hoác ấy tới tận những năm tháng trước ngày nghỉ hưu của mình. Anh hỏi lí do nào khiến tôi thử sức ở thể loại mà biết trước mình phải hao tốn rất nhiều tâm lực? Trước khi gặp anh tôi không nghĩ có câu hỏi ấy cho mình. Có lẽ là do yêu cầu nội tại của chính tôi thôi. Vẫn nhớ lời hứa với ông nội mình, mà về sống ở Hà Nội được mấy năm tôi mới dám mon men đến với địa hạt văn chương bằng những bài thơ ngắn qua sự giúp đỡ tận tình cùa nhà thơ Vũ Quần Phương, Trúc Thông và Hữu Thỉnh. Rồi theo lời khuyên rất trúng sở nguyện của các anh, tôi bắt đầu viết văn xuôi. Sau vài mươi cái truyện ngắn, truyện vừa in trên báo Văn Nghệ và tạp chí Nhà văn chưa nói được những gì mình ấp ủ, tôi xoay sang tiểu thuyết.
V. N: Thì ra nguồn cơn là như vậy. Trong suy nghĩ về nghề văn, anh cho rằng “ Hư cấu để thể hiện ý nghĩa của đề tài và tư tưởng tác phẩm; dù đó chỉ là một truyện ngắn có nguyên mẫu”. Ở tiểu thuyết này, nhân vật có nguyên mẫu không? Tất nhiên, tôi hiểu chả bao giờ nhà văn bê nguyên mẫu vào tác phẩm. Nếu có thì anh đã hư cấu bao nhiêu phần trăm. Nếu không  phiền, anh có thể cho ví dụ về chi tiết hư cấu. Chẳng hạn như chuyện của bác sĩ X. ở bệnh viện Y, nhưng được anh gộp vào cho nhân vật Trần Tử Khang, hoặc Ngân Hà chẳng hạn?
V. O: - Đó là tâm niệm mà tôi đã bộc bạch trong Nhà văn Việt Nam hiện đại. Tôi nghĩ nó cũng là phương cách của hầu hết các nhà văn, anh biết không chỉ có ở ta, phải không? Bác sĩ trưởng khoa(BSTK) không phải là một truyện ký, cũng không phải là một tự truyện. Nó là tiểu thuyết với khá đông nhân vật. Trong một tập thể ở một đất nước chiến tranh và nghèo đói quá dài như nước ta, làm sao lại chẳng có nhiều thân phận? Hầu hết đều là hư cấu. Tôi nói hơi thừa, nghĩa là họ đều không có thật trừ những người nổi tiếng như giáo sư Tôn Thất Tùng, phó giáo sư Tôn Thất Bách, giáo sư Tôn Đức Lang, bác sĩ Ngạnh, giáo sư Nguyễn Đình Hối, giáo sư Đặng Văn Chung. Dù xuất thân là một người mấy chục năm làm những công việc đòi hỏi tính chính xác cao, tôi cũng không biết bài toán phần trăm hư thực của tiểu thuyết này mình phải thực hiện như thế nào để có được đáp số đúng cho anh! 
      Chợt nhớ, hình như nhà thơ Xuân Diệu đã viết từ những năm còn trẻ: Ai đem phân tích một mùi hương / Hay bản cầm ca. Tôi chỉ thương / Chỉ lặng chuồi theo dòng cảm xúc / Như thuyền ngư phủ lạc trong sương...  Là giáo sư và là nhà nghiên cứu phê bình văn học, chắc anh tỏ tường hơn.
V. N:  Tôi hiểu ý anh. Tuy vậy vẫn muốn hỏi cho chắc chắn. Bởi lẽ Trần Tử Khang có hoàn cảnh xuất thân và một số nét gần gũi với tác giả. Trong tiểu thuyết này có đến mấy bác sĩ Trưởng khoa chứ không chỉ có Trần Tử Khang. Phải chăng nhà văn muốn so sánh các loại nhân vật Trưởng khoa, người quyết định sinh mạng bệnh nhân?

V. O: Tôi nhớ tới ý kiến của một nhà văn người Anh, Angus Wilson, khi ông nói về tương lai của tiểu thuyết... Nhưng thôi, ta sẽ nói chuyện này trong một dịp khác. Vâng! Ngoài các bác sĩ trưởng khoa Phạm Quang Thoảng, Lã Hồng Quân, Trần Tử Khang, các ông Trịnh, Thủ, Minh, Cường đều đã từng là bác sĩ trưởng khoa cả. Trải nhiều năm tháng và không chỉ ở một bệnh viện duy nhất, dĩ nhiên phải có nhiều bác sĩ ngồi ở vị trí quan trọng ấy. Bệnh viện vốn có thế, và tôi cũng muốn thể hiện như thế trong tiểu thuyết của mình. Tôi đã viết như thật mà anh. Tuy nhiên, mục đích của tôi không phải là để so sánh. Anh thừa biết mọi sự so sánh đều khập khiễng mà!
V. N:  Một bệnh viện tất nhiên có bác sĩ giỏi, bác sĩ kém, có người nọ, kẻ kia. Nhưng hình như chỉ có hai bác sĩ  tử tế trong đó có Trần Tử Khang và Trần Lam Khương. Một loạt các vị khác như Ngân Hà, Bùi Cường,  Nguyễn Quý Thân, Lã Hồng Quân, Đinh Mãn Độ, Phạm Quang Thoảng, Lê Trịnh, Bảo Hiên,…đều là những người kém cỏi, tham lam, y đức kém. Liệu đó có phải là bức tranh màu xám của giới y học nước nhà? Anh có nghĩ là như thế là phản ánh chân thực thực trạng ngành y?
V. O: Trong tiểu thuyết này có nhiều bác sĩ tốt và giỏi chứ anh. Đó là giáo sư Tôn Thất Tùng cùng đội ngũ bác sĩ tham vấn đã dạy Khang thành một phẫu thuật viên như ta đã thấy. Còn có giáo sư Nguyễn Đình Hối, giáo sư Tôn Đức Lang, phó giáo sư Tôn Thất Bách... mà tác giả nhắc đến với thái độ hết sức kính trọng. Xa hơn là ông thánh thuốc Nam thiền sư Tuệ Tĩnh và cả Hải Thượng Lãn Ông bên cạnh thầy lang Trần Tử Khiên ông nội nhân vật Khang hư cấu. Họ là những tấm gương lớn, là trí tuệ đỉnh cao mà nhiều thế hệ thầy thuốc học trò chúng tôi ngưỡng vọng noi theo. Người đọc cũng thấy trong Bác sĩ trưởng khoa những thành tựu to lớn của y học Việt Nam như ghép tim, ghép gan, ghép thận, mổ nội soi... Phương pháp cắt gan khô mang tên Tôn Thất Tùng không chỉ làm rạng danh nền y học Việt Nam mà còn là niềm tự hào vẻ vang của cả dân tộc. Bây giờ, ở lĩnh vực phẫu thuật nội soi, Việt Nam ta đã có khả năng đào tạo giúp kỹ thuật này cho bác sĩ một số nước trên thế giới. Trong tác phẩm còn có cả giấc mơ phẫu thuật từ xa hết sức kỳ diệu nữa! Nếu không có các bác sĩ tài năng và đạo đức làm sao chúng ta đạt được những thành tựu to lớn như thế hả anh? Không nhiều bác sĩ giỏi cùng bệnh viện với Trần Tử Khang, làm sao hàng ngàn vạn ca mổ lớn nhỏ ở chiến trường thời chống Mỹ đã được thực hiện thành công, không có tai biến do mắc phải những lỗi lầm kỹ thuật?
      Anh thấy trong Bác sĩ trưởng khoa một nhóm bác sĩ kém cỏi, tham lam, y đức kém? Nhưng họ rất khác nhau, chứ anh? Tác phẩm không phải là một bức tranh màu xám. Nói khái quát, tiểu thuyết cần mang tính biểu tượng và khuynh hướng. Nó không làm nhiệm vụ thống kê xã hội học.Việc bộc lộ chiều sâu cuộc sống, nhất là mặt trái của nó, giúp nhà văn phân loại để tìm ra những tư chất con người. Cứ để độc giả thử đọc, bởi họ có quyền cũng như hoàn toàn có khả năng thẩm định và phán xét nó.  
V.N: Tôi chia sẻ với ý kiến của anh. Tuy vậy, với tư cách là nhân vật tiểu thuyết, các vị Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách, Nguyễn Đình Hối, Tôn Đức Lang mới chỉ là nhân vật có tên chứ chưa phải nhân vật có số phận. Họ chỉ được anh nhắc đến chứ không miêu tả, xây dựng. Nhà văn nghĩ sao khi trong tiểu thuyết của mình lại có tên những nhân vật có thật trong ngành y như anh kể. Liệu giáo sư Nguyễn Đức Tấn và  phó giáo sư Lương Ngọc Bình cũng là nhân vật có thật? Việc đưa tên nhân vật có thật trong đời sống vào tiểu thuyết, nhà văn có dụng ý gì không hay đấy chỉ là “ngẫu nhiên”?
V. O: - Bác sĩ trưởng khoa không phải là cuốn tiểu thuyết duy nhất ở ta cũng cũng như ở nước ngoài có những nhân vật là người thật ngoài đời. Ngoài những người nổi tiếng chúng ta đã nêu tên, anh thấy không có giáo sư Nguyễn Đức Tấn và phó giáo sư Lương Ngọc Bình. Đương nhiên, hai ông là những người không có thật. Nhân vật là hư cấu, nhưng tác giả đã lồng vào những tình huống và những chi tiết thật. Vâng, hết sức thật đấy anh ạ! Tôi rất mừng, khi người đọc nghĩ rằng Bác sĩ trưởng khoa là chuyện có thật. Không ít người đã hỏi tôi, ông viết chuyện thật đấy à!
      Tiểu thuyết đã được viết như thật. Vâng, thật hơn thật! Đưa các nhân vật có thật đã và đang hiện hữu trong đời sống y học nước nhà vào tác phẩm thì nhân vật hư cấu càng thật hơn, càng đáng tin cậy hơn, phải không anh! Khả năng tuyệt vời và phẩm chất cao đẹp có được của bác sĩ Khang đâu phải tự nhiên mà có, đâu phải nó đến tự bầu trời cao xanh vòi vọi kia. Tài năng và đức độ ấy phải có cơ sở chứ. Đó là sự giáo dục nghiêm ngặt của gia đình và xã hội. Tài năng của một bác sĩ phẫu thuật, năng khiếu là một chuyện, anh ta phải được đào tạo. Khang thông minh và hết sức nỗ lực lại được tôi luyện qua cơ sở ngoại khoa của giáo sư Tôn thất Tùng thì độc giả có ai là người không tin!
      Với chủ đề và đề tài của cuốn sách, tôi thấy không thể và thực sự không cần thiết phải diễn giải số phận của những nhân vật có thật. Nếu việc đó được thực hiện, tiểu thuyết này sẽ bị phá vỡ trên nhiều bình diện. Ta dành những nhân vật ấy trọn vẹn cho truyện ký.  
V. N:  Nhà văn Nguyễn Khắc Trường nhận định “Địa hạt y tế, nơi con người hầu như sớm muộn, ít nhiều cũng phải lui tới; quen đấy, mà cũng còn có nhiều điều chưa thấu”. Anh có kì vọng gì về tiểu thuyết này khi cho bạn đọc biết “những điều chưa thấu” của ngành y?
V. O: - Đó là đời sống, là số phận của các nhân vật qua trải nghiệm của người trong cuộc với tâm trạng đau đáu xa xót và bức xúc thường trực khi lương tâm nghề nghiệp thường xuyên bị xúc phạm, tổn thương. Nó cũng cho ta thấy nguồn cội của những trí tuệ kém cỏi mà người bệnh đây đó đã phải đương đầu dẫn tới những cái chết tức tưởi, những tai biến khôn lường mà người đọc dường như đã từng thấy nó xảy ra ở đâu đó, nơi này nơi kia.
      Người đọc biết thêm ít nhiều về lĩnh vực y học không phải không còn có những bí hiểm và bí ẩn. Và họ cũng hiểu thêm về thân phận những con người giữ vai trò lao động chủ chốt trong ngành y tế. Những ai đọc nhiều và tâm huyết tất so sánh Bác sĩ trưởng khoa với các tiểu thuyết về đề tài này, rất khác, của các nhà văn nước ngoài in bằng tiếng Việt ở ta.
      Các anh Nguyễn Khắc Trường, Trần Huy Quang, Hữu Thỉnh, bác Nguyễn Xuân Khánh và nhà thơ bác sĩ Vũ Quần Phương đã vui lòng đọc giúp bản thảo BSTK. Tôi rất biết ơn những góp ý hết sức quý báu của họ.
 V. N: Tôi nghĩ rằng anh không định phê phán các đồng nghiệp. Anh muốn phản ánh trung thực những khó khăn và phức tạp của một ngành nghề mà mọi người chưa hiểu thấu. Bạn đọc có thể lên án những bác sĩ xấu, nhưng cũng cảm thông với công việc vất vả và căng thẳng, những áp lực mà các bác sĩ khác luôn phải chịu đựng. Tôi nhớ có lần đọc trên báo Văn Nghệ, nhà văn Nguyễn Khắc Phê đánh giá : “ Nhân tài của Vũ Oanh dữ dội và đau đớn vì sự tha hóa của con người, có khi còn hơn cả truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp”. Anh đánh giá thế nào về “sự tha hóa của con người” được thể hiện trong “Bác sĩ trưởng khoa”?
V.O: - Vâng, anh nói đúng. Ngoài lòng yêu nghề, tôi luôn thân ái và hết sức tôn quý đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy của mình.
      Nhân tài là một truyện vừa. Khi viết xong Nhân tài, tôi thấy mình được an ủi rất nhiều. Thôi, ta không đi lạc anh ạ. Bác sĩ trưởng khoa không phải là một tiểu thuyết luận đề. Tôi không chủ tâm cũng không cố tình viết về sự tha hóa, về những con người vốn tốt đẹp trở thành xấu xa. Nhân vật của Bác sĩ trưởng khoa sinh trưởng, học hành, sống và làm việc... chịu sự chi phối của những gì dân ta vẫn gọi là số phận trong hoàn cảnh của họ. Độc giả đến với BSTK, chắc cũng như tôi sau khi in Nhân tài, yên trí rằng đấy là những chuyện đã qua, chuyện của một thời quá vãng. Cũng như tôi, họ thấy cần phải làm gì, phải góp sức lực của riêng mình với xã hội ra sao để những điều chưa tốt tốt lên, để những gì xấu không có cơ hội quay đầu trở lại. Để ước mơ, hy vọng... Để cuộc sống ngày càng hạnh phúc và tươi đẹp hơn.
V. N:  Mảnh đất y khoa là “vùng đất riêng để sống, để chết vì nó” ( theo quan niệm về nghề văn của anh). Anh có thể nói qua về tiểu thuyết “ Ngọn tre già trổ hoa” đã viết xong mà chưa in?
V. O: - Ngọn tre già trổ hoa là số phận một thầy thuốc và gia đình ông ở một làng quê miền Bắc Việt Nam. Khi những trang cuối của nó vừa kết thúc, ý tưởng về một tiểu thuyết mới đã ập đến, tôi đã bỏ Ngọn tre già nằm im trong máy tính, chưa sửa một chữ, bắt tay vào viết ngay Bác sĩ trưởng khoa.
V.N. : - Cám ơn nhà văn Vũ Oanh về cuộc trò chuyện cởi mở và thẳng thắn. Tôi hy vọng rằng bạn đọc sẽ thêm chút thú vị khi đọc “Bác sĩ trưởng khoa” qua cuộc trò chuyện của chúng ta. Xin chúc tiểu thuyết “ Ngọn trẻ già trổ hoa”  sớm ra mắt , và sẽ được bạn đọc hồ hởi đón nhận.


3 nhận xét:

  1. 1-Trong một câu hỏi bác Vũ Nho có nói " Tôi hiểu chả bao giờ nhà văn bê nguyên mẫu vào tác phẩm"
    Vậy các nhân vật như Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách (không biết còn những ai nữa) có phải là nguyên mẫu trong tiểu thuyết BST không ạ
    2- Bác Vũ Nho hỏi thêm "Nếu có thì anh đã hư cấu bao nhiêu phấn trắm"
    Những Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách là người thật ngoài đời được xem là nguyên mẫu trong tiểu thuyết thì bác Vũ Nho khỏi cần dùng từ "nếu" nữa
    và ông Vũ Oanh có thể trả lời gần đúng mấy phần trăm. Nhưng ông ta lại biện bạch để không trả lời đúng câu hỏi của bác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn bác Bu đã ghé trang!
      Vấn đề là các vị Tôn Thất Tùng, Tôn Thất Bách và một vài vị có tiếng trong ngành Y có tên trong tiểu thuyết này, nhưng các vị ấy không góp mặt với tư cách nhân vật tiểu thuyết. Vì vậy vấn đề hư cấu hay không, tôi không đặt ra.
      Chữ"nếu" và các nhân vật hư cấu ở đây là các nhân vật được miêu tả có số phận, có ngôn ngữ, có quan hệ với các nhân vật khác như Trần Tử Khang, như Ngân hà, Bùi Cường, Quý Thân,...
      Giữa người hỏi và người trả lời có quan niệm khác nhau. Nhà văn Vũ Oanh không "biện bạch" như bác cảm thấy thế. và tôi cũng không nghĩ thế!

      Xóa
  2. có thể đăng tiểu thuyết BSTK lên mạng không nhà văn ? Tôi thường không có thời gian để nghe nó trên đài .

    Trả lờiXóa