Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

VỀ THANH MINH



                   


 VỀ THANH MINH
                         Trần Năng Tĩnh

1/Năm nay, tôi về Quê-Nam Định đúng ngày Thanh minh( mùng sáu tháng ba-Giáp Ngọ). Định xong việc sẽ quay lên Hà Nội trong ngày.Nhưng rồi tôi lại thay đổi kế hoạch, sẽ ở lại Thành Nam của mình một đêm.
  Về đến Nam Định là tôi lo ngay tới việc hương khói và làm chu đáo cho quang quẻ, sạch sẽ mộ phần của ông bà Nội tôi bên làng Nam Vân (bên kia bến Đò Quan, nay đã là một Phường thuộc Thành phố).Sau đấy, lại quay sang hai nghĩa trang phía đầu Thành phố, có cái tên rất ấn tượng: nghĩa trang
Hoa Đồng và Cánh Phượng.Nơi ấy mẹ và vợ tôi đã nằm lại...
   Cũng thật may, buổi sáng hôm tôi về Quê để làm công việc phong tục-lễ nghĩa ấy, trời đất lại quang quẻ trở lại sau những ngày mưa dầm dề, sũng xịu.
  Cảm giác thanh thản, nhẹ nhõm và an tâm khi đã làm xong việc phải làm-nhất là lại đúng ngày Thanh minh.Thế là,còn cả buổi chiều và tối với Thành Nam của tôi. Với bạn bè tôi. Với những kỉ niệm một thời dài mà sống mãi trong tôi.

  Tôi  gọi điện cho mấy ông bạn vàng.Báo tin mình về Quê và hẹn các ông ấy chiều tối đến Ngõ Văn Nhân (ngõ phố có từ thời cụ Tú Xương-nơi gặp gỡ các Sĩ tử, Văn nhân Thành Nam một thời).Chả là, ngõ phố có cái tên rất sang trọng ấy, đến thời chúng tôi lại có một hàng phở, đặc biệt là món nạm bò ngon lại rẻ. Quả là phù hợp với mấy ông bạn nhà giáo, nhà báo, nhà thơ hàng Tỉnh như chúng tôi.
  Chiều ấy, phải còn hơn một tiếng mới đến giờ hẹn.Tôi mượn chiếc xe đạp của chú em rể, nói là đi quanh rong phố mặc cho ông em cứ nài nỉ: sao anh không lấy xe máy mà đi cho đỡ vất vả.Thật ra, tôi muốn thưởng ngoạn lại và những mong tìm lại dấu của Thành-Nam-Xưa.

   Lững thững với chiếc xe đap, tôi tìm về những phố cổ một thời của Thành Nam. Đến phố Hàng Song, Hàng Nâu đi (Trên trục phố ấy, nay đã mang một cái tên mới :Phố Nguyễn Thị Minh Khai),tôi tự nhủ mình như vậy.Mải ngước lên những mái nhà ở phố này,tôi suýt xô phải người bán vé số dạo-một ông lão chừng bẩy mươi.Tôi chỉ kịp bật ra nụ cười hàm ý xin lỗi và đón lại nụ cười hiền hồi âm của ông lão. Tôi thở dài trong lòng khi “mục sở thị”, phố xưa đã khác quá nhiều rồi. Những mái ngói “vẩy cá” đọng mầu thời gian.Những bức tường nhô ra thụt vào, duyên như những cô gái có chiếc răng khểnh.Những cửa sổ “tò vò” của nhũng căn gác xép...Nay còn đâu?
Phô hiện trước mắt tôi là những dãy nhà sáng sủa, khang trang và có thể nói là bề thế nữa. Dẫu vẫn biết: Thành Nam của tôi ơi ! Bao nhiêu năm rồi còn gì! Mà, vẫn buồn.Vẫn ngậm ngùi ngoái lại...
  Tôi lại chạnh nhớ về cụ Tú Xương-Kẻ sĩ-nghệ sĩ-Thi nhân của Đất Non Côi-Sông Vị này. Ba mươi bấy năm sinh ra và sống ở Đất này mà để lại những vần thơ nhức nhối, buồn đau mà quyết liệt: “Có đất nào như đất ấy không?/Phố phường tiếp giáp với bờ sông/Nhà kia lỗ phép con khinh bố/Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng...” (Vị Hoàng hoài cổ-Tú Xương). Cụ Tú Thành Nam đã nhìn xoáy vào chất Thổ ngơi nơi này.Hay là dự cảm, dự báo về chính quê hương-xứ sở của Dòng-Tộc nhà Trần? Có lẽ khó có câu trả lời cho tường minh và dứt khoát.
                                             ***
  Ngõ Văn Nhân đây rồi.Hẹn các bạn lúc 5 giờ chiều.Khi tôi đến đã có ba ông bạn,dựng xe đạp ở đầu ngõ và đang ngáo nghến-chờ tôi! thế là ríu ran tay bắt mặt mừng. Cứ như những Cố-Nhân gặp lại.
  Quả là rượu giúp men cho mấy ông nghệ sĩ gàn dở-chân tình gặp lại nhau.Thôi thì đủ thứ chuyện.Ai cũng tranh nhau nói.Tranh nhau kể...ngỡ như chẳng bao giờ có điểm dừng.Đang vui của những khoảnh khắc xuất thần-hồn nhiên, tôi chợt nhận ra ánh mắt ưu tư, đượm buồn của hai ông bạn.Đấy là Nhà thơ Phạm Trọng Thanh và Nhà giáo Đỗ Thanh Dương.Anh Thanh ở phố Bến Củi(nay là phố Ngô Quyền).Anh Dương là người cùng phố với Tú Xương xưa.
 Chúng tôi như chợt nhận ra nỗi niềm của nhau về Đất-Quê-Hương-Mình. Mà đâu cứ phải nói thành lời.Tất nhiên sau đó, với vai trò của người “cầm chịch”, tôi lại đứng dậy mà hô to,mà khỏa lấp : “Nâng cốc! Hạnh ngộ! An lành đi mấy ông ơi!”.Tôi lạc cả giọng mà như thấy Mình đang cười hay khóc
đây?!
                                         ***
  Về Quê Thanh minh.Lại sắp đến ngày Giỗ-Tổ rồi.
  Hà Nội dạo này mưa nhiều quá.Dầm dề.Sướt mướt.Sũng xịu. Có lẽ chưa có năm nào, sau vụ xuân, thậm chí cả sau “Thanh minh trong tiết tháng ba” mà Ông-Trời vẫn giữ Điệp-Khúc-Buồn ấy. Nhưng, chẳng tội gì mà quá buồn với thời tiết tự nhiên (và cả Thời-Tiết-Thế-Sự nữa chứ!).Nghĩ thì cứ nghĩ.Quên thì cứ quên.Nhưng Mình ơi! Đừng để mất niềm tin và lòng Nhân-Ái...Tự cảm hứng và triết lí với lòng mình.Và,tôi ngồi vào máy và gõ luôn bài thơ có bốn câu sau :
  “Ngày Giỗ-Tổ, Đất-Giời quang quẻ
  Những dầm dề,ẩm ướt lùi qua
  Bái-Vọng mong một ngày Dựng-Nắng
  Con cháu Tiên-Rồng bớt xót xa...”

                    HÀ NỘI 17/4/2014.

2 nhận xét: