Thứ Năm, 29 tháng 3, 2018

Người Trung Quốc ... như thế nào?



                                       NGƯỜI TRUNG QUỐC …



                                                                            Dị Trung Thiên

                                                                            Vũ Công Hoan dịch



          Chuyện của người Trung Quốc khó nói nhất.



          Ví dụ tham nhũng. Người Trung Quốc có thích tham nhũng không? Đương nhiên không thích. Nhắc đến tham nhũng, người Trung Quốc không ai là không nghiến răng đau lòng nhức óc, hận tới tận xương tuỷ, ngay đến những kẻ đi hối lộ và nhận hối lộ cũng vị tất thích tham nhũng thật sự. Nếu không nhận hối lộ, tức của cải chảy vào cuồn cuộn, thì tại sao ông ta phải mạo hiểm bỏ quan vào tù? Nếu không đi hối lộ sẽ có thể thông suốt trôi chảy, thì tại sao ông ta phải đem tiền của mình đi biếu người?

         

          Đa số người không thích tham nhũng, nhưng họ lại không tách được tham nhũng. Thực tế nhiều người Trung Quốc một khi mình có việc, điều họ nghĩ đến đầu tiên là móc nối quan hệ, đi cửa sau, mời ăn uống biếu quà. Nếu tất cả mọi quan chức đều không ăn uống, cũng không nhận quà, có lẽ nhiều người sẽ buồn bã như mất mát, trong lòng trống vắng, không biết việc của mình cuối cùng có thành không? Cho nên  không chống tham nhũng cũng không được. Tốt nhất giữ lại một cái đuôi, hạn chế trong phạm vi ăn một hai bữa cơm, nhận một hai tút thuốc, thì đều vui vẻ cả.



          Bạn bảo,  có phải sự đời đã buộc đã dồn người ta làm việc này? Cũng chưa hẳn. Ví dụ lấy công quỹ ra ăn uống, đều là việc xấu xa độc ác, bị mọi người phản đối. Nhưng nếu bạn mời những người chưa từng tham gia bao gìơ cùng ăn, thì phần đông họ sẽ đến, mà đến với nét mặt vui vẻ. Có thể thấy sở dĩ, anh ta phản đối không phải vì chuyện lấy công quỹ ra ăn uống, mà là vì người khác có phần,  nhưng anh ta không có. Bởi vì bản thân không có phần, nên đành phải cùng phản đối ăn uống bằng công khoản.
                                                                    Nhà văn Vũ Công Hoan

          Hiển nhiên, không phải người Trung Quốc nói một đàng làm một nẻo, cũng không phải  người Trung Quốc trước mặt nói thế này, sau lưng lại nói khác, mà là vì nguyên tắc, hoặc phép tắc xử thế quá nhiều, mà lại thường mâu thuẫn nhau.Tổ tiên họ để lại nhiều di huấn. Những di huấn này thường “đánh nhau”, ví dụ, ông bà tổ tiên tha thiết dạy bảo con cháu, một con người nên “kiến nghĩa dũng vi”(thấy việc nghĩa dũng cảm xông vào), hay (lộ kiến bất bằng bạt đao tương trợ) (Giữa đường thấy chuyện bất bình chẳng tha). Nhưng đồng thời lại khuyên chúng ta “Thiểu quản nhàn sự” (Ít dính dáng vào những việc rỗi hơi, không có liên quan đến mình), “các nhân tự tảo môn tiền tuyết, hưu quản tha nhân ngoã thượng sương” (nhà nào hãy tự lo quét tuyết trước cửa nhà người đó, mặc kệ sương đọng trên mái ngói nhà người ta). Vậy thì, chúng ta quản hay không quản? Ha ha, việc này thì bạn không hiểu đâu, quản hay không quản, còn phải xem việc đó có phải là chuyện rỗi hơi không liên quan gì tới mình không đã, nếu không liên quan thì không nên quản,  không phải “nhàn sự” thì nên quản. Cho nên “kiến nghĩa dũng vi ” là đúng, “tụ thủ bàng quan” (khoanh tay đứng nhìn) cũng là đúng. Trung Quốc có một câu rất xa xưa: “Công thuyết công hữu lý, bà thuyết bà hữu lý” (sư nói sư phải, vãi cãi vãi hay), hay nói một cách khác, có lý hay không có lý, không chỉ xem nói ra có lỹ lẽ hay không, mà còn phải xem bạn là sư hay là sãi.



          Như vậy là những người nghiên cứu “tính dân tộc” hay “quốc dân tinh” cuả người Trung Quốc sẽ gặp rầy rà. Đúng là người đó nghĩ không ra nên dùng một hai từ, hoặc một hai câu để khái quát người Trung Quốc. Ví dụ người Trung quốc thẳng thắn lại dẻo mỏ, thành thật nhưng lại lõi đời, đa nghi nhưng lại nhẹ dạ, máy móc nhưng lại linh hoạt, coi trọng lợi ích thực tế song lại trọng nghĩa khi, đề cao lễ nghĩa nhưng lại thiếu công đức, coi nặng trung dung song lại hay cực đoan, giỏi tiết kiệm song lại thích bày vẽ, giữ phép xưa song lại chạy theo mốt, tri túc thường lạc song lại hay mơ mộng, đốt hương đoán số song lại không có cảm giác tôn giáo, thích ôm ấp, song lại hay đấu trong đá nhau trong ổ, thích khiêu khích song lại biết giàn hoà, hiểu đạo lý “chỉ tranh sáng chiều” song lại chủ trương hãy từ từ đằng tả. vv… Kết quả, Trung Quốc đất rộng vật lớn,lịch sử lâu đời, có nền văn hóa rực rỡ bốn ngàn năm, “đã giầu lên trước” trong lịch sử thế giới, nhưng cuối cùng lại đẩy nó thành  “một nghèo hai trắng”, bởi “lạc hậu” mà “bị đánh”. Tóm lại, người Trung Quốc không dễ hiểu lắm đâu. Không chỉ người nước ngaòi khó hiểu, mà ngay đến người Trung Quốc cũng chưa chắc nói được rõ.



          Kỳ thực, ngay đến “nói không rõ” cũng không đúng. Nếu bạn dùng  ba chữ khái quát người Trung Quốc, chắc chắn sẽ có người lập tức đừng dạy biểu thị phản  đối. Nói không rõ? Sao lại nói không rõ? Tôi sẽ nói rõ cho các người xem. Sau đó anh ta cứ thong thả một năm một mười kể ra rành rọt. Hơn nữa, nói đến mức gật đầu khen phải, nói đến mức người bên cạnh gật đầu lia lịa. Nhưng gật đầu thì sao nào? Khi nghe Trương Tam nói, anh ta gật đầu, khi nghe Lý Tứ nói, anh ta cũng gật đầu. Bởi vì Trương Tam, Lý Tứ nói đều đúng. Nhưng bạn cứ tưởng  quan điểm của Trương Tam và Lý Tứ đều nhất trí, thì sai to sai bét. Lối nói của họ rất có thể  vừa vặn trái ngược nhau --- Bởi Trương Tam nói là “lý của sư”, còn Lý Tứ nói là“lý của sãi”. Huống hồ ở Trung Quốc, gật đầu chưa hẳn đã tỏ ý tán đồng,(đương nhiên cũng chưa hẳn biểu thị không tán đồng) Nó có thể biểu thị  đang lắng nghe, hoặc biểu thị lễ độ, lịch sự, thậm chí chỉ là động tác theo thói quen mà thôi.



          Chuyện của người Trung Quúc đúng là phiền hà rắc rối thật.

         

          Hãy nói đến chuyện ăn. Người Trung Quốc hay mời  ăn uống nhất. Miền nam miền bắc đều như nhau. Nhưng ăn như thế nào , ăn gì lại khác nhau lắm. Người miền bắc mời khách ăn cơm, bao giờ thức ăn cũng chất lù lù đây mâm, đĩa chồng lên đĩa, bát chồng lên bát. Các món ăn cũng thường rất thực tế, gà cả con, vịt cả con, cả một chân giò, cả một đùi dê. Tóm lại, ăn bát lớn, uống bát to, thịt cả miếng. Bát đĩa ở miền nam thì nhỏ hơn nhiều, lượng thức ăn cũng ít hơn rất nhiều, hầu như gắp một đũa là hết, song màu sắc các loại thì khá phong phú. Một con gà có thể chế biến thành mấy món, một con cá cũng có thể ăn hai ba lần. Thế là người miền bắc chê người miền nam bủn xỉn, dè sẻn, người miền nam cũng chê người miền bắc là ngố, dở hơi. Hay hơn cả là bọn họ đều nhận xét phía bên kia là hư giả. Người miền bắc nói, bày ra có chút xíu thức ăn, khiến người ta không dám gắp, mời khách ăn kiểu gì vậy,  thế chẳng phải là hư tình giả ý? Người miền nam thì nói, rõ ràng ăn không hết, vẫn cứ luôn luôn bổ sung thêm. Liệu có phải để người ta ăn, hay để người ta xem, chỉ được cái hư trương thanh thế! Vậy thi,  xét đến cùng ai hư giả? Thật ra không ai hư giả. Người miền bắc cho rằng, đã thành tâm thành ý mời người ta ăn uống, thì cứ để người ta ăn thoả uống thích, như thế mới thực tại! Người miền nam lại cho rằng, thật lòng đãi khách khỏi cần phô trương lãng phí Thức ăn mà, đủ ăn là được rồi, bày vẽ ra làm gì lắm món, nếu là người nhà mình ăn, đâu đến nỗi bày ra hàng đống? Phải không nào? Hơn nữa bày đặt ra lắm món như thế há chẳng coi người ta là cái thùng đựng cơm? Vẫn cứ nên ăn được bao nhiêu sắm bấy nhiêu. Vịêc quái gì phải nói một đằng làm một nẻo, trống đánh xuôi kèn thổi ngược cho rách việc. Kết quả, tuy họ rất thực tế, nhưng lại bị xem là rất hư giả.

         

          Bạn xem đấy, cùng là người Trung Quốc, nhưng người miền nam và người miền bắc đã khác hẳn nhau. Phải chăng người Trung Quốc rất khó hiểu, rất khó nói rõ ràng.



                                                                     Vũ Công Hoan dịch



                                         (Theo “ Người phương Bắc thích đọc” số 6 năm 2008)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét