Thứ Tư, 23 tháng 5, 2018

Ba ngôi mộ có xác ướp







Những gì ông Đinh Huy Quyết  hậu duệ đời thứ 7 của cụ Đinh Huy Đạo, một  nhân vật lịch sử thời Tây Sơn chép gửi Vũ Nho ( có tên đường Đinh Huy Đạo ở thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Tên đường được đặt theo Nghị Quyết số 27/NQ- HĐND tỉnh Ninh Bình ngày 06 tháng 7 năm 2017. Nhà thờ cụ Đạo ở Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn được xếp hạng di tích quốc gia năm 1999). (Tiếp theo và hết)



1.     Ba ngôi mộ có xác ướp

Họ Đinh có ba ngôi mộ được ướp xác. Đó là mộ cụ Phương Trực và cụ Từ Ý sinh ra cụ Đinh Huy Đạo và mộ cụ Đạo.

Những người trong họ không biết chuyện này. Khoảng năm 1880-1889, có cụ Đinh Huy Cơ theo phong trào Cần Vương, lập Sơn phòng sứ chống Pháp ở Ninh Bình. Khi cụ Lã Xuân Oai  bị Pháp đầy đi Côn Đảo, cụ Đinh Huy Cơ lên thay. Nghĩa quân thiếu tiền bạc. Cụ Cơ cho rằng cụ Đinh Huy Đạo đã từng làm quan ở triều đình sẽ có nhiều của quý chôn theo. Cụ Cơ cho đào mộ lên. Nhưng cụ Đạo là quan thanh liêm nên không có vàng bạc chi cả. Thi hài cụ Đạo nguyên vẹn như đang nằm ngủ. Sau 3 năm cải táng lại, chuyển hài cốt sang tiểu sành.

Về gỗ làm quan tài cụ Đạo, ông Quyết được ông nội là Đinh Huy Dục kể rằng đó là gỗ the mốc dây, lá ở bên trên và thân  gỗ ở dưới đất. Gỗ này làm quan tài ướp người chết không nát và làm thuốc chữa phong thấp. Ông Quyết làm trưởng phòng trồng rừng của Ty Lâm Nghiệp Ninh Bình. Năm 1971 ông lấy một mẩu gỗ the mốc từ chiếc án thư của cụ Đạo, đưa lên nhờ ông Lâm Công Định, Tiến sĩ, Viện phó viện Lâm Nghiệp xem xét. Ông Định trả lời : Gỗ này là gỗ Hoàng đàn ( Ngọc am?) thuộc loại thân ngầm. Triều đại xưa thường dùng để ướp xác và làm thuốc.

Ông Quyết cho biết khi cụ Hồ còn sống, Bác đã chỉ thị cho ngành Lâm Nghiệp bảo vệ số cây ở rừng Việt Bắc. Ngày nay đội điều tra cây tìm thấy  một cây ở vườn quốc gia Cúc Phương.

Ngôi mộ thứ hai là của cụ Phương Trực, thân sinh  cụ Đạo.  Năm 1962 đào sông Hoàng Long và đắp đường Thống Nhất ở Lạc Khoái xã Gia Lạc chạm vào mộ cụ. Họ Đinh chuyển về xã Gia Phong. Đào lên thấy thi hài cụ teo khô, râu, tóc còn nguyên. Vì chuyển mộ 3 lần nên xác bị hủy.

Ngôi mộ thứ ba là củ cụ Từ Ý, mẹ cụ Đạo. Năm 1970 làng Vân Trình ( xã Thượng Hòa, huyện Nho Quan) làm  thủy lợi. Họ dụng tâm đào vào mộ cụ Từ Ý đưa lên bờ và mở quan tài. Cụ Từ ý nằm như đang ngủ, nét mặt hiền hậu, tóc bạc hoa râm, sống mũi dọc dừa. Hai bàn tay cụ đeo đôi găng trắng, thân mình phủ chăn hoa màu đỏ tươi.

Ba ngôi mộ có xác ướp được đào lên và phá đi ở ba thời kì, không được khoa học kết luận. Thật đáng tiếc!

2.     Mộ hai bà cung phi họ Bùi


Sự tích hai bà phi, sách “ Gia Viễn huyện chí” có ghi:  “Ngọc Động : Bùi Thị Ngọc Cung, Bùi Thị Ngọc Nhan Lê triều như cung phi”. Hai bà lấy vua Hồng Đức được vua yêu quý. Chính phi ghen ghét. Vua cho 2 bà về quê chơi thăm kính tổ tiên. Tương truyền dân phải đào con kênh từ núi Gáp thôn Trà Đính  xã Gia Minh về Ngọc Động, nay vẫn còn dấu bờ kênh.

Hai bà và và người em là ông Nghè cùng chết một đêm. Mộ hai bà san phẳng, mộ ông Nghè vẫn còn. Dân Ngọc Động lập đền thờ hai bà. Theo truyền ngôn 2 bà được chôn bằng quan đồng, quách đá. Đền thờ 2 bà mai một nhưng vẫn còn bài vị và sắc phong.

Cách đây mấy chục năm, ông Bùi Danh Xương họ Bùi của hai bà, làm trưởng Ty Xây dựng Ninh Bình có đưa máy và nhà ngoại cảm về dò tìm. Nghe nói đã xác định được mộ hai bà, thắp hương khấn vái. Nhưng phần mộ lại thuộc về vườn nhà bà Vị. Bà chửi bới ầm ĩ không cho đào bới. Ông Đinh Huy Quyết là chủ sự đền thờ 2 bà phải lên tiếng. Ông viện lí lẽ dân gian : Chiêng làng nào làng nấy đánh/ Thánh làng nào làng nấy thờ. Bà Cung, bà Nhan là thánh của làng. Ai muốn đào bới lấy của phục vụ làng Ngọc Động thì được, còn bỏ túi riêng thì không được.  Dân làng nói máy dò cho biết mộ ở độ sâu 7-8 mét. Nhà ngoại cảm cũng chỉ chỗ gần đó. Sau lần đó không ai bàn tán thêm về chuyện 2 ngôi mộ.

3.     Chiếc khánh đá

Thời kì nhà Tây Sơn, quan quân có về chùa Ngọc Động thu chuông đúc tiền hay súng đạn gì đó. Trong làng có bà cuồng tín kêu la rằng cả làng bị bắt mất linh hồn.

Cụ Đinh Huy Đạo giải thích rằng đây là việc nước,  Đức Phật Từ bi phù hộ độ trì cho dân làng chứ không quở phạt. Năm Chiêu Thống Nhị niên, cụ Đinh Huy Đạo giao cho thợ Thanh Hóa làm chiếc khánh đá để lưu niệm thay chỗ chiếc chuông. Trên khánh có khắc bài văn cụ Đạo soạn. Hiện nay, khánh đá còn treo ở chùa Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn, Ninh Bình.

4.     Ngôi mộ cụ Đinh Lẻ

Năm Nguyễn Huệ ra Bắc đại phá quân Thanh, Ngô Thì Nhậm  tâu rằng  có đạo quân của Lê Duy Vỹ do Cai Giá chỉ huy chặn đường ra Bắc. Nguyễn Huệ giao cho cụ Đinh Huy Đạo dẹp toán quân này. Cụ Đạo thảo một bức thư chiêu hàng giao cho  cháu con ông anh  là Đinh Lẻ và con trai ông Lẻ là Đinh Toại mang cho  đối phương. Hai cha con mang thư chiêu hàng đến bến đò làng Sầy, xã Sơn Thành, huyện Nho Quan, gặp phòng tuyến của địch. Vì không có ám hiệu nên hai người bị bắn chết. Khi chúng lục soát tử thi, thấy bức thư liền đưa lên  thượng cấp.  Viên chỉ huy xem xong thư, hạ lệnh giải tán  quân lính. Cụ Đinh Huy Đạo kết thúc trận đánh mà không dùng binh đao. Về Tam Điệp, cụ tâu lên Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ thương tiếc hai người hi sinh, nói :

-         Hai tiểu tướng của ta, vì nước, vì ta mà bỏ mình, nay cấp danh hiệu

“ Nhất gia lưỡng trung”, phong thụy “ Trung tiết công”. Cấp cho 60 quan tiền mai táng và 10 mẫu ruộng binh điền.

Cụ Lẻ chỉ có một con trai là Đinh Toại đã chết cùng, còn lại hai người con gái. Hai người này được gả chồng về họ Bùi. Hai bà thờ phụng, trông coi mồ mả tổ ngoại. Họ Đinh yên chí có con gái lo hương khói.

Năm 2013, ông Bùi Văn Chượng kể rằng mộ cụ Đinh Lẻ, họ Bùi đã xây thành lăng rồi. ( Mộ cụ Toại  chưa đưa về lăng). Không hiểu thời bây giờ có nghĩ đến và ghi công với người xưa nữa không? Hai cha con Đinh Lẻ, Đinh Toại vì nước vì dân như thế, lẽ nào lại lãng quên?

5.     Ngôi mộ cụ Đinh Huy Cơ

Cụ Đinh Huy Cơ tham gia phong trào Cần Vương. Ở Sơn Phòng sứ, khi cụ Lã Xuân Oai bị Pháp bắt đầy đi Côn Đảo, cụ Đinh Huy Cơ lên thay. Sau cụ Cơ cũng bị bắt đầy đi Côn Đảo.  Các cụ đều chết ở Côn Đảo. Khoảng cuối thập niên ba mươi, Chính quyền thực dân Pháp trả lại thi hài cụ  Lã Xuân Oai và cụ Cơ. Thi hài cụ Cơ được đặt trong quan tài kẽm, đai 3 đai sắt dày. Chúng không cho mở quan tài. Mộ cụ Đinh Huy Cơ chôn ở xứ Đồng Nội, gần đồng Trà Đính, xã Gia Minh.

Đây là  nội dung 12 trang A4 viết tay ông Đinh Huy Quyết gửi cho Vũ Nho.


PS. Nhờ ông Quyết, tôi mới biết chi họ Vũ ở xóm Hạ liên quan đến ông Nghè ở Giao Cù, Nam Định. Đó chính là TS Vũ Hữu Lợi, một người chống Pháp. Khi cụ Lợi lánh về xóm Hạ, thôn Trà Đính, xã Gia Minh, cụ xưng là thầy đồ và lấy một phụ nữ ở xóm Hạ, sinh ra chi họ Vũ của các ông Trới, Nghị, Khiêm. Thực dân Pháp phao tin mẹ ông ốm nặng, ông về quê và bị Pháp bắt, xử bắn. Hiện có nhà thờ ông ở  quê Nam Định. Và có con phố mang tên Vũ Hữu Lợi  nối một đầu với đường Lê Duẩn ở Hà Nội.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét