Thứ Ba, 22 tháng 5, 2018

Cuốn sách bằng đồng, Thanh kiếm và khẩu súng





Những gì ông Đinh Huy Quyết  hậu duệ đời thứ 7 của cụ Đinh Huy Đạo, một  nhân vật lịch sử thời Tây Sơn chép gửi Vũ Nho ( có tên đường Đinh Huy Đạo ở thành phố Tam Điệp, Ninh Bình. Tên đường được đặt theo Nghị Quyết số 27/NQ- HĐND tỉnh Ninh Bình ngày 06 tháng 7 năm 2017. Nhà thờ cụ Đạo ở Ngọc Động, xã Gia Phong, huyện Gia Viễn được xếp hạng di tích quốc gia năm 1999).



1.     Cuốn sách bằng đồng  : Ngũ cách đồng bản

Cuốn sách ghi năm phép bí truyền là : Địa lí bí truyền, Đa đinh bí truyền, Phong thần nhập miếu, Bồ thủy bí truyền…

Sách do cụ Đinh Phương Trực, thân sinh của cụ Đinh Huy Đạo học Bắc quốc danh sư, dùng cao mưu lấy đem về. Sau này, cụ Đinh Huy Đạo có chức quyền  làm thành  bản sách trên chất liệu đồng  “Ngũ cách đồng bản”.

Khoảng 1930, họ Đinh có một người con nuôi làm Lý trưởng. Muốn tranh chức Chánh tổng, bèn đem sách này cống cho Tuần phủ Ninh Bình là Phan Đình Hòe, người Nam Vân, Nam Trực. Cống xong,  về nhà ông ta nói : Chức Chánh tổng tao nắm chắc như gà nhốt trong nơm ở đầu chái nhà.

Quả nhiên ông ta được làm Chánh tổng. Ông cưỡi ngựa đi họp tỉnh. Ngựa về đến tổng Tùy Hối, bị chánh tổng Tùy Hối cho người đón đường, đánh vào chỗ phạm. Về nhà mấy ngày thì chết.

Quãng năm 1976 -1983, ông Đinh Huy Quyết công tác ở cơ quan tỉnh ủy Hà Nam Ninh có nhờ người sưu tầm  cổ vật, nhưng không thành công.

Sau ông xem Ti vi thấy nói trong Hà Tĩnh tìm thấy một cuốn. Nhưng đó là sách chữ nổi. Cuốn sách ông được nghe kể là sách khắc chữ chìm. Muốn đọc, phải đặt tờ giấy lên mới hiện ra chữ.

2.     Chiếc vạc đồng

Theo truyền ngôn trong họ Đinh, thời kì cụ Đinh Huy Đạo làm quan, có mấy lần về quê. Một lần có chôn chiếc vạc đồng ở bờ ao.

Khoảng 1990 ông Đinh Huy Khởi, trưởng họ nói với ông Quyết rằng chiếc vạc đồng chôn ở bờ ao nhà bà Điền, thím ông Khởi. Sau đó ông Quyết đi tìm nhà ngoại cảm là ông Cường, người Xuân Thiện, Kim Sơn, Ninh Bình. Ông ấy nói chỗ đó có một vật bằng đồng úp sấp, bên trong có nhiều đồ quý.

Ông Đinh Huy Quyết khẳng định điều đó. Nhưng họ Đinh không có điều kiện tìm kiếm.

3.     Thanh kiếm và khẩu súng

Thanh kiếm

Đây là câu chuyện có thật. Bàn thờ cụ Đinh Huy Đạo giưã đặt thần chủ, hai bên đặt thanh kiếm và khẩu súng kị mã. Ông Đinh Huy Quyết  đích thân nghe các cụ giải thích. Ngày xưa cụ Đạo đi đánh giặc, chém giết nhiều người, nên thanh kiếm có nèm, có dớp. Không ai được mó vào nó, mó vào là sẽ chém người. Năm 1970-1975, Ty Văn hóa Ninh Bình về nghiên cứu di tích cụ Đạo đã lấy thanh kiếm về Bảo tàng. Trong họ có dư luận là ông Đinh Huy Khởi nộp thanh kiếm lên trên, nhưng giữ lại tay co  bằng  đồng  đen ( chỗ đỡ nắm kiếm và tránh đối phương chém vào tay mình).

Khẩu súng kị mã


Cụ Đạo văn võ kiêm toàn. Khẩu súng này vừa phi ngựa vừa bắn.

Khoảng nửa cuối thập niên ba mươi ( 1935 -1940), hai làng Lỗi Sơn và Ngọc Động của huyện Gia Viễn, Ninh Bình mất đoàn kết hay khiêu khích, đánh nhau. Một năm, lúa vụ chiêm chín, Lỗi Sơn cậy đông người giữa trưa kéo xuống đồng Ngọc Động gặt. Ngọc Động yếu thế, chịu thua.  Nhưng năm sau, cụ Đinh Huy Dục  ( hậu duệ đời thứ 5 của cụ Đinh Huy Đạo), vốn là nghĩa quân của Đề Thám đã lấy khẩu súng đó và dùng đạn nổ bắn chỉ thiên.  Dân gặt của Lỗi Sơn vô cùng hoảng sợ bỏ chạy, hò nhau : “ Làng nó có súng”. Từ đó Lỗi Sơn không dám gặt lúa đồng Ngọc Động nữa.

Gia đình cụ Dục có cấy trồng nhờ ngô, lúa ở xã Sơn Lai ( huyện Nho Quan). Trộm cắp như rươi. Cụ Dục giao cho cháu nội là Đinh Xuân Đa mang súng đi tuần tra và dặn: “ Không được bắn chết người, chỉ bắn chỉ thiên để dọa bọn trộm cướp thôi”.

Một hôm, quan lính trên tỉnh kéo về khám xét. Cụ Dục giấu súng xuống ao. Chúng không tìm được súng (Ông Quyết còn bé, đứng ở ngoài dậu nhòm  cảnh lục soát). Khi chúng rút, hôm sau cụ Dục mò súng lên, giấu ở mái gianh chuồng lợn. Con trai cụ là ông Đinh Văn Xơ lấy giấu vào bếp. Ông Đinh Xuân Đa ( anh trai của ông Đinh Huy Quyết) trông thấy bố chôn giấu ở dưới ông đầu rau bếp.

Năm 1960, Bảo tàng Yên Thế, Bắc Giang có về sưu tầm hiện vật của nghĩa quân Đề Thám xin khai quật đào tìm. Gia đình sợ tan nát nhà cửa, không có điều kiện tu sửa nên không đồng ý.

          Ông Đinh Huy Quyết khẳng  định khẩu súng  quý đó là có thật. Hiện  nằm dưới gian nhà ông Đinh Văn Kiệu ( em trai ông Quyết), thôn Ngọc Động. xã Gia Phong, huyện Gia Viễn.

Cụ Đinh Huy Dục là thanh niên tham gia nghĩa quân Đề Thám. Chú ruột cụ Dục là Đinh Siêu Quần, là tham tán quân cơ của Đề Thám. Khi nghĩa quân cụ Đề Thám tan rã, cụ Dục về ẩn dật ở làng. Cụ Dục hay làm thơ chửi Pháp và bọn quan lại nên chúng căm ghét. Bọn chúng vu oan cho cụ  sáu lần để bắt bỏ tù. Nhưng tòa án trọng luật,  sáu lần đã tuyến trắng án vì không đủ bằng chứng.
                                  ( còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét