Thứ Bảy, 26 tháng 5, 2018

Nhà văn Cầm Sơn với “Bùa ngải”





Nhà văn Cầm Sơn với “Bùa ngải”

Đọc “Bùa ngải”, tập truyện ngắn, nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018
                            Vũ Nho
Xuất hiện ban đầu với tư cách là người làm thơ, sau khi có ba tập “Tình núi”, “Tình rừng”, “Miền xanh”, Cầm Sơn trình làng tập truyện ngắn “Đỗ quyên đỏ”, rồi tiểu thuyết “ Xuyên qua cánh rừng”. Và bây giờ là  tập  truyện  ngắn “Bùa ngải”. Điểm qua như thế để thấy rằng nhà văn này gắn bó với rừng, với miền núi thể hiện đậm nét ở ngay những cái tên tác phẩm. Họ Cầm cũng là một họ  lớn của người Thái vùng Tây Bắc mà nhà văn gắn bó, lấy làm bút danh.
          Tập truyện ngắn gồm 17 truyện này tác giả cũng chủ yếu chỉ viết xoay quanh những con người miền rừng, phong cảnh núi rừng. Đó là các truyện Thác Ấu Hùng, Giàng Sín Lủ, Bùa ngải, Bạn học, Bố ơi, Mùa hoa Tam giác mạch. Một mảng đề tài quan trọng khác gồm các truyện Bạn tôi, Phía không rìu, Đào ngũ, Đường rừng muôn nẻo, Ác điểu là chuyện của cơ quan. Tác giả từng là một Giám đốc Lâm trường nên không lạ mối quan hệ giữa lãnh đạo với kế toán trưởng, với những người trong cuộc. Ngay cả một chuyện có nhan đề rất “hình sự” là “Chuyên án CH-14” thì tác giả cũng kể về chuyện một giám đốc làm ăn giỏi nhưng đã từng là phạm nhân, là đối tượng  điều tra, truy nã của công an.
          Viết về mảng đời sống người dân tộc thiểu số mà bản thân là người miền xuôi luôn là một thách thức lớn. Tác giả Cầm Sơn gắn bó với nghề rừng, với vùng cao nhiều năm,  hơn thế,  anh còn xây dựng gia đình với một cô gái Mường nữa, nhưng chừng đó chưa đủ.  Để có thể thuyết phục được bạn đọc, tác giả đã phải đọc, phải tìm hiểu kĩ những tập tục của các dân tộc ít người. Từ chuyện “ngủ thăm” đến chuyện “coóng trình” ( tình tự), từ chuyện làm lễ “cấp sắc” tới chuyện hát đối đáp “ Páo dung” trong  dịp lễ cấp sắc hay tết nhất, hội hè. Rồi các lễ “ Shing hung” ( Dâng hương), “Pủng miên” ( Treo tranh) khi làm lễ cấp sắc của người Dao,…Rồi chuyện làm bùa ngải của thầy mo Hoàng Văn Nhéo,… Những phong tục tập quán của người miền núi được tác giả miêu tả trong các truyện ngắn gây tò mò, hứng thú cho bạn đọc. Và thật bất ngờ, cái chuyện “Bùa ngải” tưởng chẳng mấy liên quan đến thời cuộc hiện nay, tác giả cũng có thể gắn vào với chuyện  người công nhân trồng rừng và chuyện thời sự biển đảo khi để cho thầy mo Nhéo quyết “ké nèm” ( giải bùa ngải). Trong các truyện ngắn viết về đề tài phong tục miền núi, tác giả cũng đã vận dụng thủ pháp huyền ảo pha lẫn huyền thoại làm cho câu chuyện nhuốm màu “liêu trai”… Ví như giấc mơ của Ấu Liên khi xem lễ cấp sắc ở nhà Bàn Minh Hùng, ( Thác Ấu Hùng) việc tìm  cô Thào Nhếnh lại thấy quan tài Giàng Sín Lủ ( Giàng Sín Lủ), chuyện thầy mo Nhéo lên mường Trời ( Bùa ngải).


          Về các chuyện liên quan đến nghề rừng, ngành rừng, ngòi bút tác giả tỏ ra thông thuộc nên khá tung tẩy. Chẳng hạn,  anh chàng giám đốc Đinh Gia Huy, bạn của nhân vật xưng tôi nhận định về  các Lâm trường quốc doanh “Đồng ý là về mặt lịch sử, các lâm trường quốc doanh đã có nhiều đòng góp cho sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển rừng. Nhưng đến giai đoạn này thì phương thức sản xuất ấy lại là mảnh  đất phì nhiêu nuôi dưỡng cho tệ  tham nhũng, chây ỳ, dựa dẫm và lười nhác nảy nở, gây ra sự lãng phí nguồn lực của xã hội, đặc biệt là đất đai, tiền vốn” (Đường rừng muôn nẻo, trang 107). Không phải là người trong ngành, không thể biết tường tận như vậy. Hoặc đây nữa, khi viết về một nhân vật nói về việc trồng rừng : “…việc trồng rừng tưởng như đơn giản, ai trồng cũng thành rừng. Nhưng không phải thế, năng suất, chất lượng rừng phụ thuộc rất nhiều vào việc chọn loài cây trồng, giống cây trồng, quy trình trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng trồng.[…]Mỗi loài cây rừng có một quy trình công nghệ riêng, không cây nào giống cây nào” ( Ba người bạn, trang114). Tác giả tỏ ra khá cao tay khi kể chuyện  anh chàng bạn học, làm giám đốc rất liều lĩnh, quyết đoán với phương châm sống coi thương trường như chiến trường : “Kinh doanh trong thương trường cũng vậy. Có lúc phải đoàn kết tương hỗ lẫn nhau, nhưng cũng có lúc phải cảnh tranh, giành giật khốc liệt. Không thế, cứ hiền lành, lịch lãm thì chỉ có nước đưa công ty đến bờ vực phá sản mà thôi” ( Bạn tôi, trang 65). Cái kết truyện này rất mở khi ông bạn ấy bắt  người làm móp xe ô tô đền tiền kì được. Rồi sau đó lại đưa lại tiền đó, cộng với tiền riêng của mình để anh  chàng “chân chất, thật thà” về đưa con đi Bệnh viện. Tác giả viết tưng tửng: “Theo cách nói thông thường trong dân gian thì hắn là người tốt hay người xấu? Tôi cứ nghĩ mãi, nghĩ mãi mà không biết nên liệt hắn vào hạng người nào”. Cũng chuyện cơ quan công ty, nhưng truyện “ Phía không rìu” lại không đạt được hiệu quả như tác giả mong đợi. Cô Lệ Mỹ, kế toán trưởng của công ty và nhân vật Giám đốc lập quỹ riêng để vận hành công việc. Rồi thì cô ấy được lên Tổng công ty giữ chức Phó phòng kế toán tài chính, tiếp theo là Kế toán trưởng tổng công ty. Việc Giám đốc bị kỉ luật điều chuyển làm chuyên viên không thấy chi tiết nào thể hiện là do cô Lệ Mỹ tố giác. Rõ ràng nếu cấp trên thi hành kỉ luật Giám đốc mà không đụng đến Lệ Mỹ đó là chuyện của cấp trên. Đâu phải tại Lệ Mỹ mà Giám đốc mất chức? Thành ra cái tên truyện gợi nhớ câu thơ của nhà thơ nổi tiếng không được thuyết phục lắm so với những gì tác giả đã kể.
          Tôi có duyên cùng tác giả đi thực tế ở mỏ  than Cao Sơn, Quảng Ninh. Chúng tôi cùng được nghe hai cán bộ kì cựu của mỏ kể về những ngày đầu dựng mỏ. Từ câu chuyện của hai người,  và những hiểu biết về mỏ, về ngôi chùa khu Cao Sơn Lưu Thủy, tác giả đã dựng thành truyện ngắn “Chuyện tình của người thợ mỏ”. Phải nói là tác giả có “tài” chế biến để từ câu chuyện thật trở thành một truyện ngắn hư cấu hoàn toàn. Tuy nhiên, vì cùng nghe kể, cùng ghi chép nên tôi cũng thấy rất rõ là truyện  đó của Cầm Sơn có nhiều yếu tố kí, nhiều yếu tố “ghi chép”. Mà không riêng gì truyện  ngắn đó, hầu hết các truyện trong tập yếu tố “ghi chép” là một yếu tố đậm nét. Nhiều thông tin có tính chất báo chí làm cho nhịp điệu truyện ngắn chậm,  tốc độ có khi rề rà, nhiều khi ảnh hưởng đến tính cách nhân vật, ảnh hưởng đến tình huống truyện. (Điều này cũng thấy rõ trong hai truyện ngắn mới viết ngoài tập này của tác giả là “Chuyện tình của Ta-ni-a đăng trên Bản tin Vietsovpetro và “Bức ảnh chụp đôi” trên tuần báo Văn Nghệ  của Hội Nhà văn Việt Nam). Có thể nói là Cầm Sơn mạnh về “kể” chuyện mà không mạnh về  “dựng” truyện, bởi vậy mà có những truyện  còn dài, còn thử thách lòng kiên trì của người đọc.
          Dù sao, đối với một người yêu mến văn chương, bước vào lĩnh vực này tương đối muộn màng, nhưng bằng nhiệt huyết, bằng tình yêu máu thịt đối với những người cùng làm lâm nghiệp, cùng sống trên mảnh đất rừng núi phía Bắc, tập truyện mới “Bùa ngải” cũng ghi nhận sự cố gắng và đóng góp mới của tác giả - một Hội viên Hội  Liên hiệp văn học nghệ thuật Phú Thọ, cũng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
                                                    Hà Nội, tháng 3 năm 2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét