Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Nhà khoa học phản biện nhà khoa học!

PGS TS La Khắc Hòa nói về Công nghệ Giáo dục của GS TS Hồ Ngọc Đại










 
TÔI CÓ HAI Ý MỌN VỀ CÔNG NGHỆ GIÁO DỤC (CNGD) CỦA GS HỒ NGỌC ĐẠI.
Ý THỨ NHẤT: CNGD của GS Đại dựa vào một mô hình khoa học quá cũ, đã bị vượt qua. Từ nửa đầu thế kỉ XX trở về trước, giáo dục thường dựa vào hai mô hình khoa học: mô hình xã hội học và mô hình sinh học. Dựa vào mô hình xã hội học, giáo dục xem cá nhân là thực thể xã hội, chủ trương đào tạo cá nhân thành con người văn hóa hiểu theo nghĩa rèn luyện để con người tự nhiên, con người bản năng thành những cá nhân tuân thủ các chuẩn mực, định chế được áp đặt từ bên ngoài. Người ta gọi đây là đường lối giáo dục theo tư tưởng "văn hóa hóa", "văn minh hóa" con người (Levi-Strauss: văn hóa là lấy hệ thống chế tài áp đặt lên con người tự nhiên). Dựa vào mô hình sinh học, giáo dục đề cao con người tự nhiên, chủ trương đào tạo con người thành những nhân cách tự do. Có thể gọi đây là quan điểm giáo dục theo tư tưởng "phản văn minh" (Anti-civilisation). CNGD của GS Đại dựa vào mô hình sinh học này.
Từ nửa sau thế kỉ XX, khi xác định bản chất của con người và HÌNH THỨC TỒN TẠI THỰC TẾ CỦA CÁ NHÂN để vạch ra tư tưởng giáo dục, ngoài Giáo sư Đại và nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, không ai dựa vào cặp phạm trù đối lập "tự nhiên - xã hội", "dã man - văn minh" như thế nữa. M.M. Bakhtin cho rằng, con người vừa là CÁ NHÂN TỰ TRỊ, nó lấy nó làm thước đo thế giới, vừa là con người xã hội, vì hình thức tồn tại thực tế của nó là TÔI - NGƯỜI KHÁC. Phát triển quan điểm "nhân vị" của Bakhtin, trên phạm vi toàn thế giới, người ta chủ trương giáo dục con người theo tư tưởng ĐỐI THOẠI.


Ý THỨ HAI: CNGD của GS Đại dựa vào nhiều giả định nhầm lẫn. Có hai nhầm lẫn ai cũng có thể nhận ra. Thứ nhất, ông hình dung học trò như những trang giấy trắng, những cái bình "rỗng nghĩa" có thể vẽ lên đó nhiều thứ, đổ vào đó nhiều nghĩa theo ý của nhà giáo dục. Nói cách khác, ông hình dung đối tượng của CNGD là những CHỦ THỂ PHI KÍ ỨC. Những ai có chút kiến thức về quá trình phát triển của con người, những ai từng đọc sách phân tâm học, sách về vô thức tập thể, sách "thai giáo", sách tâm lí học trẻ em, sách viết về lịch sử văn minh nhân loại đều có thể phản bác giả định nhầm lẫn nói trên. Thứ hai, ông giả định muốn dạy học sinh lớp 1 nói và viết phải dạy chúng phân biệt "âm" và"từ". Xin thưa, ngay từ khi đứa trẻ mới vài tháng tuổi, biết "hóng chuyện", trong lúc trò chuyện với nó, tập cho nó nói, người lớn đã dạy nó những bài học giao tiếp đầu tiên. Cho nên, muốn phát triển năng lực nói và viết cho học trò, cần dạy chúng CÁC THỂ LOẠI GIAO TIẾP LỜI NÓI. Tôi cho rằng phân biệt âm và từ là việc của nhà nghiên cứu chứ không phải là mục đích học tiếng Việt của những đứa trẻ có thể sau này làm bác sĩ thú y, hay kĩ sư nông nghiệp ( VN nhấn mạnh).
Hai ý tôi vừa nói ở trên thực ra chỉ là một: CNGD của GS Đại dựa trên những tư tưởng khoa học đã lỗi thời. Ước mơ đào tạo ra những con người tự do "không noi gương ai cả" của GS Đại đẹp đấy, nhưng cũng đầy ảo tưởng giống như ước mơ xây dựng một "THIÊN ĐƯỜNG MẶT ĐẤT" của chủ nghĩa cộng sản. Bởi vì luẩn quẩn trong cặp nhị nguyên "tự nhiên - xã hội", "dã man - văn hóa", GS Đại biến hệ thống CNGD thành HỆ THỐNG CHẾ TÀI áp đặt lên cả thày, lẫn trò, biến giáo viên và học sinh thành những cỗ máy hoạt động theo những gì đã được ông "lập trình" sẵn.

1 nhận xét:

  1. Ông La nói ý mọn, nhưng rất quan trọng. Tôi cho rằng việc ông Đại cho trẻ con phân biệt nguyên âm đôi, rồi học khái niệm toán học cao cấp...là vừa thừa, vừa lãng phí! Chỉ cần thiết cho các nhà ngôn ngữ học, toán học tương lai ( số lượng vô cùng ít), và chuyện ấy, vào đại học học cũng chưa muộn! Tôi cop lại bài của ông về Blog của mình để mọi người đọc và suy ngẫm!

    Trả lờiXóa