Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2020

CÓ MỘT TRƯỞNG THÔN tên PHÒM





CÓ MỘT TRƯỞNG THÔN tên PHÒM
 La Han - Chuyện của Phòm ( tập 1 và 2), Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2017, 2018
                      Vũ Nho
Trong văn học  dân gian của ta, các ông Cai, ông Trùm, ông Lí, ông Quan, thậm chí cả Vua đã  in bóng hình khá đậm. Trong văn học viết Việt Nam hiện đại, cũng đã có những nhân vật nghị sĩ như nghị Quế, nghị Hách, ông huyện như huyện Hinh. Từ sau khi Cách mạng thành công, các nhân vật hay được nhà văn để ý xây dựng là Chủ nhiệm Hợp tác xã, Xã đội trưởng, Chủ tịch xã rồi Chủ tịch huyện, Chủ tịch tỉnh.
Riêng  nhân vật “trưởng thôn”, một chức vụ dân bầu mới xuất hiện chưa lâu, nhưng người đọc có thể gặp hai vị trưởng thôn trên mạng. Một  là trưởng thôn của Mục ( Do nhà văn Bùi Thanh Minh dựng lên)  và một anh trưởng thôn  tên Phòm của  nhà văn Đỗ Hàn,  với bút danh  LaHan. Cả hai vị trưởng thôn này đều có một đặc điểm là hay văng tục. Trưởng thôn của Mục thì chỉ văng duy nhất hai từ “Đ. mẹ”. Còn trưởng thôn tên Phòm thì văng tục đa dạng hơn.  Khi thì “ Đ.  mẹ, chỗ thiêng này mà cũng có thằng gặm, đ. ra thể thống  gì nữa”, khi thì “ Đại học là được cái con củ kiệc gì đâu!”, khi khác “ Ơ, tiền tao làm ra, tao xây, cắc cớ đ. tới thằng nào”, khi khác “ À, về cân đong đo đếm các số đo chứ gì. Lo đét gì”. Khi khác nữa “ Phòm em - vai ông chúng nó chứ có phải là đống cứt thối đâu!”. Rồi khi khác nữa “ Thế thì “ Nông thôn mới” cái con củ kẹc ấy”. Lại khi khác nữa “ Biết thế này tao éo làm cái nhà ấy cho xong! Giờ biết xây sửa vào đâu đây???”. Vâng, văng tục là một điều kiêng kị, nên tránh. Nhưng bình tĩnh mà xét, văng tục đúng lúc, đúng chỗ…cũng là một nghệ thuật chứ không đơn giản đâu. Ngày trước các vị Hồ Xuân Hương, Cao Bá Quát, Tú Xương,…cũng từng văng tục trong câu đối, trong thơ đó thôi,
Bây giờ xin quay trở lại vị trưởng thôn Phòm trên mạng và vừa mới đây xuất hiện trong hai tập sách giấy “ Chuyện của Phòm” của LaHan, do  Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017 ( tập 1) và 2018 ( tập 2).
Nếu các nhà văn xây dựng nhân vật của mình bằng cách dựng lên nhân vật trong truyện ngắn, truyện vừa hoặc trong tiểu thuyết, thì nhà văn Đỗ Hàn ( LaHan) lại xây dựng nhân vật bằng cách kể một chuỗi truyện ngắn mi ni liên quan đến nhân vật. Hai tập gồm 72 truyện  đều liên quan đến trưởng thôn Phòm, đến cái thôn Cửa Ao, đến vợ và con cái của Phòm, đến các  đại diện  chi bộ, thanh niên phụ nữ, mặt trận của thôn.

                                                           Vũ Nho

Nếu chỉ là chuyện riêng tư của nhà Phòm thì chưa chắc người đọc đã quan tâm nhiều  tới tác phẩm này. Chuyện là chuyện của  nhà, lại là chuyện của thôn, mà chuyện thôn thì lại liên quan đến chuyện làng, chuyện nước, chuyện quốc gia đại sự. Tất cả những sự kiện của đời sống hàng ngày, qua các phương tiện truyền thông thời bốn chấm không đều đến thôn của Phòm, được bàn tán, được thắc mắc, được yêu cầu giải quyết. Phòm là nhân vật tham gia vào tất cả các sự kiện của thôn. Như tác giả giới thiệu “ Làm trưởng thôn là hứng trăm thứ bà rằn của công việc từ trên dội về; lại lãnh đủ các sự xét nét, chăm chút của dân làng. Dễ mà khó lắm thay”.  Làm thế nào mà Phòm được dân tín nhiệm liên tiếp bầu là Trưởng thôn? Nhà văn hé lộ: “ Chỉ với lối suy nghĩ vừa củ chuối, vừa hiện đại, lối ứng xử vừa ngang tàng, vừa chân chất của anh ta ( Phòm) mà mọi việc cứ nhẹ như tên bay, đạn lướt!”. Phòm là người như thế đấy. Và chuyện của Phòm hứa hẹn nhiều điều thú vị.
Người ta thích đọc “chuyện của Phòm” là vì họ muốn được trao đổi, sẻ chia về những chuyện luôn luôn ảnh hưởng đến đất nước, đến cuộc sống của mỗi nhà. Họ muốn xem cách giải quyết của ông trưởng thôn “vừa củ chuối, vừa hiện đại” như thế nào. Hầu như các chuyện “nóng” trong đời sống đều được nhắc đến. Chuyện bỏ sổ hộ khẩu, chuyện thi hoa hậu Đại Dương, chuyện đòi nợ “Nông thôn mới”, chuyện biệt phủ, chuyện Sê-ghêm ( Seagame) của bóng đá nữ, chuyện thuế nhà ở, rồi Oăn cúp (Wold cup), chuyện kỉ lục Ghi nét, chuyện các tướng “nhập kho”, chuyện thi cử Hà Giang, chuyện đặc ( biệt) khu cho thuê 100 năm, chuyện quy hoạch Thủ Thiêm, chuyện đón đội tuyển bóng đá U 23 về nước, chuyện tượng 12 con giáp, công nghệ 4.0,…
Ở mức thấp hơn là việc giáo dục, việc  chọn nghề, việc làm sáng kiến kinh nghiệm, việc viết sử làng, trùng tu di tích, thi lái xe, lập hội  “ bạn học cấp 3”, tham gia làm “hội thẩm nhân dân”, giúp con gái ôn thi,…
Tất cả những việc ấy, anh Phòm đều có quan niệm riêng, có cách ứng xử riêng. Có lúc rất củ chuối, có lúc lại rất mạch lạc, rõ ràng, bởi vì cái chính là cái tâm của Phòm sáng, Phòm chỉ làm lợi cho mình, cho làng mình cho con cháu mình. Chính cái sự  “củ chuối” lại làm cho mọi người gật gù và bật cười.
Ví dụ về chuyện bằng cấp, Phòm truy vấn cháu gái một hồi rồi phán xanh rờn : “Việc vẫn chỉ có thế,! Chữ vẫn chỉ có thế. Mà đua nhau bằng với cấp! Thối!” ( Phòm chọn nghề cho con, trang 15).
Ví dụ về việc  đào tạo giáo viên, Phòm  nghĩ “Điểm thấp thì sau này ra trường dạy học sinh dốt, học sinh ít tiền, con dân đen. Loại điểm vừa vừa thì học trường vừa vừa rồi ra dạy học sinh vừa vừa, giai cấp trung trung. Điểm cao học giỏi, ra trường dạy học sinh giỏi, học sinh con giai cấp giàu giàu. Thế chả đẹp làm sao???”
Hai nữa cũng phải giải quyết công ăn việc làm cho bao nhiêu giáo sư, tiến sĩ, phó giáo sư ở bao nhiêu khoa bao nhiêu trường đại học đang thiếu học trò chứ!” ( Phòm bàn về giáo dục, trang 114, tập 1).
Chuyện biệt phủ, Phòm thấy chỉ phạt nhẹ là đủ “ Bởi phạt nặng quá, các anh ấy lại vù ra nước ngoài như cái anh gì làm Phó chủ tịch tỉnh gì trong Nam ấy. Rồi lại khổ nhà, khổ nước đi tìm về, lại đầu người đầu thú. Rách việc!
Hai nữa phòng ngừa các anh khác cũng tầm chức ấy. Cũng tài rứa rứa. Cũng đức ngang ngang. Cũng nhà giông giống…lo quá  phi tất ra nước ngoài. Còn ai làm việc cho quê hương, đất nước? Đất nước đang thiếu người tài!!!
Chưa kể, ép quá, cùng đường”. ( Chao ôi – Biệt phủ, trang 62, tập 1)
Chuyện trẻ con học khó, đọc méo cả mồm, Phòm phản đối giáo sư “ Chờ các bác thì đến  tết Công-gô à? Tốt nhất là éo học các bác nữa, em cho các cháu về nhà học mấy bà nạ dòng thôi!” ( Làng Phòm dập dịch, trang 48, tập 2).
Nhưng không phải lúc nào Phòm cũng “củ chuối”. Phòm tỏ ra sáng suốt trong  rất nhiều trường hợp.
Nói chuyện sổ đỏ, đất đai với vợ, Phòm tự hào là cán bộ “to nhất nhà” khi nhấn mạnh “Anh nào mà làm nhà thừa đất, thừa diện tích nhà ở là nộp thuế. Thuế cao vào, thuế mạnh vào, cho chết bọn biệt phủ, cho chết bọn tham lam, nhũng nhiễu, cướp đất của dân đi…” ( Phòm chôn sổ đỏ, trang 22, tập 1).
Từ chối làm “Hội thẩm nhân dân”, Phòm nói thẳng : “ – Lại còn chuyện nghị án nữa. Chúng tao bàn thảo kéo gì đâu. Có hiểu luật hiểu lệ đâu mà bàn…Nên hầu như vụ nào Thẩm phán cũng quyết theo cáo buộc của Viện kiểm sát cả. Thành ra…lĩnh mấy đồng của Nhà nước đâm…ngượng!” ( Phòm làm Hội thẩm nhân dân).
Chạy chọt, nộp ngu phí có được cái bằng lái xe mất gần 20 triệu, nhưng Phòm kiên quyết không lái. Và nói rất đúng:
“- Bà muốn tôi ngồi tù à! Tôi có hiểu gì và có nhớ tí gì về luật giao thông đâu! Lái bừa, đâm chết người thì làm sao?” ( Phòm học lái xe, trang 103, tập 2).
Có lúc củ chuối, có lúc lại thông minh, sáng suốt. Mọi việc lớn bé, to nhỏ, phức tạp dễ va chạm hay nhạy cảm, Phòm đều có cách giải quyết. Và nhìn chung là giải quyết ngon ơ, hợp với lòng dân trong thôn, và cũng hợp với lòng người hàng huyện, hàng tỉnh, và rộng ra là cả nước.
     Tác giả coi những  truyện ngắn mi ni, những câu chuyện của Phòm là
“Truyện ngắn – hài hiện đại”. Quả thực là mỗi chuyện, dù ít dù nhiều, tùy cảm nhận của người đọc mà có thể cười nụ, cười mỉm, cười phá,  hay cười bò ra. Yếu tố gây cười là yếu tố quan trọng, không thể thiếu được trong truyện ngắn hài, hay nói kiểu chữ nghĩa là “truyện tiếu lâm” hiện đại.
Biện pháp gây cười của tác giả có những gì nổi bật?
-                 Trước hết là một số tình huống truyện được giải quyết theo cái “lí” của Phòm, có cái đúng, có cái sai, có cái có vẻ logic, nhưng nhiều cái phi logic. Những dẫn chứng đã nêu ở trên là các ví dụ điển hình khiến người đọc buồn cười.
-                 Thứ hai là chuyện phóng đại, nói quá.  Phòm kiên quyết không đi Bệnh viện chỉ vì “Muốn chết không được chết”, các thầy thuốc  tận tâm cứu chữa không phải vì người bệnh, mà là vì cái “phong bì” ( Phòm nằm viện).  Viết sử làng, Phòm lập một ban viết sử làng do mình làm Phó ban thường trực cùng với 12 phó ban gồm 6 ông và 6 bà giáo về hưu, với 14 trưởng dòng họ làm ủy viên, rồi mời thêm đại diện ban ngành lên đến 45 người. Con số đẹp! ( Phòm viết sử làng). Vợ Phòm tiết kiệm đến mức theo dõi khách vào nhà Vệ sinh, hỏi khách đái xong chưa rồi nói “Bác đái xong đừng giật nước, cứ để đấy cho em. Ông trưởng ban Mặt trận vừa bước ra, mụ lao ngay vào WC, gí nút xả có số 3 lít. Thì ra mụ sợ ông khách gí nút 6 lít nước, phí phạm!” ( Phòm làm nhà mới).Trẻ con méo mồm, bố mẹ méo mồm, cả làng mắc dịch vì  “đánh vần chữ khó” ( Làng Phòm dập dịch). Các cô giáo mầm non trường của con gái Phòm học quỳ thế nào để “quỳ đấy mà không để mất danh dự” ( Lớp học quỳ ở nhà Phòm).  Lịch sử một nhân vật sống qua ba chế độ, theo ông là chế độ phong kiến đế quốc, chế độ Hợp tác xã và chế độ bác Phòm ( Lương hưu của cụ Tũn). Rồi Phòm đi dự “Hội nghị  các nhân vật tiêu biểu có tác động đa chiều ở cộng đồng dân cư” ( Phòm dự hội nghị quốc tế).
-                     Thứ ba là các tình huống mâu thuẫn, tréo ngoe. Phòm không biết luật lại ngồi ghế Hội thẩm nhân dân,  Phòm  “đã là đảng viên đếch đâu” mà Bí thư chi bộ lại gọi là đồng chí. Rồi Phòm làm  nhà, cũng phải báo cáo chi bộ, phải “kê khai thu nhập”. Rồi chuyện đặt tên đường, nghe cụ Tén nói có lí, nhưng Phòm lại thấy không ổn vì  không thể “đặt tên đường La Văn Cầu là đường Lựu Đạn, đường Bế Văn Đàn là đường Giá Súng, đường Phan Đình Giót là đường Lỗ Châu Mai,…”.  Chuyến xe thanh liêm” đi chúc sinh nhật Bí thư huyện, mà biếu “yến gạo thơm ngon và chiếc phong bì”. Chiếc phong bì phải nặng thế nào thì tiền xe, tiền ăn được thanh toán, lại còn mỗi người một túi quà của huyện nữa,… Rồi hai nhà đánh nhau, người bị hại phải nhập viện, người nhà hung thủ cũng “ lao vào đòi trông nom” với cái lí: “Tao không trông chừng, mày giết bố mày rồi đổ cho nhà tao thì tao tù mục xương à?
-                      Một số trường hợp tiếng cười bật ra từ kiểu giải quyết  độc đáo của nhân vật. Ví dụ : Giảng viên khuyên : - Thường có hai cái bẫy: Tiền và gái. Các anh phải tránh xa hai thứ đó ra! Phòm lại bảo : “Em là em đưa thẳng chân vào bẫy cho nó sập!”. Lí do Phòm làm thế : “ Đấy cũng là khổ nhục kế mà thầy. Em không chịu khổ về cái thân xác mà em chịu khổ về cái danh dự. Cũng thế cả thôi!”.  Trên bảo coi  chừng âm mưu “viên đạn bọc đường” thì có cậu binh nhất bảo “ Em chẳng sợ! Em ngậm viên đạn vào mồm, em mút hết đường rồi nhè viên đạn ra!”. Mọi người lo chuyện cho thuê đất rồi nước ngoài nó chiếm mất nước mình, Phòm chẳng lo, giải thích cho các cụ :  Ối  các cụ cứ lo bò trắng răng… Ở châu Nam Cực, ở châu Phi có nhiều nước cũng đã lập biệt khu, nghe đâu còn cho thuê đất 999 năm, ta đưa dân ta sang đó. Rồi đây dân Việt ta sẽ thành nhiều nước Việt ở khắp nơi trên thế giới”.  Để cô cháu phải tự viết luận văn, Phòm đề nghị nhà trường cấm viết. Thế là  cô cháu hì hục viết. Cái lí do là “Mày không thấy dân mình cứ cấm cái gì thì họ làm cái ấy! Chỗ cấm đái thì họ đái! Chỗ cấm họp chợ thì họ họp chợ, cấm đổ rác thì họ đổ càng nhiều…Con Phím cũng thế thôi, nếu cấm viết mặc quần của trẻ  con vùng núi thì nó còn cái gì mà viết nữa hả con?!”. Giải thích việc  thầy giáo đánh học trò, cô giáo cấm khẩu, cô giáo giẻ lau, Phòm bảo : “Đấy đấy, các thầy cô ấy là những người đi trước thời đại! Họ chuẩn bị cho học sinh quen với ro bốt dạy học sau này đấy!”
-                      Ngôn ngữ nhân vật  Phòm và của các nhân vật liên quan là khẩu ngữ, là lời ăn tiếng nói dân gian. Những từ có tính phương ngữ, chẳng hạn tên nhân vật vốn là những cái tên thật xấu hoặc không có nghĩa “ để quan ôn không bắt” như Phêm, Phòm, Phộm, Phênh, Phền, Tén,  Tũn, Mít, Sèng,… Các câu nói cửa miệng  đậm chất quê kiểng : nối giáo cho giặc;  Khổ thế đấy, tớ đếch chịu được sướng!;  Ông không phải dạy thầy chùa gõ mõ;  Thế là thành dịch bệnh mẹ nó rồi!; Vẫn là cấp một chứ là cái đếch gì!; - Cậu ngu bỏ mẹ. Thì mình đừng nói thi hoa hậu, mà là thi hoa khôi, thi người đẹp… Thiếu đếch gì tên!; Phòm đờ mặt ra nghe; Phòm vặc lại…
Thi thoảng  đây đó lại chen vào những câu có vần vè kiểu: “Lên Yên Bái đi đái cũng run”, “ Đã nặng việc làng lại quàng việc nước”; “ Người ơi xin hãy yêu người/ Để tình yêu lại nảy nòi tình yêu”. “Một giọt mủ vàng hơn  hơn gang nước cống”;  Chim khôn khôn cả cái lông. Khôn đến đáy lồng, người xách cũng khôn”.  Ngao ngán đầy mũi cay cay/ Thất vọng đầy tai, ong ong”; “ Ông đây già tóc già râu. Còn những chỗ khác còn lâu mới già” , “ Ngó lên quốc lộ số ba. Thế nào cũng có xe ra xe vào”…
Nhìn chung tác giả tiếp thu các biện pháp gây cười trong tiếu lâm, trong các truyện trạng, truyện hài hước và vận dụng khá nhuần nhuyễn.
 Hai tập “ Chuyện của Phòm” đánh dấu mối quan hệ giữa văn học mạng và văn học in trên giấy. Tác giả đã tạo dựng một nhân vật đặc biệt bằng chuỗi truyện ngắn hài liên hoàn, tăng cường chất hài cho nền văn học vốn khá nghiêm trang. Cái cười là vũ khí của kẻ mạnh. Truyện hài cùng với thơ hài, thơ trào phúng là vũ khí  chúng ta chống lại cái ác, cái xấu, cái lập dị để cuộc đời đẹp hơn,  đáng yêu, đáng sống hơn./.
                                             Hà Nội, tháng 10/2019




2 nhận xét:

  1. Truyện cũng thú vị đấy, thưa nhà phê bình! Cũng muốn mua để đọc,nhưng buồn nỗi nhà giáo thời bao cấp về hưu, 2 vợ chồng ăn chung một xuất lương ''mỏng'', nên giờ đây chỉ trông chờ vào ''mạng''. Mong tác giả thông cảm...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không sao! Bạn đọc mạng được là tốt rồi! Bây giờ báo mạng, sách điện tử đang cạnh tranh với báo giấy, sách giấy!
      Chúc bạn có những niềm vui khi lướt mạng!

      Xóa