Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2020

CÓ PHẢI NGUYỄN DU NHẦM KHÔNG?



CÓ PHẢI NGUYỄN DU NHẦM KHÔNG?
                                       Vương Trọng
Trong bài “Phác thảo phương hướng biên khảo Truyện Kiều…” của TS Nguyễn Tuấn Cường, có đoạn như sau : “ Câu số 1920, các bản Nôm và Quốc ngữ đều thống nhất ghi là “ Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia”, vậy có thể tin rằng câu này là của Nguyễn Du, không có dị bản. Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhận xét rằng: “ Khi sáng tác Truyện Kiều, kiến thức Phật giáo của Cụ còn chưa sâu sắc lắm. Điều đó thể hiện một vài nơi…Cụ Nguyễn Du cũng không biết xuất gia thì phải thọ mười giới chứ không phải năm giới”… Chúng ta cần thừa nhận (ông) đã nhận xét đúng về cái sai trong ý “ tam quy ngũ giới”. “Ngũ giới” là “tại gia giới”, dành cho người tu tại gia, chứ không phải “ xuất gia giới” dành cho người tu chùa…không có chuyện “xuất gia” mà lại “ngũ giới” như lời của Nguyễn Du…”.
Như vậy, theo Thiền sư Thích Nhất Hạnh và TS Nguyễn Tuấn Cường thì cụ Nguyễn Du đã nhầm trong trường hợp này. Ý kiến của tôi hơi khác, muốn được trao đổi với quý vị.
Trước khi đưa Thuý Kiều ra ở chùa, Hoạn Thư bàn với Thúc Sinh:
Sẵn Quan Âm các vườn ta
Có cây trăm thước, có hoa bốn mùa
Có cổ thụ, có sơn hồ
Cho nàng ra đó giữ chùa, chép kinh.
Như vậy, ngôi chùa ở đây có tên là Quan Âm các, là cái gác thờ Quan Âm, được gia đình thúc Sinh cho xây trong vườn nhà mình để phục vụ cho việc “tu tại gia” của người trong gia đình. Tuy gọi là chùa, nhưng chắc chắn không phải là ngôi chùa đúng nghĩa của nó, vì thiếu điều cốt lõi là không có vị sư nào trụ trì, và không phải là nơi để cho bất cứ phật tử nào, trừ người nhà, đến cầu kinh niệm Phật. Thông thường tu tại gia thì người ta không cần chùa, nhưng với gia đình Thúc Sinh, do kinh tế khá giả, có điều kiện nên người ta xây dựng cái gác Quan Âm trong vườn, gọi là chùa thế thôi. Chuyện đó đã có từ lâu trong gia đình Thúc Sinh, còn những ai trong gia đình này đã tu tại gia thì chúng ta không biết được, vì trong tác phẩm không nói đến.

                                                                                      Vương Trọng







Thuý Kiều vốn không phải là một Phật tử, xa lạ với chuyện tu hành, nhưng do hoàn cảnh éo le như ta đã biết, nay muốn “nương nhờ cửa không” và được Hoạn Thư “chiều lòng” cho ra “Quan Âm Các” làm hai nhiệm vụ giữ chùa và chép kinh. Mặc dù không thông thạo về đạo Phật, nhưng tôi tin rằng, bất cứ một người nào đã đi tu ở một ngôi chùa chính thức, thì không những ở hẳn trong chùa mà hàng ngày phải làm việc, học tập theo sự sai bảo và quản lý của sư thầy chùa ấy, chứ đâu chỉ làm duy nhất có hai việc “giữ chùa, chép kinh” theo sự sai bảo của người nhà? Mặc dù khi sang ở Quan Âm Các, Thuý Kiều có pháp danh là Trạc Tuyền, có mặc áo cà sa, nhưng chỉ vậy đâu đã đủ điều kiện cho người tu chính thức ở chùa? Quan Âm Các là nơi xây lên để phục vụ những người tụ tại gia, thì khi vào ở nơi này, Thuý Kiều cũng thực thi như một người tu tại gia. Trước khi sang ở Quan Âm các, gia đình Thúc Sinh phải làm “thủ tục” “Tam quy ngũ giới” cho nàng, điều mà người nhà của Thúc Sinh đã làm cho mình trước khi thực hiện tu tại gia, chỉ khác là với người nhà thì sau khi làm thủ tục “tam quy, ngũ giới”, mọi người vẫn ở trong nhà như cũ, nhưng Thuý Kiều thì sang ở trong chùa. “Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia”. Điều dẫn đến sự hiểu lầm chính là hai chữ “xuất gia” ở trong câu thơ này. Vì hai chữ xuất gia này, mà người ta liên tưởng đến “xuất gia giới”nghĩa là từ đó về sau, Thuý Kiều tu (chính thức)tại chùa chứ không phải “tu tại gia” được. Theo tôi, hai chữ “xuất gia” ở đây không mang theo nghĩa ấy, mà bao hàm ý nghĩa: Thuý Kiều không ở trong nhà Thúc Sinh nữa mà sang ở Quan Âm Các.
Tóm lại, khi sang ở Quan Âm Các, Thuý Kiều vẫn là người tu tại gia chứ không phải là người “tu ở chùa” theo đúng nghĩa của nó. Bởi vậy câu thơ “Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia” ở đây là chính xác, nghĩa là Nguyễn Du không nhầm.
Mặc dù là người hết sức yêu mến Truyện Kiều và phục tài cụ Nguyễn Du, nhưng tôi không phải là người tuyệt đối hoá Truyện Kiều và không quan niệm rằng cụ Nguyễn Du luôn luôn đúng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi tin Nguyễn Du không nhầm một phần vì lập luận như trên, một phần vì vấn đề khá đơn giản chứ không phải sâu xa của đạo Phật, chuyện mà bất cứ người đi tu nào cũng biết từ ngày đầu tiên thì chẳng lẽ người viết về tu hành không biết hay sao?

2013
Vương Trọng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét