Thứ Năm, 29 tháng 9, 2022

AO TRÈM – MỘT MẢNH HỒN THỤY PHƯƠNG

 AO TRÈM – MỘT MẢNH HỒN THỤY PHƯƠNG

(Tản văn – sưu tầm)

ĐƯỜNG VĂN

 duong_van

  1. TẢN VĂN

         

          Cũng như hầu hết các làng quê Việt khác, làng Trèm –  xã Thụy Phương thân yêu của tôi từ xưa xa đã có cơ man là ao. Nhưng sau hơn nửa thế kỷ, từ hòa bình lập lại đến nay, trong quá trình đô thị hóa ngày càng quyết liệt, dữ dội, số ao làng bị san lấp gần hết. Chỉ còn lại ½ ao Sen – cái ao lớn nhất làng, bát ngát như hồ, đầm thoang thoảng gió đồng rời rợi mỗi trưa hè tôi đi học về qua. Từ  trường Vẽ, ngược dốc Ô Tô (Bến Ngự), rẽ xuống hết dốc đường cái Dinh vào xóm Tắt Sen (thôn Hồng Ngự ngày nay), đã thấy trong người thơ thới, khoan khoái lạ. Thì ra gió mát từ mặt ao rờn rờn lên mang theo cả mùi hơi nước, mùi bùn ruộng, mùi hoa sen lụi thơm thơm, ngai ngái. Chuyện các cụ làng Trèm quê tôi lên lão (55 tuổi) được chia phần cá chép (hoặc trắm) ao Sen hằng năm là một vinh dự và quyền lợi đáng tự hào, tôi cũng chỉ được nghe ông tôi, bố tôi kể lại…đã lâu lắm rồi! Hiện Ao Sen đang được kè bờ bằng đá hộc. Ôtô ben đổ đất, đá trườn, vươn ra tận giữa cái ao cạn nước, trơ đáy. Hình ao còn lại như cái vỏ lạc mở ngửa, như con số 8 khổng lồ chênh vênh  giữa trời… Không biết bao giờ công trình cải tạo ao làng này mới hoàn thành? Và khi đó Ao Sen thời đổi mới sẽ ra sao?!  

          Ao Đình nằm ở trung tâm thôn Đình nay (xóm Dốc Bạc xưa) vốn rất sâu. Cầu ao xây gạch hàng chục bậc. Bờ góc phía đông là cây bàng cổ thụ tỏa bóng. Cả dải bờ phía tây nam giáp với Đình Trong (đã bị phá dỡ từ hồi sau CCRĐ, hiện nay là khuôn viên trường mầm non TP). Ao Đình mấy năm gần đây đã được nạo vét, cạp bờ vuông vức. Đây là một trong số rất ít ao làng may mắn không những không bị xâm hại mà còn được giữ nguyên và tôn tạo để làm nơi vui chơi giải trí với những trò vui bắt vịt, đi cầu, hát quan họ hằng năm vào ngày hội làng (14 – 15 - 16 – 5 âm lịch). Nhưng dù có cải tạo đến đâu thì ao vẫn không thoát khỏi cảnh tù hãm, nước xanh đục vẩn vì 4 bên đều không có đường thoát, lại là nơi hứng toàn bộ nước thải đổ vào từ hệ thống cống rãnh từ đê đổ xuống. Chiều chiều mùa hè, vẫn còn thấy cảnh mấy ông già nhàn tản bắc ghế hóng mát bên bờ ao, vài chú choai choai quăng cần giật cá vun vút hàng giờ mà chẳng được con cá nhép nào. Và cứ đến chiều 14 hoặc 15, 16 (tùy từng năm) tháng năm thì ao Đình cũng là một trong những điểm vui chơi cuốn hút được khá đông khách xem vây kín chung quanh bờ. Đầu mùa hạ năm nay (2012), dân Trèm sung sướng được chứng kiến cảnh Ao Đình được xây quanh kín  tường hoa lửng, quét vôi vàng rực. Ao như sâu thêm, bề thế thêm, xứng đáng là ao cảnh duy nhất hiện tại của làng.

          Ao Chùa là cái ao thứ ba của làng còn sót lại sau những cuộc biến thiên hơn nửa thế kỷ nhưng cũng trở thành ao tù nước đọng và mỗi ngày qua, tháng qua, năm qua cứ một hẹp, nông dần vì rác, bùn ứ đọng. Lại đã có ý kiến mạnh bạo hay nông nổi, rằng nên lấp đi để xây nhà văn hóa thôn!? May cả cuộc họp thôn ĐĐ gần đây chẳng ai tán thành đề nghị kì quái, thiển cận đó!

          Còn mấy chục cái ao khác, rộng có, vừa có, hẹp có… đều đã biến thành đất bằng, nền nhà, vườn riêng cả rồi. Ao con của gia đình tôi bị lấp dần nay trở thành nền, sân nhà chú em. Ao Đông Chi rộng thoáng bên cạnh  từ lâu đã trở thành nền nhà chú N, bà B. Ao Đấu xóm NĐ, ao Đấu xóm ĐĐ, một số ao mang tên gia chủ nó như ao bà C, ông T, cụ NĐ, cụ GC, ao ông H, ao con ông H, ao lớn cụ B thông với ao Chùa, ao Đấu, rồi ao Binh xóm Đông Quan, ao cụ PV, ao ông K, ao ông CH… thảy đều bị/được nâng nổi dần lên bằng mặt đất rồi… biến mất không còn chút dấu vết…

          Nhớ những buổi trưa hè nắng gắt, tôi cùng mấy đứa bạn thò cần câu cá trộm ở ao cụ B. Giữa cái nắng chang chang, mồ hôi tháo ròng ròng vẫn đăm đắm nhìn chiếc phao ngô đang nằm ngang trên mặt nước bỗng chìm nghỉm. Giật vội cần, tung lên khỏi mặt nước chú chép vàng suộm. Mừng húm! vội gỡ lưỡi câu, ôm cá vào bụng, mải miết chạy biến trong ngõ vắng. Vừa mừng lại  vừa sợ bị cụ B phát hiện. Cái cảm giác hoồi hộp, vã mồ hôi bụng ấy dường như còn nguyên đến tận bây giờ!

          Mỗi lần nhớ lại việc làm lễ bắc cầu cho cụ K (chết đuối ở ao Chùa) vẫn khiến tôi rùng mình. Từ giữa ao, người ta cắm những chiếc cọc tre nhô lên khỏi mặt nước chừng vài cm, buộc vào đó một đầu tấm vải trắng dài kéo đến bờ, đến cầu ao xây gạch, căng lên tới tận đường ngõ vào chùa. Cụ thầy cúng Thống B khăn xếp, áo the lượt bượt ngồi xếp bằng trên chiếc chiếu hoa trải giữa đường ngay sát bậc cầu ao, tay mõ, tay lần giở cuốn sách cúng chằng chịt chữ Hán, chữ Nôm (?) lẩm nhẩm khấn vái, gọi hồn. Tiếng rầm rì quyện trong mùi hương ngào ngạt giữa chiều nắng nhạt. Đằng sau là những khuôn mặt ủ ê, buồn thảm, mệt mỏi của đám con cháu người bạc mệnh.

          Không ít trưa hè oi nắng, lũ trẻ con xóm Đại Đồng chúng tôi vẫn thường thích cắp cuộn dây nan, trèo chót vót lên ngọn cây bàng cổ thụ mọc sát bờ ao, lựa  một chỗ ngồi chắc chắn, êm ái giữa tàn bàng râm mát, thi nhau đan nan và chuyện hễu. Dải dây nan dài dần, dài dần xuống tận gần sát mép nước rồi lại vòng lên đủ một vòng như con rắn trắng lông lá lởm chởm, lùa thùa, kỳ dị, thì cũng đã đến giờ phải về dắt bò đi chăn thả ngoài đồng.

          Từ trên cao nhìn xuống phía xa xa, chúng tôi thường hay thấy cụ Đ đang rung rung ngọn cần nhử (dử) ếch. Cặp mắt già nheo nheo, long lanh tinh quái, chòm râu lốm đốm, lưa thưa, dưới chiếc mũ nan bạc phếch rộng vành, nhịp theo tay phải nắm phía trước, tay trái quành phía sau lưng, chiếc cần câu ếch – cá chuối như cứ run rẩy khe khẽ, khi nhịp nhịp lên lên xuống xuống trên bụi rứa dại, khi quăng vút ra gần giữa ao bèo cái, rồi giật giật, đều đều, nhè nhẹ, lần lần thu vào gần.  Giữa nắng trưa, không nhìn thấy sợi dây cước trong, chỉ thấy con nhái mồi đang nhảy nhảy trên mặt bèo nhốp nhô, nhốp nhô y như nhái sống. Oặp! Một chú ếch xanh vàng béo nẫn từ đâu nhảy theo, há to miệng nuốt gọn con nhái. Thì… vút! Chú chàng ếch cụ (hay cá sộp (chuối) háu ăn đã bị quăng bổng giữa không trung hướng vào bờ và chỉ chưa đầy một giây sau đã bị bàn tay sù sì, mốc thếch của lão ngư làng Trèm tóm gọn trong tiếng cười ha hả hài lòng: - Chiều nay ta lại có bữa nhắm khoái khẩu rồi đây! Cũng không ít buổi trưa chúng tôi cười reo thích thú vì được chứng kiến cảnh cụ Đ khỏa trần, tồng ngỗng chạy huỳnh huỵch từ trong nhà ra, đầu đội chiếc rổ đại đan bằng nan tre ngâm nâu bóng, huỳnh huỵch nhảy xuống bậc cầu ao Đông Chi rồi lội đứng, ùa ra ngoài, vòng vòng chung quanh xúc cua, ốc, cá con… Mỗi lần bèo đầy, cụ lại từ từ vớt ra. Nâng cao rổ lên khỏi mặt nước: lần thì vài con cua, lần dăm con ốc, vài con, tép mại. Có lần thấy cả chú rắn nước nhỏ lội loằng ngoằng nơi đáy rổ… và không ít lần, chỉ có… rổ không. Cụ lại vục xuống, cần mẫn làm mẻ tiếp. Mấy sợi râu thưa lấm tấm rễ bèo ướt rượt.

          Khoảng năm 9 – 10 tuổi, tôi đã được thằng BT con nhà TB láng giềng dạy tập bơi ở ao này. Mới đầu tập bằng cách ôm đoạn cây chuối, chân đập ùm ùm, vùng vẫy từ cầu ao dần dần ra xa. Ngày một ngày hai quen hơn, bắt đầu bỏ chuối bơi vào bờ: 1 m, 2 m, 3 m…5m… Cũng không ít lần uống no nước ao thum thủm mà chẳng hề thấy tanh thối! Chỉ thấy cái thú sướng của đứa trẻ đã xuống nước sâu mà không chìm. Một mình bơi qua ao ông CH, ao ĐC rồi ao cụ B, bơi chó, bơi sải rồi bơi ếch, bơi ngửa, bơi đứng, bơi úp mặt…tập lần lượt đủ kiểu…với tôi là những bước tập dượt cần thiết để tự mình dám ra tắm, bơi lội ở ngoài mương máng, để nhảy cầu bê tông và cao hơn nữa là ra tắm bơi  ở sông Đào – sông Nhuệ, sông Cái – sông Hồng.

          Sau này, đến thời các con trai của tôi cũng còn dăm năm được hưởng những thú vui, trò chơi tuổi thơ đặc biệt ấn tượng, lý thú gắn liền với dãy ao làng. Chúng trốn mẹ đang trưa đi rình bắt chuồn chuồn bên những bụi ruối, bụi rứa dại bờ ao, câu cá trộm, trẩy nhãn, mít trộm… Đe, mắng mãi không chừa! Có lần bị chủ nhà mắng chửi, đuổi bắt, làm đau đầu người lớn. Nhưng nghĩ cho cùng, đó là những trò chơi nghịch tinh quái của trẻ mỏ làng quê, thời nào chẳng thế, làng nào chẳng vậy! Lớn lên rồi tự chán, tự bỏ, tự hết. Và khi trưởng thành, khi có tuổi, khi mãn chiều xế bóng thì lại thành kỷ niệm tuổi thơ đeo bám suốt đời. Có khi những trận đòn tóe máu đít, kinh người, theo tháng năm, tuổi tác, lại dần trở nên ký ức êm dịu,  ngọt ngào.

          May hay không may khi đến đời các cháu tôi hiện nay, hầu hết ao làng đã bị san bằng, chỉ còn trong trí nhớ và những câu chuyện hồi tưởng của ông bà, bố mẹ.?! Hệ thống ao làng bị lấp. Hệ thống, cống rãnh dù đã bao lần khơi dọn, làm lại, nâng cấp, vẫn cứ tắc hoài. Năm nào cũng vậy, cứ vào mùa mưa, chỉ một trận mưa vừa độ nửa giờ là đường làng thành dòng sông đục ngầu cuộn chảy. Nhiều nhà, như nhà tôi, nhà bà B, ông T cùng ngõ đã trở thành rốn nước của ngõ, của thôn. Một vấn nạn từ sự thực dụng và đô thị hóa vô kế hoạch của con người hiện nay, thực sự đã xuất hiện! Đến đầu năm 2010 hầu hết đường thôn, ngõ xóm xã Thụy Phương đều đã được nâng cấp, tôn cao, bê tông hóa, xây lại hệ thống rãnh thoát nước giữa tim đường đậy nắp tấm đan bê tông chắc chắn, an toàn, tiện dụng. Vấn nạn ngập lụt đã được giải quyết cơ bản. Nhưng chỉ 2 năm sau đã lại thấy đường ấy, rãnh ấy khó mà tiêu nhanh nổi lượng nước của những trận mưa lớn và lâu từ 2h trở lên.  Dù sao thế cũng đã may lắm, đỡ lắm rồi, so với bao năm trước.

          Trong những đêm dài khó ngủ, nghe mưa ràn rạt ngoài sân, ngoài vườn, trên mái, tôi vẫn khắc khoải nhớ và thầm ảo tưởng dãy ao làng sống lại để được ru êm trong tiếng ếch nhái ỳ oạp, uôm uôm quanh nhà, những âm thanh đồng vọng từ ao làng ngày xưa yêu dấu… Ao làng, từ lâu trong tôi, đã trở thành một mảnh hồn quê.

 

  1. SƯU TẦM

 

            Vụt hiện trong trí nhớ của tôi ít câu ca dao, tục ngữ, thơ, văn liên quan nhiều ít đến ao làng. Xin chép ra đây để bạn đọc cùng thưởng thức:

 

  + Thơ cổ tả ao làng:

  • Ao cạn vớt bèo, cấy muống,

     Đìa thanh, rẫy cỏ, ương sen. (Nguyễn Trãi)

  • Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

     Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao (Nguyễn Bỉnh Khiêm)

     * 3 bài thơ thu của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

  • Ao thu lạnh lẽo nước trong veo

     Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…

     Cá đâu đớp động dưới chân bèo.(Thu điếu)

  • Nước biếc trông như tầng khói phủ

     Song thưa để mặc bóng trăng vào. (Thu vịnh)

  • Lưng dậu phất phơ làn khói nhạt

     Làn ao lóng lánh ánh trăng loe (Thu ẩm)

Ca dao, tục ngữ nói về ao làng:

  • Anh đi anh nhớ quê nhà

Nhớ ao rau muống, nhớ cà giầm tương,

Nhớ người giãi gió giầm sương,

Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao!

- Đêm qua ra đứng bờ ao

     Trông cá, cá lặn, trông sao, sao mờ.

  • Xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân

          Có rửa thì rửa chân tay

     Chớ rửa lông mày chết cá ao anh.

  • Ta về ta tắm ao ta,

     Dù trong, dù đục ao nhà vẫn hơn.

  • Trong đầm gì đẹp bằng sen,

      Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng.

        Nhị vàng, bông  trắng, lá xanh,

      Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn (thơ Bảo Định Giang à ca dao)

  • Một giọt máu đào hơn ao nước lã. (Tục ngữ).

Thơ hiện đại về ao làng:

  • Mới đến cầu ao, tin sét đánh:

    Giặc giết em rồi, dưới gốc thông (Núi Đôi - Vũ Cao)

  • Tám năm xa gốc chanh

    Giàn trầu, cầu ao vắng bóng

… Rửa chân bên cạnh cầu ao

     Em vội cúi đầu khỏa sóng

     Đôi  bóng đung đưa chân cầu lay động

    Ánh mắt thẹn thùng lặn xuống đáy sâu. (Hoa chanh - Nguyễn Bao)

  • Ao làng trăng tắm, mây bơi

    Nước trong như nước mắt người tôi yêu (Gò Me - Hoàng Tố Nguyên)

  • Nhớ những lần trốn học,

                                          đuổi bướm cạnh cầu ao.

Mẹ bắt được

                    chưa đánh roi nào… đã khóc!

Cô bé nhà bên

                       nhìn tôi cười khúc khích!

Mắt đen tròn,

                     thương thương quá đi thôi! (Quê hương - Giang Nam)

- Ao làng vẫn nở hoa sen

     Bờ ao, vẫn chú dế mèn vuốt râu (Trần Đăng Khoa)

  • Ao cũ

     Con ếch nhảy vào

     Vang tiếng nước xao (Hai cư của Bashô (Nhật Bản)

Văn xuôi về ao làng:

  • Ao làng - tiểu thuyết của Ngô Ngọc Bội.

 

Đầu xuân Nhâm Thìn – tháng tư mưa rào - tháng sáu năm 2012

ĐV.

vbnhuy


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét