Thứ Năm, 1 tháng 9, 2022

GIỚI THIỆU TẬP TRUYỆN NGẮN NỖI ĐAU MÙA ĐÔNG

 


CẢM NHẬN TẬP TRUYỆN NGẮN NỖI ĐAU MÙA ĐÔNG

                       Vũ Nho

Ai cũng biết câu hát : Ngày đầu chưa quen, đường cày đâu thẳng ngay. Điều đó đúng với những người mới tập cày, nhất là với phụ nữ. Nhưng với học viên lớp viết truyện ngắn trực tuyến thì không phải như vậy. Thầy giỏi, trò giỏi nên những trang viết, nhừng đường cày đầu tiên trên cánh đồng văn xuôi đã thành công, rất thẳng, chững chạc không kém những trai cày thành thạo. Tôi muốn  nói tập truyện này chững chạc không non lép nhiều  so với các cây bút chuyên nghiệp. Tôi hoàn toàn tán thành nhận xét của Đại tá – nhà văn Bùi Thanh Minh, người thầy giàu kinh nghiệm và tận tụy rằng: “Tuy còn những khiếm khuyết, nhưng có thể nói tác phẩm “tốt nghiệp” của học viên tương đối chững chạc, một số tác phẩm đạt tới trình độ khá” .

          Các học viên theo học tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Cả lưng vốn văn chương cũng khác. Có người đã  thành công với thơ, có người đã thành công với bút kí, có người cũng đã có tản văn được in. Nhưng với truyện ngắn, lần đầu tiên được trang bị lí thuyết về truyện ngắn. Chắc chắn thấy Bùi thanh Minh không thể bỏ qua các vấn đề tình huống truyện, truyện ngắn có cốt và không có cốt truyện, nhân vật truyện, ngôn ngữ nhân vật và ngôn ngữ người kể. Biết lí thuyết là một việc. Áp dụng lí thuyết ấy vào thực tế “xây dựng truyện” là một việc khác hẳn. Có thể thấy thấy các tác giả đã thành công ở các mức khác nhau.

          Tôi xin dừng lại ở một số truyện để làm rõ điều này.

1.     Nhà văn Bùi Thanh Minh đánh giá : “Bùi Trọng Đỉnh tỏ ra khá vững tay khi miêu tả tâm lí nhân vật. Đặc biệt truyện ngắn “Chị Nhung” tác giả đã thành công xử lí tình huống khá nhạy cảm”.

          Tôi không rõ thầy Minh và anh Đỉnh có  biết đến câu chuyện của một người lính ở Hà  Bắc, đã được nhà văn Nguyễn Văn Thọ viết thành truyện ngắn “ Mùi thuốc súng” hay không. Nhưng câu chuyện bố chồng ngủ với con dâu,  sinh ra một cậu con trai,  là chuyện người thật, việc thật. Tác giả Đỉnh đã xử lí bằng cách để Nhung sai lầm rồi ốm nặng  đến mức không    tự chủ được các hoạt động cá nhân. Do bố chồng gần gụi, tắp táp, lau rửa cho nên nảy sinh tình cảm. Mặt khác , anh cũng làm cho tình huống  trở nên “tất yếu” vì chú Đang đã đi kinh tế mới, đem theo cả bà Nụ. Gia đình chỉ còn lại ông Công , cu Nghĩa và chị Nhung. Tác giả cũng thêm một chi tiết là bà Nụ khi lấy ông Công, sáu tháng đã sinh ra Kinh. Bởi thế mà tình cảm vợ chồng không yên ấm.

          Đáng tiếc là cái kết truyện hơi non.

Tôi nghĩ tác giả đã có ý kể chuyện đôi chim chào mào ở đầu truyện, nên cuối lại nhắc lại  không có con chim trống, nên con chim trong lồng hót “chói chỏng” vô duyên. Rồi  đưa câu kết chuyện  suy cho cùng thì đôi lứa quan trọng hơn cả”. Thật  là…non tay một cách đáng tiếc.

 Nhân tiện cũng góp ý chút xíu. Viết “ Những giọt nước mắt rơi tuột xuống chiếu “  là thiếu tinh tế. Hót “chói chỏng” nghe cũng khó lọt tai. Thiên hạ lại được dịp xàm tấu. Sàm tấu là tâu vua những điều sai sự thật, bịa đặt. Sàm có các từ sàm báng ;  gièm pha;  sàm nịnh: đặt diều nói xấu người khác để nịnh; sàm sỡ : suồng sã đến mức gần như thô bỉ trong  giao tiếp giữa nam và nữ. ( Từ Điển Tiếng Việt, 1992, Trung tâm từ điển ngôn ngữ, trang 831).

Chỉ có thể viết “Thiên hạ lại được dịp đàm tiếu,( dịp bàn tán,  dịp  xôn xao, dịp nói ra nói vào,…).

2.Với truyện  Những mùa ngâu của Hà Kim Quy. Thầy Minh nhận xét : “Truyện ngắn của Hà Kim Quy có cốt truyện li kì, éo le với những nhân vật đầy ẩn ức.” Tuy vậy thấy khá rõ dấu vết của truyện ngắn “Chiếc lược ngà” của Nguyễn Sáng. Và có cả chút hồi quang từ  truyện Bố của Xi mông trang 74 – 75. Người được gọi là “ba” có cậu Huy con riêng với  cô Thơ  ở miền Nam, nhưng không được gia đình nhà gái đồng ý. Người đọc cũng chịu không rõ “ba” của Huy và Nhi lấy mẹ của Nhi lúc nào mà sinh ra Nhi rồi biền biệt. Chả rõ ông làm nghề gì, sống vào thời nào? Li kì  một cách tù mù.

3.Truyện Quyền năng của sắc đẹp    của Lan Hương có tình huống hay. Càng ngày cô gái đẹp càng bộc lộ cái nết dở. Càng ngày anh chồng mê đẹp càng khổ sở vì “Cái nết đánh chết cái đẹp”. Và  Nhân nghẹn ứ cổ trước những việc “không đẹp” của vợ.

          Có hai  hạt sạn nhỏ:

Miểu tả con chim  trống : “Tức  thì con trống đút trọn  đôi mỏ của mình vào họng con cái” ( tr. 50). Con chim  trống   đút mỏ vào miệng con cái”. Là ổn không gợn.

4. Truyện  Nỗi đau mùa đông của Màu Văn Hải có tình huống  không gay cấn nhưng đủ để trăn trở. Nhân vật tôi sức khỏe không tốt, kinh tế cũng không dư dả. Nhưng có một nỗi lo đưa hài cốt của người bạn chiến đấu về. Vì người mẹ liệt sĩ đã già và mòn mỏi chờ “gặp” con. Anh băn khoăn, không ngờ vợ lại tính xa hơn, cùng anh đi tìm mộ.  Thời gian quá lâu nên tìm khó. Rồi tìm được nhưng xác chưa rữa, chả lẽ lại chôn rồi đợi cất bốc sau. Không có tiền thuê ô tô. Nhưng có sáng kiến là vay dật rồi hỏa thiêu mang tro về.

Một câu chuyện cảm động về tình đồng đội, tình vợ chồng.

Có một chi tiết nhỏ trang  63. “ Vợ tôi ngừng thở…” Ngừng thở” thì nguy quá, phải cấp cứu. Có thể tả Vợ tôi nằm im. Vợ tôi nằm  lặng lẽ.

5. Truyện  Rặng Trân bầu  của   Nguyễn Minh Tâm có tình huống. Cô gái đưa hàng thêu gặp lại ba mình cạnh một phụ nữ giàu có. Rồi không ngờ người yêu của cô là con  riêng của bà kia, gọi ba ruột của cô là DƯỢNG. Thế là đủ cho tác giả triển khai những  dằng xé nội tâm của cô gái.

          Cha của cô gái người Bắc, vậy ba mẹ con cô ra Bắc sao lại gọi là quê ngoại miền Bắc được?

          Bến Tre là miền quê ấu thơ, phải là quê mẹ cô gái,  và là quê ngoại chứ?

          Không gian truyện lộn xộn Bắc Nam làm giảm đi cảm tình của người đọc!

6.  Sống dở , chết dở được thầy Minh khen ( trang 7).

Vẫn có sạn đây nha. “Môi bà ta rung giật như trúng phải gió”. Thừa chữ PHẢI!

Đọan  kết  vụng. Tác giả  ham  nói trắng ra. Theo tôi cần cắt bỏ 4 câu cuối cùng.

7. Hoa xoan tím  của Lê Thị Nhung là một truyện giàu chất thơ. Triển khai nhẹ nhàng không có tình huống gay cấn. Chỉ có chuyện ông chú tổ chức tiệc to nhưng bà không đi. Rồi cũng phải đi vì con cháu.

Lí giải nỗi buồn hay sự không vui  của bà khá giản đơn, thiếu tính thuyết phục:

Tiệc chú tổ chức to nhưng bà không thể vui được vì nó vẫn thiếu bóng cây xoan đào”. Nếu ông chú chỉ lo tổ chức tiệc và làm ăn, sao nhãng hay khước từ tìm mộ ông nội thì đã đi một nhẽ. Bà dứt khoát không đi.

Nhân đây có từ khăn khó không chuẩn. Một số từ xuôi, ngược đều cùng nghĩa : mạnh khỏe, vui tươi, tươi tốt,  rì rầm,  bừng sáng,  thủy chung, vui mừng, đổi thay

Các từ này không thể đảo : Khó khăn, tíu tít, phẩn khởi, mạnh mẽ, , hoạt bát,…

Không ai nói “cứng rắn đi nhiều”  cứng rắn thêm, cứng rắn lên, cứng rắn hơn,…

8.  Chiếc cong đồng của Lê Thị Hoa Phượng

Câu chuyện tình có sự hiểu lầm của  Đức về  chiếc cong đồng trên tay Miên. Vì hiểu lầm nên chàng lặng lẽ bỏ đi làm Miên đau khổ, thất vọng. May nhờ Bảo có nikname Gió kết bạn với Miên  nên Đức biết chiếc cong đồng không chỉ là vật  giao ước trai gái, mà còn có nhiều  ý nghĩa khác. Tất nhiên anh chàng Đức phải “dở hơi” không hỏi rõ từ đầu. mà hiểu rõ từ đầu thì Hết chuyện!

 

9. Mùa phượng vĩ của Mai Lý

Câu chuyện về những người trẻ yêu nhau qua mạng. Tình huống truyện chính là ở đây. Người lính khấp khởi hồi hộp mong gặp người yêu. Nhưng cô không đón ở Ga. Đền trường, cô còn bận dạy. Khi cô dắt xe về thi anh nhận ra không phải người mình đợi. Chỉ có một cô Sương là giáo viên thôi. Thì ra còn một cô Sương nấu bếp giả làm giáo viên. Nhưng cô ấy đang nghỉ để mua tài liệu ôn thi Đại học. Anh lính trẻ vẫn không thất vọng. Chàng mua tài liệu gửi bác bảo vệ ( Ôn thi Đại học chắc là khối C nên sau cô mới học Ngữ văn). Kết thúc có hậu , hai chi đoàn giao lưu, chàng gặp lại nàng.

          Cái tên Sương là một tên đẹp. Sương long lanh nhưng Sương cũng mơ mờ, huyền ảo. Sự trùng tên tạo ra sự hiểu lầm và hụt hẫng, làm cho người đọc thú vị.

 

10. Thợ xây phố huyện của Phạm Hồng Loan

Truyện viết về những người công an phá án. Dẫn dắt của tác giả khéo léo. Cái anh thư sinh trói gà không chặt hóa ra là một công an chìm đóng vai thợ xây. Anh chàng giỏi Toán, giỏi vẽ, giỏi phán đoán đã làm  cho cô gái trẻ…hơi bị say nắng. Câu chuyện mạch lạc, ngôn ngữ trong sáng.

          Tôi đã điểm qua 10 tác giả. Đúng là mỗi người mỗi vẻ. Tuy chưa mười phân vẹn mười, nhưng xin chúc mừng thành công của lớp. Chúc mừng Đại tá nhà văn Bùi Thanh Minh. Chúc mừng các học viên đã có những luống cày đầu tiên, hứa hẹn những mùa vụ bội thu.

                                           27/8/2022

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét