Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

Đi tìm hồn THIỀN trong thơ tiền nhân

ĐI TÌM HỒN THIỀN TRONG THƠ TIỀN NHÂN
( Nhân đọc tập Hồn Thiền trong thơ Lý -Trần của Vũ Bình Lục,
 Nxb Hội Nhà văn, 5/2013)


TS Nguyên An

Để công đọc lại và tìm hiểu thêm từ kho tàng văn chương dân tộc rồi chọn ra những tác phẩm tâm đắc mà phân tích... đó là việc làm, và là nhã thú của nhiều người, nhất là các ông giáo, bà giáo và các nhà nghiên cứu. Lao động có tính chất nghề nghiệp này của họ quả nhiên, không chỉ có giá trị nâng cao chất lượng dạy học, mà còn cấp cho công chúng rộng rãi những lời bình giải thú vị, qua đó, cũng giúp họ am hiểu văn chương và quý trọng văn chương - văn hoá dân tộc hơn.
Tiếp theo Vũ Quần Phương với tập Thơ với lời bình (1989), Vũ Nho với hai tập Thơ chọn và lời bình (1993, 1995),... từ năm 2010 đến 2013 Vũ Bình Lục có 6 tập Giai phẩm với lời bình.
Viết sau, và nhiều hơn, gồm sáu tập, với hơn 2000 trang in khổ 14,5cm x 20,5cm , trong đó Vũ Bình Lục đã bình giải hầu như tất cả các bài thơ được dạy và học trong nhà trường nước ta từ cấp phổ thông cơ sở đến đại học lâu nay.
Khác với 5 tập trước, tập 6 này có hẳn một tên riêng, là Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần. Tên gọi này đã gợi cho tập tinh tuyển và bình giải của soạn giả có tính chất chuyên đề hơn các tập trước. Làm sách chuyên đề là một hướng Vũ Bình Lục cố gắng theo đuổi. Thử so sánh, ta thấy; Nếu như ở tập 3 của bộ Giai phẩm với lời bình, ông bắt đầu từ bài Quốc tộ của Thiền sư Pháp Thuận, rồi tiếp theo, là thơ của những Lý Tử Tấn, Nguyễn Trãi, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ... và thơ đương đại của Trần Đăng Khoa (Tây Bắc), Bằng Việt (Trung du), Hoàng Trần Cương (Miền Trung), Quang Huy (Hư vô)... thì đến tập 4, tinh tuyển và bình giải thơ Thi Thánh Cao Bá Quát, và tập 5, Giai phẩm với lời bình có phụ đề Đại thi hào Nguyễn Trãi, để cả tập, chỉ bình giải thơ Ức Trai.
Như thế, với 3 tập 4, 5 và 6 này, ông đã góp vào ba bộ thư mục về Cao Bá Quát, Nguyễn Trãi và Thơ Thiền (Việt Nam) ba tập sách đáng khảo cứu.
Chúng tôi muốn dừng lại ở tập 6.
1. Nhìn khái quát, ta có một bản thống kê, trong tập này, Vũ Bình Lục đã chọn ra 165 bài thơ của 63 tác giả để bình giải. Ông chia ra: Phần I - Thơ đời Lý có 35 bài của 26 tác giả, dài 115 trang; Phần II - Thơ đời Trần, có 130 bài của 37 tác giả, dài 245 trang.
Có nhiều lý do của những con số trên, nếu tôi làm hay bạn làm sách này. Nhưng đây là Vũ Bình Lục, ông có sự cân nhắc riêng. Với người có chủ kiến thì không thể vội vàng được.
2. Ngẫm từ tên sách, ta thấy có hai ý rất rõ: 1. Hồn Thiền, và 2, trong thơ Lý-Trần. Từ sự xác định ấy, Vũ Bình Lục đã tận dụng thành quả nghiên cứu, tuyển chọn và bình chú của nhiều nhà biên khảo từ mấy trăm năm trước trên cả mấy phương diện như thơ ca - văn chương và cả lịch sử - văn hoá... để làm nên tập sách này, đồng thời, từ một thực trạng đáng buồn tức là loại sách sưu tập tuyển chọn, bình giá thơ văn cổ còn lại đến nay cũng không thật nhiều, nên ông phải tìm thêm tác phẩm mới, tác giả mới mà bàn, mà bình nữa.
Việc tìm thêm này, cố nhiên, phải theo tiêu chí Hồn Thiền chứ không phải cứ thơ của đại gia, thì bài nào cũng đưa vào sách này mà bình giải cả. Vậy Hồn Thiền là gì? Đến đây, câu chuyện không đơn giản nữa. Trong bài Thơ Lý-Trần một kỳ quan rực rỡ mở đầu sách, ở đoạn thứ nhất, Vũ Bình Lục khẳng định: Thơ đời Lý chủ yếu là thơ Thiền, ở 5 đoạn sau (chiếm 90% dung lượng bài), ông nhắc lại một số đặc điểm, cũng là thành tựu của thơ đời Trần, như: thể hiện hào khí anh hùng bất khuất của dân tộc ở mấy mươi năm thịnh Trần và mang âm điệu trữ tình bản thể... , rồi tâm trạng buồn chán, thất vọng trước tình trạng triều chính rối ren, nhiễu loạn ở buổi vãn Trần...
Viết bài mở đầu như thế, Vũ Bình Lục đã như bỏ quên việc giới thuyết khái niệm Hồn Thiền, tạo ra điểm tựa khoa học cần thiết đối với việc tinh tuyển và bình giải ở sau đó, đồng thời, ông lại lược giải và bàn nhiều về nguồn gốc xã hội, cảm hứng thời đại - thời thế mà thơ ca Lý - Trần đã ra đời, như là một cách gợi dẫn để tìm hiểu về chất Thiền, Hồn Thiền trong thơ ca hai triều đại này. Nếu coi đó là sự khéo léo có thể được mà vẫn chưa tới của bài mở đầu này, thì bù lại, soạn giả tỏ ra có dụng ý nói nhiều về xuất thân và vị thế của các  tác giả thơ ca. Từ đó, gợi cho người đọc một suy nghĩ: Các tăng thống và tín đồ nhà Phật làm thơ, tự nhiên có chất Thiền, Hồn Thiền là phải, còn các quan gia, quý tộc, tướng lĩnh dạn dày trận mạc ngoài biên ải sa trường và cả trong cung đình, mà thơ họ cũng thể hiện Phật pháp, cũng đượm chất Thiền, là sao?
Khả năng gợi dẫn và xui khiến tưởng tượng, suy luận, đến một lúc nào đó, đến một trình độ nào đó, thì tạo ra phẩm chất của một cuốn sách, vị thế của một tác giả. Khả năng này ở Vũ Bình Lục, qua bài khái quát mở đầu sách, là có, nhưng chưa rõ, bởi như đã nói ở trên, hình như ông có ý né tránh giới thuyết khái niệm Hồn Thiền mà như chủ tâm phác dựng bối cảnh và kể ra thành tựu chung - nổi bật của gần 400 năm thơ ca Lý - Trần như viết vài chục trang lược sử một giai đoạn văn học mà thôi. Có vẻ như ông không ham lí sự?
3. Vũ Bình Lục đáng chú ý, đáng bàn hơn là ở tư cách một người làm sách tinh tuyển và bình giải, và đặc biệt, ở tập Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần này, là ở cương vị người dịch thơ nữa (ở 5 tập Giai phẩm với lời bình trước ông không dịch lại các bài thơ để bình giải). Trong cuốn sách này ông có mấy điểm rất đáng ghi nhận.
Một là, ông đã làm một cuộc tinh tuyển công phu. Trong 63 tác giả thơ ca Lý-Trần tương đối quen thuộc kia với giới nghiên cứu, bên cạnh các bài hay, đã được truyền tụng mấy trăm năm nay của họ, ông đã tuyển chọn thêm. Dùng lại thì dễ hơn, tuyển thêm các bài mới để đặt cạnh các bài kia, mà thấy vẫn là giai phẩm, đấy là đóng góp mới của Vũ Bình Lục. Từ điểm nhìn là Hồn Thiền, ông chọn Nguyễn Ức đến 15 bài, Trần Nhân Tông 8 bài, Nguyễn Trung Ngạn 10 bài, Chu Văn An 8 bài, Phạm Sư Mạnh 12 bài, Trần Nguyên Đán 7 bài. Còn với nhiều thi gia khác, ông tán đồng với những người đi trước mà đưa vào sách những Lý Thái Tông (bài Truy tán Pháp vân tự), Dương Không Lộ (các bài Ngôn hoài, Ngư nhàn)... Trần Minh Tông (các bài Dạ vũ, Bạch Đằng giang...), Lê Quát (các bài Tống Phạm Sư Mạnh..., Thư hoài)... Với sự tinh tuyển mà có bổ sung có kế thừa như vậy, Vũ Bình Lục đã đưa đến cho người đọc một tập hợp khá đông đảo và bề thế những tên tuổi mà qua phân tích, bình luận, chúng ta đã thấy và sẽ biết là họ làm rạng rỡ nền văn chương dân tộc từ một nguồn thơ Thiền đặc sắc riêng như thế nào.
Hai là, trước khi bình giải 165 bài thơ được chọn vốn đã được nhiều người dịch, in ra trên sách báo nhiều năm nay, Vũ Bình Lục hầu như đã dịch lại tất cả - số lượng bài ông dịch để bình giải là 158 bài (thời Lý: 31 bài, thời Trần: 127 bài). Riêng chuyện dịch này, ông đã có thể xuất bản một tập sách như nhiều người đã làm.
Thường khi, đọc một tác phẩm dịch, nếu ai sành ngoại ngữ, mà đối chiếu bản gốc (nguyên ngữ) với bản dịch, thì đều có cả mấy tâm trạng - ý nghĩ, là vừa thán phục dịch giả, vừa "lấy làm tiếc" vì cho rằng dịch giả dịch chưa hết ý, chưa thoát ý, thậm chí "là sai"..., lại cũng nẩy ra dự kiến dịch lại, dịch tiếp. Nhưng rồi để đấy. Vũ Bình Lục không như ai mà "để yên đấy". Ông mạnh dạn dịch lại. Rất may, ông vốn là người làm thơ, cũng sành thơ (Vũ Bình Lục đã xuất bản 8 tập thơ từ năm 2002 đến năm 2008). Trong công việc dịch thơ Thiền thời Lý thời Trần này của tác giả Hồn Thiền trong thơ Lý-Trần, ta biết là Vũ Bình Lục không chỉ mạnh dạn, không chỉ say mê, không chỉ vì trách nhiệm của người nghiên cứu -viết sách, mà rõ là có cả một tiềm năng thẩm thơ, hiểu người và thạo đời nữa. Mức độ của mấy sự thẩm, hiểu, thạo kia đến đâu, đọc tập sách này của ông ta sẽ biết dần, ở đây, tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Theo hướng vươn tới mức tín, đạt, nhã, Vũ Bình Lục bắt đầu tỏ ra có một cách dịch riêng, theo đó, các bản dịch thơ Thiền trong tập sách này của ông đã đem đến cho người đọc những thú vị và tán đồng trong thế khả dĩ. Có một điểm cũng đáng ghi nhận nữa ở đây là, như chúng ta biết, 165 bài thơ Lý-Trần này đều được sáng tác mấy trăm năm trước, theo thể thức cổ (kệ, phú, thơ cách luật...) vốn có cấu tứ linh hoạt, có cấu trúc nghiêm ngặt... mà Vũ Bình Lục đều chuyển dịch sang thơ lục bát thuần Việt cả. Đương nhiên, có bài dịch đã đạt đã thành, cũng có nhiều bài nhiều chữ nhiều cụm từ có thể thay đổi nếu dịch giả và bạn đọc trực tiếp mạn đàm. Nhưng nhìn chung chuyển được Hồn Thiền bao nhiêu năm trước về trong khuôn lục bát thuần Việt uyển chuyển mà mượt mà, khoan hoà mà vụt sáng, thế cũng là đã góp thêm được bao nhiêu phiên bản với những cách đọc và hiểu các giai phẩm đã định vị như bia đá của người xưa rồi.
Hẳn là có người không nghĩ như tôi, đấy cũng là sự thường, hôm qua, hôm nay, ngày mai, năm sau... sẽ có người dịch lại các áng thơ Lý-Trần thấm đượm chất Thiền này, đó là niềm vui chung, trách nhiệm chung của mỗi nguời trước di sản của Tổ tiên mà mình tự thấy có thể nhuận sắc thêm và giới thiệu được nữa.
Ba là, Vũ Bình Lục chắc đã có sự phân biệt các công việc bình chú, bình giải, gợi dẫn cách hiểu, phân tich bình giá... Ông gọi việc mình làm trong tập sách là bình giải. Nhìn chung, tôi thấy ông nhất quán với sự chọn lựa này ở cả 6 tập sách. Và ngay trong tập ta đang nói tới. Sự nhất quán này hay được biểu hiện theo một trình tự chung cho mỗi bài bình giải, là: đoạn đầu - giới thiệu qua về tác giả, về hoàn cảnh ra đời xa - gần của các tác phẩm, kế đó, là bình giải và giải, hoặc giải và bình như chỉ nhằm trả lời mấy câu hỏi: Tại sao tác giả viết bài thơ này? Tại sao ông lại dùng từ rồi ngụ ý như thế? Giá trị riêng của bài ra sao? và thêm kế vào cuối là đôi dòng liên hệ liên tưởng... Cấu trúc một bài bình giải như thế, tạo cho người đọc (phổ thông) sự dễ hiểu; nhưng đọc hết bài này sang bài sau, trang này và mấy chục trang nữa, thì có gây ra cảm giác đơn điệu đơn giản. May mà lời bình lời giải của tác giả cũng thưa thoáng, chỗ nào tự tiết chế được, thì ổn, đôi chỗ nhiều trang cứ đà cảm hứng mà viết, thì đã có cơ lặp lại rồi! Lại nói về cảm hứng, Vũ Bình Lục bình giải về Hồn Thiền chất Thiền trong thơ cổ xưa từ cái nhìn hôm nay của một người thời trẻ trai là lính trận, suốt tuổi 30, 40, 50 đi dạy học ở vùng cao, nên có để cho sự dạt dào một cảm hứng riêng, một tâm sự riêng lan toả vào trang viết cũng là phải.
Dù tự ý thức cho rành rẽ về thể văn được đến đâu, khi viết bình giải như thế,  Vũ Bình Lục cũng như bất cứ ai, đã khiến người đọc đôi lúc ngỡ như đang tiếp xúc với một bài phân tích tác phẩm hay một bài tản văn. Sự giao thoa tự nhiên giữa các thể văn dưới ngòi bút ta, không phải lúc nào ta cũng "quản lí" được. Vả chăng, như tôi biết, thì bạn đọc bình thường họ cũng không để tâm lắm với chuyện bình giảng với bình giải, phân tích với tản văn, mà đọc, thấy mình được hiểu biết hơn chữ này ý nọ, được đồng ý đồng tình hay ngờ vực hoặc có chỗ là phản đối... thế là được rồi, phải không?
Vẻ như thể nghiệm, thăm dò, làm quen, hơn 30 năm trước, Vũ Bình Lục đã có thơ văn in báo. Thấp thoáng và dè dặt thế, có lúc ngỡ như bị bỏ qua, lãng quên. Thế rồi, từ một sự tích tụ và quyết chí, chỉ hơn mười năm nay, ông xuất bản liên tục 8 tập thơ, 1 tập tiểu luận phê bình, 6 tập tinh tuyển bình giải thơ và dịch thơ, lại còn vài tập còn chờ in nữa... Vũ Bình Lục đã trở thành một hiện tượng, chí ít, là về năng lực và một quá trình một cách thức gia nhập làng văn, là chuẩn bị kĩ càng, hăm hở háo hức mà không sốt ruột vội vã...
28-6-2013
N.A.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét