Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

THƠ VÀ DẠY HỌC THƠ với VŨ NHO





 "Thơ và dạy học thơ" với Vũ Nho

Nguyễn Thị Lan

1.       Vũ Nho đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh về sức làm việc của anh. Ngoài công việc của một người công chức, cho đến nay anh đã in hàng trăm đầu sách (kể cả sách viết chung, viết riêng và sách dịch), một khối lượng đầu sách đáng nể phục của một cây bút giàu nội lực.

          Trong hơn một trăm đầu sách ấy, Vũ Nho đặc biệt "đắm đuối" với thơ. Anh viết nhiều về thơ (và có lúc anh còn làm thơ nữa). Thơ với anh như một "duyên nợ".

          "Thơ và dạy học thơ" (NXB Đại học Thái Nguyên, 2012) là cuốn sách thứ 107 của Vũ Nho, một cuốn sách hay và độc đáo. Sách dày 308 trang, in khổ 16x24 cm, gồm ba phần. Phần thứ nhất - Thơ, gồm năm chương. Phần thứ hai - Dạy học thơ, gồm ba chương. Phần thứ ba - Ít nhiều trải nghiệm gồm bốn mục.

          Nhìn tổng thể nội dung cuốn sách đề cập, có thể thấy đây là một cuốn sách độc đáo vì tác giả viết về thơ như một nhà nghiên cứu (Phần thứ nhất); viết về dạy học thơ như một nhà phương pháp (Phần thứ hai); và nhà nghiên cứu, nhà phương pháp ấy lại có thành tựu về thơ (Phần thứ ba). Đó là cuốn sách "3 trong 1". Cũng từ đây phẩm chất của một nhà khoa học, một nhà giáo, một nhà văn bộc lộ rõ.

2.       "Thơ và dạy học thơ" trước hết là một công trình nghiên cứu khoa học mang tính hàn lâm của một đề tài nghiên cứu. Có thể coi cuốn sách như một chuyên luận bàn về khái niệm thơ, đặc trưng thơ, ngôn ngữ thơ, cảm thụ thơ và dạy học thơ. Phó giáo sư, tiến sĩ Vũ Nho đã từng giảng dạy ở đại học, từng chỉ đạo ở Bộ giáo dục và đào tạo (Vụ phổ thông), từng nghiên cứu ở Viện khoa học giáo dục. Rồi anh từng hướng dẫn sinh viên, nghiên cứu sinh làm đề tài khoa học, công việc buộc anh phải nghiên cứu khoa học. Khả năng ấy thể hiện rõ ở đây. Những thao tác cơ bản khi nghiên cứu khoa học là thống kê, phân loại, so sánh, đối chiếu, phân tích, tổng hợp, khái quát, tiếp cận hệ thống... đã được người viết vận dụng thành thục, sắc bén, linh hoạt.

          Một nhà phê bình Đức đã viết "Nhà phê bình là độc giả thuộc loài nhai lại. Vì vậy anh ta phải có nhiều hơn một cái dạ dày". Đọc những trang viết của Vũ Nho, người đọc không khỏi nể sức đọc của người viết.

          Từ vốn kiến thức khá sâu rộng về thơ ấy, Vũ Nho đã có những kiến giải mới mẻ và độc đáo. Khi anh cho rằng "đặc trưng của thơ" bao gồm: cảm xúc tập trung mạnh mẽ, ngôn ngữ cách điệu khác thường, hình ảnh có tính biểu trưng, biện pháp tu từ dày đặc và dung lượng không lớn. Đây là một tổng hợp sáng tạo của Vũ Nho. Nhất là khi anh nói về "Ngôn ngữ cách điệu" - một phát hiện độc đáo. Anh cho rằng: "Nó (thơ) không tuân theo chuẩn mực bình thường của ngôn ngữ đời sống. Nó được cách điệu theo những quy định có tính chuẩn mực nhất định". Theo Vũ Nho cái "ngôn ngữ cách điệu" ấy thể hiện ở các yếu tố: thể thơ, vần, niêm luật, nhịp điệu, tính nhạc, dòng thơ, câu thơ. Đặc biệt về "nhịp điệu", Vũ Nho đã viết về "cái nhịp điệu bên ngoài" và "nhịp điệu bên trong" của thơ. "Nhịp điệu bên ngoài" được tạo thành do cách ngắt nhịp quen thuộc và ổn định của một thể loại thơ cách luật với những bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm; còn "nhịp điệu bên trong" đó là sự rung động của tâm hồn, một thứ nhịp điệu của hình ảnh, tình ý "nó thoát khỏi những đều đặn, cân đối, không phải sự chia cắt, lặp lại, mà luôn có xu hướng khát vọng, giao hoà và lan toả" (trang 21). Hoặc khi bàn về tứ thơ một vấn đề khó, từ trước đến nay những nhà thơ, nhà lý luận vẫn chưa có được cái nhìn thống nhất, tác giả Vũ Nho đã có lý khi kết luận: "Vậy có thể coi cái tứ thơ như là một cái khung ý tưởng, cái dàn ý tình cảm của bài thơ vậy. Lập dàn ý trước thì bài viết thường chặt chẽ, không lan man hay xộc xệch. Nhưng bài văn hay, bài thơ hay hoặc không hay, không phụ thuộc lắm vào cái dàn ý lập trước mà phụ thuộc vào tài năng và độ chín cảm xúc của người viết. Vì thế mà có được tứ rồi, nhưng một nhà thơ hạng hai thì chỉ có thể cho ra đời một bài thơ làng nhàng mà thôi. Quyết định chất lượng bài thơ phụ thuộc vào độ mãnh liệt của cảm xúc, độ chín của ngôn từ và mức tài hoa khi triển khai tứ thơ đã có". (trang 116)

          Từ những kiến giải sâu sắc ấy, tác giả đã hiện lên qua trang viết với phẩm chất của nhà khoa học.

3.       Nhưng nhà khoa học ấy vốn là một nhà giáo.


          Gần như cả cuộc đời gắn bó với ngành giáo dục, từng viết hàng chục cuốn sách tham khảo về dạy và học văn, Vũ Nho có một bề dày kinh nghiệm sư phạm khi viết "Thơ và dạy học thơ". Trong phần thứ hai - Dạy học thơ, anh khuyên người dạy và học thơ (và có lẽ cả với những nhà phê bình thơ và cả độc giả nữa?) "Thơ xin chớ đọc một lần! Đó là lời cần thuộc trước khi thuộc những vần thơ khác. Hãy đọc đi đọc lại. Nếu cần, có thể ngâm nga để cho thơ, một lần nữa - lên tiếng hát trong lòng ta. Dĩ nhiên đọc nhiều lần, không phải đọc để mà đọc. Mỗi lần đọc ấy là một lần cảm nhận, thưởng thức, tìm hiểu". (trang 133)

          Nhưng đọc thơ không phải chỉ đọc nhiều mà vấn đề còn ở chỗ đọc như thế nào. Vũ Nho tâm sự: "Đọc thơ, xin chớ đọc với con mắt dửng dưng, với trái tim thờ ơ lạnh nhạt. Hãy trân trọng và nâng niu, vì đó đâu phải là câu chữ, đó là hồn người viết, là vật họ gửi làm tin cho ta. Vì vậy hãy đọc thơ như mình trò chuyện với tác giả với một tinh thần cảm thông "đồng khí, đồng thanh". (trang 135)

          Trong phương pháp dạy học văn mới, phương pháp đọc - hiểu tác phẩm văn học theo con đường phân tích văn bản rất quan trọng. Chẳng thế mà có một nhà sư phạm đã nói, đại ý rằng: giờ dạy văn thực chất là giờ dạy đọc – hiểu văn bản.

          Vũ Nho đã dành hẳn 25 trang (133-157) chỉ nói về việc đọc văn bản thơ (từ "Đọc hiểu tầng cấu trúc ngữ nghĩa của thơ", "Đọc hiểu tầng cấu trúc hình tượng", "Đọc hiểu tầng cấu trúc tư tưởng thẩm mỹ" đến "Đọc diễn cảm thơ". Như vậy với Vũ Nho "đọc hiểu" mang một hàm nghĩa rộng bao gồm toàn bộ hoạt động cảm thụ, tiếp cận tác phẩm. Đọc như một quá trình "đồng sáng tạo" của người đọc, nó khác với khái niệm giảng văn.

          Những công việc "bếp núc" của người dạy: từ "Chuẩn bị giáo án dạy học", "Tiến trình dạy học thơ", "Câu hỏi và giao tiếp thầy trò", "Lời dẫn dắt và lời bình của giáo viên", đến "Phương tiện kĩ thuật, giáo án điện tử"... Kinh nghiệm bao năm dạy học của mình và đồng nghiệp, Vũ Nho đã thể hiện thật cụ thể, sinh động và thuyết phục trên từng trang viết.

          4. Phần thứ ba của cuốn sách bộc lộ rõ nét nhất "phẩm chất nhà văn" của Vũ Nho.

          Là hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam ( chuyên ngành lý luận phê bình), nhà văn Vũ Nho chuyên phê bình văn học. Anh đã in ba cuốn sách "Đi giữa miền thơ" hơn một ngàn trang với nhiều tiểu luận, nhiều bài phê bình, giới thiệu các tập thơ và lời bình hàng trăm bài thơ.

          Ngoài phần "Lời bình cho một số bài thơ" gồm 54 trang (250-303) cho thấy một nhà văn Vũ Nho, còn rải rác khắp cả tập sách trang nào cũng thấy lời bình của tác giả. Nó làm cho cuốn sách mang tính lý luận và phương pháp này không khô cứng mà trở nên "tươi mát", hấp dẫn người đọc.

          Có nhà nghiên cứu đã phân loại phê bình văn chương hiện nay có hai loại: phê bình học thuật và phê bình của nhà văn. Phê bình của Vũ Nho là phê bình của người có nghiên cứu, nói có sách mách có chứng và chừng mực, có nhiều luận điểm luận cứ và được chứng minh bằng sự phân tích văn bản một cách khoa học. Đó là lối phê bình gần với phê bình học thuật. Nhưng Vũ Nho viết phê bình có "văn" (văn viết có cảm xúc, hình ảnh, nhịp điệu và tác động vào tình cảm, cảm xúc người đọc), có tính trực giác nghệ thuật cao. Là người trong nghề (từng sáng tác thơ, truyện) Vũ Nho có điểm mạnh là có liên hệ “máu thịt” với thực tế sáng tác, Vũ Nho thạo việc "bếp núc" của nhà văn, ở anh có sự tinh tế khi cần thiết. Vì vậy phê bình của anh cũng gần với phê bình của nhà văn. Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh cho rằng : “ Để làm tốt công tác lý luận phê bình văn học ở trình độ cao cần có năng lực của một nhà khoa học và một nghệ sỹ”. Vũ Nho là một nhà phê bình như vậy.

                   Vũ Nho cho rằng bình thơ là cả một quá trình khó khăn luôn thách thức người viết: từ đọc tác phẩm, đến tìm hiểu tác giả, tìm ra một giọng thích hợp, rồi mở đề thế nào cho phù hợp, hấp dẫn, kết thúc thế nào sẽ nâng cao giá trị của bài viết. Thật là "Nghề bình thơ cũng lắm công phu".

          Tá giả  cho rằng: "Điều quan trọng khi bình thơ là phải yêu mến, trân trọng, cảm thông với tác giả (...). Người viết lời bình cũng phải một thi sĩ, ít nhất là thi sĩ trong suy nghĩ, trong xúc cảm". Đó là kinh nghiệm của riêng anh và cũng có thể coi là bài học kinh nghiệm cho những người làm công việc bình luận văn chương.

          Thực tế, những bài bình của Vũ Nho khá tinh tế, sâu sắc và thú vị. Anh đã nắm bắt được cái hay, cái lạ, cái độc đáo, cái hồn vía của mỗi bài thơ. Sức liên tưởng phong phú, kiến thức sâu rộng của một người chịu khó đọc, chịu khó nghĩ, tâm hồn xúc cảm của một nghệ sĩ đã giúp cho người bình chỉ ra cái nét đặc sắc của mỗi bài thơ. Điều đó tạo sức hấp dẫn của ngòi bút bình thơ Vũ Nho. Có thể nói trong những nhà phê bình văn học hiện nay, Vũ Nho có một phong cách riêng, một giọng điệu riêng.

5.       Văn của Vũ Nho hấp dẫn người đọc vì nhiều lẽ nhưng quan trọng nhất có lẽ là cái THẬT, cái CHÂN THẬT (hiểu thật, cảm thật). Anh không cố ý "làm văn". Lối diễn đạt của anh dung dị, sáng sủa với những câu văn gọn, chắc. Không có sự thái quá bất cập, dù cả khi tranh luận thì Vũ Nho cũng bình tĩnh thận trọng, phân tích và kiến giải, phần nhiều dành cho người đọc tự rút ra kết luận. Chính vì vậy Vũ Nho tạo được sự tin cậy, yêu mến từ phía độc giả.

          Là một nhà khoa học nhưng cuốn sách của Vũ Nho được viết ra bằng một lối văn tươi tắn. Nó không chỉ giàu sức thuyết phục luận lí mà còn giàu hình ảnh; nó có chất thơ không hàn lâm khô cứng; nó vừa "làm cho người ta hiểu biết", vừa "làm cho người ta vui với sự hiểu biết của mình".

6.       Tuy nhiên, vì nội dung cuốn sách ôm chứa nhiều vấn đề lớn nên không thể không có những điều chưa thấy hết hoặc chưa tới của cuốn sách.

          Trước hết, đó là cách phân loại thơ hình như tiêu chí chưa thật nhất quán (điều này tác giả cũng đã tự ý thức được). Có lẽ để dung hoà nhiều cách phân loại, người viết sách vừa theo các ý kiến hàn lâm, vừa căn cứ vào thực tiễn thơ ca Việt Nam, vừa kết hợp với cách phân chia phổ biến trong chương trình, sách giáo khoa.

          Rồi việc nghiên cứu các kiểu kết thúc bài thơ, phải chăng chỉ có sáu kiểu kết thúc? (Kết thúc bất ngờ đột ngột, Kết thúc hứa hẹn tương lai, Kết thúc bằng câu hỏi, Kết thúc gói lại, Kết thúc mở ra, Kết thúc bỏ lửng). Hay trong mỗi kiểu kết thúc có thể chia thành những loại nhỏ nữa? (Theo Phạm Đình Ân, có ba loại kết thúc đột ngột đáng chú ý: Đột ngột hụt hẫng, Đột ngột nâng cao, Đột ngột nâng cao kèm chuyển hướng. Theo ông, kiểu kết thúc này sẽ găm chốt cảm xúc thơ vào lòng người khi người đọc đã rời khỏi văn bản tác phẩm và nó tạo ra khả năng hé lộ một tứ thơ mới của một bài thơ thứ hai).

          Rồi nghiên cứu về tứ thơ, một vấn đề khó. Có thể phải bàn bạc thêm.

           Cuốn sách đã đề cập đến vấn đề dạy học thơ theo đặc trưng thi pháp. Nên chăng cần bàn thêm những chiều không gian và thời gian trong thơ, đây là một vấn đề rất thú vị.

                   Và cuối cùng "văn" phê bình của Vũ Nho, tuy có tươi tắn và giàu chất thơ nhưng có lẽ chưa thật dồi dào cảm xúc. Người viết đã chọn được những bài thơ hay để bình (đó là những bài có cảm xúc khác thường, suy nghĩ khác thường và cách nói khác thường) nhưng hình như xúc cảm của lời bình chưa tương xứng với tác phẩm? Phải chăng đòi hỏi đó là quá lý tưởng?

7.       Gần một đời học tập, giảng dạy, nghiên cứu thơ ca, nhà giáo nhà văn Vũ Nho đã đọc, đã suy ngẫm, chắt chiu những bài thơ, những tập thơ, những chuyên luận về thơ và dạy học thơ để làm nên cuốn "Thơ và dạy học thơ".

          Cuốn sách như một công cụ thiết thực, một người bạn gần gũi và có ích cho những ai tìm hiểu, học tập, nghiên cứu, giảng dạy và thưởng thức thơ. Không những thế, không ít trong đó còn đem đến cho người đọc những khoái trá về trí tuệ, những khoái cảm thẩm mỹ.

          "Thơ và dạy học thơ" là món quà có ý nghĩa tác giả gửi đến các bạn bè đồng nghiệp làm nghề dạy học, các em học sinh, sinh viên, các nhà thơ và công chúng yêu thơ, những người mà Vũ Nho yêu quý.

Hải Dương, giữa Hạ năm 2013
Đăng trên DIỄN ĐÀN VĂN NGHỆ VIÊT NAM, số 224 tháng 9 năm 2013. Đây là bản đầy đủ.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét