Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Người TRÈM ( tiếp)


Người TRÈM 
Đường Văn

2. CẦN CÙ, HIẾU HỌC

          Người dân làng Trèm xưa chủ yếu là nông dân cần cù, nghèo khổ làm lụng một nắng hai sương, quanh năm chí tối bán mặt cho đất, bán lưng cho trời trên những cánh đồng từ Ba Đừng, Bụng Ngựa, đồng Sau, Đỗi cho tới Cầu Đồ, Cầu Gạo, Tranh, Lịp sâu trũng tới Đống, Cửa Trẹm xa xôi… Cần cù bù thông minh, mùa mùa cày cấy, gieo trồng, nhưng rồi thiên tai dịch bệnh, bão lụt, úng hạn, lại sưu cao thuế nặng… nên cố lắm cũng chỉ tạm đủ ăn. Cơm thường xuyên đỏ khé ngô độn hay sắn khoai khô, ngày  2 bữa tạm lưng lưng dạ. Bữa sáng là củ khoai, bắp ngô hay mẻ ngô rang lót lòng, thậm chí có hôm uống bát nước vối đặc, hút điếu thuốc lào thay cơm, đã tơi tả, vội vã vác cày, đánh trâu ra đồng. Nhà nông làm gì có khái niệm nghỉ chủ nhật?! Ngày giỗ chạp cũng có khi chỉ nghỉ nửa buổi hoặc đi làm về sớm, cúng buổi chiều muộn cho đỡ mất việc. Bữa trưa ngày vụ thường ăn luôn ở ngoài đồng để tranh thủ thời gian. Người nào người nấy mặt mũi đen cháy, mồ hôi ròng ròng, bóng loáng, đỏ ửng như đồng điếu, đồng tụ.  Có lúc rỗi rãi buổi chiều mưa to, được nghỉ ở nhà, bố tôi ngồi vặn thừng, bện chạc. Ngắm hai bàn tay ông sù sì, nứt nẻ, bện, cuộn thoăn thoắt, nhịp nhàng với những bó lạt giang; vừa làm có khi cụ vừa cao hứng ngâm ngợi mấy câu Kiều, tôi mới thấm thía phần nào cái bản tính cần cù, lam lũ mà vẫn lạc quan, yêu đời, yêu sống của người nông dân kẻ Trèm. Trẻ con, thanh niên đang tuổi ăn, tuổi ngủ. Ăn thì chẳng có gì nhưng cốt no bụng. Có thực mới vực được đạo. Nhưng ngủ thì quả là thiếu thốn. Mới 4h, hơn 4h sáng một chút, trời còn tối thui, mẹ tôi đã gọi réo rắt: - Này cả nhà ơi!, dậy đi thôi! Còn chuẩn bị ra đồng đi gặt hay đi cầy, bừa… gì đó! Dân làng người ta đi hết rồi kìa! Mặt trời bắn nỏ rồi kìa! Chả thức khuya chơi cho lắm vào để sáng banh con mắt, vành con ngươi không mở cái con mắt ra được!
          Nghe rõ dần tiếng mẹ la, mấy anh em tôi vẫn cố ngủ vùi, ngủ nướng thêm chút nữa, để đến lúc mẹ phải bực mình quát to hơn, vào giường lay vai, lay chân từng đứa mới oằn oài ngồi dậy, mắt mũi cay sè! Cánh đồng vào vụ cấy đông vui, tấp nập đến tận chiều sẩm. Người đổ phân, người gánh mạ, các bà, các chị, các cô lưng cúi khom khom, ra mạ thoăn thoắt hầu như hết 1 hàng con, 1 hàng sông mới ngẩng lên vặn lưng, bẻ khục 1 lần. Cấy lúa chiêm tháng chạp rét cắt da, đúng là chân lội dưới bùn tay cấy mạ non. Ngón tay răn reo, co quắp, cứng đờ vì ngâm lâu dưới làn nươc lạnh đục ngầu. Ngược lại, cầy lúa mùa tháng sáu thì lại chài chãi dưới nắng giữa hè dội lửa. Nước nóng rẫy pha nồng oi. Bất chợt lại đổ mưa rào. Nước mưa chảy ràn rạt trượt qua tấm áo tơi lá cọ xuống chân, xuống ruộng. Mẹ tôi, các thím, chị em tôi như những con quốc khổng lồ đang hí húi kiếm ăn trên đồng cạn, dưới đồng sâu. Đâu chỉ là cảnh hữu tình, thong thả: Chồng cày, vợ cấy, con trâu đi bừa như ca dao trữ tình giao duyên muôn thưở mà là sự vất vả, lam lũ, cực nhọc thực sự. Được hạt lúa, củ khoai, bắp ngô đâu có thanh nhàn, dễ dàng chi! Sau này nông nghiệp cơ giới hóa khá nhiều khâu nhưng cảnh cày tay theo bò, trâu, cấy tay, gặt tay vẫn là phổ biến. Dù có đẩy lúa, chở phân bằng xe cải tiến hay thuê xe công nông, thay đập lúa bằng máy tuốt rào rào thì lao động nông nghiệp ở làng Trèm vẫn là thứ lao động cực nhọc nặng nề, vất vả bậc nhất. Cần cù, lam lũ, chăm chỉ lam làm, chân chỉ hạt bột, chỉn chu, tiết kiệm dành dụm vẫn là đặc tính cơ bản cố hữu của người Trèm quê tôi. Bố mẹ tôi thường răn dạy các con: – Là nhà  nông làm ruộng mà không cần cù một nắng hai sương, hay lo hay làm thì chỉ có đói rã họng ra, bát cơm chẳng có mà ăn, các con ạ! Nhớ lần bố đưa tôi lên Việt Trì dạm vợ, sáng trở về, tàu hỏa chạy trong mưa rào. Nhìn qua cửa sổ tàu, trong màn mưa bay xiên chéo ràn rạt, dưới những chàn ruộng hai bên đường sắt, vẫn nghe rõ tiếng quát trâu bò: vắt, diệt, vẫn thấy những bước chân người, chân trâu thũng thĩnh, oàm oạp lội  ruộng cày bừa. Và ở mảnh bên cạnh, mấy bà, mấy cô đang lom khom ra mạ thoăn thoắt. Cái áo tơi lá cọ vồng lên khum khum trên lưng như những con nhím khổng lồ… bố tôi lại tặc lưỡi, cám cảnh: - Đấy, anh cả thấy không (bố vẫn hay gọi tôi như vậy)? nông dân mình ở đâu  cũng chân lấm tay bùn, khổ lắm con ạ! Anh em các anh cố gắng tu chí học hành đặng mà thoát khỏi cái cảnh suốt đời theo đít con trâu, khổ lắm!

          Rồi bố tôi thở dài, nét mặt buồn buồn, xa xăm, lại vớ lấy cái điếu cày bất li thân, hút một điếu, phà làn khói trắng đục bay chênh chếch xuống cánh đồng xa…
          Làng tôi chủ yếu là làng nông, ruộng đất công, tư rất nhiều. Như nhà tôi có 4 - 5 khẩu mà cũng sở hữu tới 3 mẫu ruộng (quy thành phần trung nông). Vì không thuê người làm (bởi không đủ tiền) mà cố tự làm lấy, lại không thể và không nỡ để ruộng hoang; vì như thế là lười biếng, là có tội với tổ tiên; là vì vẫn nhớ câu: Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu (Ca dao) nên cả nhà đều vất vả. Từ lũ trẻ con chúng tôi đến ông nội, bà nội đã già, nhà ai cũng vậy, nhất là những ngày mùa vụ. Cho nên, cần cù, chân chỉ làm ăn chính là một trong những truyền thống, tính cách cơ bản nhất của người Trèm quê tôi tự ngàn xưa cho tới bây giờ. Bố tôi vẫn dạy chúng tôi ghi nhớ những câu tục ngữ: Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Nhà mình cũng vào loại chăm chỉ, thu va hà vén nhưng đã bằng sao được nhà ông H, ông T, bà B, cụ A… làng giềng?! Cứ trông mấy gia đình ấy mà theo gương các con ạ! Không có tài năng, không gắng học hành đến nơi đến chốn thì cảnh ngồi mát ăn bát vàng chỉ là ước mơ hão huyền mà thôi!
          Đúng như vậy! Hiếu học, ham học, cần cù và thông minh trong học tập và kết quả học cũng không đến nỗi nào, chính là đặc tính khá phổ biến nữa của người Trèm gắn liền với truyền thống cần cù làm ăn như đã lược qua ở đoạn trên.
          Có lẽ người có bằng sắc, học vị đầu tiên của làng Trèm cũng chính lại là Đức Thánh Lý Ông Trọng. Ngài đã thi đậu Hiếu liêm, (không rõ thời ấy Ngài có được cấp bằng hay thẻ tre chứng nhận?!) làm quan dưới triều Thục An Dương Vương. Sau lại làm tướng, làm rể vua Tần với chức Tư lệ Hiệu úy, bảo vệ kinh đô Hàm Dương. Dân Trèm chúng ta đời đời tự hào về Ngài, lưỡng quốc tướng quân đầu tiên, văn vũ song toàn, khí phách, trí lự, sức lực đều hết sức phi phàm. Chàng trai bên sông Cái lấy vợ người nước ngoài đầu tiên – trở thành phò mã quý yêu của Tần Thủy Hoàng Đế lừng danh thiên hạ.
          Suốt hơn ngàn năm phong kiến, sĩ tử là con em dân làng Trèm trẩy kinh thi Hương, thi Hội dễ phải tới vài trăm, thậm chỉ cả ngàn (từ sự suy đoán về tỷ lệ  giữa người đỗ và người đi thi mà ra. Tỉ lệ ấy thường là 1/300à1/500 à 1/800 à1/1000 và số lượng kỳ thi đã được mở từ triều Lý tới triều Nguyễn cũng phải tới hàng trăm. Theo thống kê trong sách Từ liêm Huyện Đăng khoa chí (Cử nhân Bùi Xuân Nghi (1821 – 1891); TS. Nguyễn Thúy Nga, TS Nguyễn Xuân Mùi dịch và biên soạn. NXB Dân trí, 2010) ) và Quốc triều đăng khoa lục ( Cử nhân Cao Xuân Dục, (1843 – 1932); Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Thị Lâm dịch. Cao Tự Thanh hiệu đính, giới thiệu; NXB Lao động, 2011): Tổng số người thi đỗ từ tiểu khoa, trung khoa đến đại khoa (tú tài – cử nhân – sinh đồ - tiến sỹ) trong toàn huyện Từ Liêm, Hà Nội làkhoảng 5.000 vị; trong đó làng Trèm, xã Thụy Phương góp vào 21 vị, đứng hàng thứ 13 Trong huyện, sau các xã Đông Ngạc (247 vị),  Vân Canh (99 vị), Tây Mỗ…, Giám sinh của 1 xã – làng trong suốt cả ngàn năm thi cử trường ốc phong kiến kể cũng chưa phải là thành tích thật xuất sắc, vang dội, càng không thể so với các làng văn hiến đa sỹ xuất sắc trong cả nước. Tiếc cho làng không có 1 vị đại khoa nào! Nhưng so với số dân ít ỏi vài trăm nông dân hiền lành, nghèo khổ, chân chất, ngày đêm, năm tháng cặm cụi trên cánh đồng bên bờ sông Hồng này, thì đó cũng đã là những thành tích của trí tuệ, của tinh thần hiếu học đáng tự hào so với không ít làng xã khác bốn chung quanh. Họ Lê Đại tôn, cửu chi và họ Nguyễn Đại tôn,  ngũ chi chúng tôi là 2 họ lớn nhất trong làng có số người học hành, đỗ đạt cao. Các cụ Giám Lê, Tú Lê  từng là bạn đồng môn, đồng song, đồng tuế với các cụ Cử Nguyễn, Tú Nguyễn, Giám Nguyễn; Các cụ có khi lại gả con gái, con trai cho nhau, trở thành thông gia của nhau, thường qua lại hiếu hỉ, bàn soạn, ngâm vịnh thơ văn làm cho những chiếu văn Ngõ Tắc, Đông Chi, Đền Thiện… của làng nhiều năm hoạt động rất khí thế, vui tươi, rôm rả. Họ Nguyễn tôi rất tự hào vì đã có tới 6 cụ giám sinh, 1 cụ Tú Tài, 2 cụ cử nhân đóng góp với làng, với huyện. Trong đó chi Trưởng, tập trung tinh anh, xuất - xử được tới ba cha con cụ Nguyễn.
          Cụ Nguyễn Hữu Đạo (đời thứ 11, tính đến đời của kẻ viết bài này là thứ 17, kể từ đời thứ 1: 2 cụ Khởi Tổ), đỗ hương cống (cử nhân) năm 1819 triều Nguyễn Gia Long, làm quan tới Đốc học Quảng Trị, Thự Lang trung Bộ Binh (tương đương cấp cục trưởng, vụ trưởng ngày nay). Cụ Nguyễn Văn Ôn, là trưởng nam của cụ Đạo (đời thứ 12), cử nhân năm 1855 thời Tự Đức, giữ chức Tuần phủ Thái Nguyên; Cụ Nguyễn Hữu Pháp (thứ nam của cụ Đạo) đỗ Tú tài năm mới tròn 20 tuổi.
          Hậu duệ họ Nguyễn chúng tôi vẫn tự hào được là con cháu của các cụ Cử, cụ Tú nổi danh cả nước một thời xa xưa.
          Làng Trèm còn có những vị túc nho tuy không chiếm bảng vàng bia đá trong các kỳ thi chính ngạch nhưng quả là học vấn uẩn súc, thâm viễn, đức độ cao dày đã mở trường, mở lớp dạy học cho con em họ tộc, dân làng mình hoặc làm ông đồ đi dạy truyền đạo lý thánh hiền quanh vùng. Có cụ  sang cả Đông Anh, vào Hà Đông, lên Sơn Tây, Bắc Ninh; có vị trở thành sư biểu nổi tiếng dạy giỏi. Cụ đồ Nguyễn Quốc Trụ, từng là thầy học của mấy vị cử nhân, tiến sỹ làng Đông Ngạc. Học trò cụ Nguyễn Hữu Đạo đỗ cử nhân, tú tài tới vài chục người. Học trò trong và ngoài làng truyền ngôn: - Không được học cụ Lang (Lang Trung Nguyễn Hữu Đạo) là một điều nhục!
          Đến thời Pháp thuộc và thời nay, truyền thống hiếu học đáng quý ấy của làng Trèm văn hiến văn hóa cổ truyền vẫn đã và đang được trau rèn, phát huy và thâu nhận được những kết quả đáng mừng. Anh em các cụ Phán Văn, Nguyễn Văn (thôn Đông Sen) từng là giáo viên có tiếng ở trường kiêm bị tiểu học Đông Ngạc. Từ những năm trước cách mạng, qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ mà dân Kẻ - Mạc – Hoàng, Trèm – Vẽ, Sù – Gạ, cả mấy làng Sắp Mai, Hối Độ, Bỏi (Hải Bối) bên kia sông, từ thế hệ cha chú tôi đến thế hệ chúng tôi đều vinh dự được làm học trò của những hương sư đầu tiên quê làng Trèm ấy. Cụ Tú Thao (thôn Đình), một trong những người thi đỗ tú tài Tây đầu tiên của làng, khét tiếng học chăm, học giỏi nhưng không may yểu mệnh. Lớp trí thức mới đầu tiên của làng Trèm – xã Thụy Phương là các cụ Lê Đình, Lê Vôi, Nguyễn Văn Mẫn; gia đình phải bán ruộng, vườn lấy tiền chu cấp cho con trọ học ngoài Bưởi, Yên Thái để học trường Trung học Chu Văn An; trở thành những kỹ sư xây dựng, thủy lợi, giáo viên trung học phổ thông đầu tiên. Có những thầy dạy học mãi trên Thái Nguyên, Phú Thọ… Lớp kế tiếp là các ông, bà Lê Gia, Nguyễn Sa, Nguyến Kê, Lê Thanh,… đều chăm chỉ và thông minh; đạt thành tích xuất sắc. Có người trở thành giảng viên đại học, cao đẳng, giáo sư tiến sỹ (ông Nguyễn Văn Phổ, GSTS ngành Mỏ - Địa chất); có người trở thành anh hùng quân đội (anh hùng Lê Thanh Đạo, thôn Đông Sen)…
          Đến thế hệ chúng tôi, học hành, rèn luyện chủ yếu trong những năm chiến tranh sơ tán chống Mỹ; những học sinh  trường cấp 2 Đức Thắng, cấp 3 Xuân Đỉnh, sớm thích nghi với hoàn cảnh:
Giao thông hào bò vào cửa lớp,
Mũ rơm vàng, túi thuốc cứu thương,
Giữa giờ báo động, chuyện thường!
15 giây, đã tới mương ngoài đồng.

Viết đơn máu xung phong nhập ngũ,
Thiếu hơn cân, đành ở lại, buồn!
Thi vèo một nhát cho xong,
10 năm tốt nghiệp phổ thông, tạm rồi!
                                                                (ĐV; Hương gây nhớ một mái trường, 2001)
          Lứa thanh niên làng Trèm ấy: hơn chục đứa vào bộ đội; xa thì vào các chiến trường B, qua C, D đứa gần nhất thì trụ ngay ở trận địa tên lửa Cầu Gạo dưới đồng làng (sau thành đơn vị anh hùng); đứa nằm lại mãi nơi rừng xa, nuí thẳm, đứa thành thương, bệnh binh với mảnh đạn còn găm trong bụng, trong đầu; đứa may mắn được hưởng suất ưu tiên ăn nhờ bố mẹ, gia đình mà xuất ngoại học đại học nước ngoài rồi thăng quan tiến chức thành ông nọ bà kia; đứa vào sư phạm cấp 2, học gấp ra trường dạy ngay nơi trường sơ tán cách một dòng sông mênh mông với dăm ba con đò nhỏ thời chiến vẫn thành ngàn trùng xa cách; đứa làm ngay công nhân nhà máy Bê tông đúc sẵn; đứa lại theo cha làm xã viên hợp tác, cày sâu cuốc bẫm trên cánh đồng làng…        Hơn hai chục năm sau, trong ngày hội trường, hội lớp gặp lại thầy cũ, bạn xưa, xiết bao mừng mừng tủi tủi, kẻ mất người còn, đầu nhuốm hoa râm, mỗi người 1 cảnh, nhìn nhau mà lòng xiết bao rưng rưng cảm khái nhớ về 1 thời học trò áo trắng đã qua không bao giờ trở lại…!
          Đận ấy và dăm năm tiếp sau, làng Trèm được mùa giaó viên các cấp, từ mầm non qua phổ thông lên cao đẳng, đại học. Trước sau, nam nữ cả mấy chục thầy cô giáo trẻ mới ra lò, từ các trường sư phạm tỏa về dạy học con em dân làng và con em nhân dân Hà Nội, bồi đắp thêm truyền thống hiếu học tôn sư trọng đạo tự bao đời. Cho đến nay Hội Cựu Giáo chức xã con số cũng đã ngót nghét trăm ông bà thầy cô ăn lương hưu trí mà vẫn không nguôi lo lắng và tin tưởng vào tiền đồ tương lai giáo dục còn lắm nỗi cam go của cả nước nói chung, huyện, làng mình, nói riêng.
          Bây giờ thì hệ thống giáo dục của xã  đã tương đối hoàn chỉnh và phát triển: Các trường THCS, Tiểu học, Mầm non đều được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Số lượng giáo viên đương nhiệm đông đảo, trẻ tráng, được đào tạo chuẩn và trên chuẩn, trách nhiệm và nhiệt tình giáo dục và dạy học cho cả ngàn học sinh ríu ra ríu rít ngày 2 buổi đến trường. Thành tích đạt được không nhỏ nhưng khó khăn thử thách trước mắt không ít, vẫn đòi hỏi nhiệm vụ xã hội hóa giáo dục toàn dân được đẩy mạnh và hiệu quả hơn nữa. Chúng ta nghĩ gì và phải làm gì khi số giáo viên đạt các danh hiệu dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố, số học sinh giỏi các cấp cũng còn quá ít ỏi; trường , sau bao năm phấn đấu kiên trì vẫn chưa đạt danh hiệu trường chuẩn quốc gia. Và cuối cùng, làm sao để giữ được học sinh làng không chuyển xin học nơi khác? Vì sao? Và Làm gì? Vẫn là những câu hỏi trăn trở, nhức nhối trong tim óc mỗi người dân yêu làng, trong đội ngũ giáo viên cán bộ giáo dục xã, trong Đảng bộ và Ủy ban xã… Xem ra vấn đề không hề đơn giản và có thể giải quyết dứt điểm một sớm một chiều!

( Còn tiếp một kì nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét