Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

GIỚI THIỆU SÁCH “HỒN THIỀN TRONG THƠ LÍ TRẦN” của Vũ Bình Lục







 GIỚI THIỆU SÁCH “HỒN THIỀN TRONG THƠ LÍ TRẦN” của Vũ Bình Lục



15 giờ ngày 11/10/2013, tại nhà xuất bản Hội nhà Văn, có buổi giới thiệu cuốn sách “HỒN THIỀN TRONG THƠ LÍ TRẦN” của Vũ Bình Lục.

Đông đảo  nhà văn, nhà nghiên cứu, bạn viết, bạn đọc đã đến dự.

Sau khi nhà văn Anh Thư, phó Ban biên tập  của nhà xuất bản Hội nhà văn tặng hoa tác giả, nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Giám đốc chủ trì.


Nhà văn Hoàng Quốc Hải chúc mừng tác giả. Ông nhấn mạnh thơ Lí Trần của Việt Nam không thua kém thơ Đường. Có mấy lỗi mo rát cần sửa, và  chi tiết Trần Anh Tông rủ Nguyễn Trung Ngạn đi tu mới đúng.


PGS TS Nguyễn Hữu Sơn hoan nghênh tác giả. Ông cũng đã từng viết giới thiệu cho một tập “Giai phẩm với lời bình” của Vũ Bình Lục. Ông cũng muốn nhân nói về thiền, nói lại cho rõ là thơ Hoàng Quang Thuận không phải thơ thiền , chỉ là thơ du kí, cũng không phải là thánh thần nhập  hay đường luật. Nguyễn Hữu Sơn khen cách vận thơ của mình vào lời bình của Vũ Bình Lục là sáng tạo, thú vị. Ông cũng không quên nhắc một số lỗi.


Nhà thơ Vũ Quần Phương tâm sự : Vũ Bình Lục bình thơ của mọi người, giống như ông làm việc “ che tàn” cho người ta. Tự mua “tàn” lại mất công che, vất vả lắm. Vũ Bình Lục cần cù, kiên trì, bình nhiều cả thơ hiện đại và cổ điển. Khi dịch thơ, nên dùng bản dịch của các cụ, bản dịch của mình chỉ để tham khảo. Nhà thơ tỏ ý không thích kiểu “tác dịch” như có người đã làm.


PGS TS Trần Thị Trâm cùng học Đại học với Vũ Bình Lục đánh giá anh là “người hiếm”, một trí thức trở về từ trận mạc. Người lính Vũ Bình Lục mang vẻ chân quê, gan góc và quyết liệt. Anh đã vượt nhiều rào cản để làm công việc có ích cho cuộc sống. Tập sách không phải là chuyên khảo, nhưng  thiết thực cho bạn đọc, nhất là giáo viên và học sinh.


PGS.TS Văn Giá chúc mừng tác giả. Ông dẫn ra hai kiểu đọc : Đọc tri âm và đọc kí thác. Vũ Bình Lục nghiêng về cách thứ hai. Tác giả Vũ Bình Lục nhắc nhở không nên lơ là hay xa lánh văn chương cổ.


Nhà thơ Vương Trọng hoan nghênh cố gắng của Vũ Bình Lục dịch nhiều bài ra thơ Lục bát, thể thơ truyền thống của dân tộc. Điều đó giúp các bạn trẻ dễ dàng tiếp cận với thơ của cha ông.


Nhà giáo Đặng Văn Sinh đã viết bài về tập sách. Ông tán thành với Vương Trọng biểu dương cố gắng dịch ra thơ lục bát của Vũ Bình Lục.


Vũ Nho đánh giá cao việc dịch thơ và bình giải của Vũ Bình Lục. Diễn giả trích đọc một vài đoạn chứng minh Vũ Bình Lục tự tin, dám đối thoại, đính chính những điều cổ nhân  hiểu chưa đúng. Có điều, Vũ Bình Lục luôn khiêm tốn và nhẹ nhàng trong tranh luận. Vũ Nho cũng thừa nhận là đọc rất kĩ tập sách để học tập văn chương cổ; và vì đọc kĩ cho nên chỉ ra nhiều lỗi  thiếu chữ, phiên âm sai, giải thích chưa thấu đáo. Tuy vậy, vẫn nhấn mạnh tập sách là một tư liệu quý, là đóng góp đáng ghi nhận.


Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói vui rằng ông chỉ có đủ chữ nói được 60 phút, nhà thơ Vũ Quần Phương có thể dài hơn. Nhưng có lần ông nói hơn ba tiếng. Có người hỏi có mâu thuẫn không? Ông nói rằng không. Hơn ba tiếng đó chỉ có 20 phút là chữ của ông, còn toàn là của người ta.

Nguyễn Trọng Tạo khen Vũ Bình Lục có bản lĩnh, lật cánh từ thơ sang phê bình. Cuốn sách có ích.


 Nhà thơ Nguyễn  Thụy Kha chúc mừng Vũ Bình Lục. Ông khen phu nhân anh Lục rất xinh. Lại còn giỏi giữ chồng không ngoại tình. Ông kể về một bài báo ông so sánh tướng Giáp với tướng mĩ Macnamara. Tướng Mĩ chạy buổi sáng. Tướng Giáp thiền buổi sáng. Ông tướng thiền thắng ông tướng chạy. Cao hứng, ông kể về Văn Cao đã dịch câu thơ Chinh phụ ngâm thế nào, ông đã dịch câu thơ Nga ra sao. Bây giờ nhiều tuổi, ông dịch lại : “Vắng em. Lạnh căn phòng. Lạnh cả anh”

Nhà thơ Trần Quang Quý vui vẻ nhìn đồng hồ, cám ơn mọi người, mời tất cả qua phòng bên nâng li rượu vang chúc mừng cuốn sách và vợ chồng tác giả.

                                      
Vũ Nho lược thuật
Trước khi bắt đầu chương trình. Trái qua : Sương Nguyệt Minh, Nguyễn Thanh Kim, Trần Quang Quý, Bùi Quang Thanh, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo


                                     Trái qua : Vũ Nho, Vương Trọng, Hoàng Quốc Hải, Bùi Việt Thắng

                                          Tác giả Vũ Bình Lục phát biểu, bên cạnh là nhà thơ Trần Quang Quý

                                                               PGS TS Nguyễn Hữu Sơn phát biểu


                                                              Nhà thơ Vũ Quần Phương

                                                                 PGS.TS Trần Thị Trâm phát biểu

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét