Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

Có một người con trai...



Có một người con trai...
                                                
                                                    Hoàng Dân
Một câu (hoặc bài) ca dao có 10 cách hiểu là một câu ca dao hay, 100 cách hiểu là câu ca dao ám ảnh, 1.000 cách hiểu là câu ca dao bất hủ! (thơ cũng vậy!). Nghĩa là cách hiểu của mỗi người đọc chỉ là một khả năng hoặc một giả định mà thôi! Vì thế, trên các mặt báo thỉnh thoảng lại rộ lên một loạt bài trao đi đổi lại về cách hiểu đối với một câu (hoặc bài) ca dao nào đó. Đầu những năm 90, báo Giáo dục&Thời đại đã mở một diễn đàn như thế về bài ca dao Trèo lên cây bưởi hái hoa:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay

                       Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra
Ngoài lí do như đã nêu trên, còn có một lí do khác đã khiến các vị phụ huynh học sinh cũng sốt sắng vào cuộc là bởi bài ca dao này có trong chương trình của môn ngữ văn ở trường phổ thông. Đầu năm 2003, trên báo Văn nghệ Trẻ tiếp tục có một số bài viết trao đổi về bài ca dao này. Xem thế đủ biết tính dị bản tính đồng sáng tạo của người đọc đối với văn bản nghệ thuật quả là phong phú, đa dạng và lí thú! Có một cách hiểu tương đối phổ biến về nội dung ý nghĩa của bài ca dao này là: tình cảm tiếc nuối của chàng trai đối với người yêu khi người yêu đi lấy chồng!  Hiểu như thế có lẽ đúng nhưng chưa thật đầy đủ chăng?    
      
Hãy bắt đầu từ câu:

                              Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Chủ thể có hai hành động ngược hướng là trèo lên bước xuống, có hai đối tượng của hành động là hoa (bưởi) nụ tầm xuân, nhưng chỉ có một thao tác duy nhất là hái! Hái hoa tức là đến với đối tượng đã bộc lộ đầy đủ hương sắc và là đối tượng cần phải chinh phục trước. Còn cái nụ thì chưa biết có nở ra một bông hoa đẹp hay không? Hãy đợi một chút xem sao, thong thả một chút xem sao, việc gì phải vội vàng hấp tấp? Cái nụ sẽ là đối tượng thứ hai trong cuộc chinh phục vô tận của chàng trai, nếu nó hấp dẫn! Như thế, không thể nói chàng trai là người chân thành đi tìm kiếm tình yêu, mà hình như ngược lại đây là một gã trai lẳng lơ, tham lam con rô cũng tiếc, con diếc cũng muốn! Gã trai ấy có những hành động vừa mâu thuẫn, vừa nửa vời và rất lúng túng vội vã. Thế cho nên mới:
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
Em có chồng anh tiếc lắm thay
Có nhiều ý kiến tranh cãi về màu sắc tự nhiên của bông hoa tầm xuân. Người thì bảo nó màu trắng, người lại bảo nó phơn phớt hồng như màu đào phai và có người khẳng định nó màu trắng xanh. Trong thực tế, khi mới nở nó có màu trắng xanh (hoa non), sau đó nó đổi dần sang màu trắng hồng (hoa trưởng thành). Có người bảo hoa tầm xuân màu phơn phớt hồng nên bình rằng vì quá nhớ tiếc người yêu mà chàng trai bị loạn sắc. Còn những người cho rằng hoa tầm xuân màu trắng xanh thì bình rằng đó là cái đẹp non tơ, e ấp, ngỡ ngàng ; cái đẹp đã khiến chàng trai choáng váng vì quá nuối tiếc. Chúng tôi tán đồng với cách hiểu thứ hai. Tuy nhiên, vẫn còn một chi tiết rất quan trọng cần phải được phân tích bổ sung. Hoa tầm xuân là một thứ hoa hồng dại như rau rền dại, rau diếp dại... nghĩa là một thứ hoa mọc và nở tự nhiên, không phải hoa do con người trồng, chăm sóc, tỉa tót... Nó thường mọc nương theo bờ rào trong vườn ở các làng quê, đôi khi chính nó làm thành một đoạn hàng rào. Tóm lại, hoa tầm xuân là một loài hoa hoang dã. Vẻ đẹp khi mới nở của hoa tầm xuân là vẻ đẹp hoang dã, vẻ đẹp lạ và đầy bí ẩn. Chính cái bí ẩn ấy đã kích thích trí tò mò và khát vọng chinh phục của chàng trai.
Trước sự thẫn thờ có vẻ tội nghiệp của chàng trai, cô gái an ủi:
Ba đồng một mớ trầu cay

                Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không

Ba đồng có thể là nhiều (chị Dậu chỉ thiếu có 2,2 đồng mà đã điêu đứng đến nỗi phải bán con, bán chó!), cũng có thể là không nhiều (đó là cái giá tối thiểu để hoàn tất các thủ tục hôn nhân!). Vấn đề là lời chào cao hơn mâm cỗ, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, nghĩa là nếu thực lòng yêu thương thì chẳng ai lại để đến tận khi người ta đi lấy chồng mới rên rẩm tiếc nuối! Nhưng mà thôi, không bàn cái chuyện đã rồi nữa! Hãy nhìn thẳng vào thực tế đây này!
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu

                               Cá cắn câu biết đâu mà gỡ

Chim vào lồng biết thuở nào ra
Em đã thụ động chờ anh (phận nữ nhi mà!), còn anh thì hoàn toàn chủ động:

                        Anh như thuyền đi, em như bến đậu

Nếu anh là chàng trai có khí phách và có bản lĩnh:
Làm trai cho đáng nên trai
Xuống đông đông tĩnh, lên đoài đoài yên
thì hãy thử ra tay  tháo cũi xổ lồng giải phóng cho em! Thế nghĩa là ngay từ đầu cô gái đã thực lòng thương yêu chàng trai, chân thành mong muốn được gắn bó với chàng trai! Liệu chàng trai có ra tay tháo cũi xổ lồng hay không? Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ cho tới ... muôn đời!!!


4 nhận xét:

  1. Đọc bài của bạn, PM nhớ đến câu ca dao :
    Hoa Cúc vàng nở ra hoa Cúc tím
    Em có chồng rồi trả lại yếm cho anh
    Và:
    Hoa Cúc vàng nở ra hoa Cúc xanh
    Yếm em em mặ, yềm gì anh, anh đòi.....
    Sản phẩm ca dao luôn như viên ngọc đa diện nhiều chiều lấp lánh, lý giải kiểu gì cũng hợp cảnh, thuận tình....

    Trả lờiXóa
  2. Bài ca dao là một bức tranh tâm trạng của chàng trai bất ngờ gặp người mà mình thầm yêu trộm nhớ nhưng nay nàng đã có chồng, và người con gái chợt nhận ra tình cảm của chàng trai với mình, nên chàng trai bối rối vụng về. Các động tác trong bài thể hiện sinh động và rất hay cái lí, cái quy luật của tình cảm, chứ không phải thể hiện cái lô gic của đời thường.

    Trả lờiXóa