Thứ Năm, 1 tháng 5, 2014

Về tập thơ CÂY NẾN CHÁY của Đỗ Hữu Thiêm

                                                                                 Vũ Nho chủ trang

Về tập thơ CÂY NẾN CHÁY của Đỗ Hữu Thiêm

                                     Vũ Nho

Trước khi nói về tập thơ này, tôi muốn nói đến tư cách của người làm thơ. Anh Thiêm là người lính vượt Trường Sơn mang quyết tâm ra trận:
          Đã ra đi tất phải thắng mới về
          Mang khí phách đời xông ra trận
                                      Tuổi thanh xuân
Đấy là cái tư thế mà Chế Lan Viên nói rằng “ vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy”. Đáng để tất cả chúng ta tôn trọng và ngưỡng mộ.
          Anh Thiêm từng chiến bại, bị kẻ thù giam giữ trong tù ngục nhiều năm trời. Nhưng trong tù, anh vượt qua sự tra tấn dã man “ Gông xiềng…bền bỉ/ Anh cắn răng trong nhục…đọa đầy” ( Nằm trong chuồng cọp Phú Quốc) giữ vững khí tiết, giữ vững niềm tin cho đến ngày được trao trả tù binh. Anh đã chiến thắng trong hoàn cảnh khác.
          Và rồi về đời thường, anh như mọi chiến binh đồng đội “ Đi cày và đi biển/ Lên tàu và xuống bến/ Nuôi cá và trồng rau/ Chạy chợ và gác cầu/ Bơm xe và cất vó” ( Cái nền- Phạm Đức). Anh Thiêm về với ruộng đồng, làm người gieo trồng:
          Gieo trồng thành như phận cuộc đời
          Cuộc đời người nông dân cần mẫn
          Dù trời ban ân, dù trời ban hận
          Đồng rộng đường xa thũng thẵng trâu về
                                      Thợ cày
Tôi nghĩ tư cách nhà thơ của anh Thiêm đáng để cho bạn đọc quý trọng, yêu mến.


          Người đam mê thơ ca là một chuyện, làm thơ lại là một chuyện khác mà nguyên sự đam mê chưa đủ đảm bảo thành công. Thơ của anh Thiêm có thể ví như viên ngọc tự nhiên, quý, đẹp, nhưng chưa được mài giũa. Dĩ nhiên, vẻ thô tháp cũng là một vẻ đẹp. Song tác giả tiết lộ “Tôi thường nhẩm từng từ, từng chữ ghép lại thành câu và đọc với lòng “ Trái đất đã làm gì ra có đường…”. Và như thế nhiều lần, tôi thuộc câu cú hóa được chỉnh trang, đẽo gọt. Tôi làm thơ không có giấy, không có bút” ( Lời tác giả). Dẫu “chỉnh trang, đẽo gọt” nhưng hoàn cảnh đặc biệt ở chiến trường, trong tù ngục  không cho phép tác giả học hỏi, trao đổi. Bởi thế mà có những  từ câu thơ còn thừa chữ, những chỗ còn thô, cả những bài thơ chưa thật hoàn chỉnh nữa. Nhưng những điều đó không hề ảnh hưởng nhiều đến một hồn thơ tự nhiên, khỏe khoắn. Anh đã góp vào bức tranh thơ của người ra trận những vần thơ vượt dốc, băng rừng, lên đèo, qua suối cũ, cầu mây, hay giữ chốt . Những vần thơ căng sức trẻ và không ít mộng mơ:
          Ai đã gác đầu non nằm thao thức
          Nghe tiếng nai rừng đạp bóng trăng khuya
          Nghe gió khơi xa dìu dịu bay về
          Như tiếng ngàn xưa thầm thì đâu đó
                             Trạm rừng
Và bài thơ  của anh có  một khổ thật là thơ, tự nó đã là một bài thơ bốn câu hoàn chỉnh:
          Nỗi buồn thôi đừng hóa đá
          Thôi đừng người trong mắt trong
          Oằn vai với chiều ráng đỏ
          Nỗi niềm gác đâu hoàng hôn…
                             Bông nụ
Phần thơ “ Trên đoạn đầu đài” là một phần tư liệu quý về một người lính bình thường trong giam cầm, đày đọa của kẻ thù. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết ở Mỹ đã xuất bản tập “ Thơ trong những tài liệu bị bắt giữ”. Đây là những bài thơ chép trong sổ tay của các chiến sĩ ta. Người Mĩ kinh ngạc vì hầu như sổ tay nào cũng vẽ chim hòa bình, và những bài thơ đó sau khi được dịch ra tiếng Anh đã làm bạn đọc Mĩ kính trọng “kẻ thù” của mình.
Những vần thơ tù của người chiến sĩ cho ta thấy tinh thần anh dũng bất khuất trước đòn roi, tù ngục; đồng thời thấy khát vọng tự do, tinh thần đồng chí, đồng đội, nhưng tấm gương mãi mãi sáng ngời. Điều đó góp phần lí giải vì sao chúng ta đã thắng trong cuộc chiến.
Phần “ Bóng chim sổ lồng”, tác giả ghi lại những cảm xúc khi trở về cuộc sống đời thường. Vẫn có những hồi quang của năm tháng chiến tranh, năm tháng trong tù ngục, nhưng đây là một đoạn đời mới, cuộc sống mới. Ở đây có những hình ảnh thơ bình dị, xúc động. Những người mẹ làng Phùng Xá quê hương:
          Chỉ thương mẹ già tất tưởi sớm trưa
          Quanh bếp than hồng mồ hôi nhễ nhại
          Tức vú sữa, ngực căng vuông yếm nái
          Chờ lửa tằm váy đũi vén ngang hông
                             Phùng xá quê tôi
( Có một chút băn khoăn là mẹ già, sao ngực căng vuông yếm nái, sao còn tức vú sữa ? Đó là người mẹ trẻ nuôi con?).
Đây là đám tang người mẹ Việt Nam anh hùng:
          Trước linh cữu cụ
                                     không có người trùm áo khăn xô
          Tuổi chín mươi chưa có nàng dâu hầu hạ
          Con trai út cũng xả thân chống Mĩ
          Dựng trước quan tài ba chiếc gậy vông!
                             Hiện hữu
Niềm đau cũ còn nguyên đó. Hoặc được thời gian, cuộc sống hóa giải dần:
          Lúa đồng xanh cánh chim chiền chiện
          Nỗi đau hố bom hóa cổ tích trên đồng
                             Nỗi đau cổ tích
Niềm vui  mới chưa kịp nhen lên khi “ Nhà đầu tư chồng tiền cao hơn người/ Cho xí nghiệp mọc lên trên đồng xanh quê tôi”  thì nỗi đau mới lại hiện hữu “ Thoát xác rồi cơ nghiệp trắng tay” ( Ngõ cụt).
          Dù sao tập thơ của Đỗ Hữu Thiêm vẫn là một tập thơ đáng đọc vì được viết ra bởi một con người tử tế, người lính trong kháng chiến chống Mĩ cứu nước trở về bình dị làm một thường dân.

                                                      Hà Nội, tháng 4/2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét