Thứ Hai, 2 tháng 2, 2015

Ba nén hương

Nhà giáo nhà văn Hoàng Dân

Ba nén hương
                                                                                 Hoàng Cát

Nén hương này, con thắp giỗ mẹ
Bom ập đến, mẹ lìa cõi thế
Nén hương này, anh thắp giỗ em
Em ở lại miền Nam, không có mộ để tìm
Nén hương này, tôi thắp giỗ chân tôi
Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi
Ba nén hương, một mình tôi làm giỗ
Giỗ chính mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi

Lời bình Hoàng Dân
Người thương binh trong bài thơ “Ba nén hương” không đứng nhìn người khác thắp hương làm giỗ những người đã khuất mà là trực tiếp thắp hương làm giỗ 3 đối tượng: một là người mẹ bị bom giặc sát hại, hai là em trai hi sinh ở chiến trường không có mộ để tìm hài cốt và ba là cái chân đã mất trong chiến tranh của chính mình. Ba đối tượng được thắp hương làm giỗ gồm hai người ruột thịt và một phần cơ thể của người thắp hương. Tứ thơ lạ là ở nén hương thứ ba này.

Bài thơ gợi ra những liên tưởng về sự hi sinh to lớn của cả dân tộc ta trong cuộc chiến đấu trường kì và gian khổ để bảo vệ Tổ quốc, một cuộc chiến đấu không còn ranh giới giữa tiền tuyến và hậu phương. Ở tiền tuyến là những người con – người lính ngã xuống. Ở hậu phương là những người mẹ trở thành nạn nhân của chiến tranh  Đó là những mất mát rất cụ thể, những nỗi đau rất cụ thể, mà những nỗi đau cụ thể thì thường âm ỷ dài lâu hơn những con số thống kê lạnh lùng hoặc những khái niệm trừu tượng.
Nén hương này, con thắp giỗ mẹ
Bom ập đến, mẹ lìa cõi thế
Các bậc sinh thành thì theo qui luật chung, đến một thời điểm nào đó, hết tuổi trời thì qua đời và con cái làm giỗ để tưởng nhớ, đó là việc làm bình thường; nhưng ở đây có một cái không bình thường “Bom ập đến, mẹ lìa cõi thế”. Một cái chết đột ngột chất chứa cả đau xót lẫn căm giận, do đó nén hương cũng run rẩy hơn, thống thiết hơn.
Nén hương này, anh thắp giỗ em
Em ở lại miền Nam, không có mộ để tìm
Người lính hi sinh ở chiến trường cũng là việc bình thường, nhưng cái không bình thường là “Em ở lại miền Nam, không có mộ để tìm”. Sau chiến tranh, những trường hợp “không có mộ để tìm” phải kể tới con số hàng trăm ngàn, nhưng nếu nó rơi vào một gia đình cụ thể nào đó thì sẽ trở thành một nỗi đau nhức nhối khôn nguôi. Nhiều bậc cha mẹ trước khi nhắm mắt đều trăng trối cho anh chị em của người lính đã hi sinh mà “không có mộ để tìm” rằng: “Các con hãy cố gắng tìm bằng được hài cốt của anh (em) để cha mẹ được ngậm cười nơi suối vàng!”. Trong thế giới tâm linh của người Việt thì việc mất mộ người thân thường là nỗi day dứt không chỉ của một thế hệ, nó khiến cho những người đang sống luôn có mặc cảm tội lỗi về việc đó, cho dù họ đâu có lỗi gì?
Nhưng phải đến hai câu thơ:
Nén hương này, tôi thắp giỗ chân tôi
Chiến tranh cướp đi hai chục năm rồi
thì cái cách làm giỗ của người thương binh mới thực sự độc đáo. Tự mình thắp hương làm giỗ cái chân của mình đã “hi sinh” trong chiến tranh! Trong cái “giỗ” này có sự nuối tiếc khắc khoải một phần máu thịt đã trở thành cát bụi, có sự đau đớn xót xa vì không còn được là một người lành lặn, và có cả một lời nhắn nhủ những ai đã sớm quên sự hi sinh to lớn của những người lính nói riêng, nhân dân nói chung. Giỗ cái chân còn là hành động can đảm đối mặt với một thực tế khuyết tật để vượt lên nó bằng ý chí “tàn nhưng không phế”. Giỗ xong vẫn phải tiếp tục sống và điều quan trọng là, phải sống sao cho xứng đáng với quá khứ của chính bản thân mình!
Hai câu cuối:
Ba nén hương, một mình tôi làm giỗ
Giỗ chính mình, giỗ mẹ, giỗ em tôi
giống như một bức tượng đài bằng ngôn từ, trong đó “một mình tôi làm giỗ” vừa là tư thế thành kính thiêng liêng, vừa mang tính bi hùng ca về một thời máu lửa chưa xa. Ba đối tượng được làm giỗ thuộc hai thế hệ (người mẹ và hai con) và hai cõi âm – dương (người mẹ và người em là cõi âm, người anh là cõi dương) đã tạo nên một không khí hư hư thực thực thật ám ảnh và day dứt.

* Đọc thêm bài thơ TRÁI TIM TÔI LÀ MỘT NẤM MỒ của Hoàng Cát:

Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất Mẹ tôi bị bom tàn sát
Tôi chôn cất em trai tôi, không thấy xác
Trên chiến trường phía Nam

Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn Tiến – người Tĩnh Gia, Thanh Hoá
Đi công tác, rồi không về nữa
Suốt tháng tôi tìm, nhặt được dép cao su

Trái tim tôi là một nấm mồ
Tôi chôn cất, ấp iu người em tình nghĩa
(Linh ở Yên Thành, Nghệ Tĩnh)
Tôi cụt chân, Linh cáng cứu tôi
Địch xả liên thanh, Linh nát người
Máy bay đổ quân chặt Linh làm hai mảnh!...

Tôi đã chôn biết bao bè bạn
Giữa tim tôi, giữa tuổi trẻ đời tôi
(Khai, Bí, Xin, Dành, Quyện, An…)
Không nhớ hết từng người
Vì cuộc sống vẫn còn phải sống!...

Tôi giữ mãi những nấm mồ được ấm
Giữa ngực tôi…
                                                                                                      27.1.2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét