Thứ Bảy, 21 tháng 2, 2015

PHIÊN CHỢ VẼ SOI

                                       


PHIÊN CHỢ VẼ SOI

(Tản văn – hồi ức)

Tặng CCĐ, PKQ, ĐĐT, NVD…
và các bạn đồng môn Đông Ngạc

ĐƯỜNG VĂN
Làng Đông* có chợ Vẽ Soi,
Hai bảy tháng chạp, năm thời một phiên.
Mạc, Trèm xuống, Gạ, Sù lên*
Rộn ràng mua bán, đán Nguyên áp chờ.
                                                                                   (Ca dao)

Hôm nay đã là ngày 27 tháng chạp năm Giáp Ngọ, đúng phiên chợ Vẽ Soi, mỗi năm chỉ họp đúng có 1 lần. Chợ Vẽ Soi tuy không nổi tiếng khắp cả nước được như Chợ Viềng (Nam Định, họp phiên duy nhất vào đêm 6 – ngày 7 tháng giêng (Tết), nhưng cũng lừng lẫy khắp dọc hai dải tả, hữu Hồng; đón khách bán, mua từ các làng: Kẻ, Nội, Mạc, Hoàng, Trèm, Vẽ, Sù, Gạ, Nhật Tân bên bờ nam… vòng vào Cáo, Noi trong đồng, vượt sang bên kia bờ bắc: Súng, Mơ, Hối Độ, Bầu, Tàm Xá, Xuân Canh (Đông Anh)… Đó là phiên chợ quê kiểng vào loại trung bình, thu hút cư dân một vùng tây bắc ngoại thành, huyện Từ Liêm, Hà Nội, phiên chợ còn lưu dấu ấn những hoài niệm hoang hoải trong lòng tôi, dù hơn nửa thế kỷ dằng dặc đã trôi qua.
                                                 ***

Cho tới bây giờ, dù chỉ còn 3 năm nữa là vào tuổi cổ lai hy, mà tôi, và cũng như không ít ông bà già vùng này vẫn chưa thể giải thích tỏ tường, thuyết phục nghĩa của từ soi, trong cụm danh từ phiên chợ Vẽ Soi. Sinh thời, bà nội, bà ngoại tôi dạy bảo cháu:  
- Ấy là vì cái chợ mở đầu tiên ở dải đất bãi Soi (à doi đất vươn ra từ bờ nam sông Hồng, thuộc xóm Bãi Hoa, xã Đông Ngạc - phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm hiện nay).  
– Nhưng nếu vậy thì tất cả các phiên chợ (họp các ngày 2, ngày 7) khác trong tháng, trong năm cũng phải gọi là phiên chợ Vẽ Soi như thế chứ?! Tại sao mọi người đều nhất loạt cắt từ Soi?! Mà chỉ đặc biệt gọi phiên chợ mở ngày cuối năm âm lịch, áp tết Nguyên đán: 27 tháng chạp là phiên chợ Vẽ Soi?!... hở bà? 
               Tôi vẫn tò mò nêu thắc mắc.  
          - Ầy dà!... Có lẽ bởi vào đầu những năm 60 thế kỷ trước, địa điểm chợ Vẽ được dời từ Bãi SoiBãi Hoa lên sân Đình Vẽ, Văn Chỉ làng Vẽ rồi lại dời lên mảnh đất sát chân đê, rộng rãi gần ngõ Chùa, làng Vẽ, nơi đặt Cửa hàng mậu dịch quốc doanh mua bán Bách hóa Đức Thắng; và đến thập kỷ 80, mới chuyển tới địa điểm áp phía tay trái đường 69 như hiện nay.
           Bố tôi xen ngang câu chuyện của hai bà cháu.
- Thế sao chỉ 1 phiên chợ  ngày 27 tháng chạp vẫn cứ được gọi là phiên chợ Vẽ Soi mãi tới nay, không đổi?
               Tôi ngây thơ, băn khoăn chưa chịu! Bố tôi thở một hơi dài khói thuốc lào đặc sánh, thủng thẳng nói những suy nghĩ, phán đoán riêng của mình:
          - Cái thằng bé con nhà tôi đến là lắm chuyện! Có lẽ là để phân biệt với các phiên chợ Vẽ khác trong năm bởi sự đặc biệt đông vui, nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Tất cả  đến chợ, đều nhằm mục đích chuẩn bị những thức ăn, vật dụng, lễ vật để chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán hằng năm. Chợ họp cả ngày, từ sớm tinh mơ đến xế chiều thì chợ vãn, nhưng đông đúc, tấp nập nhất là vào khoảng từ 7 h – 10h buổi sáng. Cứ gọi là người mua kẻ bán chen chúc, đông như nêm cối. Cư dân trong vùng, tự quy ước, mặc định với nhau như thế, lâu mãi thành quen … chăng? Và từ soi, ngoài nghĩa cũ: chỉ cánh bãi Soi, nay có lẽ nhận vào mình thêm nghĩa mới: kỹ càng, soi xét, cẩn trọng hướng về những bà con, chị em đi chợ mua sắm lễ vật, hàng họ và cả những người làm hàng, bán đồ… cũng thấy phải làm kỹ lưỡng, chất lượng hơn thì mới vừa lòng người mua, mới bán được nhiều hàng, đắt hàng?! Vì thế, chợ Vẽ nói chung, chợ Vẽ Soi nói riêng, đã từ lâu, vượt ra khỏi phạm vi phiên chợ làng nhỏ bé để trở thành phiên chợ một vùng quê, có thể gần sánh ngang với chợ Cáo (Xuân Đỉnh), chợ Bưởi, chợ Cổ Loa (Đông Anh)…
Tôi chịu là ông cụ thân sinh giải thích có lý, mặc dù biết rõ cả đời ông chẳng đi chơi, xem, hay mua bán tại bất cứ phiên chợ nào, ở đâu bao giờ! Nhưng tôi vẫn chưa hoàn toàn thỏa mãn. Mãi tới đầu năm ngoái (2014), tôi lại đem câu hỏi này sắc mắc với cụ Đồ Lê:
-                     Thế vì sao chợ Trèm làng mình, phiên áp Tết (26 tháng chạp (?!) sao không được gọi là phiên chợ Trèm Soi, thưa cụ?
                   Theo tôi, có lẽ vì chợ Trèm không bao giờ đặt ở một bãi soi nào cả! Vả lại, chợ Trèm cũ từng bị giải thể gần 50 năm, mãi mấy năm gần đây mới được xây mới, khang trang, bề thế ở đầu thôn Đông Sen, trước cổng nhà chú, như anh đã biết! Riêng tôi, tôi cho rằng chợ Vẽ Soi chỉ có ở làng Vẽ (Đông Ngạc), khởi đầu từ địa điểm Bãi Soi. Cái mỹ tự phiên chợ Vẽ Soi nó cũng độc đáo, đặc sắc chẳng kém chi những phiên chợ Viềng Nam Định, chợ tình Sa Pa, chợ trâu bò Cán Cấu, chợ nổi Đồng Tháp,… phải không anh cháu?
          Ông Lê vừa cười vừa nheo mắt nhìn tôi, thích thú.
                                                        ***
          Ấn tượng đầu tiên của phiên chợ Vẽ Soi đối với tôi là vào năm tôi lên 7 – 8 tuổi gì đó. Tôi thích bám váy bà nội đi chợ sắm tết, chen chúc giữa dòng người ngột ngạt, ồn ào, tôi cứ phải bám chặt lấy váy bà, không dám lỏng tay một phút vì sợ lạc, sợ người lớn chen bẹp. Bà tôi vừa cố len chân vừa nói to:
-                     Nhờ các ông các bà cho bà cháu tôi đi nhờ một tý!
          Bà tôi mặc cả mua chục hoa huệ trắng phau, thơm ngát, rẽ sang hàng hoa quả chọn mấy chục quất rời, quả bòng to, quả phật thủ mọc những ngón tay nghều ngào, quym quýp, chục cam giấy làng Canh… để về bầy mâm bồng ngũ quả. Bà tôi kỹ tính nên lựa lọc, nâng lên đặt xuống, xem xét lâu lắm mới ưng ý. Lại mặc cả mặc lẽ giá mua một hồi mới xong. Tôi đứng chồn chân bên cạnh, thỉnh thoảng lại giật giật váy bà, ra ý giục bà đi tiếp sang hàng khác. Bà làm như không biết, cứ điềm nhiên chọn lựa thức nọ, thứ kia, và trả giá theo ý mình. Khi tôi giật mạnh, bà quay lại, nhẹ nhàng dỗ dành:
-                     Thằng bòi! Yên nào, để bà xem kỹ mới chọn được quả tươi, ngon, thành tâm dâng cúng cụ chứ! Ngoan! Chốc bà cho đi ăn cháo cái.
-                     Chả là tôi vốn thích ăn thứ cháo cái (cháo se),* một trong những thứ đặc sản ẩm thực của vùng Trèm – Vẽ (cùng với Giò lụa Trèm, Nem Vẽ nổi tiếng khắp Kẻ Chợ - Hà Thành và cả các vùng lân cận) từ hồi còn rất nhỏ. Bao giờ theo bà đi chợ, cũng được bà cho ăn quà, dẫn vào hàng cháo. Hai bà cháu, mỗi người ăn một bát mầu loa hoặc bát chiết yêu cháo cái nấu với sườn lợn, tôm he sóng sánh, nóng hổi, ngọt lừ. Vừa nhăm nhắp húp vừa hít hít hơi cháo thơm ngậy vừa ngắm nhìn mọi người đi lại, mua bán rổn rảng, tấp nập chung quanh, mồ hôi lấm tấm trên trán, trên chóp mũi. Ngon sao mà ngon thế! Bà húp từng thìa nhỏ, từ tốn, chậm rãi, vừa nheo mắt trông thằng cháu háu ăn, chốc chốc lại nhắc: 
      - Ăn đi cháu! Cháo nóng húp quanh; đừng húp nhanh quá, khéo sặc thì khốn! Hết bát này, còn thèm, bà lại gọi them bát nữa!
         Tôi ngước nhìn bà nội, rụt rè đề nghị:  
     -  Cháu no rồi! Nhưng bà cho cháu tiền để mua bộ tranh mẹ con gà, lợn âm dương về treo  nhé!
    - Ờ! Mua vài bức về treo tết cũng đẹp cửa vui nhà.
       Rời hàng cháo, tôi kéo tay bà rảo bước qua hàng tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống rực rỡ, bầy la liệt ngay trên những tấm nilon trải sát mặt đất. Mua xong tranh Tết, hai bà cháu lại tong tả tới quầy hàng thịt, hàng cá. Bà chọn mua 2 cân thịt lợn để làm nhân bánh chưng, 1 cân thịt trâu để làm cuốn và 2 cân cá chép để kho tương gừng. Thấy bà 2 tay xách những 3, 4 cái túi, làn mây đầy ắp, nặng trĩu, tôi xăng xái:
     - Bà đưa cháu xách đỡ 1 túi to nhất ấy!
     – Thôi để bà xách, không đổ hết ra đường thì hỏng cả!
     – Không! Cháu khỏe, cháu xách được mà!
    Tôi phải ba, 4 lần nì nèo, bà mới đưa cho tôi xách túi thịt lợn.
    – Nào, thử xem anh chàng có mang nổi từ đây về đến nhà không?!
          ... Mãi đến gần trưa, hai bà cháu tôi mới mua xong mọi thứ cần thiết cho cả mấy ngày Tết. Vừa về đến cổng, bà đã gọi to vào trong nhà:
     - Ông đâu rồi? Ra xách đỡ bà cháu tôi nào!
      – Tôi ra ngay đây!
             Ông vừa trả lời vừa lộc cộc guốc mộc đi nhanh ra cuối sân, đỡ hai cái túi nặng từ tay bà nội:
      - Bà mua sắm những gì mà nhiều thế? nặng thế? Rõ khổ!
     – Chuyện! Tết nhất mà lại! Ông xách đỡ cho thằng bòi này!
     – Đưa đây ông!...
       … Cả hai ông bà nội của tôi đã từ lâu về với tổ tiên. Nhưng mỗi khi nhớ tới ngày 27 tháng chạp, trong tôi lại hiện lên những kỷ niệm bà cháu, ông cháu ấm lòng ấy.
                                                          ***
            Lớn hơn 1 chút, khoảng năm 9 – 10 tuổi, đang học lớp 3 – 4 trường Vẽ (Đông Ngạc), tôi đã bắt đầu ham thích đọc sách*. Phiên chợ Vẽ Soi năm Mậu Tuất (1958), hay Kỷ Hợi (1959) gì đó, tôi, lần đầu tiên xin bà nội (tôi hay xin bà mà hầu như không xin mẹ (u) vì u tôi còn bận tối mắt việc đồng, việc nhà; còn bà thì chiều cháu đích tôn nhất trên đời. Hầu như muốn gì được nấy!) 2 đồng (tương đương khoảng 100.000 đ hiện nay, để đi chơi chợ Vẽ Soi một mình. Tất nhiên bà cho ngay, chỉ dặn đi dặn lại: 
-                     Nhớ cẩn thận không bị mất cắp, gài chặt ghim băng vào túi áo ngực ấy và đừng có tiêu gì hoang phí, cháu ạ!
-                     Tôi vâng to, rồi ba chân bốn cẳng nhào xuống chợ (khi ấy, chợ Vẽ đặt ở trước cửa hàng Bách hóa, phía trên ngõ Chùa. Nền đất nện, những chiêc lều quán chật chội lợp giấy dầu hay nilon tạm bợ gióng từng hàng dọc, hàng ngang từ chân đường đê tới tận bờ ao, dài gần trăm mét. Đi lại, tha thẩn ngắm hết hàng này đến hàng khác mà chẳng muốn, chẳng thích mua gì! Chợ phiên Vẽ Soi hàng hoá la liệt, phong phú chủng loại: tươi, khô, sống, chín, hoa, quả, cây, củ, tạp hóa, la ghim, gia cầm, gia súc: gà lợn, chó, mèo, ngan, vịt, ngỗng…áo quần may sẵn, đồ dùng sinh hoạt gia đình, dụng cụ làm nông, gạo ngô, khoai, sắn, phở, bún, cháo, bánh… có cả hàng nhuộm quần áo, cắt tóc gội đầu, mài dao kéo… thôi thì thượng vàng hạ cám… chẳng thiếu thứ gì!... Vọng lại từ ngoài chỗ hàng thịt, thấy người mua xúm đen xúm đỏ, mua bán đông nghịt, vòng trong vòng ngoài, tranh cãi ầm ỹ. (Năm sau, trong khi viết bài tập làm văn miêu tả phiên chợ Vẽ Soi, tôi chủ yếu tả lại cảnh này. Đoạn văn đặc tả những điều từng mắt thấy tai nghe ấy được thầy Trần khen viết sinh động, linh hoạt. Tiết trả bài, thầy đem ra đọc mẫu trước toàn lớp 5B, khiến tôi sướng phổng mũi mấy ngày liền!)… Khi ấy, tôi cũng chẳng thấy đói nên không rẽ vào hàng cháo cái như những lần đi với bà, mà theo sở thích, lần đến quầy hàng tranh Tết. Khác với mọi năm, bên cạnh các loại tranh Tết, câu đối treo bày la liệt là hàng chục tập sách truyện. Đập ngay vào mắt tôi là 2 tập Tam Quốc diễn nghĩa tập 1, 2, rất lạ mắt. Tôi cầm lên, thấy in tên tác giả: La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính, hiệu đính: Bùi Kỷ; nhà xuất bản Phổ thông. Bìa minh họa tập 1 cảnh 3 anh em Lưu – Quan – Trương kết nghĩa vườn đào; tập 2: Lã Bố (Phụng Tiên) vào ra mắt Đổng Trác. Đẹp quá! Hấp dẫn quá! Lướt qua mấy trang bên trong: hồi 1, hồi 2,… đều được mở đầu bằng 2 câu thơ bảy chữ và xen kẽ một vài bức tranh minh họa khác. Lật cuối bìa 4, thấy đề giá bán tập 1: 9 hào (0, 9 đ); tập 2:  8 hào rưỡi. Mua cả 2 tập vẫn chưa hết 2 đ. Tôi lập tức xỉa tiền mua luôn. Còn thừa 3 hào, mua chục kẹo bột. Túc tắc, trên đường về, vừa đi vừa nhai kẹo côm cốp vừa mở tập 1, đọc ngay hồi đầu:
Tiệc vườn đào, anh hùng kết nghĩa,
Chém Khăn vàng, hào kiệt lập công!
      hết sức mải mê, chăm chú. Cái lạ, hay, hấp dẫn, mới mẻ của câu chuyện Tàu ngày xưa hòa với cái ngọt ngon kẹo bột cùng cái lạnh lạnh se se phả ra từ làn mưa bụi nhẹ giăng trên đầu khiến thằng bé mê truyện 10 tuổi là tôi cảm thấy thống khoái, lý thú lạ lùng! Từ ấy, trong khoảng hơn 1 năm liền, tôi tìm cách chắt chiu, dành giụm tiền, mê mải tìm mua, chờ mua và say sưa ngấu nghiến trọn vẹn bộ tiểu thuyết lịch sử hàng đầu (đệ nhất trong tứ đại kỳ thư) của Trung Hoa cổ điển trung đại.*
Có thể nói khơi ngòi cho hứng thú mua sách, đọc sách suốt đời của tôi bắt đầu từ buổi sang phiên chợ Vẽ Soi năm ấy.
                                                          ***
Bây giờ thì cả hai vợ chồng tôi đều đã tóc bạc da mồi, đã thành ông bà của một đàn cháu trai, gái lít nhít, nghịch ngợm mà ngoan ngoãn và đáng yêu vô cùng! Thằng cháu nội Dương Tễu - đích tôn của chúng tôi cũng vừa bằng tuổi tôi hơn 50 năm về trước. Nó cũng rất say đọc sách truyện các loại, nhất là những bộ truyện cổ Trung Hoa từ Tam Quốc, Thủy hử đến chưởng Kim Dung… Mỗi khi muốn đọc, nó chỉ việc lên tầng 4, rút liền xuống vài quyển từ cái giá sách ngất nghểu của ông nội, mang về bàn học, đọc dần, chứ không phải, không cần tìm tòi, xin tiền, góp gom, nhặt nhạnh từng hào như ông nó ngày xưa! Nhìn cháu đọc chăm chú, thỉnh thoảng lại ngước mắt hỏi ông điều này, việc nọ, nhân vật kia… tôi lần lần tìm cách dễ hiểu giảng giải cho cháu mà thấy lòng trẻ lại và bâng khuâng,… Lại thấp thoáng nhớ về phiên chợ Vẽ Soi, mình đã mua 2 tập đầu của bộ Tam Quốc diễn nghĩa… xa xôi thuở nào!...
          Chỉ riêng bà vợ tấm mẳn của tôi thì càng có tuổi càng tăng một thú vui không chán: đi chợ hằng sáng mỗi ngày. Bà thuộc loại lão mẫu già vui chợ (chứ không vui chùa như nhiều bà bạn đồng lứa khác trong làng!). Nhất là những buổi chợ phiên, đặc biệt là phiên chợ Vẽ Soi đông đúc, áp Tết này, bà có thể về rồi lại tất tả, hứng thú treo làn, xách xe đi nữa. Vì bả bỗng tự phát hiện lại quên chưa mua thứ gì đó…?! Tay xách nách mang, ghi đông và gacbaga (cái đèo hàng đằng sau yên xe đạp) đầy ắp, nặng trĩu, dắt qua cổng, vừa đi vừa cười nói rộn ràng, vẻ mặt ngời sáng, hân hoan, tươi mưởi. Đúng là vui như Tết! Luôn tay tháo từng túi nhỏ, túi to đặt lên bàn bếp, bà vừa nói như khoe với con gái, con dâu đang hí húi làm cỗ cúng:
- Này, mẹ vừa mua được cành đào phai nụ, dăm chi chít. Các cô thử đoán xem giá bao nhiêu nào?
Rồi quay sang tôi – lão chồng già bẩn, lười, vô tích sự, bả thông báo 1 tin vui:
- Tôi vừa gặp dưới chợ Vẽ: cô Phan TH., cựu bạn đồng môn XĐ của ông. Càng già càng gầy mo, mà nói: vẫn ăn khỏe, ngủ khỏe, mới lạ chứ! Cô ấy hỏi thăm ông đấy!
           Tôi cười nhẹ, thoáng ngắm bà vợ đảm và cố hình dung cảnh hai bà U70, một dâu Trèm, một gái Vẽ vui vẻ chuyện trò, hỏi thăm nhau giữa trăm kẻ bán, ngàn người mua ríu rít, xốn xang niềm hân hoan, trong ồn ã phiên chợ Tết Vẽ Soi cuối cùng năm con ngựa mà lòng chợt vui, chợt buồn… Có lẽ đó là tâm trạng vẩn vơ tất niên của một lão hủ cả đời ngẩn ngơ, chân không đến đất, cật không đến giời… chỉ ham thơ thẩn thẩn thơ… là tôi!? Lão đành chậm chạp chống cái đầu gối đang mọc da non, đau và ngứa, lần lần trèo lên tầng thượng, ngồi vào ghế xoay, mở computơ, gõ phập phằng, nhung nhăng trên bàn phím, ghi lại chơi mấy ảnh hình, ấn tượng về những phiên chợ Vẽ Soi xưa… vừa thoáng hiện trong trí nhớ/.

·        Mời đọc các bài tản văn – hồi ức của Đường Văn:
Giò lụa, cháo se quê Trèm; Sách, với tôi; tập thơ chuyên đề Vịnh Tam Quốc; đã đăng trên các blog: trannhuong, vunhoNINHBINH, nguyennguyenbay.com, năm 2013 - 2014.
* Nay là phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. * Mạc: phường Liên Mạc, Trèm –phường Thụy Phương, Gạ (Phú Gia), Sù (Phú xá) thuộc phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội

                                                    
                                               Đêm nồm ấm 16 – 2 – 2015
 - 29 tháng chạp Giáp Ngọ. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét