Thứ Hai, 16 tháng 2, 2015

TRAO ĐỔI NHÂN ĐỌC BÀI "VỀ VIỆC DỊCH BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU CỦA BÁC"



TRAO ĐỔI NHÂN ĐỌC BÀI
 "VỀ VIỆC DỊCH BÀI THƠ NGUYÊN TIÊU CỦA BÁC"

TẠ PHƯƠNG


Báo Văn nghệ số 35-36 (2-9-2004) có đăng bài "Về việc dịch bài thơ Nguyên tiêu của Bác" của tác giả Lê Hữu Bắc Sơn. Chúng tôi muốn trao đổi  với tác giả đôi điều sau đây.
Trong bài báo trên, tác giả tỏ ý không đồng tình với ông Lê Thái Phong, người đã phê phán một số điểm trong bài bình của nhà thơ Vũ Quần Phương về bài thơ "Nguyên tiêu" trên báo Nghệ An cuối tuần.
Chúng tôi đồng ý với tác giả Lê Hữu Bắc Sơn là mỗi người có góc nhìn, trình độ và cách tiếp cận khác nhau đối với một tác phẩm văn học, do vậy có những cảm nhận và phát hiện khác nhau. Việc người này không đồng tình với người kia về một khía cạnh nào đó trong thẩm bình là chuyện thường tình. Và, nói gì thì nói, cũng phải dựa trên cái "lý khoa học", "chứ không thể nói lung tung tuỳ tiện được". Những ý kiến của chúng tôi cũng xuất phát từ  nhận thức như vậy.
Thứ nhất, tác giả Lê Hữu Bắc Sơn mở đầu bài viết bằng những ví von không chuẩn xác. Đúng là có thể ví mỗi kiệt tác văn học với một viên ngọc, nhưng đừng lầm lam ngọc (saphia xanh) với hồng ngọc (ruby), hoặc ngọc tím (ametist, spinen tím...). Không có thứ ngọc nào mà buổi sáng có màu xanh (xanh biếc, xanh lơ, xanh lam, xanh ngắt...), buổi trưa có màu đỏ (đỏ au, đỏ chói, đỏ tươi...) và buổi chiều lại có màu tím như ông nghĩ. Cũng xin nói thêm, cái màu tím của buổi chiều dường như cũng là màu tưởng tượng, màu của ảo giác, thường chỉ xuất hiện trong văn học, chứ người trần mắt thịt, đem cái "lý khoa học" ra mà soi, thì chẳng thấy được màu tím của buổi chiều đâu. Riêng ngọc alexandrit có thể đổi màu chút ít khi chuyển từ ánh sáng ngày sang ánh sáng đèn điện, hoặc ánh sáng buổi chiều chạng vạng, nhưng lại là thứ ngọc có màu nhờ nhờ, kém xa về giá trị so với những viên ruby, saphia rực rỡ chỉ có một màu duy nhất.

Tiếp theo, Lê Hữu Bắc Sơn coi việc Lê Thái Phong dịch chữ "chính viên" trong bài Nguyên tiêu thành "tròn vành vạnh" là không được, mà phải giữ nguyên như Vũ Quần Phương là "vừa tròn" mới chính xác. Và ông hiểu "vừa tròn có nghĩa là trăng vẫn đang tiếp tục tròn, sự vật đang ở độ phát triển, đi lên". Ý kiến này tôi thấy đáng ngờ quá. Mọi vật vần xoay trong vũ trụ đều có cái cữ của nó, có thời điểm của nó. Nhà thơ Xuân Diệu từng viết "Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua", thật đúng! Trăng tròn, dù là vừa tròn đi chăng nữa, cũng là lúc đã đạt đến đỉnh điểm, đã đến cữ, đã đến lúc bắt đầu của tàn lụi, đi xuống chứ không thể nào lại tiếp tục "phát triển, đi lên" như ông Sơn nghĩ được. Về điểm này, "vừa tròn" và "tròn vành vạnh" chẳng khác gì nhau, nếu xét theo cái "lý khoa học" mà ông Sơn đòi hỏi. Nhưng nếu xét theo cái "lý văn học" thì có lẽ vừa tròn như cách dùng của nhà thơ Vũ Quần Phương là hợp hơn, và nên dùng như vậy.
Tiếp theo, về câu thơ "Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền", tác giả dẫn lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương "Cảm nhận trăng như một khối lượng vật chất chở đầy thuyền, chất đầy kho là tính cách của người tài tử". Về lời bình trên, ông Lê Thái Phong nhận xét "Mấy chữ khối lượng vật chất có chiều nặng nề, thô vụng". Ông Lê Hữu Bắc Sơn bảo vệ cách cảm nhận kể trên của nhà thơ Vũ Quần Phương, còn dẫn 4 câu thơ của Hàn Mặc Tử ra để chứng minh thi sỹ tài danh họ Hàn cũng từng cụ thể hoá trăng như một thứ gì thật sinh động, thật gần gũi, "có thể thoa vuốt được". Rồi ông đi đến kết luận: "Cảm nhận như vậy chẳng có gì là thô vụng cả".
Chúng tôi thấy lý lẽ của ông Lê Hữu Bắc Sơn chưa đủ sức thuyết phục. Tác giả Lê Thái Phong không hề coi câu thơ trong "Nguyên tiêu" là thô vụng, do vậy dùng các câu thơ của người khác có cùng đặc điểm để phản bác ý trên của ông Phong là không trúng. Ai chẳng biết trăng là vật chất, ánh trăng cũng là vật chất vậy thôi, đó là xét theo cái "lý khoa học". Trong tuổi ấu thơ Trần Đăng Khoa đã từng viết "Trăng tròn như quả bóng / Bạn nào đá lên trời", thì cũng vật chất, cụ thể và sinh động quá còn gì. Nhưng có gì mà phải xem đó là "tính cách của người tài tử"! Đấy là chưa kể trong cụm từ "người tài tử" thừa một chữ "người" hoặc chữ "tử", và cái nghĩa "tài tử" mà nhà thơ Vũ Quần Phương dùng ở đây không rõ hàm ý khen hay chê nữa. Chúng tôi hiểu, tài tử là người đàn ông có tài, còn xét về góc độ chuyên môn thì tài tử là người không chuyên, chỉ do thích thú mà chơi hoặc trau dồi một môn thể thao, văn nghệ nào đó (tuỳ hứng, không chuyên tâm). Vì vậy, nói "là tính cách của người tài tử" mà hiểu theo nghĩa tính cách của người tài thì rõ ràng không hợp, còn hiểu theo nghĩa "không chuyên" thì e là hạ thấp tài năng của tác giả thi phẩm.
Mặc dù từ lâu chúng tôi vẫn hâm mộ những lời bình của nhà thơ Vũ Quần Phương, nhưng riêng lời bình dẫn trên đây đối với câu thơ hay nhất trong bài "Nguyên tiêu" của Bác chúng tôi cũng thấy có gì đó chưa ổn, chưa hay. Và nhận xét "mấy chữ khối lượng vật chất có chiều nặng nề, thô vụng" của tác giả Lê Thái Phong là hoàn toàn xác đáng.
Đúng là với bài Nguyên tiêu cũng như các tác phẩm nghệ thuật khác, mỗi người có cảm nhận khác nhau. Với một bài thơ hay, nhuần nhị như vậy, thiết nghĩ cũng chả cần tách bạch ra những khoảnh khắc trong đó tư duy chính trị, khoa học quân sự lấn át tư duy thơ và ngược lại. Trong Bác, người lãnh tụ, nhà chính trị và thi nhân đã hoà quyện làm một. Chẳng phải sau khi bàn quân sự, bước ra khỏi mui thuyền gặp trăng, Người mới "thoắt biến thành thi sỹ". Ngay với hai câu đầu:
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang xuân thuỷ tiếp xuân thiên
trước khi "đàm quân sự" thì Người đã gặp trăng rồi, đã là thi sỹ rồi, và là thi sỹ thứ thiệt chứ không hề "tài tử"! Do vậy, cả ở đây nữa, ý kiến của tác giả Lê Thái Phong cũng không phải là vô căn cứ.
            Trong các cuộc tranh luận, đôi khi người ta thiếu bình tĩnh, có thể dùng những từ ngữ thô thiển, quá quắt. Chuyện này đã từng xảy ra trên văn đàn thời gian gần đây. Trước đây cũng đã từng có, không ít. Riêng bài của tác giả Lê Thái Phong, chúng tôi thấy chưa có gì là quá đáng. Chúng tôi nghĩ, mỗi người viết có được người đọc và trao đổi lại với mình thì đã là một niềm khích lệ rồi. Với ý nghĩ ấy, chúng tôi nghĩ nhà thơ Vũ Quần Phương chắc cũng vui lòng với những gì mà tác giả Lê Thái Phong góp ý, kể cả những ý đúng lẫn những ý còn cần tiếp tục trao đổi.
Dùng lời của người xưa mà răn dạy nhau cũng phải là người có bản lĩnh và tâm thế nhất định thì nghe mới thấm. Đó là cảm nghĩ cuối cùng của chúng tôi sau khi đọc những lời chót trong bài viết của tác giả Lê Hữu Bắc Sơn.
Vài lời mạo muội xin được bộc bạch. Biết là trong bài viết của mình không tránh khỏi những ý tứ sai lạc hoặc thô vụng. Rất mong được chỉ giáo.

Hà Nội,  8-9-2004
TP
Bài này tác giả Tạ Phương gửi cho VN. Nay lục lại đưa lên đây như một tư liệu. Cám ơn tác giả ( kiêm dịch giả tiếng Nga - Tạ Phương)!


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét