Thứ Năm, 5 tháng 2, 2015

TRỰC CẢM VỀ THƠ GS.TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG


TRỰC CẢM VỀ THƠ GS.TS ĐÀM ĐỨC VƯỢNG
                                                          
                                            PHỤNG HOÀNG DUNG
         
          Nhìn vào tổng thể sự nghiệp thơ, GS.TS. ĐÀM ĐỨC VƯỢNG là một nhà thơ không chuyên; và hôm nay, ông cũng là một trong các hội viên của THI ĐÀN VIỆT NAM, như phần lớn các nhà thơ không chuyên đang có mặt tại HỘI XUÂN THI CA này.
Về số lượng, thơ GS. Đàm Đức Vượng vào loại “KHỦNG”, tính ra có đến hơn 200 bài, có bài 4 câu, 8 câu, 12 câu,…, nhưng có bài dài tới mấy trăm câu, phần lớn viết theo thể tự do, thường lấy chất liệu từ những sử tích, những huyền thoại, những triết lý và cảm xúc từ cuộc sống nhân sinh, từ phi thường, khác thường, tới bình thường,…, và không phải khi nào nhà thơ cũng kịp có thời giờ tinh lọc, nhưng tựu trung lại ở một số bài, thì thơ ông gây kinh ngạc!

                                                                   *
Đức Vượng đến với thi ca với tư cách một nhà khoa học làm thơ. Với các nhà khoa học, ta gặp một hiện tượng lạ là trong cuộc đời thường, họ lại thích những gì có vẻ như ngược chiều với những đam mê khoa học, với nghề nghiệp chính của họ: đó có thể là thi ca, hội hoạ, âm nhạc… Là một GS.TS Khoa học, từng giữ nhiều trọng trách, từng là Bí thư thứ nhất Đại Sứ quán Việt Nam tại Cộng hoà Séc và Slovakia, nguyên Vụ trưởng, Chánh Văn phòng, Thư ký Khoa học chuyên trách tại Hội đồng Lý luận Trung ương,…,  hiện là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nhân tài nhân lực Việt nam, Đức Vượng đã tìm thấy ở thi ca khả năng chuyển tải những tư tưởng, những tri thức khác thường của mình mà văn xuôi không diễn tả được.
Có một loại Thơ – Trí tuệ mà không phải ai cũng thích đọc và biết đọc. Trong thơ Đức Vượng, chất trí tuệ rất lớn và lấn át cả cảm xúc. Nếu gạt qua một bên cả trăm bài  vần điệu còn trúc trắc, chỉ giữ lại vài mươi bài khá nhất, có thể nói, thơ Đức Vượng có một sức hấp dẫn, đặc biệt bởi các chiều kích của nhận thức trí tuệ lịch sử và triết học, về cõi nhân gian và lòng trắc ẩn. Ngay trong các bài thơ giàu triết luận, thì Đức Vượng cũng chinh phục được người đọc ở nghệ thuật luận lý. Có thể kê ra đây hàng loạt bài: Sử ca về Thích ca Mauni, Khổng tử, Triết lý về bài thơ tình của Salômông, Bàn về âm dương, Lý số, Luận về đàn ông, Luận về đàn bà, Đêm Praha đọc sách Hàn Phi tử, Bàn về tình sử nàng Kern và nhà thơ Puskin, Mối tình già, Triết lý về tình đời, Tình say,Hương tình, Tình hẹn, Yêu, Em đứng đó, Thư gửi em,Luận về văn chương và nhà văn, Làm thơ, Triết lý về cái “Không thể biết”…
Màu sắc triết luận trong thơ Đức Vượng ở mỗi bài cũng khác. Có khi mang tính chính luận, khi lại cảm thương, chua xót, khi pha chút dí dỏm, hài hước. Nhưng ở đâu, thơ Đức Vượng cũng mang đậm tấm tình với thế sự, với lịch sử rộng lớn của nhân loại, phản ánh một cách nhìn sâu sắc, bao dung và đúng đắn.
Hãy nghe nhà thơ Luận về đàn ông qua cuộc đời của những vĩ nhân:
Napônêông có những buổi chiều ngồi trầm tư
Sau chiến trận vang lừng ngồi viết thư cho Giôdephin.
Người anh hùng có lúc phải lặng im
Mềm nhũn trước tình yêu cuộc sống.
Xêda cầm quân lệnh vang như sấm
Kiêu hãnh lẫy lừng chiến trận vinh quang
Vẫn phải làm “từ binh” cho nàng Clêôpat
                                                          rực rỡ dung nhan.
Khổng tử một bậc Thánh nhân kho tri thức
đầy ắp thế gian
Rất muốn nằm chung với bà Hoàng hậu ở trong màn
Đứng trước dung nhan bậc thánh nhân cũng phải bàng hoàng
          Với vô vàn những ví dụ, những sử tích, những truyện tình, bài thơ dừng lại một triết luận sáng suốt của tri thức nhân gian:
Sách xưa viết: “Đàn bà có sắc đẹp làm thành trì suy bi
Dễ dàng đánh bại người đàn ông có mối tình si”
Nhưng cao hơn. Cắt nghĩa cho những hệ luỵ này, theo tác giả, loài người chỉ còn một cách tìm về Thượng đế - Vị Thần tối cao đã tạo ra người đàn ông đầu tiên là Ađam cô đơn, rồi, vì thương cảm, lại tạo ra Eva - người đàn bà xinh đẹp - người đàn bà đầu tiên cho thiên tình sử nhân loại; và thế là:
“Từ đấy loài người đầy máu nước mắt và hoa”.
Sự lý giải của tác giả cho thấy trí tuệ uyên bác của ông.
          Luận về đàn bà, nhà thơ cũng bắt đầu từ lịch sử cổ xưa hoang dã, chưa được chế định bởi lề luật của loài người:
                             Khi chế độ mẫu quyền thịnh hưng
                             Đàn bà chỉ huy đàn ông
                             Lúc ấy trần gian đầy ăm ắp bão giông
                             Và loài người vẫn sống chung vợ chung chồng
          Rồi từ những chế định chặt chẽ về lề luật xã hội và lịch sử, nhà thơ đã phác hoạ lại, dựng lại, và xê dịch bức chân dung người đàn bà - một nửa của nhân loại với những bộ mặt và sắc thái khác nhau, biểu trưng cho những phẩm cách khác nhau, càng ngày càng đa diện, thuần khiết và không thuần khiết; và dường như không né tránh một nết tốt và tính xấu nào: như tình yêu và sự thiển cận, bản lĩnh, nét chung tình và sự ghen tuông độc ác, sắc đẹp, tài hoa, và sự nổi loạn không thể nào chế ngự:
Đàn bà có sức công phá mạnh hơn bom A…/Đàn bà nhiều người có sức xông pha…
                             Đàn bà ghen còn khủng khiếp hơn cả chiến tranh…
          Nhưng với tác giả, đàn bà tựu trung kết cục không vượt nổi thân phận; và điều đó nằm ngoài sức phán đoán của một cá nhân. Định mệnh và thân phận của người đàn bà chung quy thuộc về lịch sử, bởi suy cho cùng:
Đàn bà thiệt thòi hơn đàn ông /Thuyền theo lái, gái theo chồng / Đời người đàn bà thường chịu nhiều bão giông / Chẳng mấy khi được sưởi ấm dưới nắng hồng.
Nhưng, kết thúc thú vị của luận đề: Đàn bà – nàng là ai?, chính là sự cất lên bởi một tấm tình xót thương cùng với tiếng thở dài, phản ánh một cái nhìn chung cục, rất đàn ông của chính tác giả, như một nhân loại đang yêu hướng về người đàn bà trong tấm dung nhan và thân phận:
          Ánh trăng ngà thường sáng yếu về đêm /Người đàn bà có bao nỗi cô đơn.
                                                                    *
Lấy cảm hứng chủ đạo từ triết học và lịch sử nhân sinh, từ hình tượng các vị Thánh, các triết gia, các nhà tư tưởng, các nhà thơ và nàng thơ của họ, các hoạ sĩ và nữ thần sắc đẹp của họ, nhà soạn nhạc và các ca nương của họ, nhiều bài thơ  Đức Vượng mang khát vọng vượt lên tầm khái quát của triết luận - thơ, vừa cảm phục, vừa lắng đọng nỗi sầu muộn trước cảnh sống bao người, không ngoại trừ chính tự sự của riêng mình.
          Hãy nghe Đức Vượng viết về mối tình của hoạ sỹ Tây ban nha Picatxô và nàng Giăccơlin:
Picatxô hoạ sĩ tài ba / Một con người sang trọng cả thế giới tụng ca /Sống đến tuổi chín mươi mà vẫn chưa già / Có lần ông đến Pari để vẽ / Nàng là người mẫu trong bức hoạ của ông /Hình ảnh nàng in đậm trong nét vẽ của chồng/
     Gương mặt nàng tượng trưng cho sự thanh xuân/Là hoa lá của thiên nhiên diễm lệ
                             Dáng thanh thanh của một phụ nữ đầy khích lệ
                             Trinh trắng một đời và trong trẻo dưới nắng mai
                             Dáng của nàng nổi lên trong những bức hoạ kỳ tài
                             Là sự tái tạo của thể chất mỹ nhân có một không hai
                             Vừa cổ điển, vừa là hình ảnh của ngày mai
Là tượng trưng tuyệt vời của thế giới tương lai.
          Không dừng ở tụng ca, nhà thơ định giá tuổi trẻ và sắc đẹp của Người Đàn bà chính là sự sống, là suối nguồn, cảm hứng, ân sủng, thậm chí là “hiện thân” bất tử -  của “thể xác”*, trong chính linh hồn mãi mãi thanh xuân của hoạ sĩ thiên tài:
   Giăccơlin là hiện thân của Picatxô /Khi yêu Nàng, Ông đã bước vào tuổi “cổ lai hy”
                             Một mối tình già sao hấp dẫn đến diệu kỳ.
          Ở đây, “hiện thân là một ý niệm sáng tạo rất cao của Đức Vượng; và phải là một người có nền học vấn châu Âu vững chắc mới thẩm thấu được, vì ẩn ý của người viết gửi gắm trong câu thơ, rằng NGƯỜI ĐÀN BÀ là một phần xương thịt của NGƯỜI ĐÀN ÔNG, bởi Thánh Kinh - Cựu ước của nhân loại đã truyền, rằng chẳng phải nàng Eva đã được sinh ra từ chính chiếc xương sườn của chàng Ađam đó sao? Với phẩm cách là đứa con tinh thần, trao gửi một phần xương, một phần thịt của người cha và người mẹ vào tác phẩm hội hoạ, chẳng phải là hào hoa, hài hoà và hợp cách lắm sao? Điều đó cũng giống biển cả tựu trung lại trong một giọt nước, sa mạc hiển hiện trong một hạt cát; và THƯỢNG ĐẾ, THƯỢNG ĐẾ như các triết gia thời cổ điển thường quan niệm, THƯỢNG ĐẾ chẳng phải là một hiện thân cao cả, đẹp đẽ và tương ứng với VŨ TRỤ và cái TOÀN THỂ đó sao?.
          Nội dung tư tưởng thơ Đức Vượng thường vượt qua trí lực của bạn đọc thông thường, nhất là bạn đọc ít đọc, các bạn đọc trẻ thời @ thông thạo mạng nhưng không căn bản thông tin; họ, nói chung, không mấy đọc các tác gia kinh điển, nên chân lý của nghệ thuật khó có thể gieo giá trước trực  giác rực sáng của lý trí thuần tuý. Không phải là một đáng tiếc sao?
Trong một rừng tri thức cổ kim, những thông điệp củả GS.Đức Vượng về Hàn Phi tử với thời đại ngày nay khiến tác giả bài luận thơ này lưu tâm nhất; bởi sách của Hàn Phi tử là sách dạy các bậc Quân vương, hiền nhân dùng sách đó để phán đoán thời cuộc sẽ ích lợi vô cùng; tức đọc sách đó rồi, chiếu cái nhìn vào thời cuộc mà có thể đoán định ngay chiến lược đối  phương (cắt một đoạn).
          Người viết bài này còn muốn lưu ý bạn đọc tới những chú thích rất đáng giá cuối bài thơ “Đêm Praha, đọc sách Hàn Phi tử”. Đức Vượng viết:
“Những năm tháng sống ở châu Âu, tôi đã đàm đạo với nhiều trí thức Việt Nam sống ở nước ngoài về Hàn Phi tử…Tôi thấy Hàn Phi tử là một nhà tư tưởng lớn của Trung Quốc thời xưa…Khổng tử, nói vậy, học thuyết của ông cũng chỉ xoay quanh vấn đề nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Còn Hàn Phi tử lại dám xông thẳng vào vấn đề trị quốc, bình thiên hạ. Người ta thích học thuyết ông chính là cái nghĩa khí trong học thuyết đó… Tuy nhiên…, xét về mặt pháp luật, Hàn Phi tử thực sự là một luật gia vĩ đại”.
Đức Vượng  trích nhiều, trong đó có những câu khiến các bậc chăn dân đời nay  phải giật mình:
- “Người mẹ hiền có người con hư, nhưng cái nhà nghiêm thì không có bọn tôi tớ hung hãn”. - “Cái lợi của bầy tôi là ở chỗ không có khả năng mà được làm quan, không có công lao mà được giàu sang,…”.
Lấy chú giải mà luận bàn, đấy là noi theo cái cách của người xưa đọc Luận ngữ, Mạnh tử, Đạo Đức kinh,…Lấy các cách ngôn mà rèn đúc, cũng là một con đường để đồ nên phong cách, ý chí, phẩm hạnh và dấu ấn của thi ca!
                                                *
Với chừng ấy, ít nhiều bạn đọc đã thấy thơ Đức Vượng hay rồi; nhưng theo tôi,  trên cả cái hay là cái có ích, cái cần thiết, cái không thể chối từ. Thơ Đức Vượng cho ta cái trực cảm mạnh mẽ ấy.
Hãy đọc ÂM DƯƠNG, LÝ SỐ… Những tri thức uyên thâm ấy, cả dân gian, cổ điển và huyền thoại, Đức Vượng diễn nôm lại một cách mạch lạc, rõ ràng, thỉnh thoảng lại đan vào dăm ba câu bình bác:
“Mệnh ẩn bên trong, tướng thể hiện ra bên ngoài./ Có mệnh ắt có tướng,
có tướng ắt có mệnh / Cả mệnh và tướng đều bẩm thụ từ trời/…Tướng
mệnh của mỗi người được chiếu rọi bởi các chòm sao /
và  thụ cảm nơi người con gái với con trai /
                   Sao lấp lánh cuộc đời mang bao nỗi cảm hoài.”
“…Khi người mẹ mang thai, chiếu trải  không ngay ngắn không ngồi /
Thức ăn cắt không thẳng không ăn / Việc không đoan chính không được làm /
                    Giữ gìn bào thai tình mẫu tử chứa chan.
 Đó là sự gắn kết hợp tình của tri thức Đông Tây, tri thức chiêm tinh và tử vi, tướng mệnh. Tri thức đó, không cứ gì thời hiện đại, tự cổ xưa con người đều khao khát, từ ông vua tới gã ăn mày, từ thương nhân đến thường dân, từ kẻ trọc phú tới người nghèo kiết xác…  Cảm giác những tri thức của ông nhiều đến nỗi cứ thản nhiên huy động, cứ mọc lên, kết tàng trên đầu, cồ cộ và nhức nhối, và cứ thế xông thẳng, húc thẳng vào hàng rào, vào phên dậu mỏng mảnh của thi ca, làm nghiêng đổ, bất chấp vần điệu và luật lệ, và sau đó nâng chén, cùng cười lên ha hả.
Và suy cho cùng, con người nhà thơ, cũng như cộng đồng, trong những hoạt động của mình, thường thống nhất với nhau trong những cứu cánh – trong những mục đích cuối cùng : cái Đẹp và cái có ích.                                                                                Thay mặt các nhà bình thơ không chuyên – xin trân trọng chúc mừng nhà thơ - GS.TS Đàm Đức Vượng.        
    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét