Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Một trăm ngày

                                                    

                                                                     Nhà văn nhà giáo Hoàng Dân
                           Một trăm ngày
                                                                            Chử Văn Long

Mai là đã một trăm ngày em mất
Một trăm ngày anh khóc biệt li em
Sao hôm nay trời sấm ran chớp giật
Để lòng đau từng khúc lại đau thêm

Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ
Không còn em tất cả đã là không!
Cả câu thơ suốt đời anh tri kỉ
Em ta mất rồi thơ có buồn không?

Giữa đời đông vui tháng ngày đẹp đẽ
Không có em anh càng thấy bơ vơ
Rồi mai đây khi chiều tàn nắng xế
Ai chờ anh lúc trở gió thay mùa…

Em thành ánh sao sa buồn thăm thẳm
Em thành hương hoa lí thoảng trời khuya
Có thương anh những ngày đơn lẻ bóng
Thì đêm đêm theo giấc mộng em về

Lời bình của Hoàng Dân
Không ít người cho rằng đã là thì sĩ thì đương nhiên là rất… đa tình, mà thường là cái tình “ngoài chồng ngoài vợ”. Chính những cái tình ấy mới là nguồn cảm hứng vô tận cho thi sĩ, còn vợ ư? Khó nói thật đấy!
Nhưng nếu đọc bài thơ này của Chử Văn Long thì nhiều người sẽ phải đổi ý. Một bài thơ khóc vợ và tôn vinh vợ rất chân thành, cảm động.
Hai câu thơ đầu giản dị như một lời kể:
Mai là đã một trăm ngày em mất
Một trăm ngày anh khóc biệt li em
nhưng đọc lên sao thấy thật nặng tình. Hình như người chồng đã đếm từng ngày, mà ngày nào cũng đau đớn như ngày nào. Mỗi ngày mà con người phải sống trong tâm trạng thương tiếc đớn đau thường là rất dài, nó chậm chạp trôi đi thật nặng nề; đáng sợ; nhưng một trăm ngày lại vụt qua quá nhanh. Đó là một nghịch lí mà ca dao đã “tổng kết” từ muôn đời: “Sự đời bấm đốt ngón tay/Trăm năm thì ngắn, một ngày dài ghê”!
Người chồng gần như mê sảng mộng mị kêu lên:
Sao hôm nay trời sấm ran chớp giật
Để lòng đau từng khúc lại đau thêm

Sau những giọt nước mắt thương đau, người chồng dường như đã trở lại trạng thái thăng bằng hơn, tự hỏi:
Anh còn sống trên đời làm gì nhỉ
Không còn em tất cả đã là không!
Người ta thường nói vợ là “bạn đời” hoặc là “nửa kia của chồng”…; nhưng ở hai câu thơ này thì vợ và chồng đã là một thực thể duy nhất, do đó mất vợ tức là thực thể ấy cũng không tồn tại. Phải là người chồng yêu vợ lắm mới có thể viết ra được những câu thơ như vậy. Cũng không chỉ có tình yêu, mà còn là sự tôn vinh, vì ở đây người chồng đã xác định một “giá trị” không thể thay thế của người vợ, cái “giá trị” ấy cao tới mức: quyết định cả lí do tồn tại của người chồng.
Thế cho nên, mất vợ là mất một người tri kỉ, mất một cái đẹp sở đắc:
Cả câu thơ suốt đời anh tri kỉ
Em ta mất rồi thơ có buồn không?
Sự mất mát ấy là không thể bù đắp, nó khiến người chồng cảm thấy bơ vơ lạc lõng giữa dòng đời đông đúc:
Giữa đời đông vui tháng ngày đẹp đẽ
Không có em anh càng thấy bơ vơ
Và thảng thốt nghĩ tới tuổi xế chiều cô đơn trong ốm đau bệnh tật:
Rồi mai đây khi chiều tàn nắng xế
Ai chờ anh lúc trở gió thay mùa…
Có người trách tác giả bài thơ “Sao mà nhà thơ bi quan đến thế?!”. Trách như thế là quyền của người đọc, tôi không tranh luận. Chỉ lưu ý rằng, tục ngữ Việt Nam có câu “Con chăm cha không bằng bà chăm ông”. Trong thực tế, có rất nhiều đôi vợ chồng già, khi bà “đi” trước thì chỉ một thời gian ngắn sau, ông cũng “đi” theo, nguyên nhân chỉ vì buồn quá mà chết!
Trong nỗi nhớ nhung khôn nguôi của người chồng, người vợ đã khuất vẫn luôn hiện hữu trong những ảo giác mơ hồ, thảng thốt:
Em thành ánh sao sa buồn thăm thẳm
Em thành hương hoa lí thoảng trời khuya
Và người chồng tha thiết nguyện cầu:
Có thương anh những ngày đơn lẻ bóng
Thì đêm đêm theo giấc mộng em về
Một trăm ngày là bài thơ khóc vợ. Những giọt nước mắt của người chồng khóc vợ vốn đã dễ khiến người đời động lòng trắc ẩn, huống chi người chồng ở đây lại là một thi sĩ. Hoá ra, thi sĩ đa tình thì vẫn đa tình, nhưng thi sĩ cũng chung tình như tất cả những người đàn ông đã may mắn tìm cho mình được một người đàn bà vừa là người vợ, là người tri kỉ, lại vừa là một… người mẹ tuyệt vời!
                                                                    Thạch Bàn, tối thứ năm, 20.3.2014

                                       

2 nhận xét:

  1. Nếu như đây là bài thơ khóc vợ thật của bác Chử văn Long , thì lời đầu tiên xin có lời chia buồn cùng Bác và gia đình
    Bài thơ là một bản điếu văn bi ai , rất thật lòng . Đọc xong tôi phải lặng người đi một lúc lâu ,cảm giác rất khó tả . Một nỗi buồn đi theo từng câu thơ
    Cũng may đọc lời bình của bác Hoàng Dân đã xua bớt đi phần nào nỗi buồn đó . Lời bình của Bác rất hay, không sa đà vào sự bi ai sầu thảm , mà chỉ làm bài thơ đẹp lên , giúp người đọc nhẹ nhõm một phần nào .ở dưới suối vàng nếu đọc được bài thơ này và bài bình này chắc người đã khuất sẽ rất thanh thán , không còn vướng bận với trần thế , mà nhẹ nhàng siêu thoát
    Cảm ơn bác Vũ Nho và bác Hoàng Dân

    Trả lờiXóa
  2. Chào bạn Salam!
    Cám ơn đã ghé trang, đọc và chia sẻ!

    Trả lờiXóa