Thứ Hai, 20 tháng 4, 2015

Vũ Nho nói về Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH của Trần Mai Hạnh

                                                              Tác giả Trần Mai Hạnh trong buổi hội thảo

Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH của Trần Mai Hạnh
Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự Thật, Hà Nội, 2014

                                                         Vũ Nho

Tiểu thuyết BIÊN BẢN CHIẾN TRANH 1-2-3-4.75 của Trần Mai Hạnh là một cuốn sách công phu, tâm huyết. Trước hết, đây là tiểu thuyết tư liệu nên có thể nói nguồn tư liệu phong phú và sống động là một  đảm bảo cơ bản cho thành công của tác giả. Là người trực tiếp tham gia chiến dịch, lại công tác ở cơ quan thông tấn có nhiều tư liệu tham khảo về  đối phương, cùng với 6 nguồn tư liệu ( Biên bản trả lời phỏng vấn và tự thú của các nhân vật chủ chốt, Biên bản lời khai và tường trình của nhiều tướng lĩnh bị bắt hoặc ra trình diện, Những tài liệu nguyên bản của phía bên kia, Biên bản phỏng vấn  của Viện nghiên cứu chiến lược Hoa kì với 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt,…Báo, tạp chĩ Mĩ, các nước phương Tây và Sài gòn; Những tư liệu của tác giả đã công bố), tác giả có một thuận lợi vô cùng to lớn  so với bất kì ai khi muốn dựng lại trung thành những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn. Mặt khác giờ đây, đã có một độ lùi lịch sử cần thiết để suy ngẫm và nhìn lại  các sự kiện. Cũng đã có nhiều hồi kí của một số nhân vật của phía bên này và bên kia được công bố; tác giả có thêm cái nhìn toàn cục về cuộc chiến.
Tuy nhiên, tư liệu càng phong phú và đa dạng  bao nhiêu thì vừa là thuận lợi,  lại cũng là một khó khăn cho người viết bấy nhiêu. Vấn đề là phải xuyên qua một núi tư liệu và sự kiện, chọn lọc những gì cơ bản nhất, căn cốt nhất và kết nối, xâu chuỗi chúng lại để phục vụ cho ý tưởng “ phác thảo toàn cục và chi tiết về toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ cùng bộ mặt của hầu hết tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong những ngày tháng cuối cùng của chiến tranh” (Lời tác giả). Vì vậy mà có thể nói tác giả đã dày công và thành công khi từ những ngồn ngộn tư liệu xây dựng 19 chương sách với thời gian các tháng 1,2,3,4 của năm 1975, phản ánh khái quát và trung thực chân dung các tướng lĩnh và chính khách của quân đội và chính thể Sài Gòn. Có thể về mức độ đậm nhạt về mỗi con người khác nhau, nhưng tổng thể bức tranh khái quát khá sống động và chính xác, phản ánh  trung thành những gì mà mọi người đã biết ít nhiều về các tướng lãnh và chính khách đó. Đặc biệt, các nhân vật quan trọng như Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên, Trần Văn Hương, Trần Văn Đôn,…các tướng lĩnh của quân đoàn, quân khu như Ngô Quang Trưởng, Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Khoa Nam,…


Tác giả cuốn sách muốn làm một “biên bản” chiến tranh cho nên địa điểm và ngày tháng được đặc biệt chú ý. Những Huế, Pleiku, Đà Nẵng, Nha Trang, Xuân Lộc, Sài gòn, Cần Thơ được gắn liền với các sự kiện quan trọng  trong quá trình thất bại của quân đội Sài Gòn. Đặc biệt là các mốc ngày tháng. Các nhà viết sử có thể căn cứ vào cuốn sách để viết chính xác lịch sử đương đại với các dấu mốc  và chi tiết quan trọng. Ví dụ :   1 giờ sáng ngày 17 tháng ba, Nguyễn Khắc Bình cho bắt 7 người chống đối và tuyên bố đập tan một  âm mưu đảo chính; Đêm 27 tháng Ba, Thiệu lên vô tuyến truyền hình “  ra mắt quốc dân đồng bào, giải thích hiện tình đất nước”; ngày 29 tháng Ba 1975, ngày cuối cùng của chế độ Sài Gòn ở Đà Nẵng;  Tối 21 tháng Tư, Thiệu tuyên bố từ chức;  19 giờ 30 phút ngày 25 tháng 4, Thiệu rời dinh Độc Lập. Nguyễn Văn Thiệu đã rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay của Mỹ C118 bay từ Thái Lan sang, chứ không phải bằng chuyên cơ Boeing 727…
          Yếu tố thời gian không chỉ là ngày, tháng, năm, mà còn cụ thể đến chi tiết sáng, trưa, chiều, tối, đêm. Không phải là ít các ví dụ chi tiết đến tận giờ và phút. Ví dụ ở trang 16, 22, 38, 53, 65, 122, 124, 134, 166, 173, 193, 196, 201 ( ba thời điểm). 204, 205, 208,  209, 211, 252, 383,…
          Trong sự sụp đổ  từng mảng không thể cứu vãn được của quân đội và chính quyền Việt Nam Cộng Hòa, tác giả đã dành tâm huyết để khắc họa hình ảnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, một người gian hùng với nhiều thủ đoạn, với những lo lắng, cố gắng và tuyệt vọng. Ngay cả viên tướng quan trọng của Thiệu là Ngô Quang Trưởng cũng “ không thể tin Thiệu được. Thiệu là một kẻ gian hùng, ranh ma quỷ quyệt, luôn tạo ra khoảng cách trong các quyết định của mình để rồi nói một đằng, làm một nẻo” ( trang 103). Người đọc có thể thấy nỗi ám ảnh của Thiệu khi đã chứng kiến cái chết của anh em tổng thống Ngô Đình Diệm, vì vậy nên luôn sợ hãi đảo chính, không tin bất kì ai, thường xuyên thay đổi chỗ ngủ. Những mâu thuẫn, những toan tính và lúng túng trong xử lí tình hình sau khi mất Buôn Ma Thuột. Trong các cuộc họp, Thiệu khi thì gằn giọng tức tối, lúc đập bàn; khi lại truy xét đến cùng người đối thoại; khi gật gù tán thưởng người trình bày; có khi khôi hài;  lúc lại tức giận chửi tay chân vô dụng, đòi trừng phạt ngay lập tức để răn đe. Đối với  bản thân, Thiệu cực kì mê tín, có riêng một thầy tướng số cho mình, lại còn sang tận Đài Bắc để thỉnh ý của Quỷ Cốc Tử. Và chính sự “mê tín” thái quá này mà Thiệu đã bị các tướng lĩnh lợi dụng và lừa bịp. Đó là trường hợp của tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, lo lót cho thầy tướng số trong nước, và  Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, kì công mò sang tận Đài Bắc để nhờ thầy tướng diễn màn kịch bịp Thiệu. “ Cứ xem sao của ông Toàn đây thì thấy rõ, hiện tuy lu mờ nhưng sắp tới sẽ rực rỡ, tỏ vượng. Ông ta là con người siêu phàm hiếm có, không chỉ là trụ cột của Việt Nam Cộng Hòa trong nguy biến mà còn là cứu tinh của Đông Nam Á để thoạt khỏi cộng sản!” ( trang 249). Những chất vấn, đối thoại của Thiệu với Đại sứ Mác tin và tướng  Uâyen,  sự lên gân của Thiệu; sự tính toán bí mật chuyển của cải sang Đài Bắc;  và cuối cùng là việc đột ngột bỏ rơi những người thân cận nhất là Hoàng Đức Nhã và Đặng văn Quang “ trong cảnh sống mái để tranh giành một chỗ để ra đi, Nhã và Quang đã không ngớt lời chửi rủa Thiệu” ( trang 316). Bên cạnh nhưng hoạt động quân sự và chính trị, người đọc cũng còn được biết ít nhiều về đời sống riêng của Thiệu. Việc tổ chức đám cưới cho con gái là “ cú áp phe tiền bạc” khi gia đình Thiệu tổ chức đồng thời một lúc ở gần một chục địa điểm trong Sài Gòn. Việc Thiệu trốn vợ đi Vũng Tàu chơi gái, rồi có con riêng với một người, bị vợ ghen. Việc gia đình Thiệu bị các báo Sài Gòn đồng loạt tố cáo tham nhũng trong khi chính Thiệu luôn rêu rao “ tham nhũng là quốc nhục”…cho thấy bộ mặt thật của người đứng đầu chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
          Bên cạnh nhân vật chính là Nguyễn Văn Thiệu, tác giả tiểu thuyết cũng đã vẽ chân dung những tướng lĩnh, các người hùng của cuộc chiến tranh. Mỗi viên tướng mỗi vẻ. Kẻ thì thích  phô trương quyền lực, quần áo mũ mãng chỉnh tề, kè kè chiếc gậy chỉ huy cấp tướng dài ba tấc tám ( Cao Văn Viên, Vị đại tướng đã định tự tử bằng  viên thuốc độc Xyanit nhưng lại đổi ý, đi di tản ). Kẻ thì đồi bại đểu giả và gian manh như Nguyễn Văn Toàn. Tướng Phú, tướng Trưởng khi đứng trước các nhà báo thì hăng máu “yêng hùng”, lên gân khoác lác, nhưng thực tế thì bất lực. Mồm nói quyết tử thủ, nhưng chỉ lo lấy mạng sống của mình.  Trần Văn Đôn thì theo đánh giá của Trung tướng Ngô Quang Trưởng “ chỉ giỏi nhảy đầm, khiêu vũ, chơi gái và chẳng biết cái mẹ gì về trận mạc”. Nhưng đây là con người ham quyền lực và chức tước luôn “ trở cờ” giữa phái Trần Văn Hương và Dương Văn Minh để mong có một chức vụ.  Trung tướng Cao Hảo Hớn thì có 50 chỗ cho nhân viên di tản, nhưng “ đem bán cả gói cho “con phe” , cầm gọn 50.000 đô la bỏ túi” ( trang 329). Rõ ràng nhất cho sự thất bại không cứu vãn được là chính các tướng tá mạnh ai nấy chạy. Tướng chạy, tá chạy, không còn ai để mà nhận lệnh chỉ huy. Đặng Văn Quang nói với Thiệu : “ Trình Tổng thống! Như vậy tình trạng lại giống như Trung tướng Ngô Quang Trưởng ở quân khu I. 15 phút trước tôi gọi còn có sĩ quan tham mưu trả lời; 15 phút sau gọi điện ra, Bộ tham mưu đã bỏ đi hết” ( trang 211). Đây có thể coi là trường hợp phổ biến của đội quân tan rã. Với các gương mặt chính trị, thiết nghĩ mấy câu ngắn gọn này đã nói lên đầy đủ “ Trên đống đổ nát của tình hình quân sự đã trăm phần trăm tuyệt vọng, các phần tử chính trị cơ hội nhảy ra như cào cào, châu chấu”. ( trang 343) Từ Trần Văn Đôn đến Nguyễn Cao Kì, Nguyễn Hữu Có, Vũ Văn Mẫu, đến Phó tổng thống Trần Văn Hương cố trì hoãn để được làm Tổng thống trọn một tuần…đều là những con rối đáng cười của sân khấu chính trị.
          Tác giả cố gắng trình bày một cách khách quan quá trình  tan rã và sụp đổ  của quân đội và chính thể Việt Nam Cộng Hòa.  Với kinh nghiệm làm báo dày dặn, tác giả sử dụng giọng văn điềm đạm, bình tĩnh, chủ yếu để cho  các sự kiện, các nhân vật tự nói lên. Chỉ khi thật cần thiết mới có một đôi lời bình luận ngắn gọn. ( Ví dụ : “vừa nói được mấy câu Thiệu đã nổi đóa lên. Thiệu hùng hổ nguyền rủa lịch sử. Thiệu cay cú mắng tớ chửi thầy. Thiệu than thân trách phận. Thiệu vừa khóc vừa lên giọng thề bồi” ( trang 308). Cách viết như vậy cũng là một thành công. Tuy nhiên, nếu có thể lược bớt nhưng chi tiết về tình hình, về một vài sự kiện  trùng lặp; lược bớt các phúc trình; tăng hơn nữa việc phân tích tâm trạng, tâm lí ; tăng hơn nữa việc miêu tả khái quát thì tiểu thuyết sẽ rút bớt được số trang và tính hấp dẫn được tăng hơn đáng kể.

                                                 Hà Nội, 14 tháng Tư năm 2015


Chú thích thêm:
Cuốn sách hầu như không có lỗi vi tính. Chỉ có 5 lỗi chính tả ở trang 123, 311, 317, 377, 385.

Duy nhất ở trang 275, khi nói về các báo Mĩ viết bình luận về diễn văn của tổng thống G. Pho, nhưng tác giả không dẫn tên báo, ngày tháng.


4 nhận xét:

  1. CẢM TÁC
    Kính tặng: PGS.TS Vũ Nho

    Tiếng lòng bình luận, tuyệt vời thay!
    "Biên bản chiến tranh"- tiểu thuyết hay
    Trí tuệ, tâm hồn ngời ngưỡng mộ
    Việt Nam thống nhất rợp cờ bay!


    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cám ơn Lãng Du đã ghé trang, đọc và chia sẻ bằng thơ nữa!

      Xóa
  2. Một bài viết rất hay. Những lời thẩm bình chuyên sâu. Cảm ơn bác bác Vũ Nho đã chia sẻ trên trang này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hô đó có chiếu phim. Tôi cũng không biết bạn quan tâm văn xuôi nên không nhắn tin. Bài viết này tôi trình bày trong buổi CLB văn chương tổ chức.

      Xóa