Thứ Ba, 6 tháng 2, 2018

ƯỚC CÓ NGÀY LẠI ĐƯỢC LÊN XỨ LẠNG





ƯỚC CÓ NGÀY LẠI ĐƯỢC LÊN XỨ LẠNG
Bút ký của nhà văn Phạm Ngọc Chiểu.


Gần năm giờ chiều, xe chúng tôi quành vào sân khu nhà khách của Ủy ban huyện. Cửa vừa mở, gió ập vào xe khiến mọi người rùng mình. Trong tiếng xít xoa, tôi khẽ thở phào với ý nghĩ thoáng nhanh trong đầu: Vậy là cả đoàn vừa băng qua ngót hai trăm cây số quanh một vùng đất biên cương trong giá lạnh kinh người!
Nhận phòng nghỉ, thu xếp đồ đạc xong, tôi mở điện thoại xem những khuôn hình đã ghi lại trong hành trình vừa đi qua. Bắt đầu từ đồn biên phòng số 35. Trước khi khởi hành cuộc đi mang tính khảo sát, khám phá, trung tá Nguyễn Xuân Thanh - Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên đồn 35 cùng ban chỉ huy đồn tiếp chúng tôi trong căn phòng ấm cúng, sau đó anh trực tiếp đưa chúng tôi lên cửa khẩu bản Chắt, có tên chữ là cửa khẩu Chi Lăng. Tôi ngắm người sĩ quan rắn rỏi trong quân phục người lính biên phòng mà cứ thầm ngạc nhiên. Người trai quê xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây cũ, vùng đất không xa lạ đối với tôi trong những năm tháng tôi cầm bút ở tỉnh Hà Sơn Bình – người từng cùng đồng đội trấn giữ nhiều vùng biên viễn trong Nam ngoài Bắc, lại là người dễ xúc động. Nhớ lúc nghe một nhà thơ trong Đoàn Nhà văn đọc bài thơ “Tháng Giêng gặp bạn ở Lạng Sơn”, gương mặt trung tá đằm hẳn lại. “Tháng Giêng tôi về với Lạng Sơn/ Khi điểm cao 820 đạn pháo thù cày nát/ Câu Nhì-à, Thoòng- lầu trai gái Nùng vẫn hát/ Phiên chợ Kỳ Lừa tíu tít những bàn chân...” Những câu thơ vang lên trong giọng đọc truyền cảm của nhà thơ, gợi nhớ cuộc chiến đấu giữ gìn biên giới mấy chục năm trước, khiến trung tá hơi cúi mặt, mắt chớp chớp, chớp chớp. “Anh, vậy ra hồi đó anh cũng ở điểm cao 820 ? – Mình lên sau. Hồi đấy mình là phóng viên báo An ninh Thủ đô, lên đến đỉnh 820 thì chỉ còn được nhìn thấy cảnh tan hoang của chiến trận. – Còn chú, chú có mặt trong trận đánh ấy ? – Vâng ! Vậy là cả hai anh em mình từng cùng có mặt ở 820, và anh đã viết được bài thơ. Quý hóa quá. Từ bấy đến nay đã lần nào anh trở lại điểm cao đó ? Chưa ạ ? Nếu anh muốn, dịp nào đấy em đưa anh về với đất Tràng Định, và anh em mình cùng thăm lại cao điểm 820...” 


                                          Nhà văn Phạm Ngọc Chiểu ( thứ tư từ phải qua) và các nhà văn ở thác Đăng Mò ( Bình Gia, Lạng Sơn)

 
Tôi ngồi gần, không chỉ nghe được trọn vẹn những lời nhà thơ và trung tá nói nhỏ với nhau, mà còn thấy những giọt nước lóng lánh trong mắt hai người. Sau giây phút xúc động cố kìm nén, trung tá đưa chúng tôi lên cửa khẩu Chi Lăng. Đây, tấm ảnh tôi đứng cạnh cột mốc 1269 cách không xa Cửa Khẩu. Vẫn nhìn rõ Cửa Khẩu đang làm thủ tục cho đoàn xe tải trọng lớn chờ chuyển hàng sang bên kia biên giới. Bên trái tôi, cách vạch ranh giới hai nước trên đường bê tông chừng mười mét, một người trai dân tộc Choang vận áo rét màu đỏ tươi, quần bò xanh bạc đứng chăm chú quan sát chúng tôi tíu tít chụp ảnh kỷ niệm. “Bác nhìn kìa, ngay phía sau bác có hai cột mốc rất đặc biệt: một cây thông và một cây sau sau. Cây thông thuộc đất Việt Nam. Cây sau sau là của Trung Quốc đó bác.” Nhìn theo tay trung tá, tôi thấy hai cây cùng xanh tốt, chỉ khác màu lá. Cây thông Việt Nam lá màu xanh đậm, dáng cây hình mũi tên vươn lên trời cao. Cây san san nhuốm màu lục bạc ngả sang vàng sậm, tua tủa cành vươn ngang. Ngắm hai cây mốc giới đường biên không hiểu do người trồng hay cây mọc theo thiên định, trong gió rét lộng thổi, tôi chợt nghe âm vang lời thơ bất hủ của tướng quân Lý Thường Kiệt thuở nào trên sông Như Nguyệt: “ Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư...” Tiếng thơ đưa dắt tôi đến cột mốc số 0 dựng cạnh con đường bê tông mới mở bắt vào đường lớn cửa khẩu, để từ đây con đường men lên sườn núi và khuất vào cỏ cây biên giới. “Đây là Đường tuần tra biên giới đã được bê tông hóa. Dù đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước, Quân đội vẫn quyết tâm xây dựng đường biên trên suốt chiều dài biên giới và ven biển vững chắc để xác lập chủ quyền Quốc gia. Riêng huyện Đình Lập tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 40 cây số đường biên thì đồn biên phòng 35 phụ trách tuần tra, bảo vệ hơn 20 cây số, với 33 cột mốc dựng trên địa phận hai xã thuộc huyện Đình Lập và Lộc Bình, trong đó có sáu thôn bản giáp biên. Để hoàn thành nhiệm vụ, lãnh đạo đồn 35 biên chế đơn vị thành nhiều bộ phận, bám địa bàn và tổ chức tuần tra, bảo vệ biên giới. Tuần tra theo đường bê tông và tuần tra theo đường nghiệp vụ”. Giọng trung tá rành rọt trong gió lạnh. Và, anh đồng ý để Đoàn Nhà văn đi thực tế theo Đường tuần tra biên giới từ cửa khẩu Chi Lăng huyện Đình Lập sang huyện Bình Liêu tinh Quảng Ninh.
Một giờ chiều, sau bữa cơm vui cây nhà lá vườn đậm đà hương vị và bản sắc dân tộc đúng nghĩa, do các anh nuôi đồn 35 chế biến, Đoàn Nhà văn lên đường “tuần tra”. Tíu tít bắt tay và những lời hò hẹn. Xuất hiện thêm một chàng đồn phó trẻ măng không thấy có trong cuộc gặp hồi sáng. Hỏi mới biết chàng “phó” trẻ này tên là Vũ Hữu Hưng, quê Lập Thạch, Vĩnh Phúc, vừa bảo vệ xong Luận văn Tiến sĩ Luật. Nghe giới thiệu mà tôi cứ ngẩn ra ngắm chàng trai Vĩnh Phúc cao lớn khỏe mạnh đang tươi cười chào đón khách văn nhân. Nếu không tận mắt, tận tai chứng kiến và được nắm bàn tay Vũ Hữu Hưng vừa chúc mừng, vừa chia tay, mà chỉ nghe ai đó kể lại, rằng ở đồng biên phòng nhỏ bé mang số hiệu 35 trên đất Đình Lập xa vắng chưa nhiều người biết đến, có chàng đồn phó là Tiến sĩ Luật trẻ tuổi, chưa chắc tôi đã tin. Ngẫm mới thấy Bộ Tư lệnh Biên phòng coi trọng việc xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới đến mức nào.
- Cả đoàn lên xe chưa ? Nào, ta lên đường tuần tra !
Trưởng đoàn Lã Thanh Tùng nghiêm trang phát lệnh. Chiếc xe For hàm cá mập mới coong – một trong những biểu hiện chăm lo chu đáo cho chuyến đi thực tế của Đoàn Nhà văn về với đất Lạng Sơn của Phó Chủ tịch thường trực Tô Hùng Khoa và Phó Chủ tịch Đoàn Thị Hậu cùng tập thể lãnh đạo Hội đồng Nhân dân tỉnh của Giám đốc Sở văn hóa – Thể thao – Du lịch và lãnh đạo Hội Văn nghệ Lạng Sơn dành xe tốt và cử “tay lái lụa” Hoàng Văn Quang cầm vô lăng – xe cẩn trọng lăn bánh qua cổng đồn biên phòng 35, rồi tăng ga băng lên Đường tuần tra biên giới .
Chẳng mấy chốc, từ trên lưng chừng dãy núi phân định chủ quyền hai Quốc gia, tôi và các Nhà văn thật sự choáng ngợp trước đất trời vùng biên cương Đình Lập. Trong gió lạnh, trời quang, nắng vàng, đất phên dậu của “Nam quốc sơn hà” ta ngời ngời hiện ra trùng trùng núi non, mà thiên nhiên khéo sắp đặt để phô bày từng cặp từng đôi ngọn phồn thực và tươi trẻ như vồng ngực các cô gái dậy thì. Những vồng ngực có sức hút hồn văn nhân ấy càng gợi cảm khi được vận thứ trang phục muôn hồng nghìn tía do cỏ cây của đất và nắng gió của trời thêu dệt. Một nhà thơ trong đoàn không kìm được xúc cảm, se sẽ thốt lên: “Chao ôi, thiên nhiên biên ải thật tuyệt vời !”
Chiếc xe For vẫn băng băng lên dốc, xuống đèo. Đến một đỉnh dốc thuộc địa phẩn Bản Ma, trước những triền lau miên man sắc màu dờn hoa trong gió, xe dừng nghỉ để các Nhà văn thi nhau ghi lại những khuôn hình biên cương khó có cơ gặp lại trong đời. Tôi đứng bên cửa xe tránh những làn gió buốt lạnh cứ ào ạt thốc thổi, nhìn lại mấy cung đường tuần tra vừa đi qua, trong đầu lương vương tự vấn: Con đường phơi ra trần trụi giữa lưng chừng núi thế kia, anh em lính biên phòng sẽ phải đội trời, đạp đất trong nắng, trong mưa, trong gió lạnh để làm nhiệm vụ tuần tra, lại còn phải băng rừng, lội suối theo đường nghiệp vụ nữa để giữ yên biên thùy... Gian nan thế, có ai chùn bước không ?...
Ba giờ chiều, xe đến ngã ba có cột mốc số 0 bên đường ghi dấu địa gới giữa Lạng Sơn và Quảng Ninh, chúng tôi rời đường tuần tra, rẽ theo đường 18C để về Bình Liêu, rồi đi tiếp Tiên Yên, sau đó theo quốc lộ 18 trở về Đình Lập. Và, gần 5 giờ chiều, xe chúng tôi quành vào sân khu nhà khách của Ủy ban huyện, kết thúc hành trình khám phá một miền biên ải xa xôi.
***
Đêm đã khuya, gió biên giới vẫn ù ù ngoài cửa. Tôi vừa đọc bản “Báo cáo tình hình thực hiện phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh năm 2016; mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 của UBND huyện Đình Lập”. Đọc xong và lan man nghĩ ngợi. Lúc chập tối, trong cuộc tiếp xúc, Bí thư Huyện ủy Nông Lương Chấn chân tình bộc bạch rằng, Đình Lập là huyện chưa giàu, còn nhiều khó khăn. Huyện vùng biên này có diện tích đất đai xấp xỉ tỉnh Thái Bình, nhưng dân số ít, có cửa khẩu thông thương với Trung Quốc song kinh tế vẫn trông vào nông nghiệp là chính. Là một nhà báo chuyên nghiệp, đang làm Giám đốc Đài phát thanh - Truyền hình kiêm Chủ tịch Hội Nhà báo Lạng Sơn, anh được luân chuyển về làm Bí thư Huyện ủy Đình Lập đã 30 tháng, đang cùng tập thể Huyện ủy gắng chèo chống đưa vị thế Đình Lập vượt lên. Trong những cử tọa ngồi nghe Bí thư Chấn tâm sự, tôi chú ý đến một chàng trai có gương mặt trắng trẻo thư sinh, vận bộ com lê đẹp và lịch sự, nhưng điều đáng nói là ở anh toát ra một vẻ chững chạc trước tuổi khiến người ta tin cậy.
Cuộc tiếp xúc giữa Đoàn Nhà văn và lãnh đạo chủ chốt của huyện Đình Lập chỉ gói gọn trong một buổi tối, nội dung ưu tiên cho sự giao lưu vui vẻ, tôi chỉ kịp ghi được một ít thông tin về chàng trai. Tên: Nguyễn Hoàng Tùng. Tuổi: 40. Công việc đang làm: Chủ tịch UBND huyện. Muốn trò chuyện với vị Chủ tịch trẻ tuổi mà thời gian khó thu xếp quá. Sáng mai anh đã phải chỉ huy cuộc huấn luyện quân sự, trong khi chúng tôi lại đi sang huyện Bắc Sơn theo lịch trình đã thống nhất với Phó Chủ tịch Tô Hùng Khoa. Cân nhắc mãi, cuối cùng tôi đành nhờ điện thoại cầm tay.
“A lô ! Chào Nguyễn Hoàng Tùng. Tôi là ....”
Thật hay, cuộc đàm thoại giữa tôi và Chủ tịch UBND huyện Đình Lập đã diễn ra rất vui vẻ.
Thì ra, Nguyễn Hoàng Tùng cũng về Đình Lập theo chế độ luân chuyển cán bộ. Đang là Tỉnh ủy viên – Bí thư tỉnh đoàn, anh nhận quyết định về Đình Lập làm Phó Bí thư huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện. Sinh năm 1977 ngoài Móng Cái tỉnh Quảng Ninh, nhưng Nguyễn Hoàng Tùng lớn lên và trưởng thành trên đất Đình Lập. Bố là giáo viên dạy toán, mẹ là công nhân nông trường chè Thái Bình đều sống và làm việc ở đây nên những năm tháng tuổi thơ, cắp sách đến trường của Nguyễn Hoàng Tùng gắn bó với Đình Lập. Anh học một lèo đến tốt nghiệp PTTH thì vào học Khoa toán, trường Cao Đẳng Sư Phạm Lạng Sơn. Tốt nghiệp với điểm Thủ khoa, Hoàng Tùng quay về Đình Lập dạy học và tiếp tục học xong Khoa toán Đại học Sư phạm. Năm 2002, Tùng là giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh và được kết nạp Đảng. Năm 2003, anh được đề bạt làm Hiệu phó trường THPT Đình Lập. Vốn ham học, lại được giao công việc quản lý giáo dục, Hoàng Tùng theo học Trường Cán bộ quản lý Giáo dục của Bộ và được cấp bằng Thạc sĩ. Con đường dạy học đang rộng mở thì bỗng nhiên Hoàng Tùng bước theo một ngả rẽ- anh được đưa sang làm Phó Bí thư Huyện đoàn huyện Đình Lập tháng 12/2005, và đến năm 2007, anh lên làm việc ở Tỉnh đoàn Lạng Sơn. Tại đây, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Tùng lần lượt kinh qua các chức trách Trưởng ban, rồi Phó Bí thư, và năm 2012 anh được tín nhiệm giao vai trò người cầm cờ phong trào Thanh niên và tổ chức Đoàn của tỉnh. Ở tuổi 35, được học hành bài bản, cương vị công tác được giao dần trọng trách, nhiều người nghĩ đường đời và quan lộ của Nguyễn Hoàng Tùng coi như đã định hình, sẽ cứ thế mà đi lên, đi xa. Bố mẹ Tùng nghỉ hưu, nghe theo đề nghị của anh, hai cụ rời bỏ căn nhà xây dựng ở phố huyện Đình Lập để ra thành phố Lạng Sơn sinh sống với vợ chồng con cái anh. Vậy là cả nhà đoàn tụ vui vẻ, ngày ngày Hoàng Tùng thơ thới xách cặp ra xe sang trụ sở Tỉnh đoàn làm việc. Đang như thế thì anh nhận quyết định luân chuyển công tác, quay về Đình Lập lãnh trách nhiệm Phó Bí thư Huyện ủy – Chủ tịch UBND huyện...
- Báo cáo Nhà văn, đường đời của cháu từ lúc sinh ra cho đến khi gặp chú và Đoàn Nhà văn ở Đình Lập vắn tắt là vậy chú ạ. Bây giờ cháu trao đỏi với chú về công việc của cháu và huyện cháu...
Nguyễn Hoàng Tùng là thế, từ lúc gặp tôi đã một mực thưa gửi theo tuổi tác. Và Chủ tịch huyện Đình Lập chuyển nội dung đàm thoại như anh vừa nói, với một đề nghị:
- Chú ạ, việc cháu sắp nói với chú chắc là khá dài, vậy chú hãy tắt điện thoại di động chú đang gọi để cháu bấm máy bàn của cháu gọi lại cho chú, chú nhé. Chắc chú đã đọc tập tài liệu của UBND huyện cháu báo cáo tại kỳ họp thứ 3 Hội đồng nhân dân huyện khóa 20, nhiệm kỳ 2016-2021. Vâng, chú cháu mình sẽ trao đổi trên cơ sở tài liệu đó, cộng với những gì chú đã nghe, đã thấy trong chuyến đi.
Văn bản này đúng là tôi đã đọc và ghi những con số cần thiết. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thúy sản của Đình Lập đạt con số 601.858 triệu đồng, đạt 107,4% so với kế hoạch. Sản xuất công nghiệp và thủ công nghiệp đạt 74.802 triệu đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn là 11.891 triệu đồng. Tôi chú ý các con số: 100% hộ dân được nghe Đài tiếng nói Việt Nam, 93% hộ dân được xem Đài truyền hình, nhưng tổng số xã đạt chuẩn y tế xã chỉ mới có 2 xã, chiếm tỉ lệ 16,7% kế hoạch...
Nghe tôi nêu mấy con số và nói những suy nghĩ của mình về so sánh những gì Đình Lập đã làm được trong năm 2016 và kế hoạch sẽ làm năm 2017, nhất là tỷ lệ xã đạt chuẩn y tế xã còn quá khiêm tốn, Chủ tịch huyện Đình Lập chăm chú lắng nghe, sau đó hào hứng nói về những ý tưởng, những dự định của mình. Theo Nguyễn Hoàng Tùng, Đình Lập là một trong hai huyện biên giới nghèo nhất tỉnh Lạng Sơn, nhưng lại có cửa khẩu Chi Lăng thông thương với Trung Quốc, vậy muốn kinh tế khá lên, giàu lên, Đình Lập phải tìm cách phát triển kinh tế cửa khẩu. Tức là phát triển kinh tế Thương mại xuất-nhập khẩu chính ngạch, tính xem mình xuất hàng gì, nhập về hàng gì giúp cho kinh tế của huyện tăng trưởng. Từ bài toán này mà tính ra phát triển kinh tế nội địa. Thế mạnh hàng hóa của Đình Lập là 3 cây mũi nhọn: cây thông, cây hồi, cây chè. Sau 3 cây chủ lực này là những cây dược liệu quý: ba kích, sa nhân và nấm lim. Phải quy hoạch và quyết tâm cao phân vùng các loại cây này. Đình Lập cũng có thế mạnh về chăn nuôi trâu, bò và các giống gia súc, gia cầm khác. Năm 2016, tổng đàn gia súc bị giảm, chỉ đạt 85% kế hoạch, thế là rất không ổn. Năm 2017 này, kế hoạch phát triển chăn nuôi đã ghi rõ: đàn trâu phải tăng ít nhất 1%, đàn bò tăng 2%, gia cầm cũng phải tăng từ 1 đến 2%. Cùng với đó, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5%, công nghiệp – xây dựng tăng 14%, các ngành dịch vụ tăng 13%. Có thế, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn mới đạt con số 13.515 tỷ đồng...
Càng nói giọng Nguyễn Hoàng Tùng càng sôi nổi trong điện thoại áp bên tai tôi. Tôi nghe và bỗng thấy hiện ra trước mắt mấy chàng trai cùng có tên Nguyễn Hoàng Tùng. Một thầy giáo Hoàng Tùng nghiêm trang trên bục giảng với những công thức Đại số và hình vẽ Hình học trên bảng đen sau lưng anh. Một Bí thư Đoàn Hoàng Tùng trẻ trung, sôi nổi trên diễn đàn, trong đêm văn nghệ của tuổi trẻ Lạng Sơn. Sinh động và ấn tượng là Hoàng Tùng giương cao cờ Đoàn Thanh niên Việt Nam chạy một vòng trên sân vận động lớn trước ngưỡng vọng của tuổi trẻ năm châu tại Liên hoan Thanh niên và Sinh viên Thế giới lần thứ 19 tổ chức tại thành phố Xô Tri của nước Nga. Và, hình ảnh sau cùng là Nguyễn Hoàng Tùng có khuôn mặt trắng trẻo thư sinh, vận com lê đẹp và lịch sự, toát ra vẻ chững chạc trước tuổi, mà tôi nghe dân tình Đình Lập kháo rằng, vừa về nhận lãnh trách nhiệm Chủ tịch huyện, anh đã dám tổ chức cuộc đối thoại trực tiếp với dân để xóa bỏ chợ tự phát trên đường ô tô, đưa việc buôn bán vào chợ trung tâm đã được quy hoạch, vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa ổn định hoạt động thương nghiệp. Và thật bất ngờ, tiếp liền sau những hình ảnh về chàng Chủ tịch huyện trẻ trung, tôi bỗng nhìn thấy gương mặt từng trải, chín chắn của Bí thư Nông Lương Chấn, cùng với vẻ rắn rỏi của trung tá- chính trị viên đồn biên phòng 35 Nguyễn Xuân Thanh và người đồng đội trẻ tuổi của trung tá – Tiến sĩ, Phó trưởng đồn Vũ Hữu Hưng. Cả cô Phó Bí thư thường trực Huyện ủy và anh Trưởng phòng Văn hóa –Thể thao-Du lịch của huyện nữa. Rồi Phó Chủ tịch Tô Hùng Khoa, Phó Chủ tịch Đoàn Thị Hậu. Rồi Giám đốc Sở VH-TT-DL Nguyễn Phúc Hà và chú Lý Sáng chuyên viên Hội Văn nghệ Lạng Sơn, cùng tay lái lụa Hoàng Văn Quang tận tụy, đáng yêu... Từng ấy con người sinh ra, lớn lên ở các miền quê khác nhau nhưng đang sát cánh bên nhau để xây dựng và bảo vệ một vùng đất biên cương rộng lớn mang tên Đình Lập và cả xứ Lạng ngàn năm danh thơm vững vàng phên dậu, đã vào ca dao có sức mời gọi người đời: “Ai lên xứ Lạng cùng anh...”
Những con người ấy và câu ca dao ấy khiến tôi bồi hồi, thầm ước sớm có ngày lại được lên Lạng Sơn, được về Đình Lập.
 

Khương Đình - Hà Nội ngày cuối năm – 31/12/2017
P.N.C


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét