Thứ Bảy, 9 tháng 6, 2018

CHÙM THƠ KỶ NIỆM HAI CHUYẾN THĂM QUẢNG TRỊ - CHIẾN TRƯỜNG XƯA





CHÙM THƠ KỶ NIỆM



HAI CHUYẾN THĂM  QUẢNG TRỊ



-         CHIẾN TRƯỜNG XƯA



(3/2014 & 5/2018)

LÊ TẤT TỪ 

(Nguyên Thượng sĩ Quân y, Đoàn An dưỡng 869,

 thuộc Quân khu Thủ đô Hà Nội)

  

ĐƯỜNG RA



Đường ra, qua bến Hiền Lương,

vẫy tay tạm biệt chiến trường năm xưa.



Tới Hà Nội, giữa đêm mưa,

mà lòng xao xuyến như chưa muốn về!...



Nhớ nhau, giữ trọn câu thề:

-         Trời cho còn khỏe, lại về thăm nhau!



3/2014.



LẠI VÔ



                                                                    Đồng đội ơi! Tôi lại về đây!

Thỏa lòng ao ước bấy lâu nay!

  Bồi hồi chợt nhớ ba năm trước:

Hẹn rằng còn sức; xế còn bay!



*** 

...Thắp hương khấn bạn, nghẹn ngào!

Rưng rưng nước mắt muốn trào, rưng rưng!...

Trời hòa đất quyện... mung lung,

Cổ Thành Quảng Trị lẫy lừng năm xưa!...



Phaó, bom, đạn thẳng như mưa,

Quân mình quyết giữ, chẳng thua trận nào!

81 ngày ác liệt sao!

Lá cờ nhuộm thắm máu đào các anh.

Cho dòng Thạch Hãn mãi xanh,

êm đềm, ấp ủ mông mênh tình người.



                                                      *

Hồn thiêng thanh thản khắp trời,

thân tan trong sóng, đắp bồi phù sa.

Thầm thì nhắn nhủ cùng ta:

                                                      Sang năm còn mạnh, bạn già lại vô! 

Quảng Trị  -  Thụy Phương,

Bắc Từ Liêm, Hà Nội



5/2018



SÔNG XƯA..., CHAI NƯỚC NGHĨA TÌNH!



ĐƯỜNG VĂN

Quý tặng đồng đội Quảng Trị (1972 – 1973),

đồng hương Trèm – Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội,

đồng tuế U 70: Cựu Thượng sĩ Quân y Lê Tất Từ  (Ba Từ)



Nhờ bạn thăm chiến trường xưa

giúp mang về chai nước nhỏ,

múc từ Bến Vượt sang Thành Cổ.

Kỉ niệm một thời Quảng Trị giao tranh...


                 ***

Ngắm chai Lavi trong veo,

chứa nghĩa, chan tình U bẩy*!

Công một nén, của một đồng**.



Lão giả, song chẳng an chi!***

Đồng đội ới cái... là đi!

Lính mà! Lòng rưng cảm kích!

               ***

Áp chai nước bên tai,

thấy dòng sông cuộn sóng.

Bến Nhan Biều sẩm chiều xuân lồng lộng,

bạt ngàn, hàng trăm bộ đội,

tay quạt nước, tay ủn phao nilon

phồng  căng máy, súng.

Ào ào vượt sông!



Bỗng tiếng pháo chụp nổ: oành oành!

Thằng bơi bên gục đầu, chìm lỉm.

Mình tức ngực, rã rời,

bị sóng xung kích đánh văng xa,

chân chạm đất, mới hay còn sống!...



Ngó lênh loang Thạch Hãn* vào đêm,

chập chờn ánh ma pháo sáng...

Từ ấy, Hiếu Giang* thêm một Hà Nội thủy phần!****



Nay hồn bạn nhắn gì?

Làm bọt nước sủi lăm tăm?!

            ***

Áp chai nước bên tai:

ẩn hiện góc hầm tối om trên cao điểm 15,

chiến sĩ thông tin 2W

căng tai nhận điện Tiểu đoàn.

Lưng đồi bên kia,

phùm phụp pháo khoan

xoáy sâu lòng đất.



Thấp thoáng áo rằn

bọn Thủy quân Lục chiến

hò nhau, muốn xông sang lấn chiếm;

Giọng Nam Bộ nặng trịch,

tục tằn, toàn: Đù mẹ! Đù cha!



Tiếng D trưởng khàn khàn

quát rung tổ hợp:

-         Các đồng chí!

Phải giữ CHỐT bằng mọi giá!

Cho đến hết đêm nay:

Không được phép rút lui!

Không được để mất CHỐT!

7 giờ sáng mai,

Hiệp định Pari mới bắt đầu hiệu lực...



Bây giờ, hồn đồng đội nhắc chi?

Khiến nước trong chai

chợt réo sôi sùng sục?!

            ***

Áp chai nước bên tai:

thấy lại dáng mình chênh chao,

trong chiều chập choạng...

Trúng đạn thẳng xuyên chân,

cố vịn vai bạn, lò cò

xuống xuồng cứu thương,

chở qua hậu cứ

điều trị ít lâu...

Cuộc chiến hãy còn dài!...



-Tạm biệt dòng sông máu thịt của tôi!

Xin chào nhé!

Các anh em ở lại!

           ***

Đặt chai nước quý

lên Ban thờ thiêng liêng.

Lắng giọt giọt sông trong

hòa giọt giọt máu hồng

bao đồng đội nay yếu già?!

Bao đồng chí đã hy sinh?!

Hóa Thạch Hãn xanh trong,

hạnh phúc, hòa bình

để ta ngàn thương,

để mình muôn nhớ,

cùng 90 triệu con dân

đồng bào nước Việt:

Tri ân tâm thành,

vĩnh viễn hùng ca:



Hiếu Giang, Thành Cổ,

Nhật Lệ, Tích Tường,

Ông Do, Ái Tử,

Đông Hà...**** *



hoài hương!...



  • CHÚ THÍCH:

*U bẩy mươi: ĐV (1949), BT (1950); * Hiếu Giang (sông Hiếu), tên khác: Thạch Hãn – con sông lớn nhất thuộc tỉnh Quảng trị; ** Tục ngữ Việt, Hán; *** Ngôi mộ dưới đáy sông; ***** Những địa danh nổi tiếng ở chiến trường Quảng Trị (1972). 

Quảng  Trị (B5), 9/1972 – 3/1973

 – Hà Nội, tháng 5 – 4/6/2018. ĐV


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét