Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH






TÂM HỒN NGƯỜI LÍNH CÔNG BINH
                            PGS TS. Nhà văn Vũ Nho

Người  phụ nữ cựu chiến binh ấy vốn là một cô gái làng Thanh Xá, xã Nghĩa Hiệp, huyện Yên Mĩ, Hưng Yên. Chị đã từng phục vụ trong quân ngũ từ năm 1972 đến khi đất nước thống nhất 1975 thì xuất ngũ. Chỉ vì yêu mến đồng đội, yêu quý gia đình và bè bạn  nên chị cầm bút. Những vần thơ mộc mạc giản dị mà đằm thắm nghĩa tình.
          Thơ của người nữ chiến sĩ ấy trước hết là những  kỉ niệm sinh hoạt, chiến đấu của những người  hăm hở “ Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng  phơi phới dậy tương lai” ( Tố Hữu – Theo chân Bác). Họ vui tươi, hồn nhiên làm nhiệm vụ:
          Nhớ thời tuổi trẻ dưới bóng cờ
          Làm đường mở bến nối đôi bờ
          Át cả đạn bom bằng lời hát
          Trường Sơn còn mãi những vần thơ
                              Đồng đội
Bao nhiêu năm rời mặt trận rồi, nhưng   tên và hình ảnh những đồng đội vẫn in đậm trong trí nhớ của tác giả và bạn bè:
          Thắng choòng đục đá rất cừ
          Nhơ quai búa tạ chuẩn chu nhịp nhàng
          Đạt nhồi bộc phá theo hàng
          Hà tra kíp nổ cố làm cho nhanh
                             Sáng danh chiến sĩ Trường Sơn
Mỗi người  chiến sĩ làm một công việc  được phân công say mê. Trong điều kiện bom đạn của kẻ thù dày đặc:
          Độ này bom thả rất ghê
          Chị em vất vả mải mê đêm ngày
          Người xẻng người cuốc luôn tay
          Kia xe cút kít đá đây lăn hoài
          Mồ hôi ướt đẫm đôi vai
          Bụi đất bám đỏ tóc tai áo quần
                         Chiến công mở đường
Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh có lần đã viết “ Không có sách chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình” . Người nữ chiến sĩ công binh Trường Sơn năm xưa làm thơ ghi lại những năm tháng chiến đấu của các chiến sĩ  đơn vị mình. Chiếc mũ tai bèo, rồi tăng, võng, rồi ba lô con cóc, rồi những dụng cụ làm đường  xẻng, cuốc, choòng, xe cút kít, hiện lên trong thơ  rất hiện thực mà cũng thật đẹp, thật thơ:
          Xua đi cái nóng giữa trời
          Mũ xinh che nửa nụ cười làm duyên
                             Mũ tai bèo
                                                       Vũ Nho chủ trang
 
          Ba lô xếp nặng căng tròn
          Lại thêm ba túi như con cóc xù
          Hai sườn buộc dép cao su
          Trùm lưng cóc lớn xoong đu bên ngoài
                               Ba lô cóc
Những cô gái công binh trẻ trung thật tươi tắn duyên dáng:
          Nét duyên ở lúm đồng tiền
          Long lanh đôi mắt đen huyền đáng yêu
          Tóc dài ôm dáng yêu kiều
          Tiếng cười tiếng hát làm xiêu lòng người
                             Tìm lại dáng xưa
Người đọc sẽ bắt gặp những kinh nghiệm tránh bom ( Bom mìn tự chuyện), những miêu tả  lính lên cơn sốt rét “ Miệng rên, rét lắm, co ro”, ( Sốt rét) những giây phút “ phá bom thông tuyến”, những  lúc thiếu nước nhịn tắm vẫn lạc quan “ Một tuần không tắm đâu có bẩn/ Vẫn đẹp vẫn duyên vẫn cười khì” ( Lính Trường Sơn) và những chia sẻ trong thời chiến tranh “ Củ rừng, hạt muối, bát canh chia đều” ( Tình của lính). Bao trùm tất cả là tình cảm đồng đội đồng chí, niềm tự hào là chiến sĩ Trường Sơn:
          Cuộc đời quân ngũ chúng mình
          Trường Sơn đó mãi khắc hình trong tim
                             Nhớ Trường Sơn
Phần quan trọng khác của tập thơ là những tình cảm, suy nghĩ sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ trở về hậu phương. Tác giả bộc bạch:
          Hoàn thành nghĩa vụ em trở về
          Với vườn với ruộng với làng quê
          Xây dựng gia đình , nuôi con nhỏ
          Phụng dưỡng mẹ cha, vẹn đôi bề
                               Thủy chung
Một cảm xúc đẹp về chiếc cầu của quê hương làm thăng hoa  ngòi bút:
          Đôi ta hạnh phúc biết bao
          Xe hoa như lạc đường vào trời hoa
                             Cầu hoa Yên Lệnh
Tác giả ca ngợi quê hương đổi mới, ca ngợi tình cảm gia đình,  mẹ con, bà cháu. Mặt khác  nhắc nhở, phê phán, những thói hư tật xấu khi lễ lạt, rượu chè,  đẻ nhiều, cờ bạc, đề đóm, đánh nhau làm xuống cấp đạo đức gia đình, xã hội. Chủ đề  và đề tài của thơ rất rộng, nhưng tất cả đều thể hiện phẩm chất của một cựu chiến binh đã làm trọn nhiệm vụ nơi chiến trường, tự hào về những  đóng góp cho quê hương:
          Tuổi xuân em gửi chiến trường
          Trở về em sống bình thường giản đơn
          Với bao kỉ niệm vui buồn
          Của thời con gái em luôn tự hào
                                       Đối đáp bằng thơ
Thật đáng ca ngợi khi sống ở nông thôn, nhưng người cựu chiến binh ấy kết nối facebook và trao đổi tình cảm, suy nghĩ với bao bè bạn trong thế giới ảo:
          Với bạn facebook luôn mong
          Vô tư kết nói sáng trong nghĩa tình
          Lời thơ, tin nhắn văn minh
          Vui, hài đăng điểm cho mình giải khuây
                          Chúc mừng năm mới
Trong bài thơ nói về  bản thân nhan đề “Tự bạch”, tác giả đã tự đánh giá thơ  mình như sau:
          Nhiều lúc ngẫm thấy buồn cười
          Thơ gà thơ vịt! Sợ người trách chê
          Ngữ pháp câu cú bộn bề
          Đổ vần xuôi ngược. Chẳng phê, đăng liền
          Bạn thơ mong xá trước tiên
          Cùng nhà bình luận chớ nên chê cười.
                               Tự bạch
Tôi cho rằng không nhà bình luận nào chê cười cả. Ai  cầm bút sáng tác cũng muốn thơ của mình hay, được nhiều người mến chuộng, khen ngợi, say mê. Nhưng tài năng thơ ca không phải ai cũng được trời phú để trở thành nhà thơ lớn. Đối với tác giả Lưu Thị Ánh, chị làm thơ không phải để trở thành nhà thơ, mà chỉ để ghi lại tình cảm của mình với bạn bè,  đồng đội, quê hương. Như nhan đề tập thơ, đây là “ nghĩa tình của  một người lính”. Người lính ấy quen với phá bom, làm đường nơi chiến trường, quen với ruộng đồng, vườn tược nơi thôn xóm. Không quen với việc cầm bút. Vậy mà chị đã có cả một tập thơ cho đồng đội, gia đình, bè bạn. Chỉ có thể chúc mừng sự thành công bước đầu của chị dù cho những bài thơ có chỗ vẫn chưa được như mong mỏi của người viết.
          Chúc tác giả vẫn say sưa với thơ, với facebook và sống vui, sống khỏe, sống có ích như mọi người cao tuổi!
                                                  Hà Nội, đầu tháng 5 năm 2018
                                
         

                                     

                            

                          
         

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét